Vì sao Việt Nam vẫn còn là một nước chậm phát triển ? (phần 4)


2007.12.27

Trà Mi, phóng viên đàiRFA

Trà Mi chào tái ngộ cùng quý vị và các bạn trong chuyên mục Diễn Đàn Bạn Trẻ, nhịp cầu thảo luận-giao lưu của thanh niên trong và ngoài nứơc, phát thanh sáng thứ tư hàng tuần.

WallStreetVietnam200.jpg
Tấm bảng hiệu của một công ty địa phương ở Hà Nội hôm 7-12-2007. AFP PHOTO

Tuần trước, các bạn trẻ tham gia thảo luận đề tài "Vì sao Việt Nam vẫn còn là một nứơc chậm phát triển trên bản đồ thế giới?" nhận xét rằng Việt Nam không chỉ chậm tiến về mặt kinh tế mà cả ở lĩnh vực chính trị nữa. Theo các bạn thì trì trệ về mặt chính trị đã kèm hãm sự tiến bộ của quốc gia so với xu thế phát triển của thế giới ngày nay.

Thế nhưng vì sao nền chính trị của Việt Nam kém phát triển? Đó cũng là nội dung của phần trao đổi tiếp theo giữa hai bạn trẻ ở Miền Bắc là Thanh và Quang, hai thanh niên tại Sài Gòn là Nam và Thiên, cùng với ngừơi bạn đang định cư tại Canada là Hộ.

Hộ : Mình có ý kiến nghe Trà Mi.

Trà Mi : Xin mời Hộ.

Hộ : Dạ. Như thế này. Về mặt chính trị mình kém phát triển đó là coi như đảng bao trùm hết tất cả. Các nước được tự do, có nền chính trị căn bản là tự do đó, thì họ có tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cả 3 quyền này đều độc lập thì nó mới kèm được với nhau. Quồc hội viết luật ra cho hành pháp thi hành, thì họ phải tranh luận trong quốc hội để tìm ra giải pháp nào hay nhứt, có lợi nhứt cho đất nước....

Trà Mi : Cảm ơn ý kiến anh Hộ. Các bạn khác có ý kiến nào khác?

Thanh : Thanh có một số ý kiến như thế này. Trước hết mình đồng ý với việc các bạn nhận xét rằng chính trị Việt Nam là một nền chính trị chậm phát triển. Mình cũng nhận thấy như thế. Tất nhiên là mỗi nước đều có một nền chính trị riêng và mình không có cực đoan với việc là theo những tiêu chuẩn chính trị nào thì hay và theo những tiêu chuẩn chính trị nào là không hay.

Nhưng mà cái mình muốn góp ý ở đây, tức là chính trị Việt Nam là một nền chính trị không được phát triển cho lắm, và cái nguyên nhân chủ yếu của nó là cái khả năng lãnh đạo và cái sự hiểu biết, trình độ của những nhà lãnh đạo Việt Nam. Mình nghĩ đấy là nguyên nhân cơ bản đề làm cho những cách quản lý, những cách nhìn nhận của họ và những cách giải quyết vấn đề của họ.

Trà Mi : Ý kiến của Thanh thì cũng đồng tình với các bạn khác là chính trị Việt Nam cũng chưa phát triển lắm. Nếu như nền chính trị phát triển thì nó phải như thế nào và nếu như nó phát triển thì nó sẽ đem lại cái hiệu quả như thế nào, những cái lợi ích như thế nào mà xu hướng bây giờ trên thế giới người ta nói nhiều về sự tự do chính trị, tự do dân chủ? Mời các bạn phân tích thêm.

Hộ : Vê mặt chính trị, nếu mà tự do thì khi cuộc bầu cử được tiến hành, tất cả các đảng phái họ đều có đường lối, chính sách của họ đưa ra để trình bày với người dân trước khi người dân đi bỏ phiếu. Thì họ (người dân) đã biết được cái đảng A, đảng B hay đảng C, mỗi đảng có chủ trương như thế nào, có lợi cho người dân ra sao về mặt kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục hay là đối ngoại, đối nội với đồng bào ở trong nước. Thì cái mặt chính trị được tự do đó, khi người dân có được quyền lựa chọn, như Kỳ Nam nói đó cũng giống như về kinh tế vậy, khi mà độc quyền thì người dân không có sự lựa chọn, mà không có sự lựa chọn thì người cầm quyền họ sẽ hống hách.

Ở Việt Nam bạn thấy cái tình trạng lạm quyền, cán bộ coi dân như cỏ rác, căn nguyên gây ra tình trạng lạc hậu của đất nước chúng ta. Vì không có sự cạnh tranh về chính trị cho nên người cầm quyền bứng họ mà họ còn chưa chịu đi nữa nói chi chuyện họ tự nguyện từ chức. Ở đây (nước tự do dân chủ) người cầm quyền mà họ lở một cái gì đó, không cần ai phải nói hết, họ từ chức, họ xuống liền, chớ không có chờ tới người dân. Họ có trách nhiệm không phải chỉ đối với người dân mà đối với cái đảng mà họ đã tham gia. Đó là ý kiến của tôi về tự do chính trị.

FarmerWTO150.jpg
Chính sách đổi mới kinh tế bắt đầu từ năm 1986 chỉ mang lại sự giàu có cho một bộ phận nhỏ, phần đông dân chúng vẫn còn lam lũ, khổ cực. AFP PHOTO.

Trà Mi : Vâng. Các bạn khác có ý kiến nào khác muốn bổ sung thêm không?

Thiên : Đối với một nền chính trị, xét cho cùng người dân Việt Nam của chúng ta không có sự lựa chọn. Nếu mà họ được lựa chọn thì họ không bao giờ chọn cuộc sống trong bầu không khí ô nhiễm như ở Sài Gòn hay ở Hà Nội. Bởi vì họ không có sự lựa chọn nên họ đành phải trông mong vào cái bộ máy hành chánh mà đã không mang lại cho họ được cái gì. Từ trước tới giờ những lời hứa của các vị bộ trưởng, các vị thủ tướng, của ông chủ tịch nước hay của những người nào lớn hơn đó nữa thì cũng chỉ đều là những lời hứa suông mà thôi. Họ nói một đường nhưng họ làm một nẻo. Họ có thực sự do dân và vì dân không? Thì điều này mỗi người dân chúng ta, mỗi công dân ở Việt Nam đều hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Trà Mi : Nhưng mà bạn nghĩ sao nếu có lập luận cho rằng nếu như mỗi người dân Việt Nam không đồng ý với những trì trệ hay những cái bất cập tronng nền chính trị Việt Nam thì ắt hẳn đã có sự thay đổi rồi, tức là người dân đã đòi hỏi những thay đổi rồi, không đợi tới ngày hôm nay?

Thiên : Đó là vấn đề, chúng ta lại trở về vấn đề độc tài trong chính trị nữa. Kỳ Nam : À, chị Trà Mi nói thì mình có thêm ý kiến là mình cũng biết một điều là cái sự giáo dục độc tài nó sẽ giết chết khả năng tư duy của con người từ bé. Giáo dục theo kiểu nhồi sọ và một chiều thì cái tư duy của họ bị luộc chín rồi. Họ không nhận thức ra, tức là ngừơi dân Việt Nam cái khả năng tư duy về các vấn đề xã hội, những vấn đề về tư tưởng, về tự do, về dân chủ, đã không có được cái nền tảng giáo dục thì khi mà lớn lên thì họ sẽ mất hẳn khả năng tư duy về những điều đó.

Trà Mi : Quan điểm của Nam thì Thanh có đồng ý không?

Thanh : Thật ra Nam nói mình cũng thấy khó hiểu.

Trà Mi : Ý của Nam nói rằng lý do vì sao, nếu như nói người dân Việt Nam không đồng ý, không đồng tình với thể chế chính trị tại Việt Nam, tại sao không có một sự kêu gọi đòi hỏi phải thay đổi, thì Nam giải thích rằng do người dân Việt Nam đã bị nhồi sọ từ bé, tức là họ không có cái tư duy suy nghĩ độc lập hoặc là dám mạnh dạn nêu lên thẳng thắn những suy nghĩ của mình. Họ không dám nghĩ hoặc họ không nghĩ tới. Ý của Thanh thế nào?

Thanh : Em có một ý thế này. Tức là mình cũng thừa nhận cái nền giáo dục của Việt Nam không được phát triển và thậm chí là rất kém phát triển. Tuy nhiên, nếu nói về chính trị chẳng hạn là người dân như bạn Nam nói rằng người dân Việt Nam bị nhồi sọ vì sự độc tài chuyên chế thế thì mình cũng không tin hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn Nam.

Vì thực tế nếu chúng ta nói rằng người dân Việt Nam xuất phát điểm rất nghèo, cực nghèo, mới chỉ cách đây 15-20 năm thôi, còn bây giờ nếu so với cái thời xưa thì cái trình độ dân trí cũng lên mức độ nhất định nào đó. Tất nhiên so với thế giới và khu vực thì hãy còn thấp. Nhưng mà nếu mà nói về chính trị thì mình vẫn cứ bảo vệ quan điểm của mình là cái khả năng lãnh đạo, do đó mà cái cách họ quản lý, cách họ giải quyết vấn đề nó không được tốt và nó không làm phát triển đời sống người dân. Tất nhiên là độc đoán độc tài cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc trì trệ của đất nước. Nhưng mà cái căn bản, cái gốc rễ gây ra sự trì trệ...

Kỳ Nam : Mình xin bổ sung thêm. Mình chỉ nói một khía cạnh giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân thì nó có nhiều vấn đề. Thứ nhứt là giáo dục - cái nền tảng, thứ hai là tự do báo chí, tự do thông tin. Khi mà tự do báo chí thông tin thì nhận thức của người dân cũng sẽ được nâng cao. Người ta sẽ nhận thức rõ cái gì đúng, cái gì sai và cái gì hợp lý, cái gì không hợp lý.

Báo chí ở Việt Nam là những cơ quan của nhà nước, của đảng cộng sản thì cái xu hướng của người ta là thông tin một chiều. Giáo dục rồi thông tin không được tự do, và thứ ba nữa là sự đàn áp của chính quyền đã làm cho người ta sợ hãi và cái sự sợ hãi đó là triền miên, nó làm cho người ta không dám lên tiếng, không dám bày tỏ ý kiến của mình. Nó giết chết mọi sự suy nghĩ và khả năng diễn đạt của con người.

Hộ : Mình xin tiếp lời Kỳ Nam nghe. Các bạn đêù biết là trong tập thể những người đấu tranh trong Khối 8406 hiện nay đó là Liên Minh Dân Chủ và Nhân Quyền của Việt Nam, họ đòi cho bằng được những điều căn bản nhứt của quyền làm người tại Việt Nam, thì họ đã áp dụng điều 69 của Hiến Pháp CHXHCNVN năm 1992 .

Trong điều 69 có nói tới công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tụ do thông tin, có quyền hội họp nè, lập hội nè, biểu tình nè. Nhưng khi người dân muốn thực hiện những quyền do chính điều 69 (hiến pháp) của Đảng Cộng Sản Việt Nam đưa ra thì họ bị điều 88 (Bộ Luật Hình Sự) chụp lên đầu. Bằng chứng là Luật sư Nguyễn Văn Đài và Luật sư Lê Thị Công Nhân, trong phiên toà phúc thẩm mới đây, dù có giảm án 1 năm, nhưng theo tôi, đúng ra bản án này không có.

Hai người luật sư trẻ tại Việt Nam và những người này rất là kiên cường, họ chỉ vì muốn nhìn thấy đất nước có được tự do dân chủ và nhân quyền đựoc tôn trọng, và họ nói lên tiếng nói lương tâm của một con người. Những người này có địa vị xã hội, tại sao họ dấn thân, lao thân vô những đường tù tội như vậy? Đó là để cho đất nước có một tương lai tươi đẹp hơn. Không phải là không có ngưòi đứng lên. Họ đứng lên, có một số công khai và rất nhiều người đang âm thầm, từ ở trong cũng như ở ngoài nước, để làm sao cho tiến trình dân chủ hoá Việt Nam chuyển biến trong hoà bình để toàn dân Việt Nam có cơ hội xây dựng lại đất nước thân yêu của chúng ta.

Trà Mi : Cảm ơn ý kiến của anh Hộ. Trước khi mời các bạn trao đổi tiếp, Trà Mi muốn nghe ý kiến phản hồi của Quang. Nếu như các bạn nói chính trị ở Việt Nam trì trệ thì tại sao người dân không đòi hỏi sự thay đổi. Câu trả lời của các bạn đưa ra, Thiên và anh Hộ đưa ra là do người dân thứ nhứt là không dám đòi hỏi bởi sự đàn áp sách nhiễu từ phía chính quyền. Thứ hai, ý kiến của Kỳ Nam đưa ra là do giáo dục, tức là từ nhỏ người ta đã bị nhồi sọ cho nên người ta không nhận thức ra để mà nêu lên cái đòi hỏi của mình. Giữa hai lý lẽ được đưa ra đó thì Quang có ý kiến phản biện không?

Kỳ Nam : Cái thứ ba là tự do thông tin và ngôn luận nữa, Trà Mi à.

Quang : Xin hỏi các bạn một câu như thế này.

Trà Mi : Trước hết là Quang có đồng ý với các ý kiến đó không? Quang có nhìn nhận những điểm mà họ đưa ra là đúng hay là sai?

Quang : Mình nhìn nhận một phần nào những quan điểm đó, nhưng mà có một cái chuyện là có phải tất cả người dân đều ... Nếu mà chị đặt câu hỏi là tại sao người dân người ta không lên tiếng thì câu trả lời là có thể như chị vừa mói trình bày. Nhưng mà vấn đề ở đây là người ta có muốn lên tiếng hay không, nghĩa là người ta có nhu cầu cần phải lên tiếng hay không, hay là ngưòi ta thấy à cuộc sống của tôi thế này là OK rồi, đời sống đang phát triển tốt. Đấy, cuộc sống của tôi thế là tốt, tôi không cần phải tranh đấu, tôi không cần phải tranh luận. Mọi người có nhìn ở quan điểm đó không?

Trà Mi : Xin mời câu trả lời của các bạn khác. Có thể là vì người Việt Nam không có nhu cầu để đòi hỏi sự thay đổi thì sao?

Thiên : Em nghĩ vấn đề ở chỗ là nếu mà người ta ra đường mà người ta hít thở không khí này thì người ta đều phải lên tiếng cả, nhưng mà cái điều lên tiếng của người ta không có ai nghe. Đại biểu quốc hội đại diện cho người dân thì đâu phải là do họ bầu lên đâu. Theo con số mới đây mà báo Tuổi Trẻ làm một cuộc khảo sát trên mạng thì 99% người dân đi bầu thì người ta không biết đại biểu quốc hội là ai. Có một điều trớ trêu như vậy bởi vì chúng ta không có nền bầu cử giống như ở các nước phát triển khác. Thành ra những lời nói của người dân, lời nói của cử tri ở trên đâu có nghe. Vấn đề là như vậy.

Cái thứ hai nữa là vấn đề tự do thông tin, tự do ngôn luận đó. Bởi vì chúng ta đâu có được tự do ngôn luận đâu thì làm sao lời nói của chúng ta ở trên nghe được. Chúng ta đâu có được bầu cử những người đại diện của chúng ta, đâu có phải là do chúng ta đâu, mà họ gánh rất nhiều trách nhiệm. Như bạn Quang và các bạn ở đây cũng thấy đại đa phần đại biểu quốc hội đều là đảng viên cả. Họ gánh một lần rất là nhiều, nào là đại diện cho dân, nhưng mà ở trên cao hơn nữa thì họ còn phải bảo vệ cho quyền lợi của đảng cộng sản nữa.

Kỳ Nam : Mình xin phản biện lại Quang một câu là mình đâu còn quyền lựa chọn gì đâu. Mình không ăn thì mình đói, mình bắt buộc phải ăn mặc dù món ăn đó rất là dở, nhà hàng phục vụ rất là tồi, rất là dở. Nếu mình không ăn chỗ đó thì mình không biết ăn chỗ nào hết. Mình phải ăn. Thành ra đâu có nhiều lựa chọn để người ta lựa chọn đâu mà biết người ta thích món đó hay không thích.

Thiên : Đúng rồi. Lúc nãy mình cũng có nói là người dân Việt Nam không có sự lựa chọn. Nếu mà họ có sự lựa chọn thì họ không bao giờ lựa chọn cuộc sống này đâu.

Quang : Lựa chọn ở đây, các bạn đang nói về sự lựa chọn gì?

Kỳ Nam : Thì lựa chọn cuộc sống tốt hơn.

Thiên : Lựa chọn thể chế chính trị tốt hơn, phục vụ đúng theo câu nói trong hiến pháp mà Bác Hồ nói hồi xưa: vì dân, do dân, chứ không phải là đưa lên "vì dân, do dân" xong rồi để nhằm mị dân. Người dân chúng ta bỏ tiền thuế ra để họ phục vụ chúng ta chứ không phải là họ chỉ nói không, rồi đâu lại vào đấy.

Trà Mi : Tới đây chúng ta phải tạm nói lời chia tay với nhau. Diễn đàn bạn trẻ sẽ trở lại cùng quý vị và các bạn với phần hội luận tiếp theo sáng thứ tư tuần sau.

Quý vị và các bạn muốn tham gia, hoặc góp tiếng, với "Diễn đàn bạn trẻ", xin email về vietweb@rfa.org hoặc để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác gọi vào Mỹ, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775.

Trà Mi thân ái kính chào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.