Tình trạng đối xử bất công đối với công nhân tại Việt Nam

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Trong thời gian qua tại cả ba vùng miền đất nước Việt Nam, lại nổ ra một số cuộc đình công của hằng trăm, hằng ngàn công nhân. Sự việc đó chủ yếu diễn ra tại một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

WorkerLabor200.jpg
AFP PHOTO

Nguyên nhân chính là vấn đề lương thưởng không thỏa đáng, điều kiện làm việc tồi tệ; thế nhưng còn có một nguyên nhân khác nữa đó là hành xử thiếu tôn trọng của phía chủ và ban điều hành công ty đối với công nhân.

Bẵng đi một thời gian, báo chí tại Việt Nam không loan tải những vụ việc như công nhân tại các nhà máy liên doanh hay xí nghiệp 100% vốn nước ngoài bị phạt do vi phạm kỷ luật công ty như phải đứng ngoài nắng nhiều giờ đến nỗi ngất xỉu đưa đi bệnh viện.

Vừa qua, gần cả ngàn công nhân thuộc công ty may gia công của Đài Loan là Quimax International ở Thừa Thiên- Huế phải đình công suốt mấy hôm.

Và khi tìm hiểu về nguyên nhân thì Liên đoàn Lao động của tỉnh này mới vỡ ra là một trong những nguyên nhân đưa đến đình công có tình trạng đối xử bất công đối với công nhân. Dù đã tồn tại lâu nay, đến nay mới được nói ra.

Bị xúc phạm

Ông Lê Ái, chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: "Công nhân trong phân xưởng cả trăm người làm việc mà không được nói chuyện. Nếu nói là bị trừ lương."

Công nhân trong phân xưởng cả trăm người làm việc mà không được nói chuyện. Nếu nói là bị trừ lương.

Ngay sau khi công nhân tại công ty đình công để nêu ra những yêu sách của họ, thì một quản đốc phân xưởng cũng là người Việt Nam, lên tiếng nói là công nhân cứ đình công sau ba ngày chết đói thì tự khắc phải tìm đến với công ty xin làm việc trở lại.

Vị quản đốc này còn tuyên bố là 10 người nghỉ việc thì công ty có thể tuyển ngay được 100 người khác. Điều này khiến công nhấn thấy bị xúc phạm và họ tiếp tục đình công.

Cũng trong thời gian vào trung tuần tháng tư vừa qua thì tại Nhà máy Cannon ở Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh Hà Nội cũng xảy ra việc một trưởng chuyền đã lăng mạ hai công nhân muốn xin về nghỉ vì việc riêng; sau đó người trưởng chuyền này còn buộc hai công nhân phải tự trói chân đứng làm việc. Sau gần 30 phút với sự phản ứng của các công nhân khác họ mới được mở trói.

Tình trạng những quản đốc phân xưởng, thường là người nước ngoài mắng nhiếc công nhân, cũng là một chuyện thường xảy ra theo như phản ánh của giới công nhân; nhất là những người làm tại các công ty của Hàn Quốc và Đài Loan.

“Một công nhân tại tỉnh Bình Dương, nơi có nhiều khu công nghiệp ở phía nam, cho biết: Công ty Đài Loan, Hàn Quốc TRung Quốc hay bắt nạt công nhân. Công đoàn chỉ hô vậy thôi, nếu can thiệp thì bù cho vài tháng lương xong đuổi mình thì như không. Công ty nhượng bộ một bước thì sẽ có cách hành hạ gấp 10 lần.”

Hầu như tất cả mọi người lao động khi kiếm việc làm đều mong muốn có được kế sinh nhai ổn định. Họ cần tiền lương để trang trải các chi phí của cuộc sống. Hơn thế nữa còn có thể giúp đỡ cho người thân và có những khỏan để dành khi về già.

Trong khi đó các cơ sở sản xuất cũng cần có công nhân để làm ra các sản phẩm mà công ty kinh doanh để kiếm lợi nhuận. Mối quan hệ đó muốn bền vững thì cả hai phía đều hiểu được sự cần thiết của nhau và tôn trọng nhau.

Chính quyền là cơ quan giúp bảo đảm quyền lợi cho hai phía, cả người sử dụng lao động và người lao động, thông qua những luật lệ, qui định của quốc gia về lĩnh vực này. Những qui định đó là mức lương tối thiểu, những khỏan mà công ty phải đóng cho ngươi lao động như bảo hiểm, việc thành lập công đoàn cơ sở, qui định vế đình công …

dinhconggiadinh200.jpg
Công nhân Công ty giày Gia Định đình công trước Tết Nguyên Đán Ất Dậu. Photo courtesy of TuoiTre Online.

Tuy nhiên trong lĩnh vực hành xử thì khó có thể có những qui định cụ thể. Từ đó thường có những lạm dụng và dẫn đến tình trạng thiếu tôn trọng người làm công ăn lương.

Bất chấp những quyền lợi của công nhân

Ngoài ra, cũng chính vì mong muốn thu hút đầu tư của những tập đoàn công ty giàu có nước ngoài mà chính quyền đôi khi bất chấp những quyền lợi chính đáng của giới công nhân nghèo trong nước.

Sau khi nổ ra nhiều vũ đình công vừa rồi, có tin là Bộ Lao động- Thương Binh- Xã hội Việt Nam đang sọan thảo quy chế xử phạt đối với những người công nhân tiến hành đình công bất hợp pháp tức không thông qua công đoàn, nếu như họat động đình công bị xét có gây thiệt hại kinh tế cho công ty.

Tức nước vỡ bờ và do tình hình công ăn việc làm nay cũng bớt căng thẳng, giới công nhân ý thức được vị thế của họ nên đã dám công khai đình công để đòi hỏi quyền lợi ngày càng nhiều hơn. Anh Lê Trí Tuệ, một người theo dõi tình hình lao động ở khu vực phía nam cho biết:

“Chủ yếu do mức thu nhập, các điều kiện lao động; có những chủ doanh nhiệp như Đài Loan đối xử với công nhân như nô lệ bằng những hình thức phạt; đó là nguyên nhân đình công. Luật lao động vừa rồi có yêu cầu tăng mức lương; nhưng rồi nhiềui doanh nghiệp cứ hẹn. Mức lương qui định thấp và đời sống khó khăn khi mà vật giá tăng liên tục."

Trong cuộc sống, theo khả năng của mỗi người mà họ chọn cho mình một công việc để kiếm sống. Tuy vậy, công việc còn là niềm vui khiến họ có thể gắn bó với nó suốt đời và dành nhiều tâm trí để hoàn thành công việc.

Kinh nghiệm cho thấy những người chủ biết cách sử dụng và đối xử ‘đẹp’ với công nhân thì họat động kinh doanh của công ty ổn định, thuận lợi và như thế lợi nhuận sẽ được bảo đảm.