Nhận xét của giới trẻ về kết quả chuyến đi Mỹ của TT Nguyễn Tấn Dũng

Chuyến Mỹ du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khép lại với một số thành quả và ấn tượng. Bên cạnh việc mang lại những thoả thuận song phương đầy hứa hẹn, tại từng chặng dừng chân của Thủ tướng VN trên đất Mỹ đều dấy lên các làn sóng biểu tình rầm rộ.
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008.06.30
Bush-Dung-062408-305.jpg Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba 24-6-2008. AFP PHOTO/Jim Watson
AFP PHOTO/Jim Watson

Như vậy là chuyến Mỹ du của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khép lại. Có thể nói chuyến đi được đánh giá là thành công và ấn tượng. Thành công vì mang lại những thoả thuận song phương đầy hứa hẹn trong nhiều lĩnh vực. Ấn tượng vì từng chặng dừng chân của Thủ Tướng Việt Nam trên đất Mỹ đều dấy lên các làn sóng biểu tình rầm rộ, đòi hỏi dân chủ-nhân quyền cho ngừơi dân trong nước, với sự tham gia của đông đảo người Việt hải ngoại cùng một số công dân Mỹ và người nước ngoài.

Dù sao đi nữa, sự kiện ngừơi đứng đầu nhà nước Việt Nam đến thăm và bắt tay làm ăn với quốc gia cựu thù như Mỹ cũng được dư luận trong và ngoài nước hết sức quan tâm, nhất là giới trẻ. Nguyên nhân vì sao? Và ngừơi trẻ có ý kiến như thế nào về sự quan tâm của Mỹ đến tình hình nhân quyền của Việt Nam, trở lực chính của mối bang giao Việt-Mỹ hiện nay?

Mời quý vị nghe phần trao đổi tiếp theo giữa 3 bạn sinh viên trong nước là Thành và Minh tại miền Bắc, Tâm ở miền Trung, với Thanh Phong, một du sinh đang học tập tại Mỹ.

VN muốn bắt tay với Mỹ?

Trà Mi: Trong lãnh vực bang giao giữa Việt Nam và các nước thì hình như sự quan tâm và ủng hộ của người dân Việt Nam mình thể hiện rõ nét, đáng kể hơn đối với mối quan hệ Việt - Mỹ. Theo các bạn thì nguyên nhân vì sao, các bạn có thể phân tích?

Tâm: Thì Mỹ là nước có số kiều bào lớn nhứt.

Những động thái của Trung Quốc gần đây có thể cho thấy rằng Trung Quốc có tham vọng bành trướng rất là lớn, và như vậy đối với Việt Nam là một nước nhỏ, việc bắt tay và chú trọng quan hệ với các nước lớn như Hoa Kỳ là rất là quan trọng.

Phong

Trà Mi: Ngoài yếu tố kiều bào, còn yếu tố nào khác khiến người Việt Nam mình quan tâm tới mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ không?

Minh : Em là Minh ạ.

Trà Mi: Vâng. Mời Minh.

Minh : Người Việt Nam thì rất là quan tâm đến mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và đặc biệt là gần đây ạ, mà người ta lại còn quan tâm hơn cả mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc bởi vì nước Mỹ là nước có chiến tranh với Việt Nam trong vòng 21 năm và cuộc chiến mới kết thúc cách đây chỉ 30 năm thôi ạ.

Với lại người dân người ta thấy nước Mỹ là nước có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới mà nước Việt Nam thì lại đang ở cái mức gần cuối bảng xếp hạng, thế là người ta rất mong đất nước giao lưu với các nước bên ngoài, đặc biệt là các nước phát triển để cho nền kinh tế trong nước sẽ hưng thịnh hơn chẳng hạn, và người ta rất là hy vọng điều đấy.



Phong : Em là Phong ạ.

Trà Mi: Mời Phong.

Phong : Em nghĩ rằng Việt Nam chú trọng mối quan hệ với Mỹ không chỉ vì những lý do đơn giản như thế. Em nghĩ rằng cái này còn mang tính chiến lược và lâu dài nữa ạ. Tức là Việt Nam phải cân bằng sự ảnh hưởng của các cường quốc lớn trên thế giới như Trung Quốc và Mỹ.

Ta thấy rằng những động thái gần đây của Trung Quốc tạo ra những mối nguy hiểm tiềm tàng với Việt Nam, đặc biệt về mặt quân sự, chính vì thế mà Việt Nam chú trọng quan hệ với Mỹ, đặc biệt trên lẫnh vực như ngoại giao, quân sự hay kinh tế sẽ làm cho Việt Nam có một cái thế vững hơn ở khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực Đông Á, và nó sẽ đảm bảo cho Việt Nam có một nền an ninh tốt hơn.

Trong một bài báo gần đây, số tháng 5 của Tạp Chí Viễn Đông (Far Eastern Economic Review) thì Trợ Lý của Bộ Ngoại Giao Mỹ đã có một bài nói rằng Trung Quốc có thể trở thành một nước phát xít trong tương lai và chính vì bài báo này Tạp chí Viễn Đông số tháng 5 đã bị cấm hoàn toàn ở Trung Quốc.

Rõ ràng là những động thái của Trung Quốc gần đây có thể cho thấy rằng Trung Quốc có tham vọng bành trướng rất là lớn, và như vậy đối với Việt Nam là một nước nhỏ, khả năng kinh tế và quân sự hoàn toàn yếu, thì việc bắt tay và chú trọng quan hệ với các nước lớn như Hoa Kỳ là rất là quan trọng và sẽ đảm bảo cho Việt Nam có một tương lai bền vững hơn.

Em nghĩ là Việt Nam đang đi theo đường lối của Singapore, có nghĩa là Sìngapore - một nước nhỏ, họ không thể làm được gì nhưng họ phát triển được bởi vì họ biết cân bằng sự ảnh hưởng của lực của các nước lớn trong đất nước Singapore đó. Và em nghĩ rằng Việt Nam đang đi theo một hướng đúng nếu như chúng ta bắt tay và quan hệ chặt với Hoa Kỳ.

Trà Mi: Vâng. Vừa rồi là ý kiến của Phong. Thành  có ý kiến nào bổ sung không?

Thành: Vâng. Em có chút ý kiến. Theo em nghĩ là khi Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam thì lúc này Việt Nam thực sự cần đối tác lớn như Hoa Kỳ bởi vì Hoa Kỳ là một đất nước đến bây giờ vẫn là cường quốc về kinh tế cũng như quân sự, đồng thời là một đất nước có nhiều tiềm lực, chính vì vậy mà ta cần kết bạn với Hoa Kỳ để nhằm mục đích đẩy mạnh kinh tế, cân bằng và ngăn cản sự bành trướng của nước Trung Quốc.

Nhân quyền trong quan hệ Mỹ-Việt

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Thành. Các bạn vừa phân tích những điểm lợi khi mà Việt Nam bắt tay vói Mỹ, nhưng mà ngoài ra, ngược lại có những điểm bất lợi nào không nếu như Việt Nam bang giao thân thiết với Mỹ?

Trong bang giao co những luật chơi chung, chính vì vậy mà khi mà Việt Nam chơi với Mỹ thì đặc biệt là vấn đề về nhân quyền thì chính phủ Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi, đó là những điều không phải nước Mỹ bắt buộc mà đấy là những điều mà con người được quyền hưởng như vậy.
Thành

Thành : Em là Thành. Em nghĩ là bang giao với Mỹ thì đã là bạn của nhau thì cũng phải có những luật chơi chung, chính vì vậy mà, khi mà Việt Nam chơi với Mỹ thì đặc biệt là vấn đề về nhân quyền hoặc là một số những quyền của con người thì chính phủ Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi, đó là những điều không phải nước Mỹ bắt buộc mà đấy là những điều mà con người được quyền hưởng như vậy.

Trà Mi: Vâng. Thành vừa đề cập đến một vấn đề mà cũng là mối quan tâm chung, một yếu tố đang có vẻ cản trở mối bang giao Việt - Mỹ tiến sâu, tiến mạnh hơn, và đó cũng là điểm nổi bật được dư luận quốc tế chú ý giữa mối bang giao Việt - Mỹ, tức là Hoa Kỳ luôn luôn đặt vấn đề nhân quyền là mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ với Việt Nam, thì xin ghi nhận quan điểm của các bạn trẻ Việt Nam về vấn đề này ra sao. Các bạn có đồng tình hay là phản đối cái việc Hoa Kỳ luôn đặt vấn đề nhân quyền với Việt nam như vậy?

Rallies4-Houston-305.jpg
Cộng đồng người Việt Houston biểu dương lực lượng, phản đối phái đoàn Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Photo courtesy Hiền Vy/RFA

Minh : Em rất đồng tình ạ.

Trà Mi: Minh có thể giải thích cho biết vì sao?

Minh : Bởi vì là em cảm thấy như là trong nước Việt Nam mọi thứ đáng lẽ ra con người như trong hiến pháp quy định là mọi người được tự do trong ngôn luận hoặc là tự do trong rất nhiều vấn đề khác nhưng mà hình như ở trong nước mọi vấn đề được quản lý dưới sự chỉ đạo khắt khe của nhà nước. Nới rộng quyền tự do của người ta ra là một vấn đề thiết thực, mà nước Mỹ là nước đi đầu trong vấn đề này, vì vậy mà bàn luận về vấn đề này em rất là ủng hộ đấy. 

Trà Mi: Các bạn khác ở đây có ai có ý kiến trái ngược với bạn Minh không?

Phong : Em xin có ý kiến. Em là Phong ạ.

Trà Mi: Vâng. Mời Phong.

Phong : Em nghĩ rằng đúng là Việt Nam phải mở rộng hơn về tự do báo chí và đảm bảo hơn về quyền con người. Tuy nhiên, mức độ mở rộng thế nào thì chưa thể nói rõ được bởi vì có rất nhiều vấn đề phức tạp phía trong vấn đề nhân quyền hay là tự do báo chí ở Việt Nam. Và việc mở rộng tự do con người hay tự do báo chí đi đến đâu thì vẫn là một câu hỏi lớn.

Trà Mi : Thế các bạn có nghĩ rằng khi mà Hoa Kỳ lên tiếng về nhân quyền của Việt Nam là Hoa Kỳ đã can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam quá sâu, là điều mà nhà nước Việt Nam vẫn thường lên án. Các bạn có đồng tình với lại luận điểm mà phía Việt Nam nêu ra như vậy không? Cái việc nhân quyền không phải là chuyện của nước anh mà cũng không phải là chuyện bang giao, tại sao anh lại can thiệp vào, anh lại phải đặt ra làm điều kiện để mà bang giao với tôi?

Minh : Khi mà nước Hoa Kỳ đặt vấn đề ấy là vấn đề tiên quyết để đặt mối quan hệ bang giao với Việt Nam bởi vì, em lấy một ví dụ điển hình như thế này, hai gia đình mà người ta muốn quan hệ với nhau thì hai gia đình đều là phải bình thường, còn nếu một bên gia đình là một nhà rất giàu có và tử tế thì sẽ không bao giờ muốn quan hệ với lại một bên nhà kia mà bên trong nhà rất là rách nát mà thậm chí ông ta phạm tội thì bao giờ người ta muốn đàm phán đâu.

Vì vậy hai bên cùng phải bình đẳng với nhau hoặc sự chênh lệch về một vấn đề gì đấy không được quá lớn thì người ta mới có thể nói chuyện với nhau thì nó mới hoà hợp hơn. Người giàu có thì người ta có thể giúp đỡ cưu mang một người nghèo khổ nhưng một người giàu có và tử tế thì người ta không thể dang rộng vòng tay ra để mà giúp đỡ một người không tử tế đấy ạ. Em chỉ nói thế, các bạn tự hiểu ạ.

Trà Mi: Các bạn khác có gì chia sẻ khác hơn không?

Thành: Em nghĩ là vấn đề nhân quyền thì thực tế Việt Nam đã ký các công ước nhân quyền với thế giới, tức là Việt Nam có trách nhiệm phải thực thi các công ước đó, bởi vì chúng ta ở đây chúng ta nói về luật pháp và Việt Nam với tư cách là một thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và với tư cách là một nước đã ký những công ước về nhân quyền thì có trách nhiệm phải thực thi các nhân quyền đó. Như vậy, việc chính phủ Việt Nam lên tiếng phản đối sự lên án của phía Hoa Kỳ hoàn toàn là chưa đúng, bởi vì ít nhất Việt Nam đã ký các công ước về nhân quyền rồi.

Một số yêu cầu của người Mỹ về nhân quyền thì em nghĩ không phải là chỉ riêng cho người Mỹ mà nó cũng có lợi cả về cho người Việt Nam, thì vấn đề đáp ứng đó không phải là một sự khó khăn gì lắm nếu mà chính phủ mình biết nghĩ tới người dân.

Tâm

Trà Mi: Mời ý kiến của các bạn khác.

Thành : Khi người ta đã ký vào tức là người ta đã công nhận là đúng, mà người ta công nhận là đúng mà người ta không thực hiện thì phía bên kia người ta có quyền đòi hỏi bên này thực hiện nó rồi người ta mới nói chuyện tiếp.

Vì sao phải né tránh Nhân quyền?

Trà Mi: Tức là các bạn đều đồng tình rằng vấn đề nhân quyền không phải là vấn đề nội bộ mà là một vấn đề xuyên quốc gia, mọi nơi đều phải được bình đẳng như vậy. Nhưng mà nếu như Mỹ cứ can thiệp vào cái chuyện nhân quyền của Việt Nam thì có bất lợi gì cho tình hình Việt Nam, cho chính trị Việt Nam hay là cho nội bộ Việt Nam hay chăng? Các bạn có nghĩ tới cái bất lợi nào không nếu như chính quyền Hoa Kỳ cứ đem vấn đề nhân quyền Việt Nam làm yếu tố để mà thương lượng trong bang giao với Việt Nam, có lợi hay có hại cho mình?

Thành : Em nghĩ như thế sẽ có lợi cho phần đa những người dân bình thường ở Việt Nam.

Protest-DungTrip-DC-305.jpg
Biểu ngữ nói lên một trong những điều người biểu tình yêu cầu nhà nứơc Việt Nam : Nhân quyền cho người lao động Việt Nam-Không được mua bán phụ nữ Việt Nam.
AFP PHOTO

Trà Mi: Bạn vừa nói là có lợi cho phần đa, thế thì cũng có nghĩa là sẽ bất lợi cho phần thiểu, thành phần đó là những ai?

Thành : Khi mà người ta được tự do hơn, người ta hiểu biết hơn thì sẽ hơi bất lợi cho người quản lý đấy ạ. Đặc biệt bây giờ có sự quản lý một chiều đấy ạ.

Phong : Em là Phong ạ.

Trà Mi: Mời Phong.

Phong : Thực ra thì cái này có lợi cho Việt Nam hay không, có hại cho Việt Nam hay không thì rất là khó để nói. Nó còn tuỳ thuộc vào vấn đề là người Mỹ muốn chình phủ Việt Nam mở rộng nhân quyền đến đâu, bời thực ra thì các báo cáo kinh tế hoặc các cuộc khảo sát kinh tế cho thấy rằng không phải dân chủ đã hoàn toàn mang lại sự no ấm hoặc phát triển kinh tế nhanh.

Vấn đề ở đây là cái việc mở rộng sẽ được thực hiện như thế nào và thực hiện đến đâu để đảm bảo các tầng lớp người dân Việt Nam bình đẳng về thu nhập nhưng đồng thời chúng ta cũng phải đảm bảo là cái nền kinh tế và chính trị của chúng ta là ổn định nhất.

Trà Mi: Ý kiến của Phong thì các bạn khác có phản biện gì không?

Thành : Em là Thành. Thật ra cách quản lý của từng nước sẽ có những cái khác nhau và cái mô hình quản lý cũng sẽ khác nhau. Sigapore cũng là một đảng nhưng cũng có những cái mà họ nhìn nhận một cách chiến lược và là một đất nước phát triển.

Trà Mi: Tâm có ý kiến nào đóng góp thêm.

Tâm : Dạ. Em nghĩ là một số yêu cầu của người Mỹ về nhân quyền thì em nghĩ không phải là chỉ riêng cho người Mỹ mà nó cũng có lợi cả về cho người Việt Nam, thì vấn đề đáp ứng đó không phải là một sự khó khăn gì lắm nếu mà chính phủ mình biết nghĩ tới người dân.

Trà Mi:  Vâng. Một lần nữa cảm ơn các bạn rất là nhiều đã dành thời gian trao đổi cũng như là tham luận trong chương trình ngày hôm nay. Rất mong sẽ được gặp lại các bạn trong một chủ đề khác mà các bạn quan tâm.

Đến đây thì Trà Mi cũng xin phép được chia tay với quý thính giả và mời quý vị cùng trở lại với Điễn Đàn Bạn Trẻ vào giờ này tối Thứ Hai tuần sau.

Trà Mi thân ái kính chào.
Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.