Cách đây 24 giờ đồng hồ, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã đưa ra tỷ lệ đánh thuế chống phá giá áp dụng cho các nhà sản xuất và xuất khẩu tôm đông lạnh Việt Nam sang Mỹ là từ 4,13% đến 25,76%. Cùng ngày, Bộ Thương Mại Mỹ cũng cho biết biên độ áp thuế phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Trung Quốc là từ 27,89% đến 112,81%.
By line: Nguyễn Khanh
Trước quyết định của Chính Phủ Hoa Kỳ, Ban Việt Ngữ chúng tôi đã liên lạc với ông Wally Stevens, Chủ Tịch Ủy Ban Ðặc Nhiệm Tôm Mỹ để tìm hiểu quan điểm của Ủy Ban. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện.
Nguyễn Khanh: xin chào ông Stevens và cám ơn ông đã bỏ thì giờ để nói chuyện với chúng tôi. Thưa ông, quyết định mà Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đưa ra ngày hôm qua ảnh hưởng thế nào đến người tiêu thụ tôm ở ngay trên đất Mỹ?
Wally Stevens: quyết định mà Bộ Thương Mại Hoa Kỳ mới đưa ra sẽ dẫn đến kết quả là giá tôm ở thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng trong thời gian tới.
Nguyễn Khanh: ông có thể nói rõ hơn về điểm này được không?
"...nếu tính với mức thuế trước đó thì thuế đánh trên con tôm khi đưa từ Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 4% hoặc 5% nữa, và người tiêu thụ là người phải gánh chịu thêm khoản tiền thuế này..."
Wally Stevens: vâng. Mặc dù quyết định mà Bộ Thương Mại vừa đưa ra cho thấy thuế phá giá đánh trên mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ giảm khoảng 75% so với mức thuế bán phá giá được đề nghị lúc ban đầu, nhưng nếu tính với mức thuế trước đó thì thuế đánh trên con tôm khi đưa từ Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 4% hoặc 5% nữa, và người tiêu thụ là người phải gánh chịu thêm khoản tiền thuế này.
Nói đơn giản thì thuế tăng, giá thành của mặt hàng đương nhiên phải tăng và người tiêu dùng là tập thể bị thiệt thòi. Riêng với trường hợp của Trung Quốc mức thuế phá giá trung bình vào khoảng 50%, và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Trung Quốc sẽ phải tìm thị trường khác có mức thuế thấp hơn để bán mặt hàng của họ. Lúc đó, lượng tôm cung cấp cho người tiêu thụ ở Mỹ đương nhiên sẽ giảm đi.
Nguyễn Khanh: quyết định đánh thuế phá giá vào tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ có giúp cho kỹ nghệ nuôi tôm ở Mỹ không?
Wally Stevens: quyết định của Bộ Thương Mại chẳng giúp đỡ được gì cho các nhà nuôi tôm ở Mỹ. Những người nuôi tôm ở Hoa Kỳ biết rõ thử thách mà họ gặp phải chẳng liên quan gì đến kỹ nghệ nuôi tôm ở các nước bên Châu Á. Trở ngại là ở Mỹ, là cách làm việc của họ.
Nguyễn Khanh: theo ông thì quyết định của Bộ Thương Mại Mỹ có công bằng không?
"..chẳng công bằng chút nào cả. Ngay từ đầu đã không công bằng, nhất là với những quốc gia như Việt Nam. Lối xét xử của Bộ Thương Mại là dựa theo tiêu chuẩn quốc gia bị kiện có phải là một nước có nền kinh tế thị trương hay không, và cứ nước nào chưa đạt chỉ tiêu kinh tế thị trường thì hầu như chắc chắn sẽ bị phạt. Tôi nghĩ đó là lối xét xử không thể chấp nhận được..."
Wally Stevens: chẳng công bằng chút nào cả. Ngay từ đầu đã không công bằng, nhất là với những quốc gia như Việt Nam. Lối xét xử của Bộ Thương Mại là dựa theo tiêu chuẩn quốc gia bị kiện có phải là một nước có nền kinh tế thị trương hay không, và cứ nước nào chưa đạt chỉ tiêu kinh tế thị trường thì hầu như chắc chắn sẽ bị phạt. Tôi nghĩ đó là lối xét xử không thể chấp nhận được.
Nguyễn Khanh: như vậy trong những ngày sắp tới, Ủy Ban Ðặc Nhiệm Tôm Mỹ do ông điều khiển sẽ làm gì để giúp cho những nước bị thiệt thòi?
Wally Stevens: hôm nay trong buổi điều trần trước Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Mỹ, Ủy Ban Ðặc Nhiệm Tôm của chúng tôi đưa ra lập luận cho thấy kỹ nghệ nuôi tôm ở Hoa Kỳ không hề bị thiệt hại vì tôm nhập khẩu từ các nước nghèo như Việt Nam. Nếu lập luận của chúng tôi được lắng nghe, thì vào khoảng giữa tháng Giêng năm tới, mức thuế mà Bộ Thương Mại mới quyết định đánh trên mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ không được áp dụng.
Trong thời gian chờ đợi, Ủy Ban chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, tiếp tục đưa các bằng chứng cho Ủy Ban Thương Mại Mỹ thấy tôm nhập khẩu không gây hại cho kỹ nghệ nuôi tôm Hoa Kỳ và không nên áp đặt thuế bán phá giá đối với Việt Nam cũng như Trung Quốc.
Nguyễn Khanh: xin cám ơn ông Wally Stevens.