Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt kêu gọi cải cách để có thêm dân chủ


2007.03.31
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Kêu gọi cải cách để có thêm dân chủ cho cuộc bầu cử quốc hội khoá 12. Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt phê bình cung cách tổ chức bầu cử và cho rằng nên sửa sai.

VoVanKiet200.jpg
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Photo courtesy Vietnam Net.

Báo Tuổi Trẻ Online ngày 29/3 đưa lên mạng bài viết khá dài, trình bày những ý kiến của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt liên quan tới cuộc bầu cử quốc hội khoá 12 sắp tới. Tờ báo mô tả cuộc trò chuyện với nhà cựu lãnh đạo là thẳng thắn như tính cách của nhân vật này.

Ông Võ Văn Kiệt nhận định rằng, trong giai đoạn hội nhập toàn diện, Việt Nam đã là thành viên WTO. Đảng cộng sản đang có trong tay điều kiện hết sức thuận lợi để nâng cao vị thế lãnh đạo. Lúc này là cơ hội để thực hiện yêu cầu mà đảng đặt ra, là nắm bắt thời cơ đưa đất nước đi lên cho kịp thiên hạ bằng điều gọi là ‘huy động sức mạnh dân tộc cùng với sức mạnh thời đại’.

Nên mở rộng cửa

Trước cơ hội như vậy, ông Võ Văn Kiệt cho biết đã đề nghị giới lãnh đạo cấp cao, nên mở rộng cửa cho ứng cử viên ngoài đảng và giảm tối đa số đại biểu kiêm nhiệm. Cựu thủ tướng đưa ra quan niệm, theo đó đảng viên cũng là công dân, cho nên không nên gò bó, đảng có thể giới thiệu một số ứng cử viên, và để cho những đảng viên muốn tự ứng cửu được quyền làm việc này.

Ông Võ Văn Kiệt cho rằng, đó cũng là cách để đảng viên có trách nhiệm lựa chọn chỗ đứng của mình nếu được sự tín nhiệm của dân. Đối với những ứng cử viên ngoài đảng, nên khuyến khích và ủng hộ tất cả những ai tự thấy có khả năng, có lòng yêu nước có thể bất đồng quan điểm nhưng chấp nhận đoàn kết, không gây chia rẽ dân tộc.

Những thành phần này có thể là các nhân sĩ tiêu biểu, chức sắc tôn giáo, chuyên gia, những nhà kinh doanh tâm huyết. Theo lời ông Võ Văn Kiệt, nếu đảng tập hợp được một lực lượng như vậy thì cho dù không chiếm đa số tuyệt đối trong quốc hội, đảng cộng sản vẫn được đa số chấp nhận, ủng hộ sự lãnh đạo của đảng. Ông Võ Văn Kiệt đưa ra quan niệm, một đảng cầm quyền mà phát huy dân chủ tốt chứng tỏ là một đảng mạnh.

Vai trò lãnh đạo của đảng phải thể hiện rõ ở chỗ dân chủ hoá, phát huy sáng tạo đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân . Hiện nay là giai đoạn đặc biệt đã khác với giai đoạn trước, thời kỳ chiến tranh giai đoạn mới dành độc lập của đất nước. Đến giai đoạn hiện nay rất cần sự tham gia rộng rãi về mọi ý kiến để xây dựng đất nước.

Nhận định về đề nghị của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, Giáo Sư Tiến Sĩ Hồ Đức Hùng từ TP.HCM phát biểu:

“ Vai trò lãnh đạo của đảng phải thể hiện rõ ở chỗ dân chủ hoá, phát huy sáng tạo đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân . Hiện nay là giai đoạn đặc biệt đã khác với giai đoạn trước, thời kỳ chiến tranh giai đoạn mới dành độc lập của đất nước. Đến giai đoạn hiện nay rất cần sự tham gia rộng rãi về mọi ý kiến để xây dựng đất nước.

Tôi nghĩ cơ cấu quốc hội Việt Nam thời gian tới phải mở rộng thành phần tham gia, không phải chỉ dừng ở những người có vị trí trong đảng hoặc đảng viên mà phải có những thành phần khác trong xã hội.

Dần dần đi đến chuyên nghiệp hoá tổ chức quốc hội để đại biểu của cửu tri trở thành một chính khách rõ ràng, chứ không phải vai trò kiêm nhiệm vừa giữ vai trò quản lý Nhà nước vừa đánh giá vai trò đó.”

Cơ cấu hiệp thương

Ông Võ Văn Kiệt từng lãnh đạo chính phủ trong thập niên 1990, ông cũng từng là đại biểu quốc hội và hiểu rõ tính cách thực tế của cơ chế này. Nay ông đã xa rời quyền lực từ lâu, liệu những đề nghị của ông sẽ được Đảng và Nhà nước tham khảo ở mức độ nào hay không.

Nhìn vào công tác hiệp thương lần 1 và lần 2 vừa qua, giới quan sát cho rằng chưa thể có đột phá gì trong cuộc bầu cử ngày 20/5 sắp tới. Chúng tôi xin trích lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà trí thức và cũng là một doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam về vấn đề liên quan:

“Tôi nghĩ cái cung cách, phương thức quy trình bầu cử Quốc Hội trong nhiều năm vừa qua vẫn tương tự như bây giờ. Theo tôi hiểu, trong nhiệm kỳ (khóa 11) này thì Quốc Hội cũng đã dự kiến sửa đổi Luật Bầu cử Đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân nói chung, nhưng rất tiếc không hiểu lý do vì sao việc sửa đổi Luật đó đã không được tiến hành.” Báo Tuổi Trẻ nêu câu hỏi rằng, cơ cấu hiệp thương là một tiến trình thủ tục được qui định trong bầu cử. Nhưng liệu có nên định lượng và chỉ định rõ đại biểu của từng cơ quan đơn vị. cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt nói rằng, đó là cách mà Việt Nam đã quen làm lâu nay và ngại thay đổi, mặc dù đã có không ít ý kiến đề nghị nên tiêu chuẩn hoá nhằm bảo đảm chất lượng.

Theo lời ông Võ Văn Kiệt, cách cơ cấu và chỉ định cứng nhắc dễ tạo ra những trường hợp được chỉ định làm đại biểu quốc hội chứ chưa chắc đã có đủ khả năng, hay đủ sẵn sàng làm đại biểu của dân.

Nguyên nhân rút đơn tự ứng cử

Tôi nghĩ cái cung cách, phương thức quy trình bầu cử Quốc Hội trong nhiều năm vừa qua vẫn tương tự như bây giờ. Theo tôi hiểu, trong nhiệm kỳ (khóa 11) này thì Quốc Hội cũng đã dự kiến sửa đổi Luật Bầu cử Đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân nói chung, nhưng rất tiếc không hiểu lý do vì sao việc sửa đổi Luật đó đã không được tiến hành.

Ông Võ Văn Kiệt có cách nhìn rất thoáng về việc rất nhiều người tự ứng cử. Nhưng ông nói là lấy làm tiếc về trường hợp nhiều người rút lui như trường hợp ông Hội Đồng Đặng Văn Khoa ở TP.HCM. Ông Khoa được dư luận ủng hộ nhiệt liệt khi loan báo tự ứng cử. Cựu thủ tướng nói rằng sẽ tìm hiểu nguyên nhân thực sự vì sao Hội Đồng Khoa lại rút đơn giữa chừng.

Về phần mình ông Hội Đồng Khoa giải thích với Vietnam Net là xin rút hồ sơ tự ứng cử vì đặt kỳ vọng quá lớn vào vai trò của một đại biểu dân cử, chứ không phải vì thất vọng điều gì. Ông Khoa nói rằng sau khi nộp đơn tự ứng cử, ông vạch ra chương trình hành động cụ thể và nghiệm ra một điều, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu thì ông phải dành hết thời gian trí tuệ công sức vào công việc này.

Trong khi việc kinh doanh và việc gia đình chưa cho ông điều kiện đó. Bạn đọc các báo tỏ ra không đồng tình về sự giải thích này, bởi vì họ cho rằng bất cứ người nào tự ứng cử đều biết trước những thách thức vừa nói.

Trở lại với báo Tuổi Trẻ và ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng của thời kỳ đổi mới đầu tiên đã tỏ thái độ không đồng ý, về việc ban bí thư trung ương đảng đề nghị một số đảng viên đã nạp đơn tự ứng cử phải rút đơn.

Trong số này nổi bật là cựu thứ trưởng tài nguyên môi trường Đặng Hùng Võ, ngoài ra còn hai trường hợp tương tự ở văn phòng quốc hội. Ông Võ Văn Kiệt cho rằng vấn đề này đang gây thắc mắc trong dư luận, và ông cho rằng vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh.

Theo như nhận định của giáo sư tiến sĩ Hồ Đức Hùng thì nhu cầu cải cách là xu hướng của thời đại. Ông nói:

“ Rõ ràng Việt Nam đang có xu thế vể đổi mới rất lớn, chắc chắn nó sẽ có tác động lớn trong vị trí và ý chí của quốc hội khoá tới.”

Thưa qúi thính giả hiệp thương lần ba ngày 15/4 không còn bao xa, không hiểu những đề nghị cải cách mạnh mẽ mà cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra sẽ được nghe theo phần nào hay không.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.