Hai căn bệnh gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em

Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) mới đây cho biết bệnh tiêu chảy và viêm phổi là những bệnh gây tử vong cao trong trẻ dưới 5 tuổi mặc dù đây là những bệnh hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm dễ dàng.
Việt Hà, phóng viên RFA Bangkok
2012.06.12
Trẻ em sống trong khu lao động nghèo Trẻ em sống trong khu lao động nghèo
RFA

Tiêu chảy và viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi vốn là hai căn bệnh không còn lạ với y học thế giới, và với rất nhiều bà mẹ thì đây cũng không phải là hai căn bệnh khó chữa.

Tuy nhiên báo cáo mới đây của UNICEF công bố vào ngày 8 tháng 6 lại cho thấy đây là các bệnh chính gây tử vong cao trong trẻ dưới 5 tuổi ở các nước thuộc khu vực Đông Á Thái Bình Dương.

Trách nhiệm?

Bà Nabila Zaka, chuyên gia về sức khỏe bà mẹ và trẻ nhỏ của tổ chức này cho biết:

"Vấn đề thực sự nghiêm trọng. Bệnh tiêu chảy và viêm phổi là những bệnh có thể chữa được dễ dàng và có thể kiểm soát được. Nhưng thực tế khi chúng tôi làm thống kê thì vẫn thấy có đến 30% số trẻ dưới 5 tuổi chết vì các bệnh này. Và không thể có lý do biện minh nào cho vấn đề này."

Số trẻ dưới 5 tuổi tử vong phần lớn xảy ra ở các vùng sâu vùng xa, trong cộng đồng dân cư nghèo nơi điều kiện vệ sinh kém và thiếu các cơ sở y tế chăm sóc, các bà mẹ không được trang bị kiến thức đầy đủ để đối phó với hai căn bệnh này.

Các bệnh này chủ yếu ảnh hưởng ở các khu vực nghèo, không có tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc y tế.

Bà Nabila Zaka

Theo bà Nabila Zaka thì có hai yếu tố chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là về phía trách nhiệm của chính phủ. Bà nói:

"Nếu chúng ta nói về trách nhiệm của chính phủ. Các bệnh này chủ yếu ảnh hưởng ở các khu vực nghèo, không có tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc y tế.

Trong những tình huống như vậy thì chính phủ cũng có thể sử dụng đội ngũ y tế tình nguyện tại địa phương, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về bệnh để giúp các bà mẹ phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời."

Về phía các bà mẹ, là những người đầu tiên tiếp xúc, chăm sóc cho trẻ, bà Nabila Zaka giải thích:

"Còn đối với các bà mẹ, chúng ta nói về những người sống trong điều kiện kinh tế khó khăn, những bà mẹ không được học hành đầy đủ, thiếu thông tin, không biết đọc và không có internet.

Ở nhiều vùng người dân không có nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn, phân của trẻ kết hợp với ruồi nhặng có thể mang bệnh truyền nhiễm cho trẻ."

Thống kê của UNICEF cho thấy có khoảng 134 triệu người ở

Nước không sạch thường là nguyên nhân của nhiều căn bệnh. RFA
Nước không sạch thường là nguyên nhân của nhiều căn bệnh. RFA
RFA
khu vực Đông Á không có nhà vệ sinh sạch và đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tiêu chảy trong người lớn và trẻ nhỏ.

Triệu chứng và phòng ngừa

Chuyên gia của UNICEF đưa ra một số chỉ dẫn về cách nhận biết một số triệu chứng của hai căn bệnh này đối với các bà mẹ như sau:

"Các bà mẹ nên chú ý là khi con bị đi phân lỏng hơn 3 lần một ngày thì đó là tiêu chảy. nếu thấy phần da của trẻ khô, tái bất bình thường là có dấu hiệu mất nước.

Với bệnh viêm phổi, các bà mẹ có thể nhận biết được khi trẻ khó thở, ho, hoặc thậm chí bỏ ăn, bỏ bú sữa mẹ".

Các bà mẹ nên chú ý là khi con bị đi phân lỏng hơn 3 lần một ngày thì đó là tiêu chảy. Nếu thấy phần da của trẻ khô, tái bất bình thường là có dấu hiệu mất nước. Với bệnh viêm phổi, các bà mẹ có thể nhận biết được khi trẻ khó thở, ho, hoặc thậm chí bỏ ăn, bỏ bú sữa mẹ.

Bà Nabila Zaka

Tại các vùng sâu vùng xa, nơi thiếu các phương tiện y tế và thuốc men, UNICEF khuyên các bà mẹ luôn giữ nước sạch bên mình, khi thấy trẻ bị tiêu chảy có thể cho trẻ uống nước với viên kẽm ngăn tiêu chảy trước khi có điều kiện gặp bác sĩ.

Còn đối với bệnh viêm phổi thì cần phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm vì đây là bệnh chỉ có thể chữa khỏi bởi thuốc kháng sinh được bác sĩ kê đơn.

Chuyên gia UNICEF cũng khuyên các bà mẹ thường xuyên rửa tay xà phòng trước khi cho trẻ ăn bởi việc rửa tay bằng nước sạch không thôi vẫn không đủ để loại bỏ các vi khuẩn có thể gây tiêu chảy cho trẻ.

UNICEF đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong những năm vừa qua trong việc giảm tử vong nói chung trong trẻ.

Con số thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy năm 1990, tỷ lệ tử vong trong trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 51 trên 1,000 trường hợp. Con số này vào năm 2010 đã xuống còn 23 trên 1,000 trẻ.

Tuy nhiên, trong số 34,000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong hàng năm ở

Các em bé đang điều trị tại bệnh Nhi Đồng 2, TP.HCM. Ảnh: H.N
Các em bé đang điều trị tại bệnh Nhi Đồng 2, TP.HCM. Ảnh: H.N
Ảnh: H.N
Việt Nam vẫn còn có đến 10,000 trường hợp là do viêm phổi và tiêu chảy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đền tình trạng này. Bà Nabila Zaka cho biết:

"Nói về các biện pháp phòng bệnh thì ở Việt Nam có đến 58% các bà mẹ cho con bú sau khi sinh.

Nhưng cho đến khi trẻ 6 tháng tuổi, chỉ có 17% các bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, đây là một con số rất thấp. vùng nông thôn Việt Nam chỉ có 64% người dân có nước sạch để uống.

Khi trẻ ốm, có đến 83% số trẻ dưới 5 tuổi bị viêm phổi được đưa đến các cơ sở khám chữa bệnh, như vậy là có đến 20% các em nhỏ không được điều trị đúng.

Trong số các trẻ được điều trị thì chỉ có 55% số trẻ được điều trị khỏi bệnh bằng thuốc kháng sinh, điều này cho thấy vấn đề về đào tạo và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh".

Thực tế hiện tại ở nhiều bệnh viện nhi trong cả nước, tình trạng bệnh nhi dưới 5 tuổi bị các bệnh về đường hô hấp và tiêu chảy vẫn khá phổ biến, không chỉ ở nông thôn mà còn ngay ở thành phố lớn.

Tình trạng bệnh nhân đông cũng khiến các bác sĩ không thể thăm khám kỹ cho trẻ và làm các bậc phụ huynh khó chịu. Huyền Trang, 30 tuổi, một bà mẹ có con 9 tháng tuổi ở Hà Nội cho biết:

Trẻ em có số tử vong cao thường ở những vùng thiếu nước sạch. RFA
Trẻ em có số tử vong cao thường ở những vùng thiếu nước sạch. RFA
RFA
"Em đi khám thì phòng bệnh hô hấp rất đông bệnh nhân mà gần như trẻ nào cũng bị. Bác sĩ khám xong thì cũng không tư vấn cho các bậc phụ huynh phải làm như thế nào, không quan tâm đến bệnh nhân".

Việc thiếu sự chỉ dẫn từ bác sĩ và các chuyên gia đã khiến các bà mẹ trẻ như Trang phải tự tìm cách chẩn đoán và điều trị bệnh cho con qua kinh nghiệm bản thân hoặc của những người lớn tuổi hơn.

Với những người ở thành phố, họ có thể tiếp cận với các thông tin trên các diễn đàn của các bà mẹ trên internet nhưng cũng không đảm bảo đúng kiến thức hoàn toàn.

Ở Việt Nam, hiện cũng có một số các lớp dạy cách nuôi trẻ cho các bà mẹ, tuy nhiên vì công tác tuyên truyền còn chưa rộng, cộng thêm với thời gian làm việc bận rộn, nhiều bà mẹ đã hoặc không biết được các chương trình này hoặc không thể tham gia học. Huyền Trang cho biết:

Bây giờ ở Việt Nam cũng mở các lớp dạy cho các bà mẹ mới có bầu, nhưng mà chỉ nhà nào khá giả thì người ta mới đi học chứ chả có ai đi học vì thứ nhất là thời gian không có, thứ hai là đi học thì tốn tiền.

Huyền Trang

"Chủ yếu thì các bà mẹ tự học lấy. Bây giờ ở Việt Nam cũng mở các lớp dạy cho các bà mẹ mới có bầu, nhưng mà chỉ nhà nào khá giả thì người ta mới đi học chứ chả có ai đi học vì thứ nhất là thời gian không có, thứ hai là đi học thì tốn tiền.

Chỉ có nhà nào có điều kiện kinh tế thì mới nghĩ đến bởi vì bình thường các bà mẹ phải đi làm, có bầu gần đến tháng đẻ mới nghỉ thì lấy đâu ra thời gian đi học. Với lại phụ nữ Việt nam mình vất vả, vừa đi làm như đàn ông, về nhà còn làm nội trợ".

Con trai đầu lòng của Huyền Trang đã 9 tháng tuổi nhưng  thường xuyên bị các bệnh về đường hô hấp. Theo cô một phần nguyên nhân có thể là vì cô không thể cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu, và thiếu sự chỉ dẫn cách điều trị bệnh cho con từ các bác sĩ.

Mặc dù không có được sự trợ giúp nhiệt tình hơn từ các bác sĩ nhi khoa cho cậu con trai đầu lòng của mình, Huyền Trang cho rằng bây giờ ít nhất cô cũng đã có một số kinh nghiệm cho những đứa con tiếp theo của mình.

Tóm lại  các bà mẹ vẫn là những người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phòng và chữa bệnh cho trẻ.

Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tới. Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về địa chỉ www.facebook.com/vietharfa hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.