Một số điểm chính và các luồng ý kiến phản đối phái đoàn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến New York


2007.09.28
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Gia Minh, phóng viên đài RFA

NguyenTanDungUn150.jpg
Ông Nguyễn Tấn Dũng trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York hôm 27-9-2007. AFP PHOTO
videoiconblack2.gif
>> Xem video clip bài phát biểu dài chừng 16 phút của ông Nguyễn Tấn Dũng trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York hôm 27-9-2007. Courtesy Un.org

Phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đến New York 2 ngày qua để tham dự khoá họp thứ 62 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Phái đoàn đã rời Hoa Kỳ để lên đường sang Pháp, Gia Minh điểm lược một số điểm chính của phái đoàn và các luồng ý kiến phản đối.

Cao điểm của chuyến làm việc tại New York vừa qua của người đứng đầu chính phủ Hà Nội là ra phát biểu trước phiên thảo luận chung cấp cao của khoá họp thứ 62 của Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào lúc 6 giờ chiều ngày 27 tháng 9 vừa qua.

Bài phát biểu dài chừng 16 phút của ông Nguyễn Tấn Dũng toá lên một ý lớn là kêu gọi các quốc gia ủng hộ Việt Nam vào chức uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, một chức danh mà chính ông thủ tướng chính phủ Hà Nội cho biết đã theo đuổi lâu nay:

“Từ năm 1997, Việt Nam đã chính thức ứng cử vào vị trí uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2008-2009”

Và lời hứa của ông Nguyễn Tấn Dũng khi được bầu vào chiếc ghế đó: “Chúng tôi sẽ nổ lực cao nhất để thực hiện trọng trách này. Việt Nam sẽ luôn là thành viên tích cực xây dựng, hợp tác, và có trách nhiệm trong đời sống quốc tế. Xứng đáng với sự tin cậy của các quý vị.”

NguyenTanDungUnProtest200.jpg

Nhằm đạt được mục tiêu đó, trong mấy ngày có mặt tại New York, phái đoàn đã dành nhiều thời gian tiếp xúc với một số quốc gia khác để vận động cho việc bầu cử chức uỷ viên không thường trực mới cho nhiệm kỳ tới sẽ diễn ra vào tháng 10 tới đây.

Song song với hoạt động ngoại giao nhắm vào mục tiêu vừa nêu, phái đoàn của ông NguyễnTấn Dũng còn có cuộc gặp với chừng 30 viên chức đứng đầu các tập đoàn lớn của Mỹ vào trưa ngày 26 tháng 9. Cuộc gặp do Hội đồng Kinhdoanh hoa Kỳ -ASEAN đứng ra tổ chức tại trụ sở chính của tập đoàn AIG.

Ngay trước cuộc gặp, bà Virginia Foot. Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt, cho biết: “Thủ tướng Dũng có chương trình làm việc riêng với từng vị chủ tịch của các công ty Mỹ đang hoạt động ở nhiều lãnh vực khác nhau. Và sau đó có buổi làm việc chung với mọi người. Mặc dầu ông Dũng rất bận nhưng các doanh nhân Mỹ đều vui mừng khi thấy ông đồng ý nhận lời gặp gỡ.

Trong các buổi tiếp xúc, phía doanh gia sẽ trình bày với người lãnh đạo Chính Phủ Việt Nam là các công ty của Hoa Kỳ muốn tiếp tục bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam và số vốn các công ty Mỹ bỏ vào ngày càng tăng và Việt Nam cần nắm bắt lấy cơ hội này. Phía doanh gia cũng mong muốn thấy Việt Nam đổi mới, thực hiện những điều đã ký kết khi gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO. Nói tóm lại, có rất nhiều điều hai bên sẽ trình bày cho nhau nghe.”

Và theo thông tin ghi nhận thì số hợp đồng ký kết được qua dịp này lên đến chừng một tỷ đô la Mỹ.

NguyenTanDungProtest200b.jpg
27-9-2007, nhiều người gốc Việt từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới cũng đến New York trong mấy ngày qua biểu tình bày tỏ phản đối phái đoàn ông Nguyễn Tấn Dũng. PHOTO RFA/ Gia Minh. >> Xem hình lớn hơn

Trong khi phái đoàn Việt Nam vận động cho chức danh uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thì vẫn có ý kiến cho rằng chưa nên để chính phủ Hà Nội đảm đưong chức vụ đó. Vì lý do đó mà nhiều người gốc Việt từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới cũng đến New York trong mấy ngày qua biểu tình bày tỏ phản đối của họ.

Ông Nguyễn Văn Tánh, một thành viên trong ban tổ chức cuộc biểu tình tại New York vào những ngày qua cho biết: “Chúng tôi thấy rằng, đáng lý ra nếu là người Việt Nam, thấy đất nước chúng ta được như vậy thì đáng mừng nhưng mà Việt Nam vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo và đàn áp dân oan.

Đó là điều mà chúng tôi chống đối. Chúng tôi thấy đảng CSVN chưa đủ sức làm một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.”

Tuy nhiên có nhận định cho rằng Việt Nam có khả năng rất cao sẽ được bầu vào chiếc ghế uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Lý do đây là ứng viên duy nhất của khu vực Châu Á và thủ tục này lâu nay như thế là khá chắc chắn.

Mong muốn của nhiều người thì khi đảm trách vai trò đó chính phủ Hà Nội sẽ làm tròn vai trò của họ như phát biểu mà ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm chiều ngày 27 tháng 9 vừa qua.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.