Hành xử của an ninh và phản ứng của người dân

Gia Minh, biên tập viên RFA
2013.11.04
000_Hkg9055048-305.jpg An ninh làm hàng rào ngăn chặn người dân đến dự phiên xử LS. Lê Quốc Quân hôm 02/10/2013 tại Hà Nội.
AFP photo

 

Một số người tại Việt Nam do có những hành động yêu nước công khai cũng như dám đứng ra giúp đỡ, bênh vực cho những người dân oan khiếu kiện đã bị đánh đập, sách nhiễu một cách vô cớ.

Bị đánh do hành động yêu nước

Phiên xử án facebooker Đinh Nhật Uy hồi ngày 29 tháng 10 vừa qua thu hút sự chú ý của những người quan tâm. Lý do theo những người này anh Đinh Nhật Uy không làm gì vi phạm pháp luật, thậm chí hành động của anh này còn chứng tỏ lòng yêu nước, chống Trung Quốc gây hấn xâm lấn Việt Nam, cũng như tệ nạn tham nhũng gây hại cho quốc gia...

Trong số những thanh niên trẻ về Long An từ đêm hôm trước để dự phiên xử , có anh Peter Bùi đã bị lực lượng chức năng bắt lên xe và đánh khi anh này hô các khẩu hiệu đòi công lý, tự do và chống bất công xã hội tại Việt Nam. Anh này kể lại sự việc đó:

"Sau khi bị nhốt lên xe, tôi mở cửa sổ thò đầu ra để hô tiếp những câu khẩu hiệu, do lúc đó xe đang đứng ở ngã tư có rất nhiều người xung quanh. Tôi hô ‘Tự do cho Đinh Nhật Uy, tự do cho những người yêu nước, tự do cho dân tộc Việt Nam. Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam. Có một viên an ninh đang cầm máy quay tiến lại đấm tôi  một cái vào mặt. Tôi rất đau vì lúc đó ở trên xe, mọi người giữ phía sau tôi lại, tôi chỉ chồm được một đầu ra thôi. Choáng quá tôi lấy tay che mặt, thì người đó đánh tôi thêm một cái vào mang tai bên kia nữa."


Họ sợ bên ngoài nhìn thấy nên cùm chân chúng tôi và kéo lên tầng trên tra tấn chúng tôi, xích tay đánh. Kết quả tôi bị gãy 3 xương sườn, anh Lê Thiện Nhân bị đánh đến sưng hết cả đầu, cả mặt.
- Ông Trương Văn Dũng

Ông Lưu Trọng Kiệt, một người từ Sài Gòn về Long An dự phiên tòa xử Đinh Nhật Uy cũng bị đánh một cách vô vớ như lời kể của ông này:

"Hôm đó trên facebook có thông báo về cuộc xử một blogger ở dưới Tòa án Long An, một vụ xử công khai. Nghe nói vụ xử công khai tôi cũng xuống để xem phiên xử công khai một blogger đầu tiên dính vào điều 258. Tôi xuống không thấy dân đâu mà thấy toàn công an, an ninh với dân phòng. Tôi lấy máy ra tính chụp hình thì mấy ông an ninh mặc đồ dân sự ‘bay’ lại bẻ tay, giật máy và đánh tôi. Họ đánh mấy phút rồi khiêng lên xe Jeep đưa về Phường 7, ở đó họ đánh tôi một trận nữa."

Bị sách nhiễu do công khai chống ngoại bang xâm lược

Đôi vợ chồng Paulo Thành Nguyễn - Trịnh Kim Tiến, người có cha bị công an đánh chết, luôn bị địa phương sách nhiễu. Cả hai người này là thành phần từng tích cực tham gia các hoạt động yêu nước như biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, xâm lược Việt Nam, kêu gọi tẩy chay những hàng hóa độc hại của Trung Quốc cũng như lên tiếng cho công lý, hòa bình tại Việt Nam. Họ thường xuyên bị sách nhiễu bằng những hành vi theo dõi, ném sơn vào nhà và gần đây là áp lực chủ nhà không cho họ thuê trọ.
Anh Paulo Thành Nguyễn cho biết:

"Việc ném sơn đến bây giờ vẫn không biết được ai làm, mặc dù mình đã đưa tất cả thông tin camera quay nhưng vẫn chưa biết ai làm. Còn việc mới đây nhất phải chuyển nhà có tác động của địa phương, công an địa phương. Người ta làm khó chủ nhà đủ mọi chuyện. Thật ra khi hỏi họ về quyền tạm trú thì họ không nói đến điều đó mà cứ vòng vo rằng không cấm ở mà có cái này, cái kia chưa được. Họ áp lực chủ nhà bắt mình phải dọn đi. Chủ nhà có công ty nên công an ‘hù’ nếu mình ở đó họ sẽ kiểm tra công ty... nên chủ nhà cũng lo sợ.

Công an còn lui tới chụp hình tại căn nhà nơi chúng tôi đang ở. Họ cũng đến đánh tiếng hỏi bảo vệ đã dọn đi chưa khiến cho những người đang ở đó hoang mang, không biết chúng tôi thuộc thành phần nào mà ‘rắc rối’ như vậy. Chủ nhà sợ nên bắt buộc phải dọn ngay trong đêm không được ở thêm tiếng nào!"

Bị đánh đến thương tật do giúp dân oan

Một trường hợp bị đánh đến bị thương nhiều lần và lần gần nhất gãy xương sườn ngay tại đồn Công an Thụy Khuê hồi tối ngày 25 tháng 10 vừa qua là ông Trương Văn Dũng khi ông này cùng một số người khác đến hỏi về những tài sản giúp cho bà con H’mong xuống Hà Nội khiếu kiện và bị lực lượng chức năng bắt đưa về lại địa phương.

Trong khi đang phải dưỡng thương tại nhà, ông Trương Văn Dũng kể lại sự việc như sau:

"Chuyện ở công an Thụy Khuê, theo tôi nghĩ đầu tiên cũng không có gì. Hồi ngày 23 tháng 10 rạng ngày 24, lúc 11 giờ đêm tôi nghe điện thoại báo của bà con và tôi đến thì thấy họ đã bắt hết bà con đưa lên xe về Ngô Thì Nhậm. Sau đó tôi tìm hiểu về số chiếu cá nhân mà bà con giúp gần 100 chiếc, với thông tin nhận được là số chiếu này bị đưa về công an phường Thụy Khuê.

Một nữ tu Phật giáo yêu cầu trả tự do cho LS. Lê Quốc Quân hôm 02/10/2013 trước TAND Hà Nội. AFP photo
Một nữ tu Phật giáo yêu cầu trả tự do cho LS. Lê Quốc Quân hôm 02/10/2013 trước TAND Hà Nội. AFP photo
Một nữ tu Phật giáo yêu cầu trả tự do cho LS. Lê Quốc Quân hôm 02/10/2013 trước TAND Hà Nội. AFP photo

Khoảng 3:30 chiều ngày 25 tôi cùng anh Lê Thiện Nhân cùng hai chị dân oan đến Công an phường Thụy Khuê. Đến đó, anh Lê Thiện Nhân vào trước hỏi xin lại số đồ mua để giúp cho bà con H’mông. (Công an) họ trả lời rất xấc láo ‘Ở đây không thu!’. Nghe câu trả lời như thế chúng tôi rất khó chịu, nhưng anh Lê Thiện Nhân vẫn nhẫn nại hỏi ‘Thế các anh có biết ở đâu thu không?’. Họ trả lời ‘Không biết, tự đi mà tìm’. Họ trả lời thế, chúng tôi cũng không nói câu gì thêm.

Tôi thấy bức xúc quá, nên lấy máy ảnh ra quay chụp những lời nói, hành động xấc xược vì chúng tôi đáng tuổi cha, chú các anh ấy mà trả lời những câu như thế. Tôi lấy máy ảnh ra thì họ lao vào cướp máy ảnh bảo rằng ‘Ở đây không được quay phim, chụp ảnh’. Lời qua tiếng lại, họ lôi vào chúng tôi vào đồn, chúng tôi phản đối nên họ đánh chúng tôi. Sau đó họ cùm tôi với anh Lê Thiện Nhân lại. Họ sợ bên ngoài nhìn thấy nên cùm chân chúng tôi và kéo lên tầng trên tra tấn chúng tôi, xích tay đánh. Kết quả tôi bị gãy 3 xương sườn, anh Lê Thiện Nhân bị đánh đến sưng hết cả đầu, cả mặt."

Vào sáng ngày 4 tháng 10, chúng tôi gọi điện đến số của ông trưởng công an phường Thụy Khuê để hỏi thông tin mà ông Trương Văn Dũng vừa trình bày, thì sau một lúc máy reo, khi người trả lời được hỏi có phải ông Thi, trưởng Công an phường Thụy Khuê Hà Nội hay không, thì được trả lời là nhầm số.

Khiếu nại

Ông Lưu Trọng Kiệt, người bị lực lượng chức năng tại thành phố Tân An, tỉnh Long An đánh đến rạn xương má hồi ngày 29 tháng 10 vừa qua cho biết khi bình phục ông sẽ có đơn khiếu nại về việc đánh ông một cách vô cớ trên đường, cũng như tại Công an Phường 7, thị xã Tân An khi lực lượng chức năng đưa ông về đó:

"Tôi đang xin giấy chứng thương để kiện chính quyền dưới đó."

Ông Trương Văn Dũng, người bị công an tại phường Thụy Khuê, thành phố Hà Nội đánh gãy ba xương sườn hồi ngày 25 tháng 10, lại cho biết việc khiếu kiện cơ quan này cũng mất công vì từ lâu ông từng chứng kiến bao cảnh người dân khiếu kiện rơi vào tỉnh cảnh ‘con kiến mà kiện củ khoai’. Ông nói:

Tôi luôn nghĩ những việc mình làm và quan điểm mình sống là cách sống của mình rồi, mình không thể nào từ chối cách sống của mình được.
- Anh Paulo Thành Nguyễn

"Lần trước chúng tôi đưa hình ảnh lên truyền thông để tố cáo hành vi của họ. Tôi nghĩ trường hợp của tôi cũng như hằng bao nhiêu người dân khác họ; khiếu nại không ăn nhằm gì với họ. Kể cả đánh chết trong đồn công an mà họ phủi tay. Họ chối hết, chẳng làm gì được họ. Chính quyền của họ là một hết!"

Anh Paulo Thành Nguyễn cũng chỉ ra hình thức làm việc thiếu minh bạch của cơ quan chức năng khiến cho việc khiếu kiện họ không dễ dàng gì:

"Thực ra khiếu kiện cũng khó vì hành động họ làm đều lén lút và bằng miệng nên khi mình kiện không có cơ sở; thậm chí họ còn kiện lại mình. Khi hỏi họ chối, thoái thác. Mình chỉ cho họ biết dù họ làm gì mình vẫn sống. Đến lúc họ thấy không làm gì được  mình thì họ cũng xấu hổ về những hành động của họ."

Ông Lưu Trọng Kiệt thì cho rằng dù không tin đơn kiện của ông được giải quyết, nhưng bản thân ông phải làm thế để chứng tỏ cho chính quyền biết là người dân không còn sợ sệt trước những hành xử phi pháp, vô cớ của cơ quan chức năng; đồng thời kêu gọi người khác phải vượt qua nỗi sợ hãi trong họ lâu nay:

"Tôi không tin họ giải quyết, nhưng tôi vẫn phải làm đơn khiếu kiện để báo động cho họ biết nếu nhà cầm quyền làm sai dân có thể khiếu kiện. Mình phải làm cho người dân vượt qua nổi sợ hãi. Đa số dân Việt Nam chưa vượt qua sợ hãi, nhưng mình và ai đó làm thì người ta bắt chước làm theo. Hy vọng từ từ họ hiểu và vượt qua nỗi sợ hãi đó. Qua trang mạng như Dân Làm Báo, tôi biết và thấy được nhà cầm quyền đánh dân vô cớ. Có nhiều chuyện mà không thể nói về nhà cầm quyền này."

Không khuất phục

An ninh mặc thường phục đàn áp, bắt bớ người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm 02/6/2013. AFP photo
An ninh mặc thường phục đàn áp, bắt bớ người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm 02/6/2013. AFP photo
An ninh mặc thường phục đàn áp, bắt bớ người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm 02/6/2013. AFP photo

Anh Paulo Thành Nguyễn cũng cho biết các biện pháp mà chính quyền liên tục thực hiện đối với hai vợ chồng anh không thể nào buộc bản thân anh này phải thay đổi những việc làm lâu nay mà họ cho là đúng. Anh nói:

"Tôi luôn nghĩ những việc mình làm và quan điểm mình sống là cách sống của mình rồi, mình không thể nào từ chối cách sống của mình được. Dù xảy ra chuyện gì và  họ có sách nhiễu ở mức độ cao hơn nữa, tôi thấy vẫn bình thường. Khi mình đã xác nhận cuộc sống của mình là sống cho sự thật và sống cho đúng lương tâm của mình, thì hình thức xấu nhất tôi cũng đã nghĩ tới, nên vấn đề sách nhiễu đối với tôi là bình thường, và có trả giá theo cách sống của mình thôi! Nhưng trong mọi hoàn cảnh tôi thấy rất bình an vì lương tâm mình rất ‘nhẹ’. Họ có làm gì mình cũng thấy bình thường.

Hôm tối dọn nhà, thực tế chẳng không ai biết, nhưng có 4-5 an ninh mật vụ theo rất sát, từ chiều đến tối luôn. Họ xem làm gì, khi ra ngoài họ hỏi dọn đi chưa. Đến 12 giờ dọn xong họ vẫn theo sát; tôi đến nói chuyện với họ theo từ sáng đến giờ có mệt không. Tôi hỏi họ đang học hay đã ra trường. Họ nói làm bên thành phố và trẻ nên mới có thể theo tôi."


Tôi không tin họ giải quyết, nhưng tôi vẫn phải làm đơn khiếu kiện để báo động cho họ biết nếu nhà cầm quyền làm sai dân có thể khiếu kiện. Mình phải làm cho người dân vượt qua nỗi sợ hãi.
- Ông Lưu Trọng Kiệt

Ông Trương Văn Dũng cho biết dù bị đánh đập đến thương tích qua những lần đi giúp dân oan hay tham dự phiên xử như xử ông Đoàn Văn Vươn, nhưng ông lại được nhiều người thậm chí không quen biết chia xẻ, giúp đỡ, động viên. Ông cho biết:

"Nói thật đợt vừa rồi tôi bị hao tổn về sức khỏe, nhưng tinh thần vui và ấm lòng vì anh em, bạn bè đến hỏi thăm, giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất. Nhiều bà con Việt Kiều hải ngoại không biết mặt, biết tên nhưng họ lên mạng biết đến tôi cũng đã điện thoại, chia xẻ gửi quà cho tôi. Những điều đó khiến tôi vui, hạnh phúc vì mọi người nghĩ đến tôi. Trong thâm tâm tôi nghĩ phải làm sao làm những điều tốt hơn trước đây đã làm. Những người nghĩ đến tôi mà tôi chưa hề biết họ, cũng như giúp họ; câu nói của họ làm cho tinh thần tôi được nâng lên một bước là ‘dù ở hoàn cảnh nào, hằng ngày chúng tôi cũng theo dõi từng bước chân của các anh chị, và không để các anh chị đơn độc’. Câu nói đó làm tôi rất cảm kích và rất xúc động."

Những trường hợp được nêu ra mà quí thính giả vừa nghe không phải là cá biệt tại Việt Nam, rất nhiều người phải gánh chịu các hành xử vô lý, bất công từ phía cơ quan chức năng chỉ vì họ là những người yêu nước chân chính, những tiếng nói chống lại cường quyền, bất công và vì công lý, công bằng, sự thật cho tất cả đồng bào của họ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.