Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Hiện tượng học sinh bỏ học xảy ra thường xuyên ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Sự kiện này bắt nguồn từ những nguyên nhân nào, và làm sao để giải quyết tình trạng ấy? Mời quí vị nghe trình bày của Nhã Trân.

Trong học kỳ I vừa qua, chỉ riêng Phú Yên, một tỉnh không lớn của cả nước, đã có đến hơn 1 ngàn rưởi học sinh phải bỏ học. Số em rời mái trường ngoài ý muốn, như thế, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái trên 300 em.
Báo cáo của giới hữu trách cho biết số học sinh bỏ học tại tỉnh này đa phần thuộc cấp trung học, số còn lại là tiểu học. Riêng các trường bán công lập bậc Trung học Phổ thông năm nay có khoảng 300 em, tức gần phân nửa của tổng số 620 học sinh theo học.
Dấu hiệu đáng ngại
Phú Yên không phải là tỉnh duy nhất xảy ra tình trạng học sinh phải thôi học bất đắc dĩ. Rất nhiều tỉnh khác, từ các vùng biên giới phía Bắc cho tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long của miền Nam, đều có hàng ngàn học sinh bỏ học mỗi năm. Đặc biệt, các vùng sâu, vùng xa dẫn đầu về tỉ lệ học sinh rời trường giữa chừng, kiến thức chưa thu thập được bao nhiêu, việc đào tạo bị gián đoạn oan uổng.
Sự kiện này có thể được xem là một dấu hiệu đáng quan ngại, vì trong khi đất nước được xem là ngày càng phát triển thì số học trò phải thôi học lại tăng, gây ra sự mất thăng bằng cho phát triển của quốc gia trong tương lai.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng học sinh ở Việt Nam phải bỏ học bất ngờ? Nhã Trân trao đổi với một vài phụ huynh và giáo viên ở Phú Yên. Cha một em lớp 8, hiện ngụ tại huyện Tuy An, cho biết sở dĩ con ông thôi học để phụ gia đình kiếm sống, bởi cuộc sống khó khăn, trong khi có học sinh bỏ học là vì “ngồi nhầm lớp”, không đủ sức theo lớp kế tiếp.
Cô Minh Đệ, nữ giáo viên môn Hoá một trường trung học ở quận Tuy Hoà cũng nói rằng các lý do chủ yếu khiến học sinh nghỉ học là do gia đình gặp khó khăn về tài chánh hoặc vì chương trình học khá nặng khiến các em chán nản. Cô giải thích, khi các em phải tất bật theo cha mẹ lo mưu sinh hay khi các em mất căn bản, không hiểu, không thuộc bài thì việc bỏ trường lớp có khả năng xảy ra.
Biện pháp giải quyết
Làm thế nào để giải quyết tình trạng học sinh phải bỏ học, hiện có dấu hiệu tiếp tục xảy ra, bất chấp hậu quả cho tương lai của các em?
Với cái nhìn một nhà giáo, cô Minh Đệ cho là môi trường học cần được thay đổi, việc chạy theo chỉ tiêu và bệnh thành tích nên được loại bỏ, như kêu gọi của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân mới đây, để trình độ của học sinh được đánh giá xác thực, từ đó không dẫn đến tới việc các em đành phải thôi học.
Trong khi giáo viên này có ý kiến như thế, hiện giờ một vài cơ quan hữu trách, điển hình là Sở giáo dục Kon Tum, đang cho mở các lớp dạy phụ đạo, gọi là lớp bồi dưỡng, nhằm nâng trình độ của học sinh cho đúng yêu cầu của lớp mới.
Dư luận cho là cách giải quyết của Kon Tum đòi hỏi sự tham gia của nhiều giới: giáo chức phải phải dạy thêm một buổi và học sinh phải đi học thêm ngoài giờ. Bên cạnh đó, điều này còn làm kinh phí giáo dục tăng vì phải bồi dưỡng cho giáo viên đứng lớp.
Trong 3 yếu tố ấy, việc tìm ra ngân sách để chi trả cho giáo chức được kể là khó khăn nhất vì kinh phí này không phải nhỏ. Lấy trường hợp Kon Tum, phần chi phí phụ trội đã hơn 19 tỉ đồng. Ngành giáo dục đã vận động mọi nhân viên trong ngành đóng góp một ngày lương, biện pháp mà công luận cho là không hợp lý và khó bền vững.
Cần được khuyến khích
Giáo dục và kiến thức, được cung cấp bởi học đường, là các yếu tố cần thiết để phát triển đạo đức và tri thức cho con người và đào tạo các công dân tốt cho xã hội. Theo đuổi việc học cho tới nơi tới chốn, vì vậy, là một trong những điều cần được khuyến khích.
Hiện nay hầu hết các nước tiên tiến đều có chính sách cưỡng bức giáo dục bậc tiểu và trung học. Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em có thể yên tâm học hành cho đến hết lớp 12, trình độ được xem là cần thiết để trở thành một công dân tốt cho xã hội.
Với tôn chỉ này, nhiều chương trình đã được lập ra để giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp, như miễn hoặc giảm thuế, cung cấp các bữa ăn miễn phí, cấp xe đưa đón học trò đến trường, cho các em mượn sách học v.v….
Học sinh là tương lai của nước nhà, là rường cột của đất nước, chưa kể đối với bản thân các em, học vấn là hành trang cần có để vững bước trên đường đời.
Hiện tượng học trò bị bắt buộc thôi bỏ học không thể xem là nhẹ, dẫu chỉ có vài mươi em. Vụ việc, do đó, cần được giới thẩm quyền xem xét và giải quyết trước khi tình trạng trở nên tệ hơn, tác động xấu đến quốc gia trên nhiều bình diện.