Mỏ dầu khí mới tại Vịnh Bắc Bộ làm nóng lòng Trung Quốc

By line: Trà Mi

Tuần trước, Việt Nam công bố tìm thấy mỏ dầu và khí đốt khổng lồ ngoài khơi Hải Phòng, thuộc khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng lãnh hải nhạy cảm vốn có nhiều tranh chấp từ bấy lâu nay. Lập tức ngay sau đó, Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực khai thác dầu khí trong tương lai tại vùng biển Nam Trung Quốc, và kêu gọi Việt Nam ngưng các hành động đơn phương làm khơi dậy sự tranh chấp.

Phát hiện được mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ là một tin vui đáng mừng đối với Việt Nam, nhưng cũng đồng thời châm dầu cho ngọn lửa tranh chấp âm ỉ lâu nay giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải tại khu vực này có dịp bùng phát.

Phát hiện mới...

Vị trí mỏ dầu mới tìm thấy ở Yên Tử, cách cảng Hải Phòng chừng 70 cây số về phía đông. Các công ty dầu khí nước ngoài ký hợp đồng với Việt Nam để thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Bắc Bộ bao gồm 1 của Malaysia, 1 thuộc Singapore, và còn lại là 1 công ty công nghệ dầu khí Hoa Kỳ, gọi tắt là ATI.

Theo ước tính của các nhà chuyên môn, thì mỏ dầu mới khám phá này có trữ lượng khoảng 7 đến 8 trăm triệu thùng dầu và 40 tỷ mét khối khí. Tiến sĩ Đinh Đức Hữu, tổng giám đốc công ty ATI, cho biết đã có nhiều công ty tiến hành khai thác dầu và khí tự nhiên tại vùng này, nhưng khám phá lần này là một "cú đánh dầu hỏa lớn đầu tiên" ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.

Cũng theo ông Hữu, hầu hết sản lượng dầu hàng ngày của quốc gia là từ các mỏ dầu ngoài khơi phía Nam. Phát biểu với phóng viên đài Á Châu Tự Do về tiềm năng dầu mỏ tại thềm lục địa Bắc Bộ, tiến sĩ Hữu nói: (Xin nghe audio clip bên trên)

Ông Hữu còn cho biết thêm về lợi ích trông thấy của mỏ dầu mới phát hiện: (Xin nghe audio clip bên trên)

...làm nóng lòng phía Trung Quốc

Tuy nhiên, tiềm năng khổng lồ của mỏ dầu mới phát hiện này lại làm nóng lòng phía Trung Quốc, và cũng là chất xúc tác cho sự tranh chấp của Hoa Lục vốn âm ỉ bấy lâu đối với khu vực quần đảo Trường Sa, nay lại được khơi màu.

Chỉ 1 ngày sau khi tổ hợp các công ty dầu khí giữa Việt Nam, Malaysia, Singapore, và Mỹ công bố tìm thấy mỏ dầu khí ngòai khơi Hải Phòng, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc, Chương Khải Nguyệt, đã lên tiếng phản đối những dự định mời thầu khai thác dầu khí của Việt Nam tại 9 lô khác ở thềm lục địa Phú Khánh, thuộc khu vực tranh chấp Trường Sa, sau khi PetroVietNam công bố hạn chót đăng ký thầu là cuối tháng 3 năm sau.

Bà Chương khẳng định rằng Trung Quốc đặc biệt quan tâm và hết sức bất mãn trước công bố này. Cũng theo lời bà Chương, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại vùng đảo Nam Sa mà Việt Nam gọi là Trường Sa và các vùng lãnh hải lân cận thuộc biển Nam Trung Quốc. Hành động của Việt Nam là vi phạm chủ quyền, lãnh hải, và quyền lợi của Trung Quốc.

Kêu gọi ngưng các hoạt động

Trên tinh thần này, Hoa Lục kêu gọi chính phủ Việt Nam và các công ty khai thác dầu khí nước ngoài ngưng các hoạt động gây phương hại đến chủ quyền và lãnh hải của chủ nhân Vạn Lý Trường Thành.

Từ lâu nay, Bắc Kinh đã luôn tỏ ý định chứng tỏ quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản tại vùng biển Nam Trung Quốc trong đó có cả vịnh Bắc Bộ, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trên thực tế, Hoa Lục đã tuyên bố quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh hải của mình sau khi phong tỏa quyền kiểm soát của Việt Nam tại khu vực này, và hiện giờ Bắc Kinh vẫn coi hải phận này là một phần của tỉnh lân cận Hải Nam.

Phản ứng của Hoa Lục trước lời mời đấu thầu khai thác dầu khí công khai của chính phủ Việt Nam là 1 sự nhắc nhở rằng mặc dù mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các quốc gia Đông Nam Á gần đây đã ấm nồng hơn trước rất nhiều, song, các tranh cãi về chủ quyền vẫn luôn là đề tài nóng bỏng. Đặc biệt là sự tranh chấp giữa 2 nước Việt-Trung, vốn đã đụng độ với nhau tại vịnh Bắc Bộ vào năm 1988 và 1992. Mà trong cả 2 lần, Trung Quốc đều là phe chiến thắng.

Bản hành xử chung...

Năm ngoái, Trung Quốc và Việt Nam đã thỏa thuận giữ nguyên hiện trạng tại khu vực này, tuân thủ Bản hành xử chung của các nước quy định sự kiểm soát của các bên tại biển Nam Trung Quốc được ký kết giữa Hoa Lục và các nước thuộc khối ASEAN vào năm 2002, sau mấy năm ròng Bắc Kinh từ chối không tham gia các cuộc thảo luận đa phương về vấn đề này. Khối ASEAN xem đây là một văn kiện rất quan trọng nhằm tránh các động thái có thể làm căng thẳng tại khu vực lãnh hải này lên cao.

Viện dẫn vào văn kiện này, Trung Quốc đang bày tỏ lo lắng rằng việc khai thác dầu khí của Việt Nam với các công ty nước ngoài sẽ gây phương hại đến thỏa thuận chung vừa kể. Cho nên, Hoa Lục kêu gọi Việt Nam xem lại hành động vi phạm quyền kiểm soát đã quy định và tuân thủ thỏa hiệp đạt được qua văn kiện vừa nói.

Philippines sẵn sàng đàm phán

Gần đây, trong chuyến viếng thăm Trung Quốc, Tổng thống Philippines, bà Gloria Arroyo, đã ký kết với Hoa Lục văn kiện cộng tác dò tìm và khai thác dầu khí tại Trường Sa giữa 2 nước. Sự kiện này đã làm Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ phản đối .

Tin tức mới nhất cho hay Ngoại trưởng Philippines Alberto Romulo tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Việt Nam về vấn đề này. Ông Romulo còn nói rằng Phi sẽ tiếp tục thương thuyết không chỉ với Việt Nam mà còn với những nước khác đang có tranh chấp tại quần đảo Trửờng Sa trên tinh thần tuân thủ Bản hành xử chung của các nước .

Việt Nam là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 trong vùng Đông Nam Á, với năng suất 400 ngàn thùng một ngày. Đứng thứ nhì là Malaysia, và dẫn đầu là Indonesia.