Nhiều nông dân mất ruộng do công nghiệp hóa và đô thị hóa


2007.07.26

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Tại Việt Nam tình hình thu hồi đất cho mục tiêu công nghiệp hóa và đô thị hóa gây ra nhiều bất cập. Một hệ lụy là nhiều nông dân mất ruộng, không có phương kế sinh nhai khiến các nhà quản lý xã hội đau đầu. Gia Minh trình bày vấn đề trong phần sau.

ModuongResetlment200.jpg
Tuyến đường ven biển Điện Ngọc - Hội An qua địa bàn xã Điện Dương. Photo courtesy Vietnam Net.

Bộ Nông nghiệp & phát triển Nông thôn vừa qua tổ chức hội thảo với chủ đề 'Nông dân bị thu hồi đất: thực trạng và giải pháp'. Theo báo cáo tại hội nghị thì trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2005 có đến hai triệu ruởi người dân bị tác động bởi quá trình thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng những khu công nghiệp, đô thị mới.

Giám đốc Viện Qui họach & Phát triển Nông nghiệp, ông Vũ Đăng Dũng nói về chính sách công nghiệp hóa và đô thị hóa của Việt Nam:

Đúng là trong giai đọan hiện nay đang tiến hành công nghiệp hóa thì đất đai tại một số vùng bị thu hẹp lại. Thứ nhất chính phủ chú trọng mở rộng đất đai cho nông dân khai thác, thứ hai là xem xét việc qui họach các khu công nghiệp là đưa lên những vùng ít tác động đến nông nghiệp.

Báo cáo của Bộ NN & PTNT cho thấy có đến hơn 65% nông dân bị thu hồi đất trở về lại với nghề nông. Nhưng khi ấy đất đâu còn mà cày cấy. Trong quá trình thu hồi đất, tình hình tham nhũng xảy ra qua việc cán bộ lợi dụng chức quyền để thủ lợi.

Việc bồi thường cho người dân không thoả đáng cũng khiến dân bức xúc và phải khiếu kiện đến các cửa. Một người dân tại Hậu Giang nói về mức bồi thường không thoả đáng so với chủ trương mà chính phủ đưa ra:

Thủ tướng có ký thông tư đền bù, nhưng rồi không bù được 20% so với mức qui định của thủ tướng. Chính kết quả điều tra của Bộ NN & PTNN nêu rõ tiền bồi thường đất nông nghiệp bị thu hồi thường không đủ để nhận chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để chuyển sang làm ngành nghề khác.

Dù có thực tế như thế nhưng do lợi nhuận riêng mà các địa phương đua nhau quy họach để xây dựng các khu công nghiệp. Sau khi giải toả dân, xây tường rào thì khu công nghiệp vẫn không thu hút được nhà đầu tư nào mà dân thì không có đất để canh tác.

Thống kê của Bộ NN nêu rõ, tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long có đến 111 khu, cụm công nghiệp. Trong số này chỉ có 5 khu họat động có hiệu quả. Một người dân nói về tình trạng giải toả đất làm khu công nghiệp rồi bỏ trống, và hậu quả mà người dân gánh chịu:

Nói chung Bắc Ninh, Bắc Giang người ta qui họach làm khu công nghiệp nhiều, nhưng đầu tư thì không đáng kể và bà con không có công ăn việc làm. Bà con đi kiếm nghề bên ngoài lên Hà Nội làm thợ xây hay nghề đồng nát. Vấn đề này dân đang kêu và báo chí cũng lên tiếng nhưng chưa thấy giải quyết gì.

Biện pháp giải quyết

Vậy cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp gì để giải quyết những khó khăn mà nhiều triệu nông dân đang đối mặt? Bộ NN đưa ra bốn nhóm giải pháp, trong đó vấn đề giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người nông dân được xem như biện pháp hàng đầu.

Bà Nguyễn Thị Hòai Thu, đại biểu quốc hội phụ trách các vấn đề xã hội nói về biện pháp liên quan như sau:

“Về mặt chính sách là có, đủ. Thứ nhất là đền bù; thứ hai là đào tạo nghề. Nhưng đào tạo người trong độ tuổi lao động; cả việc đưa người đi xuất khẩu lao động.

Đền bù thì lấy đất ít thì đền ít, lấy nhiều đền nhiều.Nhiều người bỗng chốc trở thành tỷ phú tiền đồng Việt Nam. Nhưng rồi không biết dùng đồng tiền đó để tạo ra chổ ở mới, việc làm mới, đầu tư cho con cháu đi học để chuyển đổi nghề nghiệp; trái lại còn xây nhà cho lớn, rồi mua xe máy cho con chạy.

Theo tôi trong chính sách đào tạo nghề là phải buộc những người bị thu hồi đất đó đi học nghề. Ở đây có một phần trách nhiệm cảu chính quyền địa phương là phải hướng dẫn cách sử dụng cho dân: hướng dẫn trường nghề… Nếu cả hai bên cùng có trách nhiệm thì sẽ bớt đi cảnh người được đền bù rồi trở nên trắng tay.”

Trong thực tế những chủ trương đó được thực hiện đến đâu, hay cũng chỉ mới là chính sách trên giấy tờ; để rồi hằng ngày bao nông dân mất đất phải đối diện với những khó khăn của cuộc sống. Và khi không còn phương tiện mưu sinh nữa thì bước đường cùng là tha phương để kiếm sống với bất kỳ công việc gì nơi mọi miền xứ lạ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.