Trà Mi, phóng viên đài RFA
Giảm thiểu con số tử vong và bệnh tật ở sản phụ không những là việc làm mang tính nhân bản cấp thiết, mà còn là 1 mục tiêu phấn đấu của toàn cầu. Đó là khẳng định được nêu lên trong bản báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2004.
Mặc dù ở một vài quốc gia cho thấy có những tiến bộ trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản, số liệu thống kê hàng năm về các thai phụ tử vong trên toàn thế giới trong thập niên qua vẫn chưa giảm được bao nhiêu. Ước tính cứ mỗi phút, trên toàn cầu có gần 530 ngàn bà mẹ tử vong. 99% trường hợp này xảy ra tại các nước đang phát triển.
Sự cách biệt
Hàng triệu phụ nữ khác được cứu sống thì cũng phải chịu những bệnh tật và tàn phế do hậu quả của việc thai sản gây ra. Mỗi năm khoảng 8 triệu phụ nữ gặp phải tai biến trong thời kỳ mang thai, đe doạ tính mạng. Nguyên nhân chính chị em phụ nữ thường ngần ngại đến các cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe định kỳ.
Nguy cơ về thai sản giữa những phụ nữ mang thai ở các quốc gia giàu với những nước nghèo có sự cách biệt rất lớn. Cứ 12 thai phụ ở Tây Phi, thì có 1 người có số phận "chỉ mành treo chuông" trong thời kỳ mang thai hay sanh nở. Trong khi đó thì tỷ lệ này là 1 trên 4 ngàn tại các quốc gia phát triển.
Nhận thấy hầu hết những trường hợp tử vong và thương vong nơi thai phụ có thể kiểm soát được nếu có các phương tiện chăm sóc và sự theo dõi chuyên môn trong giai đoạn tiền thai sản, lúc mang thai, và thời kỳ hậu sản, Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, gọi tắt là ICPD, đã kêu gọi các quốc gia mở rộng dịch vụ sức khỏe sinh sản và phát triển chiến lược khắc phục các nguyên nhân gây tử vong và bệnh tật nơi sản phụ.
Không đủ điều kiện
10 năm sau khi Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển ICPD ra đời, nhu cầu của phụ nữ vẫn chưa chiếm vị trí cao trong danh sách hành động ưu tiên của các chính phủ và cộng đồng. Phụ nữ vẫn chưa được tạo điều kiện để được chăm sóc sinh sản như họ mong muốn. Nghèo đói, chiến tranh, và thiên tai là những nguyên nhân của tình trạng sức khỏe sinh sản tồi tệ, và là thách thức cho công tác bảo vệ bà mẹ an toàn.
Trong cuộc thăm dò toàn cầu năm 2003 của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, 144 quốc gia báo cáo đã áp dụng những biện pháp cụ thể để giảm tỷ lệ thương vong nơi thai phụ. Trong số này phổ biến nhất là đào tạo cán bộ y tế, cải thiện chăm sóc tiền và hậu sinh sản, cũng như cung cấp tuyên truyền thông tin.
Thống kê của Tổ chức y tế thế giới WHO cho thấy hơn phân nửa số phụ nữ tại các quốc gia đang phát triển hiện nay đi thăm khám ít nhất là 4 lần trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, trong số này, những phụ nữ có trình độ văn hoá càng khiêm tốn hoặc điều kiện kinh tế càng khó khăn bao nhiêu thì càng ít đến các cơ sở y tế để kiểm tra bấy nhiêu.
Không phổ biến
Lấy ví dụ như ở Việt Nam, theo nhận định của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc được báo Lao động trích dẫn, sự khác biệt giữa các vùng miền trong nước đang ngày càng lớn dần lên. Tỷ lệ tử vong thai phụ ở các tỉnh vùng sâu vùng xa cao hơn tại thành thị gấp 10 lần.
Nguyên nhân chủ yếu một phần là do phương tiện chăm sóc y tế công cộng tại những nơi này thiếu thốn, không đúng tiêu chuẩn. Một phần khác là do chị em phụ nữ tại đây thiếu kiến thức, lại không có phương tiện tìm hiểu về sức khoẻ sinh sản. Về điều này, một thai phụ tại thành phố cho biết thêm về các biện pháp tuyên truyền giáo dục dành cho thai phụ mà chị được biết.
Còn cách giáo dục mà nhiều người vẫn cho là phổ cập rộng rãi hơn hết là đưa vào trường học. Đối với vấn đề giáo dục giới tính và kiến thức sinh sản trong học đường, người phụ nữ này nhận xét rằng chưa thật sự phổ biến.
Cải thiện tổng thể
Trong số các biện pháp đề ra nhằm giảm thiểu tình trạng tử vong và bệnh tật ở sản phụ, các tổ chức quốc tế đặc biệt nhấn mạnh đến việc giáo dục kiến thức sinh sản cho phụ nữ và tạo điều kiện cho thai phụ tiếp cận với những phương tiện cũng như đội ngũ y tế chuyên môn khi sanh nở.
Để làm được điều này, ngoài việc nâng cao hiểu biết của người dân về sinh sản, các chính phủ còn phải quan tâm cải thiện chất lượng tổng thể, cũng như khả năng của hệ thống y tế quốc gia, đặc biệt chú trọng hơn nữa đến những cấp địa phương phường xã, quận huyện, và những vùng sâu, vùng xa.