Doanh nghiệp tiếp tục chết hàng loạt

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013.12.03
Luật phá sản (minh họa) Luật phá sản (minh họa)
Files photos

Nghe bài này

 

Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn đang trong tình trạng khó khăn với số lượng doanh nghiệp đóng cửa tăng hơn cùng thời gian năm trước.

Nhiều hệ lụy khi doanh nghiệp chết hàng loạt

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 2/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP), 3/4 giá trị sản xuất công nghiệp và tạo 100% việc làm mới cho nền kinh tế. Như vậy sức khỏe của khu vực này có thể xem là thước đo của nền kinh tế, nhất là trong 11 tháng vừa qua đã có khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Nếu cộng chung với số liệu tồng hợp 2011-2012 thì trong vòng 35 tháng vừa qua đã có 155.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động. Điểm đáng nói là số lượng này nhiều hơn con số gộp các doanh nghiệp đóng cửa trong vòng 20 năm qua.

Theo ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính hiện sống và làm việc ở Hà Nội, tác động của việc doanh nghiệp chết hàng loạt gây ra nhiều hệ lụy. Ông nói:

“ Nếu mà hàng chục ngàn doanh nghiệp mà phải giải thể như thế thì tất nhiên số lao động bị mất việc rất nhiều. Thị trường là gì, thị trường là sức mua của người lao động có thu nhập. Người lao động bị mất việc thì tất nhiên không có sức mua nữa, hàng hóa trên thị trường không có chỗ tiêu thụ. Vì vậy bây giờ phải cố gắng làm sao cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, phát triển lại, hồi phục lại thì mới có công ăn việc làm thì lúc đó mới có nguồn tiêu thụ được, ngược lại không thể trông đợi sức mua tăng lên được.”

Ông Bùi Kiến Thành chuyên gia tài chính
Ông Bùi Kiến Thành chuyên gia tài chính
Files photos

Nhận định về nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp chết hàng loạt trong thời gian qua, chuyên gia Bùi Kiến Thành phát biểu:

“Trong những năm qua các doanh nghiệp đã vay tiền ngân hàng và không có khả năng hoàn trả nợ. Những nợ đó biến thành nợ khó đòi nợ xấu rất nhiều và cho tới năm nay chưa giải quyết được. Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước tổ chức ra công ty mua bán nợ xấu (VAMC) để mua lại những nợ xấu đó làm sạch kế toán của ngân hàng vướng vào nợ xấu, cũng như làm sạch kế toán của một số doanh nghiệp có nợ xấu. Mục đích để cho ngân hàng và doanh nghiệp tiếp tục một bên thì cho vay một bên thì đi vay. Nó mở ra được khả năng cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để hoạt động. Những chuyện này mới bắt đầu thôi và dầu sao đi nữa các doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, cho nên rất nhiều doanh nghiệp khó khăn không giải quyết được nhu cầu về tài chính thì phải đi đến chỗ giải thể ngưng hoạt động thôi.”

Nếu mà hàng chục ngàn doanh nghiệp mà phải giải thể như thế thì tất nhiên số lao động bị mất việc rất nhiều. Thị trường là gì, thị trường là sức mua của người lao động có thu nhập. Người lao động bị mất việc thì tất nhiên không có sức mua nữa

ông Bùi Kiến Thành

Trong khi đó TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai hoạt động của VAMC với nguồn vốn rất giới hạn là 400 tỷ đồng.

“VAMC có thể mua nợ xấu ào ạt như một phó Tổng giám Đốc VAMC nói là có thể mua tất cả nợ xấu trong một thời gian ngắn. Thế nhưng vấn đề là các món nợ xấu mà VAMC mua là nợ xấu có bảo đảm,  VAMC sẽ bán tài sản bảo đảm ấy như thế nào để thu hồi lại vốn. Nếu như không giải quyết được nợ xấu thì sau 5 năm VAMC sẽ giải quyết nợ xấu ấy như thế nào? Hay lại bàn giao lại cho Ngân hàng Nhà nước? Như vậy tức là thay vì giải quyết thực chất về nợ xấu thì đấy chỉ là một thủ thuật bút toán. Tức là chuyển nợ xấu từ sổ kế toán của ngân hàng thương mại có nợ xấu sang sổ kế toán ghi nợ của VAMC và sau một thời gian sẽ hoàn lại, tất cả những câu hỏi đó hiện nay đang còn ở trước mặt và  chúng ta đang chờ xem VAMC sẽ giải quyết thế nào.”

Nhiểu công trình xây dựng phải bỏ dở dang vì cụt vốn. RFA
Nhiểu công trình xây dựng phải bỏ dở dang vì cụt vốn. RFA
RFA

Doanh nghiệp tư nhân là nòng cốt của kinh tế thị trường

Theo Bộ Công thương, số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập trong 11 tháng vừa qua là 71.000 doanh nghiệp so với 55.000 đơn vị đóng cửa, nhưng vốn đăng ký lại giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy những doanh nghiệp mới đa số có qui mô nhỏ hơn những doanh nghiệp đã chết. Theo các chuyên gia, không loại trừ những doanh nghiệp mới thành lập có dính dáng tới những doanh nghiệp đã ngừng hoạt động.

Trước ý kiến cho rằng, sự tái cấu trúc nền kinh tế không rõ nét và chậm chạp là nguyên nhân của việc chậm hồi phục khu vực kinh tế tư nhân. Ông Bùi Kiến Thành nhận định rằng hệ thống ngân hàng ở Việt Nam không hoạt động như ở các nước có cơ chế chính sách tiền tệ rõ ràng. Ông nói:

“ Ở Việt Nam hiện còn lại 39 ngân hàng, trong đó chừng 10 ngân hàng hoạt động có qui củ, 5 ngân hàng hoạt động chừng chừng, còn lại là những ngân hàng nhỏ thực chất không phải là ngân hàng mà chỉ là những tổ chức cho vay thôi. Cho vay như hình thức tiệm cầm đồ, có tài sản thế chấp thì vay không thì thôi, một phần lớn các ngân hàng ấy không phục vụ cho doanh nghiệp mà chỉ phục vụ chính ông chủ những ngân hàng ấy, phục vụ sân sau những nhóm quyền lợi. Người ta lợi dụng giấy phép ngân hàng để huy động vốn và tài trợ cho những dự án riêng tư của những người chủ ngân hàng ấy mà thôi.

Cần tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển vì nó là nòng cốt của nền kinh tế thị trường...Nhà nước cần có chính sách tiền tệ thích hợp để khu vực kinh tế tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý và phục hồi hoạt động

Như vậy rất nguy hiểm, Nhà nước Việt Nam cũng biết nhưng chưa thể giải quyết được vấn đề  sở hữu chéo sở hữu ngân hàng, dẫn đến việc phục vụ cho những người có cổ phần lớn trong ngân hàng. Việc này chưa làm sạch được để đưa hệ thống ngân hàng vào hoạt động có qui củ.”

Hiến pháp sửa đổi vừa được thông qua ngày 28/11/2013 vẫn duy trì vai trò chủ đạo nền kinh tế của khu vực kinh tế Nhà nước, tuy vậy cũng xác định mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Công luận luôn tranh cãi về việc đã có một thành phần gọi là chủ đạo thì không thể có bình đẳng với các thành phần khác. Theo số liệu chính thức, trong giai đoạn 2006-2010, khu vực doanh nghiệp nhà nước được phân bổ 45% tổng đầu tư nhưng chỉ tạo ra 28% GDP, trong khi đó khu vực tư nhân chỉ chiếm 28% tổng đầu tư nhưng lại tạo ra 46% GDP. Hiện nay khu vực kinh tế ngoài nhà nước gồm cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và tư nhân nội địa được cho là đang đóng góp tới 2/3 GDP.

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định, doanh nghiệp nhà nước nói là chủ đạo nhưng chẳng chủ đạo được gì, hiệu suất đầu tư không có, sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cần tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển vì nó là nòng cốt của nền kinh tế thị trường. Ông Bùi Kiến Thành kiến nghị Nhà nước cần có chính sách tiền tệ thích hợp để khu vực kinh tế tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý và phục hồi hoạt động.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.