Triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam


2007.01.01

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong những năm gần đây, thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam có vẻ ngày càng phát triển khả quan, nhất là thị trường chứng khoán trở nên sôi động. Do đó, nhiều người lạc quan rằng việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sẽ giúp thúc đẩy thêm nữa thị trường chứng khoán Việt Nam.

StockWtoEconomic150.jpg
Nhân viên làm việc tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM hôm 20-12-2006. AFP PHOTO

Qua cuộc phỏng vấn của Thanh Quang, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sống Cửu Long, Chi Nhánh tại Saigòn, nhận xét về triển vọng này.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải: Hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu sôi động, và giá cổ phiếu bắt đầu tăng. Thứ hai là các quỹ đầu tư nước ngoài bắt đầu đổ vô để tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam bằng cách mua cổ phiếu trên sàn cũng có, hoặc mua ở thị trường ODC cũng có. Nên hiện nay nó cũng tạo nên những giá ảo, tức giá lên kiểu lên nóng, chỉ số index lên tương đối cao trong mấy ngày gần đây.

Thanh Quang: Trở lại việc Việt Nam gia nhập WTO, thì việc những tập đoàn, công ty lớn nước ngoài, với khả năng tài chính khổng lồ và có quá nhiều kinh nghiệm chuyên môn, có thể ảnh hưởng như thế nào đối với lọai hình dịch vụ chứng khoán hãy còn mới mẽ của Việt Nam ?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải: Hiện nay các tập đoàn này cũng đầu tư thăm dò thôi, chứ chưa đổ tiền vào nhiều đâu. Nhưng mức thăm dò của các quỹ đầu tư ấy, của những tập đoàn nước ngoài đó cũng vài triệu đô la.

Họ tham gia chỗ này vài triệu, tham gia chỗ kia vài triệu thì tính ra cũng là nhiều. Mà hiện nay họ đã chính thức tham gia rồi đó. Còn chuyện mà họ mua cổ phiếu của Việt Nam thì cũng chỉ có tính cách thăm dò.

Tôi nghĩ việc đầu tư tài chánh là chuyện lâu dài, trong khi nguồn vốn thương giới nước ngoài lớn, tham gia mua cổ phiếu từ từ là việc rất bình thường của họ. Nhưng bên Việt Nam này bắt đầu có dấu hiệu tăng giá cổ phiếu. Khi họ tham gia đầu tư vào chỗ nào thì người ta sẽ theo dõi và đầu tư theo họ, giá cổ phiếu ở đó sẽ tăng.

Nhưng thực chất là tăng ảo. Đối với các quỹ nước ngoài thì khi đầu tư, họ chấp nhận sự lâu dài. Còn Việt Nam mình thì vốn không lớn, kinh nghiệm chưa nhiều, nên khi tham gia cái đó, với vốn không lớn và đầu tư ngắn ngày, nên rất dễ bị ảnh hưởng, nhất là khi giá cổ phiếu tuột dốc.

Nhưng thực chất là tăng ảo. Đối với các quỹ nước ngoài thì khi đầu tư, họ chấp nhận sự lâu dài. Còn Việt Nam mình thì vốn không lớn, kinh nghiệm chưa nhiều, nên khi tham gia cái đó, với vốn không lớn và đầu tư ngắn ngày, nên rất dễ bị ảnh hưởng, nhất là khi giá cổ phiếu tuột dốc.

Thanh Quang: Có mối lo ngại là Việt Nam hiện ít ra cũng đang trong ngưỡng cửa của bối cảnh mới – tức gia nhập WTO, nên, sau cùng rồi, các tập đoàn chứng khoán nước ngoài sẽ ào ạt đổ xô vô Việt Nam. Như vậy phía Việt Nam sẽ phải ứng phó ra sao nếu thế mạnh của dịch vụ chứng khoán nước ngoài có thể làm lũng đọan thị trường chứng khoán Việt Nam ?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải: Lộ trình nước ngoài nó vô thì rõ ràng rồi, họ phải tham gia thôi. Nhưng Việt Nam có biện pháp không chế về tỷ lệ tham gia, tức phía công ty nước ngoài được mua cổ phiếu ở Việt Nam với tỷ lệ tối đa là bao nhiêu, cũng như các doanh nghiệp trong nước được phéo bán cổ phiếu cho nước ngoài tối đa là bao nhiêu – tỷ lệ này tại Việt Nam hiện nay là 10%.

Nên bây giờ họ chỉ được mua cổ phiếu từ doanh nghiệp của Việt Nam ở mức tối đa là 10% thôi. Thế còn chuyện có thể ngấm ngầm bên trong – như chuyện có người đại diện cho họ nhưng không mang tên của họ - thì tôi không rõ. Nhưng biện pháp khống chế chính thức của chính phủ là 10%.

Thanh Quang: Ngoài biện pháp khống chế về tỷ lệ mua, bán cổ phiếu như vậy, thì trước mắt giới chứng khoán Việt Nam, nói chung, cần khẩn cấp ứng phó như thế nào, chẳng hạn như liên kết với nhau, hay tính chuyện liên doanh với nước ngoài ?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải: Hiện giờ một số công ty lớn đang vô bàn bạc với một số công ty đang chuẩn bị cổ phần, thì họ cũng sẽ tham gia vốn. Nhưng trong sự tham gia ấy thì họ cũng phải theo quy định ở cái mức đó rồi.

Có thể sau này chính phủ cho phép tăng tỷ lệ vừa nói lên khi trong nước đã quen hoạt động cổ phiếu. Nhưng hiện nay chính phủ vẫn áp dụng biện pháp khống chế cổ phiếu như vậy. Thành ra việc sợ nước ngoài ào ạt vô để có thể thao túng, ảnh hưởng thị trường chứng khoán Việt Nam thì việc này chưa đến nỗi lắm.

Thanh Quang: Cho tới giờ, mức độ người dân tham gia dịch vụ chứng khoáng tại Việt Nam tới đâu? Họ có quen thuộc chưa hay vẫn coi thị trường chứng khoán là một hoạt động xa lạ ?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải: Ồ, hiện nay, do những thông tin về chứng khoán qua truyền hình, báo thì, thì người dân bắt đầu quen dần rồi đó. Đã có một số bắt đầu chơi cổ phiếu chuyên nghiệp; họ thường xuyên có mặt trên sàn giao dịch. Và tình hình này đang nhân rộng dần. Và khi chính thức tham gia thì chắc chắn họ đã tìm hiểu nguyên tắc giao dịch chứng khoán như thế nào. Triển vọng tốt.

Hiện cũng có nhiều anh em, bạn bè Việt kiều về có chơi một số, có mua một số cổ phiếu – cũng có tính cách thăm dò thôi.

Thanh Quang: Xin cảm ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.