Hoạt động cổ võ dân chủ của “Nhóm sinh viên thế hệ 88” ở Miến Điện


2006.11.08

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Cùng với xu hướng toàn cầu hoá, làn sóng cổ võ và đấu tranh cho tự do dân chủ ở khắp nơi trên thế giới ngày càng phát triển và lan rộng, ngay cả ở những quốc gia vốn được xem là có chế độ cai trị độc tài, bất chấp mọi biện pháp đàn áp khắt nghiệt của chính quyền.

Ngay tại Việt Nam, có thể nói thời gian gần đây phong trào dân chủ quốc nội đã trổi dậy mạnh mẽ, lôi cuốn sự tham gia của nhiều giới, nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, từ các cuộc biểu tình khiếu kiện đất đai của nông dân, những vụ đình công đồng loạt của công nhân, đến việc công khai thành lập các nhóm dân chủ như khối 8406, với sự góp mặt của giới trí thức, mà đặc biệt là sự tham gia của thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nứơc.

AungSanSuuKyi150.jpg
Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo của Liên minh Dân chủ Miến Điện. AFP PHOTO.

Những du sinh có điều kiện ra nứơc ngoài học tập cũng bắt đầu mạnh dạn cất tiếng ủng hộ dân chủ bằng các hoạt động cụ thể như gửi thư ngỏ tới giới lãnh đạo Việt Nam hay thu thập chữ ký cho thỉnh nguyện thư. Sự ra đời của “Tập hợp thanh niên dân chủ” mà “Diễn đàn bạn trẻ” có dịp giới thiệu đến quý vị và các bạn cách đây không lâu là một ví dụ điển hình.

Không chỉ riêng Việt Nam, giới trẻ ở các quốc gia thiếu dân chủ khác cũng ngày càng tỏ ra quan tâm và dấn thân vào con đường đấu tranh dân chủ đầy chông gai, mà sự kiện gần đây nhất đang được công luận quốc tế đặc biệt chú ý là phong trào thanh niên dân chủ tại nước láng giềng Miến Điện, một trong những quốc gia nổi tiếng có chế độ cai trị độc tài.

Từ giữa tháng 10 vừa qua, hàng loạt các hoạt động công khai như chiến dịch thu thập chữ ký và các buổi lễ cầu nguyện cho dân chủ do chính giới trẻ đề xứơng đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của nhiều tầng lớp nhân dân.

Chương trình Diễn đàn bạn trẻ hôm nay, Trà Mi xin mời quý vị cùng tìm hiểu về những hoạt động của các bạn trẻ yêu chuộng dân chủ ở Miến Điện.

Chiến dịch thu thập chữ ký

Một tuần sau khi chính quyền ra lệnh bắt giữ một số lãnh tụ của phong trào sinh viên đấu tranh vì dân chủ, các bạn trẻ thuộc “Nhóm sinh viên thế hệ 88” ở Miến Điện đã khởi xướng một chiến dịch thu thập chữ ký trên toàn quốc, biểu lộ sự phản đối và kêu gọi nhà cầm quyền quân sự Rangoon phải phóng thích tất cả tù nhân lương tâm, trong đó có lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.

Chỉ sau 3 tuần phát động, chiến dịch này thu thập được hơn nửa triệu chữ ký cho thỉnh nguyện thư, bất chấp sự đàn áp, đe doạ của giới chức chính quyền.

Một nhân chứng kể lại việc nhân viên công lực theo dõi và ngăn cản không cho người dân ký tên ủng hộ thỉnh nguyện thư:

“Có an ninh đứng theo dõi từ xa, và một số cảnh sát còn được phân công đứng trứơc cổng nhà những người vận động để canh chừng mọi hoạt động. Các giáo sư trong trường đại học thì bị buộc phải ký vào đơn cam kết với chính quyền là sẽ không tham gia ký tên ủng hộ vào thỉnh nguyện thư của phong trào sinh viên dân chủ.”

Hàng trăm ngàn người ủng hộ

Hôm đầu tháng 10, cơ quan an ninh đã bắt giữ 2 thành viên thuộc đảng đối lập của lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi, khi họ tham gia vào chiến dịch này.

Một trong hai người tên là Win Ko, bị bắt khi vừa thu thập được 400 chữ ký. Sau đó, anh này bị tuyên án 2 năm tù vì tội cản trở nhân viên công lực thi hành công vụ và 1 năm tù về tội tàng trữ vé số lậu, mặc dù anh Win Ko phủ nhận tội danh này.

Người còn lại tuy chưa chính thức bị bị tuyên án, nhưng bị giam biệt tích. Cho tới nay, không một ngừơi thân hay bạn bè nào biết được tin tức về anh hoặc anh đang bị giam giữ ở đâu.

Song song với những biện pháp đàn áp nhằm cản trở chiến dịch thu thập chữ ký của thanh niên dân chủ, nhà cầm quyền quân sự Miến còn tuyên truyền rằng nhiều chữ ký trong số này là giả mạo.

Đáp lại lời cáo buộc này, những người tham gia vận động phong trào khẳng định nếu như ngừơi dân Miến có được 1 ngày tự do trọn vẹn, thì số chữ ký ủng hộ thỉnh nguyện thư có lẽ không dừng lại ở con số này mà đã lên tới hàng triệu.

Trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự do, anh Kyaw Min Yu, một trong các lãnh tụ phong trào sinh viên dân chủ tại Miến, nhấn mạnh:

“Tôi hoàn toàn tin tưởng số chữ ký này thực sự đại diện cho nguyện vọng của đại đa số người dân Miến. Bởi lẽ những chữ ký chúng tôi thu thập được từ nhiều thành phần xã hội khác nhau. Nếu tại Miến có điều kiện để thực thi quyền dân chủ, không cần đến 3 tuần, chỉ cần 1,2 ngày thôi, chúng tôi sẽ thu được chữ ký và sự ủng hộ của 50 triệu dân trên đất nước.”

“Nhóm sinh viên thế hệ 88” cho biết bản sao của tất cả chữ ký cùng với thỉnh nguyện thư sẽ được chính thức gửi đến giới lãnh đạo chính quyền quân sự Rangoon, Hội đồng hoà bình và phát triển (SPDC), và các tổ chức của Liên hiệp quốc.

Vẫn theo lời các thanh niên dân chủ Miến, cuộc vận động thu thập chữ ký là một thành công lớn đối với làn sóng dân chủ trong nứơc vì dân chúng thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội đã can đảm dám đứng ra ký tên bất chấp những sự khó khăn, sách nhiễu và đe doạ từ phía chính quyền.

Tiếp tục vận động cho dân chủ

Ngay sau khi cuộc vận động thu thập chữ ký kết thúc vào cuối tháng rồi, giới sinh viên tại Miến tiếp tục phát động một chiến dịch cầu nguyện, kéo dài 1 tuần lễ, hầu bày tỏ ứơc vọng hoà bình và dân chủ của nhân dân.

Hôm chủ nhật 29/10, các nhà hoạt động dân chủ Miến đã công khai tổ chức một buổi lễ cầu nguyện tại ngôi chùa Shwedagon ngay thủ đô Rangoon. Hơn 1000 người trong trang phục màu trắng đã tề tựu về đây để cùng cầu nguyện phúc lành và tự do của các tù nhân lương tâm trong nứơc, trước sự quan sát chặt chẽ và các hành động khó dễ của lực lượng an ninh mặc thường phục.

Anh Win Win, 35 tuổi, một trong những người tham gia buổi lễ cầu nguyện và cũng là thành viên của đảng Liên đoàn toàn quốc vì dân chủ, cho biết vì không được tự do tổ chức các cuộc biểu tình ôn hoà, nên mọi người phải tổ chức các buổi lễ cầu nguyện để bày tỏ quan điểm và tinh thần yêu chuộng dân chủ của mình.

Trước đó không lâu, chính “Nhóm sinh viên dân chủ thế hệ 88” cũng đã phát động phong trào kêu gọi mọi người mặc áo trắng thể hiện nguyện vọng hoà giải chính trị và tự do cho các tù nhân lương tâm.

Nhà nước Miến Điện được quốc tế biết đến như một chính phủ quân nhân độc tài. Hồi năm 1988, phong trào đấu tranh dân chủ do sinh viên Miến khởi xướng đã bị chính quyền đập tan.

Cộng đồng thế giới và các tổ chức nhân quyền nhiều lần bày tỏ quan ngại về tình hình dân chủ, nhân quyền tại nứơc này và liên tục kêu gọi nhà cầm quyền Rangoon phóng thích bà Auung San Suu Kyi, lãnh tụ Liên đoàn toàn quốc vì dân chủ, nhưng chính phủ Rangoon vẫn cương quyết từ chối.

Trà Mi vừa chia sẻ với quý vị và các bạn câu chuyện về các hoạt động đấu tranh dân chủ của giới thanh niên-sinh viên ở Miến, quốc gia láng giềng có tình hình dân chủ-nhân quyền được đánh giá là tồi tệ, tương tự như Việt Nam.

“Diễn đàn bạn trẻ” xin chia tay với quý vị tại đây và hẹn tái ngộ trên làn sóng này sáng thứ tư tuần sau. Trà Mi kính chào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.