Dân chủ và “dân chủ ở cơ sở”

Cuối tháng Chín vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tổ chức một cuộc Hội nghị Tổng kết 6 năm xây dựng và thực hiện Dân chủ ở cơ sở. Chủ trương dân chủ này được Thủ tướng Phan Văn Khải ban hành dưới hình thức “Quy chế”, bằng Nghị định số 29 ngày 11 tháng 5 năm 1998 và Nghị định số 71 ngày 8 tháng 9 năm 1998.

By line: Trần Thanh Hiệp

0:00 / 0:00

Qua nguồn tin tức của các cơ quan truyền thông chính thức và nhất là bài phát biểu mà ông Tổng bí thư Đức Mạnh đọc trước Hội nghị Tổng kết vừa nói, đã có thêm nhiều dữ liệu để tìm hiểu thế nào là Dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam. Sau đây là cuộc trao đổi về đề tài này giữa Việt Long với Luật sư Trần Thanh Hiệp, nguyên luật sư các Luật sư đoàn Sài Gòn và Paris.

Việt Long: Thưa Luật sư Trần Thanh Hiệp, "Dân chủ ở cơ sở" là một nhóm từ ngữ có thể nói là còn mới trong ngôn ngữ chính trị ở Việt Nam. Thế Luật sư có cho rằng nhóm chữ nghĩa này được dùng để nói đến một hình thức đổi mới chính quyền nhằm mục đích dân chủ hoá chính quyền Việt Nam hay không?

Trần Thanh Hiệp: "Dân chủ ở cơ sở" đúng là một cụm từ mới trong ngôn ngữ chính trị ở Việt Nam. Vấn đề là cụm từ này có biểu thị một sinh hoạt chính trị mới nào hay không hay chỉ là những chữ mới để gọi tên một sinh hoạt cũ. Có hai cách để hiểu cụm từ này. Nếu căn cứ vào ngôn ngữ chính trị của những nước dân chủ, nơi người Việt ở hải ngoại đang sinh sống, mà tìm hiểu, thì cụm từ dân chủ ở cơ sở có nghĩa là đưa dân chủ đã thật sự có ở trung ương về thực thi cả ở địa phương để cho dân chủ được mở rộng ở khắp nơi.

Nhưng nếu đọc kỹ các Nghị định của chính phủ Phan Văn Khải, năm 1998, ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở, và nhất là nếu dựa vào bài phát biểu mà ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã đọc nhân dịp có Hội nghị tổng kết 6 năm xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở để nắm bắt nội dung của cụm từ này thì, theo tôi, phải hiểu ngược lại, nghĩa là phải hiểu rằng đó là mở rộng Đảng về địa phương và thu hẹp mọi quyền dân chủ của người dân vào trong giới hạn của địa phương để cách ly dân với bộ máy cầm quyền ở trung ương. Nói thật ngắn gọn, không có đổi mới mà cũng không có dân chủ hoá chính quyền.

Hỏi: Nói như vậy e rằng có sự chủ quan chăng, thưa luật sư Trần Thanh Hiệp? Ông vui lòng chứng minh thêm về quan điểm mà ông vừa trình bày.

Đáp: Tôi không đưa ra thành kiến riêng của tôi để võ đoán mà chỉ phản ánh một cách rất trung thực quan điểm của các ông Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh, là những người có thẩm quyền trong việc giải trình trước dư luận thế nào là dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam.

Hỏi: Luật sư vui lòng dẫn chứng cụ thể ?

Đáp: Trước hết, khi lập luận như trên, tôi đã dựa vào bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết 6 năm xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Khi phát biểu với tư cách nhân vật số 1 của Đảng như thế, ông Mạnh chẳng những không dám đưa ra ý kiến riêng của mình mà còn phải làm sáng tỏ chủ trương của Đảng. Ông đã giải thích Chỉ thị số 30, ngày 18-2-1998, của Bộ Chính trị (khóa VIII) về Xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Bài nói của ông Mạnh dài chừng 3500 từ, chia ra làm 20 đoạn thì 2 đoạn được dùng để đề cao dân chủ xã hội chủ nghĩa còn 18 đoạn được dành để nói về Đảng.

Hỏi: Nhưng Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam có nói đến chuyện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" hay "quyền làm chủ của nhân dân trong cơ sở" thì theo ông, Đảng Cộng Sản có quan niệm ra sao về mối tuơng quan về vị trí giữa dân với Đảng, qua 18 đọan mà ông vừa nói?

Đáp: Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng phải nhắc đến dân chứ, nhưng nhắc là để lấy cớ cho Đảng cầm quyền một cách vô thời hạn và độc đoán. Dường như các lý thuyết gia cộng sản trong Bộ chính trị có vẻ rất đắc ý về đặc sản của mình là khẩu hiệu "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Thật ra, nó là cách nói đao to búa lớn mà họ không ngờ chỉ có tác dụng chọc cười dư luận. Đúng vậy.

Ở các nước dân chủ trong đó các quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận được triệt để tôn trọng, thì đâu cần phải Nhà nước cho phép, rồi bố trí, thì dân mới “được biết, được bàn, được quyết định, được làm, được kiểm tra” như ông Mạnh đã nêu cao? Mà tại sao phải về tận cơ sở mới được hành sử loại quyền thứ tư này? Vậy tôi cho rằng cái thứ khẩu hiệu này không là điều gì ghê gớm phi thường cả.

Còn chuyện làm “chủ đất nước” thì dân đã được làm chủ trên giấy tờ cách đây hơn 20 năm rồi, từ hồi ông hồi ông cựu Tổng bí thư Lê Duẩn, người đã công khai thiết lập nền chuyên chính vô sản trên nước Việt Nam. Đâu phải bây giờ mới đặt vấn đề dân được làm chủ. Tôi xin trích dẫn tiếp về bài phát biểu của ông Mạnh.

Trong nhiều điều ông Mạnh thuyết minh về những cái gọi là dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ ở cơ sở, tôi chỉ xin kể ra đây 5 điều chính. Một là dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ có tính ưu việt so với tất cả các nền dân chủ từ trước đến nay, là nền dân chủ rộng rãi nhất trong lịch sử. Hai là Quy chế Dân chủ ở cơ sở thể hiện ý Đảng hợp với lòng dân, đã bảo đảm cho người dân có điều kiện tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và đoàn thể với nhân dân.

Ba là không một nước nào có quyền áp đặt các khái niệm và nội dung dân chủ của mình cho các quốc gia khác. Ông nói tiếp, rằng do đó, "chúng ta", chẳng hiểu ông nói đó là Đảng Cộng Sản hay chính quyền, hay nhân dân, phải kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" xuyên tạc các vấn đề dân tộc, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Ông Mạnh nói tiếp, bốn là thực thi dân chủ phải đi đôi với thực thi pháp luật, dân chủ đi liền với kỷ cương. Năm là Hội nghị lần này nhất định phải bàn và tìm ra được những giải pháp thiết thực để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa Quy chế Dân chủ ở cơ sở, nâng cao lòng tin vững chắc của nhân dân vào Đảng và chính quyền.

Hỏi: Chắc hẳn ông phải có nhận định riêng về những điểm mà ông Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đề cập đến?

Qua những điều ông Mạnh đã trình bày, người ta phải nghĩ sao về quan điểm của Đảng Cộng Sản vẫn gọi dân chủ xã hội chủ nghĩa là ưu việt, rồi thì thể hiện ý Đảng để người dân đóng góp xây dựng Đảng và chính quyền, để làm gì? Để lại nâng cao lòng tin vào Đảng cầm quyền... và còn phải đi đôi với pháp luật trong kỷ cương, đồng thời phải chống lại những âm mưu gọi là can thiệp vào nội bộ của những thành phần mà thực chất là chỉ đòi hỏi dân chủ nhân quyền cho Việt Nam.

Nhìn qua những điều buồn cuời đó, những người khách quan rõ ràng không thể phủ nhận được là dân chủ ở cơ sở theo ý Đảng Cộng Sản không là gì khác hơn một loạt thủ đoạn để mở rộng đến tận cơ sở các cơ cấu cai trị của đảng và do đó đã thu hẹp mọi quyền chính trị của người dân trong giới hạn địa phương. Chính vì thế mà Đảng của ông Mạnh cứ phải chống kịch liệt mọi cuộc vận động đòi nhân quyền, dân quyền.

Hỏi: Thế còn công việc của Thủ tướng Phan Văn Khải thì ông đánh gía thế nào?

Đáp: Ông Phan Văn Khải chỉ là người đứng tên để thể chế hoá bằng pháp luật chủ trương hạn chế dân chủ của Đảng cộng sản. Tháng 2 năm 1998, Bộ chính trị Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tháng 5 rồi tháng 9 năm 1998, ông Khải ra hai Nghị định ban hành cái gọi là Quy chế dân chủ tại cơ sở, nghĩa là tại các xã, phường và các cơ quan hành chính. Trong hai văn bản pháp lý này, ở nhiều điều khoản, ông Khải đã đặt việc xây dựng và thực hiện dân chủ dưới quyền chỉ đạo của các cơ cấu địa phương của Đảng cộng sản , rồi dùng các tổ chức quần chúng của Đảng như Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, để bao vây cho dân chúng không thể vượt thoát khỏi sự lãnh đạo của Đảng.

Hỏi: Như vậy luật sư kết luận như thế nào về tương lai của Quy chế dân chủ ở cơ sở?

Trần Thanh Hiệp: Tôi thấy rằng những gì ông Nông Đức Mạnh nói về dân chủ không khác lời Lenin đã nói từ đầu thế kỷ trước. Nền dân chủ vi mô mà Đảng của ông Mạnh hiện đang ra sức áp đặt ở cơ sở, để lẩn tránh khỏi phải xây dựng trên cả nước một, nền dân chủ vĩ mô, chân chính và văn minh, vẫn chỉ là một đặc sản của một đảng Đảng cộng sản kiên định trong tham vọng độc tài toàn trị trước những khả thế ngày càng mong manh.

Trên đây là cuộc phỏng vấn của Việt-Long với ông Trần Thanh Hiệp, luật sư các tòa thượng thẩm Sài Gòn và Paris, về vấn đề dân chủ cơ sở ở Việt Nam. Những ý kiến của luật sư Hiệp không phản ảnh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.