Chiến dịch vượt tường lửa

“Chiến dịch vượt tường lửa và an ninh điện tử” vừa được Đảng Việt Tân phát động vài ngày trước đây.
Khánh An, phóng viên RFA
2010.09.22
Giao diện trang web www.nofirewall.net Giao diện trang web www.nofirewall.net
Photo courtesy of nofirewall.net

Theo đó, mọi người dân Việt Nam đều có cơ hội tiếp xúc với các tài liệu chỉ dẫn cách thức vượt kiểm duyệt internet đã được dịch sang tiếng Việt, đồng thời, học hỏi cách bảo vệ thông tin cá nhân, tránh các mã độc bị cài lén vào máy tính.

Chống đàn áp tự do ngôn luận

Các thông tin hướng dẫn vượt tường lửa và an ninh điện tử được đưa lên trang mạng xã hội blogspot dưới dạng blog có tên nofirewall.blogspot.com và tại trang mạng www.nofirewall.net. Tại hai trang này, người đọc có thể tìm hiểu các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu trong hai lĩnh vực vượt tường lửa và an ninh điện tử. Ngoài ra, trang web còn giới thiệu các tin tức, bài viết liên quan đến hai lĩnh vực trên và những cảnh báo về mã độc có thể bị lén cài đặt vào máy tính của người sử dụng.

Đảng Việt Tân đã phát động một chiến dịch để cổ võ cho quyền tự do internet. Một trong những công việc cụ thể chúng tôi đã làm lập một trang blog là “No Firewall”.

Ô. Hoàng Tứ Duy

Vấn đề tường lửa hay các kỹ thuật kiểm soát, kiểm duyệt internet, theo Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner là một “cám dỗ” trong việc đàn áp tự do ngôn luận ở các quốc gia chuyên chế. Theo ông, con số các quốc gia sử dụng internet như một công cụ tình báo, theo dõi công dân để tìm ra những người bất đồng chính kiến đang ngày một tăng lên theo chiều hướng đáng lo ngại. Một trong những lý do quan trọng mà các nước độc tài, chuyên chế phải ngăn chặn tự do của người sử dụng là vì internet, cùng với các công cụ thông tin khác, đã tạo ra công luận và xã hội dân sự.

Riêng tại Việt Nam, theo thống kê, số người sử dụng internet hiện nay chiếm khoảng 26% dân số, trong đó, ½ dân số khu vực thành thị có truy cập internet và con số này còn cao hơn nữa ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, thông tin mà người sử dụng internet tại Việt Nam thu lượm được, đặc biệt là những thông tin trái chiều, thông tin liên quan đến vấn đề chính trị, tôn giáo còn khá hạn chế. Các websites nước ngoài hay các mạng xã hội có tầm ảnh hưởng lớn như Facebook đều bị chặn tại Việt Nam, mặc dù việc sử dụng tường lửa để chặn các trang mạng bị cho là “nhạy cảm” nhiều khi không đạt hiệu quả, nhất là đối với giới trẻ.

Công Tâm, một sinh viên tại TPHCM cho biết:

Ảnh minh họa thế giới ảo. RFA files photo.
Ảnh minh họa thế giới ảo. RFA files photo.
“Họ làm không hiệu quả, nói chung là không chặt tay lắm. Bất kỳ trang nào mình cũng có thể vô được, bất kỳ ai cũng vô được, chỉ cần lách một chút xíu là xong. Nếu dạng nặng thì mình dùng proxy là qua, còn nếu bình thường chỉ cần đổi DNS là vô bình thường, không có gì khó cả.”

Tuy nhiên, Tâm cho biết có hiện tượng một số website nước ngoài bị chặn ngay từ bước đầu tiên trong quá trình tìm thông tin, cụ thể là trang công cụ tìm kiếm Google:

“Bây giờ thì ví dụ trong Google chẳng hạn, nó bắt buộc mình vô Google là phải vô google.com.vn, không thể nào vô Google của U.S. được. Hôm bữa, em search bằng Google của Korea được, của Trung Quốc được, nhưng Google của Mỹ hay của Anh (UK) là không được. Mình đánh google.com là nó tự động mặc định ra google.com.vn, nghĩa là em không cách nào vô google.com được trừ phi em lên search chữ Google của U.S. thì nó sẽ ra trang trong đó dùng thanh công cụ search của U.S., rồi mới search ra những trang nước ngoài được. Nó chặn ngay từ khúc đó, ngay từ lọc thông tin là nó chặn rồi. Search thông tin ai bên Mỹ cũng không ra. Đó thì nó chặn ngay từ bước thông tin căn bản đó rồi.

Bất kỳ ai cũng vô được, chỉ cần lách một chút xíu là xong. Nếu dạng nặng thì mình dùng proxy là qua, còn nếu bình thường chỉ cần đổi DNS là vô bình thường, không có gì khó cả.

Bạn Công Tâm

Ví dụ những trang khác có thể nó không chặn được, mình lách là qua thôi, nhưng mà nó vẫn chặn ở một mức độ thông tin nào đó, mình không thấy được hết. Ví dụ bây giờ em đâu vô Facebook tiếng Anh được nữa, chỉ vô Facebook tiếng Việt thôi. Facebook của em là facebook.com luôn nhưng chỉ thấy tiếng Việt thôi, đâu thấy được tiếng Anh đâu.”

Vai trò quan trọng của internet

Theo ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Đảng Việt Tân, tình trạng nhiều người dân bị kiểm soát thông tin trên mạng internet kiểu như trên, không được hưởng quyền tự do thông tin cũng chính là nguyên nhân phát động “Chiến dịch vượt tường lửa và an ninh điện tử”:

“Đảng Việt Tân nhận thấy vai trò quan trọng của mạng internet trong vấn đề phát triển đất nước và mở rộng những sinh hoạt chính trị, thông tin của người dân. Chính vì vậy, Đảng Việt Tân đã phát động một chiến dịch để cổ võ cho quyền tự do internet. Một trong những công việc cụ thể chúng tôi đã làm lập một trang blog là “No Firewall” để làm sao giới thiệu với người dân Việt Nam những kiến thức cần thiết để vượt tường lửa và để bảo đảm vấn đề an ninh điện tử.

Ông Hoàng Tứ Duy trong lần trả lời phỏng vấn tại RFA hôm 09/09/2010. RFA Photo.
Ông Hoàng Tứ Duy trong lần trả lời phỏng vấn tại RFA hôm 09/09/2010. RFA Photo.
Tường lửa đang là vấn đề ảnh hưởng đến nhiều người dân Việt Nam trong vấn đề truy cập các trang nhà, các blog ở bên ngoài. Hiện nay có một số tổ chức NGO phát hành các tài liệu để giúp người sử dụng internet vượt tường lửa nhưng điều trở ngại là phần lớn những tài liệu này là bằng tiếng Anh. Đảng Việt Tân đã dịch qua tiếng Việt những tài liệu hữu hiệu này và đưa lên một trang blog để người Việt Nam có thể vào truy cập và học được những kiến thức này.”

Mới đây “Chiến dịch vượt tường lửa và An ninh điện tử” được Đảng Việt Tân chính thức phát động từ ngày 16/5 tuy nhiên những chiến dịch tự phát tương tự đã âm ỉ từ lâu trong cộng đồng các công dân mạng tại Việt Nam, đặc biệt trong giới blogger và những người sử dụng mạng xã hội Facebook, mà nói theo tác giả Joyce Anne Nguyễn trong bài viết “Thân gửi các chú CAM (Công An Mạng) được đăng trên trang “Nhật ký yêu nước” thì “Càng bị tấn công, người ta càng muốn đấu tranh để tạo một sự thay đổi và tìm kiếm tự do”.

Có thể thấy, Internet đã dấy lên một cuộc chiến giữa một bên là những người muốn giành quyền kiểm soát thông tin và một bên là những người yêu chuộng tự do thông tin. Hai lực đối trọng này xem ra bất phân thắng bại vì cho tới nay tuy người sử dụng là con số đông áp đảo nhưng phân tán và không có quyền lực đen như những chính phủ muốn Internet trở thành công cụ cho riêng họ mà thôi.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.