Những đề nghị cho Việt Nam của Alan Greenspan

Trong buổi hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu Thống đốc Quỹ Dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ Alan Greenspan, đã đưa ra một số đề nghị giúp Việt Nam vượt qua các khó khăn kinh tế tài chính hiện nay để tiếp tục phát triển.
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2008.06.27
Greenspan,Alan
cựu Thống đốc Quỹ Dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ Alan Greenspan
Hình từ wikipedia
Chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được nhiều giới khác nhau quan sát dưới các khía cạnh riêng biệt. Nhưng có lẽ, cuộc gặp mang tính riêng tư nhất lại chính là sự kiện được giới quan sát, đặc biệt là kinh tế, theo dõi nhiều nhất.

Trưa ngày 23-6, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm kéo dài 45 phút với cựu Thống Đốc Quỹ Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, Alan Greenspan.

Lạm phát tại Việt Nam

Dựa trên những thông tin đăng tải từ báo chí trong nước, có thể thấy, ông Greenspan đã đưa ra một số nhận định được hiểu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát tại Việt Nam hiện nay.
Việt Nam nên tiếp tục áp dụng những biện pháp đang làm nhưng với các tập đoàn lớn, cần có biện pháp hạn chế họ. Họ mở rộng đầu tư ồ ạt, gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế sức sáng tạo, tính năng động của họ và của cả nền kinh tế.
Ông Alan Greenspan

Các nguyên nhân ấy bao gồm:

Tác động của sự bùng nổ vốn đầu tư từ năm 2007, sự thiếu cân bằng giữa nguồn vốn ngoại tệ so với nội tệ, sự thiếu hiệu quả trong quản lý dòng tiền tệ, tình trạng nhập siêu, và những ảnh hưởng tiêu cực từ khu vực tập đoàn kinh tế nhà nước.

Bên cạnh đó, ông cựu Thống đốc Quỹ Dự trữ Liên Bang cũng đưa ra một số đề nghị, chẳng hạn như giảm chi tiêu chính phủ, giảm tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Trung ương, giảm tăng trưởng kinh tế để tránh đưa ra tín hiệu sai lệch cho giới đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh bằng năng suất thay vì nhân công rẻ, và mạnh tay với các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Giới quan sát trong và ngoài nước cho rằng, những nhận định của ông Greenspan không phải là phát kiến mới đối với tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay. Nhiều nhà kinh tế gốc Việt cũng đã đưa ra nhận định tương tự từ lâu. Và điều quan trọng là, liệu Việt Nam có đủ ý chí chính trị để giải quyết vấn đề kinh tế, nhất là đối với những tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước hay không.

Vai trò của Ngân hàng Trung ương

Trong một nhận định hồi tháng Tư vừa qua, tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên viên kinh tế cao cấp của Liên Hiệp Quốc, đã đề cập đến lượng cung tiền đồng mà Việt Nam tung ra trong nửa đầu năm 2007. Tiến sĩ Việt tính toán rằng, chỉ trong 6 tháng, lượng tiền đồng tăng gần 35 phần trăm, được dùng cho một mục đích là thu mua ngoại tệ.

Lượng cung tiền đồng còn đến từ một nguyên nhân khác, đó là Ngân hàng Nhà nước có thể đã in tiền mua công trái phiếu chính phủ để bù đắp sự thâm hụt ngân sách nhà nước. Tiến sĩ Việt nhận định:

Thiếu hụt thì có thể vay của dân, hoặc Ngân hàng Nhà nước in tiền ra mua công trái phiếu. Dân mua thì không sao, còn Ngân hàng mua thì Ngân hàng in tiền ra mua để Bộ Tài Chính có ngân sách. Nếu Ngân hàng làm chuyện đó thì tiền Việt Nam lan tràn ra thị trường, sinh ra lạm phát.

Liên quan đến tình trạng đầu tư công dàn trải bằng ngân sách nhà nước, cũng trong tháng Tư vừa qua, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng nhà nước đã và đang bao thầu luôn một số lãnh vực mà tư nhân có thể làm với hiệu quả cao hơn:

Đầu tư công hiện nay rất dàn trải. Không những đầu tư vào lãnh vực do nhà nước làm, Việt Nam đầu tư công vào cả các lãnh vực thương mại. Các lãnh vực này đáng lẽ do tư nhân hay đầu tư nước ngoài làm, và làm tốt hơn, hiệu quả hơn.

Viet-US-signTrade _ Junẹ,2008_305.jpg
Phái đoàn của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến buổi ký kết bản Ghi Nhớ Tương Thuận về Giáo Dục với Hoa Kỳ ở Washington DC, ngày 25-6-2008.
RFA PHOTO/Thiện Giao
Khu vực quốc doanh không chỉ thiếu hiệu quả, mà lượng ngân sách đầu tư vào đây khiến khu vực tư nhân “khát” vốn, từ đó đẩy lãi suất lên cao.

Hồi đầu tháng Ba vừa qua, một tờ báo tại Việt Nam đã trích lời nguyên Bộ Trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, kêu gọi cắt giảm đầu tư công không hiệu quả.

Trong một tài liệu do các giáo sư thuộc chương trình Việt Nam của Đại Học Harvard thực hiện và phổ biến cách đây vài tháng, các tác giả chỉ ra rằng sự yếu kém trong đầu tư công là một trong các nguyên nhân đưa đến lạm phát. Và điều đáng nói là, cho đến nay, một tỷ lệ rất lớn của tín dụng vẫn được dành riêng cho các xí nghiệp quốc doanh kém hiệu quả.

Một trong những điều đầu tiên ông cựu Thống Đốc Quỹ Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ đề cập trong buổi hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là việc Việt Nam không thể quản lý được dòng tiền tệ một cách chặt chẽ, từ đó dẫn đến sự gia tăng quá nhanh của tín dụng và nhập siêu.

Nếu được đầu tư hữu hiệu cho các hãng Việt Nam đang cần vốn phát triển thì sẽ gây tác động đáng kể cho sự phát triển doanh nghiệp tư tại Việt Nam và theo đó là đà phát triển vững bền cho Việt Nam trong tương lai.
TS Phạm Đỗ Chí

Phát triển bền vững

Trong một phát biểu cách đây ít lâu, khi có tín hiệu rằng Việt Nam sẽ tự do hoá thị trường tài chánh, tiến sĩ Phạm Đỗ Chí đã lên tiếng cảnh báo về hiệu ứng tạo ra do nguồn vốn sẽ vào Việt Nam trong tương lai.

Nếu được đầu tư hữu hiệu cho các hãng Việt Nam đang cần vốn phát triển thì sẽ gây tác động đáng kể cho sự phát triển doanh nghiệp tư tại Việt Nam và theo đó là đà phát triển vững bền cho Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, tôi nhắc lại sự cần thiết của nền quản trị kinh tế vĩ mô hữu hiệu, và sự cần thiết trong việc chi phối các dòng vốn tư bản vào Việt Nam để không gây ra sự bành trướng của khối tiền tệ, khiến có thể gây thêm áp lực lạm phát, là vấn đề số một của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, gần đây, Việt Nam bắt đầu cho giảm chỉ tiêu này nhằm đối phó lạm phát. Trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Greenspan cũng đã nói rõ, nguyên văn là “nếu cả năm có thể đạt 7% thì cần giảm tăng trưởng, vì giữ tăng trưởng đó có thể là một tín hiệu sai cho các nhà đầu tư.”

Chỉ cách đây không lâu, tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng đã lên tiếng về điều này. Ông nói  rằng “chỉ tiêu” tăng trưởng kinh tế là một con số trừu tượng và vô nghĩa, rằng nếu người ta xây một chiếc cầu thì GDP tăng lên, nhưng phá chiếc cầu ấy đi thì GDP cũng tăng lên. Việc đặt ra chỉ tiêu đưa đến tâm lý đuổi theo chỉ tiêu. Trong khi ấy, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không phản ánh hết, thậm chí đôi khi phản ánh sai lầm, thực trạng của nền kinh tế.

Ông Alan Greenspan nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rằng những giải pháp mà Việt Nam đang thực hiện là đúng hướng. Ông cũng gợi ý thêm, trong số nhiều gợi ý, là Việt Nam “nên tiếp tục áp dụng những biện pháp đang làm nhưng với các tập đoàn lớn, cần có biện pháp hạn chế họ. Họ mở rộng đầu tư ồ ạt, gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế sức sáng tạo, tính năng động của họ và của cả nền kinh tế.” (trích từ bài “Alan Greenspan: VN phải chấp nhận giảm tăng trưởng hơn nữa” đăng trên VietNamNet ngày 24 tháng Sáu)

Giải quyết vấn đề các tập đoàn kinh tế tại Việt Nam có lẽ cần thêm ý chí chính trị để thực hiện những giải pháp kinh tế mà các chuyên gia đưa ra.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.