Du học sinh Việt Nam học được những gì ở nước ngoài? (phần 2)


2007.08.01
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Với chủ đề “Sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học, ta học được những gì”, Diễn đàn tuần trước đã mời hai sinh viên trong nước là Thúy và Dung cùng gặp gỡ và giao lưu với ba bạn du sinh ở Pháp, Mỹ, và Đài Loan là Sơn, Tuấn, và Minh để cùng nghe các bạn chia sẻ những cảm nhận về môi trường học tập ở nước ngoài, cũng như một số điều mới, lạ mà các bạn học được từ khi có cơ hội bước ra với thế giới bên ngoài.

duhocIVCE200.jpg
Sinh viên Việt Nam tham dự Hội thảo về du học Mỹ IVCE. RFA file photo.

Hẳn các bạn trẻ ở Việt Nam còn rất nhiều điều thắc mắc về xã hội, nền văn minh, và đời sống của các nước bạn như thế nào, so với Việt Nam hơn kém những gì, khác biệt ra sao? Muốn tìm câu trả lời, mời quý vị và các bạn theo dõi phần trao đổi tiếp theo giữa 5 người bạn trẻ của chúng ta trong chương trình hôm nay.

Thúy: Cho mình hỏi các bạn là các bạn học ở nước ngoài trong một ngành nào đó, nhà trường có cho phép tham gia thêm 1 môn phụ nào mà các bạn thích không?

Sơn: Có. Tại Pháp mình có thể tự chọn môn ngôn ngữ thứ ba. Ngoài tiếng Anh, mình có thể chọn học tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Nhật chẳng hạn, họ sẽ tính vào điểm. Ngoài ra còn có môn kịch nghệ cũng được tính những điểm phụ rất hay.

Minh: Mình không hiểu ý của Thúy hỏi các môn phụ là môn gì nhưng nếu nói về các sinh hoạt ngoại khóa thì sinh viên ở Đài Loan rất mạnh ở các hoạt động tập thể, thể thao. Còn về môn học, đối với bằng thạc sĩ, phải hoàn tất tối thiểu 36 đơn vị học trình để tốt nghiệp. Trong số này, bạn có thể học 18 đơn vị học trình ở khoa chuyên môn. Còn 18 đơn vị khác bạn có thể chọn học ở bất cứ khoa nào mà bạn thích. Ví dụ như chuyên ngành tin học nhưng bạn thích thú một môn nào đó ở ngành vẽ, bạn có thể trao đổi với thầy hướng dẫn và đựơc sự đồng ý thì đăng ký học, thoải mái, không sao cả.

Trà Mi: Tức là đựơc tự do chọn lựa những môn học phụ mình yêu thích dù nó không đúng theo chuyên ngành của mình.

Tuấn: Ở Mỹ này, một mùa, tức 1 học kỳ, bắt buộc phải học trên 12 tín chỉ. Ngoài những môn học bắt buộc của chuyên ngành, mình có thể chọn những hoạt động hoặc những môn phụ khác như tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt…bất cứ môn gì mình thích.

Trà Mi: Dung có câu hỏi nào muốn đặt ra với các du sinh?

Dung: Các anh có thể miêu tả cụ thể một ngày học tập của các anh? Thầy cô bên đó có nhiệt tình không?

Tuấn: Một ngày học tập ở đây không có gì nặng nhọc. Ở Việt Nam thường có lớp vào sáng sớm từ 6h nhưng ở đây thì giờ giấc học tập thoải mái hơn. Thường 8-9h mới bắt đầu lớp. Cũng có những lớp sớm nhưng ít người thích học, chỉ những ai muốn học nhiều để mau tốt nghiệp thì chọn những lớp sớm thôi. Buổi sáng mình vào trường học 1 lớp khoảng từ 1-2 tiếng. Sau đó mình đi ăn trưa và làm bài tập. Buổi chiều có thêm một lớp nữa cũng 1-2 tiếng. Buổi tối có một lớp phụ. Thầy cô bên này rất nhiệt tình và cởi mở. Chủ yếu bên này thầy cô trong lúc giảng bài thì học sinh hỏi han thêm rất nhiều.

Những khác biệt

Trà Mi: Theo những gì Tuấn vừa trình bày, Thuý và Dung ở Việt Nam so sánh với môi trường học tập của các bạn có điểm gì khác biệt?

Môi trường học tập ở nước ngoài

Thúy: Ở Việt Nam, học chuyên ngành nào thì chỉ đựơc học những môn học của chuyên ngành đó thôi.

Trà Mi: Còn so sánh về lịch học và cách thức giảng dạy?

Thúy: Như Tuấn phát biểu, bên đó các bạn có thể chọn giờ học trễ hơn. Còn ở đây, một buổi học gồm 5 tiết bắt đầu từ 6h sáng đến 12h trưa. Cho nên tụi em phải đi học rất sớm.

Trà Mi: Phương pháp nào bạn thấy tốt hơn cho học sinh?

Thúy: Em thấy cách thức giảng dạy ở nước ngoài giúp học sinh có thể chủ động thời gian hơn.

Trà Mi: Người ta nói rằng: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, ra ngoài học hỏi với thế giới thì chắc chắn là các bạn đã học hỏi đựơc rất nhiều điều mới lạ. Các bạn có thể chia sẻ thêm những gì các bạn tích lũy đựơc trong “sàng khôn” của mình với các bạn trong nước?

Sơn: Em xin trả lời câu hỏi này. Mình thấy rằng ngoài chuyên ngành, trong trường họ cũng dạy cho mình những môn học khác rất cần thiết cho mình ra đời ví dụ như môn văn hoá và cách đối thoại. Mình đựơc học cách đối thoại với nhau như thế nào, học cách làm việc nhóm để công việc hiệu quả hơn.

Ngoài ra, họ còn dạy cho mình luật pháp để mình hiểu biết về luật lao động. Sau này khi đi làm mình hiểu đựơc quyền và nghĩa vụ của người lao động như thế nào, họ có quyền đuổi mình hay không, ví dụ như vậy, những cái rất thực tế. Thậm chí cũng có môn quản lý doanh nghiệp để mình hiểu đựơc một doanh nghiệp cần phải làm thế nào, phải tính toán lời lỗ như thế nào để vận động. Những kiến thức đó rất hấp dẫn và cần thiết cho mình khi ra đời làm việc sau này.

Thực tế ở Việt Nam

Trà Mi: Thúy và Dung, so với những gì Nam Sơn vừa trình bày, các bạn đang học ở Việt Nam có được tìm hiểu về những kiến thức tương tự như vậy từ ghế nhà trường hay không?

Dung: Tuỳ theo ngành học. Em bên ngành kế toán, em có đựơc học về pháp luật đại cương.

Trà Mi: Các bạn có tìm hiểu những gì thực tế qua môn học đó hay không?

Dung: Thầy cũng phổ biến cho tụi em về luật dân sự, luật hình sự, và một số luật nhưng mình không biết kỹ, mình chỉ học đại cương thôi, chứ không có sâu lắm.

Trà Mi: Minh và Tuấn lúc trước các bạn từng học ở Việt Nam thì chắc cũng biết đựơc những gì Thúy và Dung đang học. Bây giờ so sánh với những gì các bạn đang đựơc học ở nước ngoài, các bạn thấy thế nào, có gì khác biệt không?

Tuấn: Hồi đó mình đi học thì mình chỉ đựơc tìm hiểu rất là sơ lựơc về pháp luật thôi.

Minh: Nhân bàn chuyện về pháp luật thì đây cũng là một bài học lớn mà tôi học đựơc khi ra nước ngoài, đó là cách người dân Đài Loan đối mặt với sự thật. Dân tộc Việt Nam mình có câu “đẹp thì khoe, xấu thì che”. Chuyện “xấu thì che” phải chăng cũng làm hạn chế sự phát triển của Việt Nam? Vì “xấu xa đậy lại” thì không ai biết cả và cái xấu đó nó cứ tồn tại mãi thôi.

Trước đây khi còn ở Việt Nam nghe nói về vụ scandal của tổng thống Bill Clinton với cô thư ký bị đưa lên đài báo, tôi cảm thấy đó là điều gì lạ lắm. Rồi sang bên Đài Loan tôi thấy họ hàng của tổng thống đương nhiệm bị đi tù vì lợi dụng quyền hành. Đấy là cái gì? Phải chăng là cách mà người ta đối mặt với sự thật?

Bất cứ đất nước cũng tôn trọng thể diện của họ nhưng sự thật mới là cốt yếu của vấn đề. Anh làm sai thì anh phải đối mặt với sự thật đấy và anh phải khắc phục nó. Chứ anh cứ mãi che dấu nó đi thì nó cứ tồn tại và thành một khối ung nhọt hạn chế sự phát triển.

Ở Việt Nam các bạn cũng biết một quy trình xử lý của đảng cộng sản Việt Nam với một cán bộ vi phạm pháp luật ra sao rồi. Đầu tiên là khai trừ đảng rồi mới đến các bước khác, tức là đảng viên đảng cộng sản thì không thể phạm tội đựơc. Đấy là một căn bệnh hình thức rất lớn đã ăn sâu vào tiềm thức người ta rồi. Tôi và bạn bè bên này hay trao đổi với nhau rằng tại sao Việt Nam chống tham nhũng vất vả thế nhỉ?

Tại sao cứ suốt ngày nghe nói ban nọ ban kia chống tham nhũng. Chỉ có một điều rất đơn giản chúng ta có thể đặt ra câu hỏi rằng: “Ai là người có thể tham nhũng?” Điều kiện cần là phải có quyền đúng không? Và ai là người có quyền ở Việt Nam? Nếu anh không phải đảng viên anh đừng hòng có quyền. Điều này cộng với bệnh che dấu “sự xấu xa” hay nói đúng hơn là lỗi lầm, rồi cộng thêm thể chế pháp luật ở Việt Nam hiện nay là đảng cộng sản nằm trên tất cả hành pháp, tư pháp, luật pháp. Đảng không bị luật pháp điều khiển thế là thế nào?

Để Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn thiết nghĩ hệ thống luật pháp Việt Nam cũng phải thay đổi rất nhiều thì mới làm nền tảng cho nền kinh tế phát triển đựơc.

Trà Mi: Đó là những gì Minh ghi nhận được ở Đài Loan, nơi bạn đang học tập. Tuấn và Sơn có ý kiến gì?

Sơn: Thật ra ở đâu cũng có pháp luật thôi, nhưng vấn đề là có thực thi pháp luật hay không. Ở Pháp này, đi đâu cũng thấy pháp luật cả. Họ dán một tấm biển cấm gì đó cũng có mở ngoặc cho biết đây là điều mấy trong pháp luật, một văn bản nào đó cũng mở ngoặc cho biết điều khoản nào. Điều này ít khi thấy ở Việt Nam.

Minh: Ở Pháp, Mỹ, hay Đài Loan chẳng hạn, pháp luật là để phục vụ, để đảm bảo lợi ích chung cho toàn xã hội. Ở Việt Nam cũng có pháp luật, nhưng pháp luật ấy để phục vụ lợi ích cho ai. Đấy là câu hỏi. Chỉ để phục vụ, bảo vệ lợi ích của đảng cộng sản, tức là pháp luật đều bị đảng khống chế cả. Khi đảng cảm thấy thay đổi pháp luật là có lợi cho đảng thì thay đổi ngay. Tức là cũng có pháp luật nhưng không phải để điều chỉnh quyền lợi của toàn xã hội mà chỉ để đảm bảo quyền lợi của đảng.

Sơn: Đúng rồi. Như ở Pháp này, tổng thống Pháp cũng bị người ta phanh phui những vụ tham nhũng của ông ta ra, tức là ngay cả tổng thống cũng ở dưới luật pháp. Đó là cái quan trọng nhất. Còn ở Việt Nam luật pháp chỉ để trị dân thôi chứ không phải trị đảng. Nhìn vào những gì xảy ra sẽ rõ. Tại sao người dân ăn cắp thì bị vào tù, đảng viên tham nhũng, cũng là một hình thức ăn cắp, lại không bị vào tù, mà chỉ bị xử lý kỷ luật hay khai trừ đảng? Tại sao pháp luật không áp dụng cho tất cả mọi người? Đó là sự khác biệt rõ ràng nhất giữa pháp luật Việt Nam và nước ngoài.

Trà Mi: Đó là cảm nhận của các bạn đã có điều kiện đi ra nước ngoài, mở rộng tầm nhìn với bên ngoài. Thế còn Thuý và Dung đang ở Việt Nam, các bạn có đồng ý với những nhận xét của các bạn du sinh hay không? Chúng ta sẽ có câu trả lời trong chương trình sáng thứ tư tuần sau. Mời quý vị đón theo dõi.

(Xin mời theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)

Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org.

Trà Mi kính chào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.