Nạn cướp đất tại châu Á phơi bày sự thất bại của các nhà cầm quyền


2007.07.26

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Các vụ biểu tình liên quan đến đất đai quy tụ từ hàng trăm người trở lên ngày xảy ra càng nhiều tại một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Cambodia....Nhận xét về tình trạng đó, nhiều nhà quan sát cho nguyên nhân phát xuất từ sự yếu kém của các nhà cầm quyền và hệ thống pháp lý của những nước này. Lê Dân tìm hiểu thêm và trình bày như sau.

Dân chúng Tiền Giang tập trung khiếu kiện trước Văn phòng 2 Quốc hội ở thành phố HCM đã gần 20 ngày nay. Hình do Người đưa tin từ Sài Gòn cung cấp.

Hồi tuần trước, việc hàng trăm người biểu tình tại Văn phòng 2 Quốc hội Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh bị lực lượng an ninh giải tán và đưa trở về địa phương, đã được giới truyền thông quốc tế chú ý. Tuy nhiên theo họ thì tình trạng đó không chỉ cá biệt xảy ra tại Việt Nam mà còn diễn ra ở một số quốc gia châu Á khác.

Phản đối nhà cầm quyền

Chẳng hạn như hôm thứ Hai đầu tuần này, hàng trăm người Trung Quốc đã biểu tình tại tỉnh Sơn Đông, phản đối việc nhà cầm quyền giải tỏa nhà ở của họ phục vụ cho công tác xây dựng chuẩn bị Olympic 2008 mà việc bồi thường không thỏa đáng.

Hôm thứ Ba cũng có trên 400 người biểu tình tại thủ đô Bắc Kinh với mục tiêu tương tự. Một người tham gia là bà Vương Lâm cho biết:

“Nhà tôi bị giải tỏa từ năm 2003. Khi đó lực lượng an ninh xông vào cưỡng chế tháo dỡ tòan bộ, mà chuyện bồi thường và hỗ trợ tái định cư thì cho tới nay vẫn chưa nghe nói tới. Tôi và con trai phải sống ngoài đường phố, nên hôm nay mới phải biểu tình khiếu kiện.”

Nhiều năm qua, các cuộc biểu tình khiếu kiện quy tụ đông người liên quan đến đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa....ngày càng lan rộng hơn tại Hoa Lục. Có những vụ hàng ngàn người xô xát với công an, hoặc bảo vệ của các công trình quy hoạch xây dựng, gần nhất là tại tỉnh Quảng Đông.

Tôi là Đỗ thị Tư ở ấp Tân Điền, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Tôi khiếu kiện năm nay cũng hai chục năm rồi. Đất của tui đang mần, nó lấy mấy chục công luôn, lấy hết. Tui ra ngoài trung ương, nằm ở ngoải hai kỳ, được cái giấy của Thủ tướng gởi vô, biểu Bùi Ngọc Sương ở tỉnh Kiên Giang, tức chủ tịch đó, phải trả. Giờ họ lừa đảo không trả, không giải quyết, mà cũng không nêu lý do gì hết. Tôi không nhà cửa, không nơi ở đã mười năm nay.

Do đó, không ít lần đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải nhìn nhận rằng các vụ tranh chấp về đất đai, nhà cửa là nguyên do lớn nhất có thể gây ra các bất ổn xã hội, đưa đến xáo trộn chính trị.

Bắc Kinh đã ban hành hàng loạt quy định nhằm minh bạch hóa, công bằng hóa những vụ quy hoạch đất đai, tuy nhiên trung ương hầu như bất lực trong việc áp dụng, thi hành các quy định đó ở những địa phương.

Đối chiếu với tình hình ở Việt Nam qua lời than thở của một phụ nữ tham gia khiếu kiện tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tháng này, người ta có thể nhìn ra sự tương đồng ở hai nước láng giềng với nhau:

“Tôi là Đỗ thị Tư ở ấp Tân Điền, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Tôi khiếu kiện năm nay cũng hai chục năm rồi. Đất của tui đang mần, nó lấy mấy chục công luôn, lấy hết.

Tui ra ngoài trung ương, nằm ở ngoải hai kỳ, được cái giấy của Thủ tướng gởi vô, biểu Bùi Ngọc Sương ở tỉnh Kiên Giang, tức chủ tịch đó, phải trả. Giờ họ lừa đảo không trả, không giải quyết, mà cũng không nêu lý do gì hết. Tôi không nhà cửa, không nơi ở đã mười năm nay.”

Hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện

Những thành quả vượt bực về kinh tế tăng trưởng của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đã kéo theo một hệ quả kém đẹp là nạn cường quyền mượn danh phát triển để cướp bóc. Các quan chức địa phương câu kết với các doanh nghiệp đầu tư phát triển địa ốc, kỹ nghệ để giải tỏa, di dời nông dân ra khỏi đất canh tác, cư dân thành thị ra khỏi nhà cửa của họ.

Việc phát triển không ai có thể chối bỏ được, nhưng có rất nhiều nông dân và cư dân thành thị ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam thường khiếu tố là mức đền bù giải tỏa ruộng vườn, nhà cửa của họ để xây cầu đường, khu chế xuất, công nghiệp....không thỏa đáng theo giá trị thị trường.

Một vấn đề khác cũng được nhiều nhà quan sát và chuyên viên xã hội nêu lên. Đó là hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện tại những nước theo chủ nghĩa xã hội, quy định mọi tài nguyên đất đều thuộc nhà nước.

Nay như Trung Quốc và Việt Nam đang chuyển sang hướng kinh tế thị trường thì quyền sở hữu, hay tư hữu là một yếu tố không thể thiếu, nên dễ phát sinh mâu thuẫn. Đặc biệt là do chứng cứ pháp lý về quyền làm chủ đất đai, hoặc quyền sử dụng đất còn thiếu thốn, chưa hòan chỉnh, nên lại càng dễ gây xung đột hơn.

Hàng trăm người vẫn ngày đêm chờ chực trước Văn phòng Quốc hội để chờ gặp các giới chức trung uơng. Hình do Người đưa tin từ Sài Gòn cung cấp.

Điển hình nhất như tại Việt Nam. Nhiều trường hợp đất tư sau năm 1975 được xung công quy hoạch làm nông trường, lâm trường, hay đưa vào quỹ đất sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp.

Đến khi các loại hình sản xuất tập thể này không còn thích hợp nữa, đất đai và tư liệu sản xuất được trung ương chỉ thị hoàn trả lại cho cá thể sử dụng sản xuất lại không được các địa phương thi hành nghiêm chỉnh. Nhiều nơi quan chức câu kết để ban phát cho nhau, gây bức xúc trong dân chúng.

Lợi dụng người dân

Có nơi lại lợi dụng sức dân khai hoang, vỡ đất, để rồi bị chiếm dụng, như trường hợp một người tham gia khiếu kiện tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tháng kể lại:

“Tôi là Nguyễn thị Hên, xã Mỹ Thuận, xác nhận là hồi năm 91 có được xã cấp đất hoang. Dân địa phương được hưởng 3 hếcta mỗi hộ. Đến năm 96 thì có quyết định thu hồi, tài sản công sức tôi đổ vô đó dữ lắm mà không được hưởng, cho nên thế nào tôi cũng không thể giao được cho nó, khiếu kiện hoài mà nó đùn đẩy cả 10 năm nay nó không giải quyết cho tôi.”

Lời than thở của bà nghe không khác mấy với tâm sự của một cụ ông cư dân Bắc Kinh bị cưỡng chế dỡ nhà cũng trên 10 năm nay, hôm thứ Ba tham gia biểu tình khiếu kiện trước Đại sảnh đường Nhân dân:

“Nhà tôi ngay tại Bắc Kinh đây, bị địa phương bảo là quy hoạch xây dựng, rồi cưỡng chế tháo dỡ mà chưa bồi thường. Tới nay đã 10 năm, gia đình chúng tôi không nơi nương náu.”

Nhận xét về tình hình khiếu kiện đông người tại một số nước Á châu, nhà phân tích Lao Mong Hay của Ủy ban Nhân quyền châu Á ở Hồng Kông, nói “việc các người quyền cao chức trọng lạm dụng luật pháp để cướp đất dân chúng phần nhiều là đều theo khuôn mẫu giống nhau".

Giải pháp, theo ông thì cần sự tham gia của báo chí, truyền thông, các cơ quan, tổ chức đại diện cho tất cả các bên liên quan, và trên hết là cần cải tổ, chỉnh đốn hệ thống pháp lý sao cho vừa bảo đảm được sự phát triển quốc gia, vừa bảo vệ được sự công bằng xã hội.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.