Tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn sẽ còn tiếp tục đến năm 2020
2004.11.02
Thành phố HCM năm nào cũng ngập nặng vì mưa và triều cường, người dân Saigon chịu đựng ra sao để sống chung với thực tế đường phố ngập sâu nửa mét nước và tràn cả vào nhà. Thời gian trước năm 1975, Saigon có khoảng hơn ba triệu dân và ít khi có chuyện đường phố bị ngập vì mưa.
By line: Nam Nguyên
Khái niệm về triều cường gây ngập trong đô thị hòan tòan xa lạ với cư dân thành phố. Đất nứơc thống nhất, Saigon mang tên TP.HCM và gần 30 năm sau dân số thành phố này gia tăng tới con số kỷ lục hơn 7 triệu người. Tình trạng bùng nổ xây dựng mở rộng thành phố, cũng như nạn ô nhiễm bồi cao mặt đáy sông và kênh rạch khiến mực nước cao hơn trước.
Và chỉ cần có mưa to triều dâng là các cống thóat nước của thành phố xả ra các kênh rạch, bị tràn ngược trở lại, gây ngập nghiêm trọng cho gần 100 địa điểm trên tòan thành phố. Trong những ngày tháng 10 vốn là thời gian triều cường đạt đỉnh, đường phố mênh mông nước, một thị dân Saigon điểm sơ các vùng bị ngập nặng, xe cộ không di chuyển được.
Những nơi mà cư dân Saigon vừa mô tả có thể còn thiếu khu vực được một nhà báo gọi là ‘Rốn Lũ Trong lòng đô thị’ rộng 350 héc ta từ khu vực vòng xoay Cây Gõ toả ra các quận 5,6 và 11. Ở khu vực này nước không những ngập đường phố mà còn tràn cả vào nhà dân, mỗi khi mưa kéo dài. Người dân ở đây lúc nào cũng phải đối phó với triều cường như đề phòng địch quân trong thời kỳ chiến tranh. Nền nhà được tôn tạo cao lên nhưng cũng chẳng thể đáp ứng, trứơc cửa ra vào người dân tìm đủ mọi phương tiện để chặn nước vào nhà.
Một người am hiểu vấn đề thiết kế đô thị cho rằng trong những năm sau này Saigon đã được phát triển không đồng bộ, hạ tầng cơ sở không đáp ứng được tỷ lệ xây dựng mới và tăng dân số. Khi một khu vực bị ngập ngành công chánh lại chữa cháy bằng cách nâng cao mặt lộ, nhưng nền nhà của dân thì dân phải tự xoay sở. Lại nữa, thường khi một khu vực được nâng cao thì nước sẽ tràn về các vùng thấp hơn ở lân cận. Theo ông thông thường các thành phố lớn trên thế giới thường phát triển theo vòng trôn ốc, kèm hệ thống thóat nước và tiện ích khác.
Tình trạng ngập lụt giữa lòng đô thị là một vấn đề bức xúc của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, nhiều dự án được chấp thuận để cải tạo kênh rạch, trong đó có dự án Kênh Nhiêu Lộc. Tuy vậy chương trình Nhiêu Lộc mới thực hiện được một phần, đem lại một bộ mặt mới cho con kênh nứơc đen này.
Theo tin từ chính quyền thành phố, hai gói thầu số 7 và số 8 chậm thực hiện, mà hai gói thầu này lại liên quan tới việc thiết lập 13 giếng xả ngầm và xây dựng trạm bơm nước có thiết bị lược rác. Ngòai ra một dự án trị giá 550 triệu đô la cũng được chấp thuận, nhưng lại vướng khâu giải toả tái định cư và nguồn vốn. Đây là chương trình nạo vét và mở rộng tuyến kênh Tân Hóa Lò Gốm để tiêu thóat nước.
Trong một dịp giải trình với đòan đại biểu quốc hội, các giới chức TP.HCM cho biết có thể phải đến năm 2020 mới giải quyết dứt khóat tình trạng ngập lụt giữa lòng đô thị. Hiện nay người dân Saigon đã quen sống chung với nước ngập cũng như người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ vậy.