Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Dự thảo Luật Luật Sư dự kiến được Quốc Hội Việt Nam thông qua vào kỳ họp thứ 9 sắp tới. Giới luật sư kỳ vọng gì vào sự đổi mới mang tính pháp lý, để vai trò người luật sư trong nước được tôn trọng thay vì mang tính trang trí hình thức. Nam Nguyên phỏng vấn Luật sư Nguyễn Huy Thiệp văn phòng ở Hà Nội về vấn đề này.
Nam Nguyên: Thưa Luật sư, Pháp lệnh Luật Sư sắp tới sẽ được nâng lên thành luật, ông có kỳ vọng là sẽ có những thay đổi đáng kể hay không?
LS Nguyễn Huy Thiệp: Chúng tôi đang thực hiện rất nhiều cuộc hội thảo để nói lên nguyện vọng của người trực tiếp hành nghề, và là đối tượng điều chỉnh của Luật Luật Sư. Chúng tôi mong muốn có sự thay đổi trong qui định để mở rộng vai trò vị trí và chức năng hoạt động của luật sư nhằm bảo đảm sự dân chủ.
Qua nhiều bản dự thảo, ghi nhận có nhiều thay đổi và chuyển biến, thể hiện quyết tâm cao của nhà nước là cố gắng đạt được dân chủ. Vì thế hy vọng của chúng tôi cũng cao về những điểm mới trong Luật Luật Sư, sẽ là tạo hành lang pháp lý cho luật sư hoạt động, tạo điều kiện cho nghề luật sư ngày càng phát triển đúng với nghĩa của nó chứ không chịu sự áp đặt. Đấy là một hy vọng mà chúng tôi cho là khả thi.
Nam Nguyên: Thưa ông có thể đưa ví dụ về một vài điểm đổi mới cơ bản?
LS Nguyễn Huy Thiệp: Thí dụ là có sự phân biệt giữa các loại hình tổ chức hành nghề. Hoặc như là cho phép luật sư nứơc ngoài được sử dụng luật sư VN, và được tham gia tranh tụng cùng với luật sư VN thuộc văn phòng mình, để họ thực hiện được trách nhiệm của mình với khách hàng, khi họ tư vấn trong quá trình hoạt động kinh doanh, nay gặp sơ xuất xảy ra tranh chấp, thì họ có thể đưa các ý tưởng trong quá trình tư vấn vào quá trình giải quyết tranh tụng.
Nam Nguyên: Trong nhiều vụ án lớn nhỏ được báo chí thông tin, vai trò luật sư ở VN vẫn có vẻ thụ động, nhiều khi mang tính trang trí hình thức. Ông nghĩ gì về điều này?
LS Nguyễn Huy Thiệp: Theo tôi, xét về góc độ nào đó về mặt hình thức điều đó là đúng, nhưng về bản chất thì không hẳn như vậy. Bởi vì với dự thảo luật luật sư, luật tố tụng hình sự và gần đây qua dự thảo thứ 5 luật luật sư này, đã thể hiện rất rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện cho luật sư tham gia nếu được yêu cầu.
Những việc này thể hiện rất cao ý chí và quyết tâm muốn thay đổi, để làm sao có thể đảm bảo sự thận trọng khách quan. Bối cảnh lịch sử của VN thì nghề luật sư có từ năm 1946, nhưng trên thực tế thì chỉ mới thực sự được hoạt động đúng nghĩa sau pháp lệnh 2001.
Vừa rồi còn có nghị quyết 08 cải cách tư pháp, nghị quyết 388 bồi thường oan sai trong xét xử hình sự của thường vụ quốc hội… đấy là những sự thể hiện ý chí, trong thực tế diễn ra cũng có sự xử lý chứ không hẳn là hình thức trang trí như trứơc đây.
Đứng từ ngoài nhìn vào người ta có thể có nhận xét như vừa nói, nhưng đối chiếu bối cảnh hành nghề của luật sư Việt Nam thì từ 2001 đến giờ mới được 5 năm. Mà rõ ràng là có nhiều bứơc chuyển biến thật sự, như vậy phải đánh giá là trong 5 năm ấy tính khả thi trong đường lối cải cách là có…
Nam Nguyên: Ngay cả khi luật được qui định hoàn chỉnh và có hiệu lực, nhưng nhiều cơ quan pháp luật hiện nay như công an kiểm sát toà án vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về vai trò người luật sư. Theo ông làm thế nào để thay đổi nhận thức này?
LS Nguyễn Huy Thiệp: Theo tôi, đây là vấn đề nhận thức con người, mà nhận thức con người thì lúc nào cũng phức tạp, mà để thay đổi nó cần một tiến trình, một khoảng thời gian không ngắn. Để mà gột rửa cái suy nghĩ, tư tưởng con người thì hơi khó.
Thế nhưng với dự thảo luật luật sư này, thì đã quy định rất cụ thể, buộc các cơ quan tiến hành tố tụng như kiểm sát, công an, toà án phải đáp ứng như thế nào những yêu cầu khi luật sư đặt ra. Và nếu họ không đáp ứng thì phải có lý do và trong thời hạn nhất định phải có văn bản trả lời.
Ví dụ đó cũng là một trong những điều kiện căn cứ pháp lý để luật sư có cơ sở đấu tranh. Từ sự đấu tranh ấy, hy vọng sẽ rút ngắn thời gian để thay đổi tư tưởng nhận thức.
Hơn nữa về phía luật sư, qua bản dự thảo mà bản thân luật sư cũng thể hiện được tác dụng vị trí vai trò thực sự khách quan của mình góp phần vào việc bảo đảm công lý, thì tôi tin rằng sự nhận thức về luật sư sẽ khác.
Đấy là sự suy nghĩ của tôi, một người hành nghề luật sư, tôi cũng cảm thấy phấn khởi, chứ không phải hoạt động luật sư chỉ mang tính hình thức.
Nam Nguyên: Xin cảm ơn LS Nguyễn Huy Thiệp đã trả lời đài RFA.