Nhiều trẻ em lai Đài Loan gặp khó khăn trong việc làm khai sanh để đi học


2007.08.01

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Phong trào lấy chồng Đài Loan diễn ra rầm rộ cách đây từ 5 đến 6 năm và một số trẻ em lai Việt - Đài ra đời từ đó. Do nhiều lý do và hòan cảnh khác nhau, nhiều bà mẹ trẻ đã phải mang con về quê ngoại tá túc. Đến nay các em đến tuổi đi học nhưng muốn được vào lớp các em phải có khai sanh, mà việc kiếm được một giấy khai sanh hợp lệ cho các em cũng không dễ dàng gì. Trường Văn ghi nhận thêm một số chi tiết qua phần tường trình sau đây.

giaovien_hocsinh150.jpg
Học sinh mẫu giáo Việt Nam. RFA file photo

Hàng trăm trẻ em lai Đài Loan

Theo con số của phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Thành phố Cần Thơ thì hiện có khỏang 200 trẻ lai về sinh sống tại các xã ấp thuộc Cần Thơ. Tuy nhiên con số này chỉ có tính cách tương đối vì hiện nay không có cơ quan đặc biệt phụ trách về tình trạng các con lai từ Đài Loan về quê mẹ sinh sống. Những con số thu thập được cũng chưa chính xác vì có nhiều bà mẹ không chịu khai báo về tình trạng của con mình.

Trong một phóng sự được đăng vào ngày 2 tháng 7 này trên báo điện tử Cần Thơ, tác giả bài báo cho biết các trẻ lai sống rải rác tại các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long như Vĩnh Long, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ..

Ngòai việc thiếu thốn về mặt tình cảm như không có Cha bên cạnh để chăm sóc vỗ về, các em còn gặp một khó khăn về mặt pháp lý là hầy hết các em được coi là những kẻ sống bất hợp pháp ngay chính trên quê hưong mình.

Ngay cả việc học của các em cũng gặp phải trở ngại do các em không có khai sanh hợp pháp vì không có giấy chứng sanh được cấp từ Đài Loan.

Nhiều người mẹ phải bỏ trốn về vì chồng chết và bên chồng Đài Loan xua đuổi. Người khác phải bỏ nhà chồng ra đi vì bị chồng chè chén, say sưa phụ bạc. Về Việt Nam trong hòan cảnh trốn chạy như vậy, nhiều bà mẹ Việt Nam không mang được giấy tờ gì cho con mình cả.

Không đủ giấy tờ đến trường

Đến tuổi đi học, nhiều bà mẹ hay ông bà Ngọai phải tìm đủ mọi cách bất hợp pháp để cho con cháu mình được đến trường. Có người phải năn nỉ đi mượn khai sanh của các trẻ lân cận. Người khác phải làm khai sanh với tên cha là một người quen biết nào đó.

Các em có thể tạm thời được đến trường nhưng tình trạng bất hợp pháp của các em vẫn tồn tại.

Vì chưa có cách giải quyêt thống nhất cho các em nên mỗi địa phương tùy tiện làm theo ý mình.

Bà Lê Thị Hải Yến, Trưởng phòng Hộ Tịch Sở Tư Pháp Cần Thơ cho báo chí biết là ngòai thỏa thuận mang quốc tịch cho con của cha mẹ, giấy chứng sinh ở nước ngòai phải được lãnh sự quán Việt Nam ở nước sở tại chứng thực, phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng. Đầy dủ những điều kiện này thì cơ quan hộ tịch địa phương mới cấy giấy khai sanh cho các em.

Bà Lê Thị Hải Yến còn khẳng định là đối với những trường hợp chạy giấy khai sanh, làm không đúng thủ tục thì khi phát hiện sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Một cán bộ thuộc phòng Tư pháp huyện Cù Lao Dung tỉnh Sóc Trăng cũng đồng ý với quan điểm của bà lê Thị Hải Yến: “Nếu như không có giấy tờ thì theo Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch thì ở đây người ta cũng không có cơ sở để cấp giấy khai sanh vì làm cũng phải theo luật. Cần có một nghị định hay một thông tư hướng dẫn riêng thì mới làm được.”

Chưa có chính sách thống nhất

Tuy nhiên tuy là cùng tỉnh Sóc Trăng nhưng bà Phượng thuộc Ủy Ban Dân số Gia đình và Trẻ em tỉnh lại đưa ra những phát biểu khác: “Khi tình hình trẻ em từ nước ngòai theo mẹ về Việt Nam sinh sống mà không có giấy khai sinh thì sau khi khảo sát thì hầu như các tỉnh Nam Bộ tỉnh nào cũng có hết. Sau đó thì có phản ánh vấn đề này cho Ủy Ban Nhân Dân các cấp và cách đây một năm Bộ Tư pháp đã có nghị định 158 qui định vấn đề khai sanh cho trẻ em theo đó trẻ em được khai sanh theo mẹ và chỉ cần xác định nơi thường trú của mẹ. Nếu như không có giấy chứng sinh thì nếu có người địa phương làm chứng thì cũng được cấp khai sanh”.

Tại huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, việc làm khai sanh cho các trẻ lai lại có phần dễ dãi hơn. Một cư dân tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận An, huyện Bình Minh, Vĩnh Long cho biết: “Nếu có hộ khẩu tại đây thì nếu không có cha thì lấy họ mẹ cũng được. Ngày sanh tháng đẻ không cần thiết. Anh nhớ tháng nào ngày nào anh để đại cũng được đâu có sao đâu. Nếu anh muốn làm như vậy thì mượn hai nhà hai đầu”.

Đối với việc học của các em trẻ lai không có giấy khai sanh, ông Nguyễn Quý Đôn, Phó Giám Đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo thành phố Cần Thơ có ý nghĩ thông thóang hơn. Ông khẳng định là người lớn trong gia đình không cần phải chạy giấy khai sanh cho con cháu mà chỉ cần viết đơn trình bày rõ hòan cảnh, có địa phương xác nhận lả sẽ được giải quyết cho đi học, không có gì là khó khăn cả.

Hiện nay, phong trào lấy chồng Đài Loan đã tạm lắng xuống, nhường chỗ cho các cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Tình trạng các con lai Hàn Quốc sau này ra sao, chưa ai biết được nhưng rút kinh nghiệm con lai Đài Loan, nhiều ông bà ngọai tương lai mong mỏi nhà nước có được một chính sách thông thóang để giúp các em chẳng may lại phải trở về quê ngọai tá túc sau này được học hành và hội nhập vào xã hội như các trẻ em khác.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.