Những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong năm 2007

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Nhìn lại các sự kiện trong nước xảy ra trong năm qua trên nhiều lãnh vực, các chuyên gia đều cùng nhìn nhận hai sự kiện nổi bật nhất của Việt Nam trong năm là gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế và được bầu vào ghế thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong niên khóa 2008-2009.

WTOBusiness200.jpg
Việc gia nhập WTO đánh dấu sự hội nhập của về kinh tế của Việt Nam với thế giới. AFP PHOTO.

Mặc Lâm có bài tổng kết ý kiến của các chuyên gia cũng như các nhà nghiên cứu về những suy nghĩ của họ sau một năm trôi qua trong nhiều lĩnh vực.

Hội nhập vào nền kinh tế thế giới

Năm 2007 có lẽ là năm đáng ghi nhớ nhất của Việt Nam. Những sự kiện thuận lợi liên tiếp xảy ra đã khiến thế giới ngạc nhiên cho mức tăng trưởng được xem là kỳ diệu của một đất nước chỉ vài năm sau đổi mới đã đạt được 8.5% đứng thứ nhì trong các nước Đông Nam Á chỉ sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh nền kinh tế trở nên khởi sắc sau khi gia nhập WTO vẫn còn những tồn tại không thể không chú ý mà theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh là rất đáng quan ngại trong đó có vấn đề lạm phát, ông cho biết:

TS Lê Đăng Doanh: "Với tư cách là thành viên của Tổ Chức Thưong Mại Thế Giới, Việt Nam đã tiếp tục tăng trưởng cao, đặc biệt cũng đã nâng cao được uy tín và thu hút được hơn 20 tỷ đôla cam kết đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó, cũng không thể nào bỏ qua được một tốc độ lạm phát trên 12% và mức nhập siêu kỷ lục trên 12 tỷ đôla.

Đấy là các dấu hiệu chứng tỏ rằng việc hoạch định chính sách của Việt Nam cần phải được đổi mới và cần phải được cải tiến để đáp ứng với tình hình mới. Công tác dự báo, công tác điều hợp, phối hợp giữa các ngành cũng cần phải được làm tốt hơn.”

Trong hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất nước là Quốc Hội, ông Dương Trung Quốc nhà sử học cũng là đại biểu Quốc Hội khóa 12 cho biết ông đồng tình với nhìn nhận của Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh về việc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế là biến cố quan trọng nhất trong năm tuy nhiên những hoạt động của Quốc Hội trong năm qua đã có những vận động dân chủ đáng chú ý khi nhiều dự luật có tính cách bảo vệ dân chủ được thông qua. Đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc cho biết:

Ông Dương Trung Quốc: "Trong quan niệm của tôi thì việc gia nhập WTO là một gự kiện quan trọng vì nó là cả một tiến trình lâu dài, nhưng mà dẫu sao nó cũng hội nhập vớí những giá trị chung và đương nhiên nó vừa được hưởng và vừa phải đứng trước những thử thách của cuộc họi nhập này.

Và tôi cho rằng một trong những nhân tố tích cực ấy nó cũng thể hiện ở lãnh vực kinh tế là lãnh vực nhìn thấy rõ nhất, cái xu thế của xã hội đối với cuộc vận động dân chủ nó thể hiện ở trong những việc ở quốc hội khi xây dựng chính sách, xây dựng luật pháp thì yếu tố dân chủ nó cũng được đặt lên.

Trước kia người ta nói nhiều đến vấn đề là nhân dân thôi, nhưng mà rõ ràng nhân dân cũng không chỉ thể hiện một cách chung chung mà thể hiện cái quyền của người dân trong những phản ánh trong các bộ luật. Tôi thấy cái đó là cái điều tương đối rõ trong hoạt động của quốc hội. Tuy nhiên dẫu sao đó là một tiến trình mà cái quá trình chuyển đổi về mặt thể chế chính trị và hội nhập thế giới tôi cho phải là một quá trình không thể đồi hỏi vội vã được.”

NguyenVanLyTrial150.jpg
Vụ công an bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý tại phiên tòa ở Huế hôm 30-3-2007 khiến dư luận quan tâm nhiều hơn đến trình trạng nhân quyền tại Việt Nam. RFA file photo.

Văn hóa, Giáo dục vẫn còn nhiều bật cập

Năm 2007 có lẽ là năm mà ngành giáo dục được mổ xẻ nhiều nhất. Dư luận thất vọng trước những bất cập cũng như những tiêu cực mà nền giáo dục Việt Nam tiếp tục lập lại trong nhiều năm qua. Nhà văn Nguyên Ngọc, hiện là giám đốc ban quản trị trường đại học tư thục Phan Chu Trinh cho biết những thất vọng của ông khi nhìn lại nền giáo dục nước nhà, ông cho biết :

Nhà văn Nguyên Ngọc: "Theo tôi, tình hình nó không tốt mà thậm chí nó còn xấu đi thêm. Tuy nhiên, một mặt khác thì cái áp lực xã hội thì là tốt. cái áp lực xã hội để có thể tác động trở lại thì theo tôi cái xu thế đó là tốt, và hy vọng cái áp lực đó có thể tác động.

Tôi cũng không ảo tưởng là nó chuyển động được ngay đâu, nhưng mà nó có thể có cái tác động dần dần trong một sự khai triển. Và nhất định phải khai triển chứ không như thế này thì gay go quá. Tôi cho rằng cái dỡ cái sai của cái giáo dục thì nó là toàn bộ, nó có tính hệ thống, thậm chí mà nó cực đoan là có khi phải xoá đi mà làm lại.

Tôi thấy cái thực tế của năm vừa qua chứng tỏ rằng không thể chữa được; mà càng chữa thì càng công phá theo cửa đó mà càng ngày càng rộng ra. Như cái áp lực đó mà.”

Trong lĩnh vực văn hóa, hai biến cố được giới trí thức trong nước ghi nhận là tích cực và có thể thay đổi được nguyên một nền tảng tư duy lỗi thời, cực đoan khi hai nhà văn hóa lớn của dân tộc lần lượt được công nhận đó là hai ông Phạm Quỳnh và Phan Khôi. Trước vấn đề văn hóa có tầm quan trọng này nhà phê bình và nghiên cứu văn học Thụy Khuê cho biết:

Nhà phê bình Thuỵ Khuê: "Trong năm vừa qua, theo như ý tôi thì có hai sự kiện khá quan trọng, tức là tác phẩm của Phạm Quỳnh, mà ông viết bằng tiếng Pháp và được in ở Pháp cách đây cũng đã khá lâu rồi, thì bây giờ đựơc dịch sang tiếng Việt và in lại ở Việt Nam, được đón nhận khá là nồng nhiệt.

Điều thứ hai nữa là nhà phê bình và nghiên cứu Như Lân ở trong nước, trong 7 năm qua, ảnh làm cái công việc rất là âm thầm, tức là tích tụ những bài báo của Phan Khôi lạc và bây giờ đã thành một bộ 4 ngàn trang trong việc giới thiệu lại Phan Khôi.

VnStudentProtestTruongSa200.jpg
Năm 2007 cũng đánh dấu sự kiện làn đầu tiên sau hàng chục năm, sinh viên thanh niên Việt Nam tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc. AFP PHOTO.

Có thể nói là Phạm Quỳnh và Phan Khôi là hai khuôn mặt trí thức lớn của thế kỷ 20 mà gần như là không được biết đến trong bao nhiêu thế hệ trong nước, bởi vì từ năm 1945 trở đi tất cả những khuôn mặt nổi bật của văn học Việt Nam thế kỷ 20 gần như bị gạt đi bằng cách này hay cách nọ vì lý do chính trị. Và bây giờ họ quay trở lại. Điều đó tôi cho là mừng nhất đối với chúng ta trong năm vừa qua.”

Các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền

Trở lại với với đề dân chủ và nhân quyền, mặc dù đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc cho rằng Quốc Hội Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cố gắng thiết lập những dự luật dân chủ, tuy nhiên những vụ án của Linh Mục Nguyễn Văn Lý, cũng như hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê thị Công Nhân, vẫn âm ỉ những dấu hỏi thật lớn về thực trạng dân chủ và nhân quyền trong nước. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhà tranh đấu lâu năm vì tiến trình dân chủ tại Việt Nam cho biết:

TS Nguyễn Thanh Giang: "Năm 2007 cuộc đấu tranh để đóng góp cho công cuộc dân chủ hoá Việt Nam có rất nhiều biến cố, sự kiện rất đáng quan tâm.

Đấy là cái năm mà các lực lượng đấu tranh cho dân chủ bị đàn áp rất là mạnh, và hàng loạt những người - chủ yếu là nhưngã anh em trẻ - đã bị bỏ tù, hoặc là nếu phiên toà xảy ra cho các người dân chủ được tiến hành một cách không đúng với tinh thần pháp luật nhà nước, cho nên có những bản án quy sai, quy oan, quy không đúng pháp luật, không đúng hiến pháp của nước Việt Nam.

Phải nói rằng sự đàn áp mạnh mẽ của chính quyền đối với các chiến sĩ dân chủ đã làm cho phong trào dân chủ bị thương tổn khá nặng nề và có lúc thấy như là đi xuống, nhưng, trong xu thế chung thì lại đi lên.” Sự đổ sụp của hai nhịp cầu cần thơ vào tháng 9 chưa kịp nguôi ngoai thì xảy ra việc Trung Quốc đưa ra quyết định xác nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào đảo Hải Nam vào những ngày cuối năm khiến lòng dân càng thêm phẫn nộ. Sinh viên trong nước lần đầu tiên đã tổ chức hai cuộc biểu tình chống đối Trung Quốc nhưng không được chính quyền công khai đồng tình ủng hộ.

Việc Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ra tuyên bố tỏ ý bất bình về các vụ biểu tình này lại càng gây bức xúc cho dư luận trong và ngoài nước vào những ngày cuối năm. Tuy nhiên việc này vô tình đã khơi lại lòng yêu nước của giới trẻ trong và ngoài nước khiến những dị biệt hình như đang được thu ngắn cho một mục đích chung là bảo vệ chủ quyền quốc gia, một điều tối thượng của mọi dân tộc trên thế giới.

Năm 2007 khép lại với những câu hỏi còn bỏ ngõ cho nhiều điều cần phải giải quyết. Năm mới 2008 đã đến và nỗ lực giải quyết những câu hỏi này đang được toàn xã hội cùng nhau chia sẻ.