Những sự kiện đáng chú ý trong năm 2008

Ban Việt ngữ RFA cùng nhìn lại những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội trên Thế giới và tại Việt Nam trong năm 2008.
Gia Minh, phóng viên đài RFA
2009.01.04
obama-won-election-305.jpg Tổng Thống đắc cử Obama và gia đình. Có lẽ điểm nổi bật nhất của thế giới trong năm 2008 chính là cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ.
AFP PHOTO/Timothy A. Clary

Thời sự quốc tế

Gia Minh:  Thưa anh Nguyễn Khanh, là người chuyên theo dõi các diễn biến chính trị trên thế giới, và cũng là phóng viên đặc trách mục Thời Sự Trong Tuần của Ban Việt ngữ RFA, anh có thể điểm lại những vấn đề khiến toàn thế giới chú ý trong năm qua?

Nguyễn Khanh: Có lẽ điểm nổi bật nhất của thế giới trong năm 2008 chính là cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ, được cả thế giới theo dõi.

Không thể nói là tại Việt Nam sinh hoạt báo chí được cải tiến vì thực tế cho thấy, gần đây số nhà báo, người cầm bút bị giam giữ, xử lý, nhiều hơn so với hồi đầu năm nay.

Ông Vincent Brossel, GĐ RSF đặc trách khu vực Á Châu TBD

Hồi đầu năm, người dân khắp nơi nhìn thấy cảnh gần 20 ông của cả đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hoà quần thảo với một bà là bà Hillary Clinton. Đến khoảng tháng Năm thì bên Cộng Hoà còn lại có một mình Thượng Nghị Sĩ John McCain, một cựu chiến binh từng phục vụ ở chiến trường Việt Nam, từng bị bắt làm tù binh ở Hà Nội.

Bên Dân Chủ vẫn sôi nổi với bà Clinton và Thượng Nghị Sĩ da đen Barack Obama. Cuối cùng ông Obama đánh bại bà Clinton để ra tranh cử đại diện cho đảng và sau đó thắng ông McCain để trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.

Sự kiện ông Obama được cử tri chọn làm tổng thống có thể là sự kiện nổi bật nhất, nhưng không phải là sự kiện duy nhất xảy ra trong năm vừa qua. Chúng ta không thể quên những xáo trộn xảy ra ở thị trường tài chánh Hoa Kỳ và thế giới, không thể không nói đến tình hình kinh tế yếu kém Toàn cầu, cũng không thể không nói đến tình trạng thất nghiệp đang gia tăng khắp nơi.

Ngoài ra, năm vừa rồi cũng không phải là một năm an bình gì cho lắm. Trước hết là hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan vẫn còn, đến tuần lễ cuối cùng lại có thêm cuộc chiến ở Gaza xảy ra ngay sau Lễ Giáng Sinh và kéo dài đến những ngày đầu năm 2009 vẫn chưa chấm dứt.

Ngay Olympic Bắc Kinh cũng là điều phải nhắc đến vì tổ chức thành công, quốc gia chủ nhà dẫn đầu bảng chiếm huy chương vàng, nhưng bị cả thế giới lên án vì đàn áp nhân quyền, nhất là vụ đàn áp người dân Tây Tạng hồi đầu năm.
Người Việt hải ngoại

Gia Minh: Khủng hoảng kinh tế gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người, Thanh Trúc là người theo dõi cuộc sống người Việt khắp nơi thì thấy những dấu chỉ tác động đến cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ ra sao?

Thanh Trúc: Đương nhiên cuộc sống của người Việt tại Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế suy trầm. Rõ nét nhất là những công ty điện tử mà nhiều người Việt làm assembler hay technician ở Silicon Valley, California, đã cắt giảm công nhân. Người có lương cao chừng nào thì nguy cơ bị cho thôi việc với một lời cám ơn có thể xảy ra bất cứ khi nào công ty không có nhiều đơn đặt hàng.

Nhiều người Việt Nam qua Hoa Kỳ rất thành công trong ngành địa ốc, tức là mua bán nhà. Phải nói thời kỳ vàng son của dân địa ốc là từ 2002 đến 2006. Nhiều người đua nhau đi học để trở thành chuyên viên mua bán nhà và phất lên nhờ ngành này.

Việc Hà Nội thay thế hai ông tổng biên tập mà không có lời giải rõ ràng nào, chứng tỏ nhà nước Việt Nam vẫn chưa thật sự muốn cởi nới với ngành truyền thông, thực tế cho thấy là chánh quyền gia tăng kiểm soát các website, các blog, những người truy cập Internet và sẵn sàng xử lý những nhà báo từng phanh phui sự thật, công lý và lẽ phải, xét thấy bất lợi cho chế độ cầm quyền.

Bà Clothilde Le Coz, RSF

Nói đến những người làm móng tay mà người Việt mình gần như chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ, thì nay cũng lâm cảnh ế ẩm. Lý do là người bản xứ là khách hàng cũng tự mình thắt lưng buộc bụng, bớt tiêu xài, rồi thì dẹp luôn chuyện đi làm móng tay móng chân vì không còn coi đó là nhu cầu không có không được nữa.

Những tiệm ăn người Việt làm chủ cũng lún sâu trong tình trạng thưa thớt, vắng khách. Nói chung kinh tế khó khăn cũng khiến cuộc sống người Việt khựng lại ít nhiều. Với bản tính hay lo xa, người Việt càng thắt lưng buộc bụng hơn, bớt mua sắm, bớt tiêu xài.

Nhưng dù có khó khăn , dù phải cần kiệm trong lúc này và trong những ngày tới, vào khi bầu trời kinh tế nước Mỹ nói riêng và Toàn cầu nói chung chưa ló dạng tia bình minh hy vọng của sự phục hồi, số tiền người Việt ngoài này gởi về cho thân nhân bên nhà năm 2008 áng chừng năm cho đến sáu tỷ đô la. Phải chăng đó là tâm tình, là trách nhiệm của người Việt xa quê đối với gia đình bà con trong nước.

Khâm Sứ, Thái Hà

Gia Minh: Nguồn kiều hối không giảm chứng tỏ tình cảm và trách nhiệm của người Việt đối với thân nhân, gia đình. Nhân nói đến VN nhờ Trà My điểm lại những vấn đề thời sự đáng chú ý trong nước năm qua?

ThaiHa-Court-305.jpg
Công an ngăn cản một nữ giáo dân phía trước phiên tòa xử 8 giáo dân Thái Hà hôm 8-12-2008.
RFA PHOTO
Trà My: Có nhiều sự kiện đáng chú ý tại Việt Nam trong năm qua, nhưng có lẽ nổi bật nhất là căng thẳng đất đai giữa chính quyền Hà Nội với Tòa Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà, dẫn đến các cuộc cầu nguyện tập thể lớn chưa từng thấy của giáo dân, và kết thúc bằng các cuộc đàn áp võ lực của chính quyền, cũng như những bản án dành cho giáo dân gây bức xúc dư luận.

Lời kêu gọi công lý của Giáo Hội đã thật sự tạo nên một sự hưởng ứng mạnh mẽ lan tỏa cả trong lẫn ngoài nước. Hàng loạt các cuộc cầu nguyện hiệp thông diễn ra từ Bắc chí Nam thể hiện tinh thần đoàn kết chặt chẽ của giáo dân khắp cả nước. Các cuộc cầu nguyện thể hiện tình liên đới hướng về Thái Hà và Tòa Khâm Sứ của cộng đồng công giáo ở các châu lục cũng liên tiếp được tổ chức.

Chính lãnh đạo tối cao của Dòng chúa Cứu thế trên thế giới và Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ mà thính giả đã có dịp nghe qua các cuộc phỏng vấn đặc biệt của RFA trong năm qua. Mà không chỉ công giáo, rất nhiều người ngoại đạo cũng hết sức quan tâm và bất bình trước cách giải quyết của nhà nước, đặc biệt là những trí thức chịu khó tìm hiểu thông tin đa chiều, theo sự ghi nhận của Trà Mi khi tiếp xúc với giới trẻ tại Việt Nam.

Sự việc này được nhiều người chú ý vì nhiều lý do, như liên quan đến tôn giáo, đến chính sách quản lý và sử dụng đất đai, vốn là yếu tố trước nay luôn gây bức xúc, phẫn nộ trong nhiều tầng lớp nhân dân ở Việt Nam. Điều khiến nhiều người bất mãn trong vụ này không chỉ ở cách giải quyết “không thấu tình đạt lý” của nhà nước mà còn ở chỗ công lý và sự thật hoàn toàn không được tôn trọng.

Báo đài quốc nội khi đưa tin vụ việc chỉ phản ánh quan điểm một chiều của chính quyền, không cho những tiếng nói của chiều bên kia được cất lên trước công luận. Nếu có, chỉ là những sự cắt xén hay dàn dựng, như việc bóp méo lời phát biểu của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt hoặc dàn cảnh phỏng vấn những giáo sỹ, giáo dân giả danh bị bà con Công giáo phát hiện ngay tại hiện trường và lập tức đưa hình ảnh lên Youtube.

Tự do báo chí?

Gia Minh: Trà My nói là báo chí trong nước loan tin một chiều; nhưng chúng ta cũng thấy là năm qua thì một số báo gặp trở ngại do có những hành động có thể gọi là “bứt phá” khi phanh phui tham nhũng đến nổi nhiều nhà báo vị tước thẻ và bị ra tòa. Vậy anh Đỗ Hiếu thấy các tổ chức bảo vệ phóng viên trên thế giới có ý kiến thế nào giúp cho các nhà báo trong nước có thể hoàn thành trọng trách của họ?

Đỗ Hiếu: Khi đưa ra sự so sánh về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam giữa các năm 2007 và 2008, ông Vincent Brossel, giám đốc RSF đặc trách khu vực Á Châu Thái Bình Dương nhấn mạnh:

“Không thể nói là tại Việt Nam sinh hoạt báo chí được cải tiến vì thực tế cho thấy, gần đây số nhà báo, người cầm bút bị giam giữ, xử lý, nhiều hơn so với hồi đầu năm nay. Mặc khác, qua bản án dành cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến, người ta mới biết là nhà nước gia tăng sự kiểm soát đối với những tờ báo thu hút độc giả như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, có nội dung phóng khoáng hơn những cơ quan thông tấn, báo đài do nhà nước kiểm soát và quản lý trực tiếp.

Mặt khác, gần đây Hà Nội cũng đặc biết chú ý tới những tiếng nói từ giới bất đồng chính kiến được gởi lên diễn đàn Internet và tìm cách ngăn chặn những quan điểm vận động cho tự do, dân chủ tại Việt Nam”.

Vietnam-Police-Internet-200.jpg
Công an Việt Nam theo dõi thông tin trong một quán cho thuê internet ở Hà Nội. AFP PHOTO
AFP PHOTO
Ông Vincent Brossel cũng mong rằng trong tương lai, nhà nước Việt Nam sớm cải tiến sinh hoạt tự do báo chí mà Hà Nội thường quảng bá:

“Chánh phủ Việt Nam nên chấm dứt việc kiểm duyệt, theo dõi những người truy cập, sử dụng Internet, vì vừa rồi nhà nước đã ban hành những quy định gắt gao, nhằm giới hạn, cấm đoán các blog, tức là trang nhật ký cá nhân phổ biến trên mạng Internet, được xem là phương tiện đấu tranh cho dân chủ, tự do, bất lợi cho Hà Nội.

RSF đang ráo riết vận động để blogger Điếu Cày cũng như các nhà báo khác, được trả tự do.

Ngoài ra, tổ chức này cũng vận động công luận quốc tế cùng các ngành nghề kỹ thuật điện toán, ứng dụng các loại software và phổ biến phương tiện vi tính hiện đại, để có thể chống lại việc Hà Nội kiểm soát, hay ngăn cấm sử dụng Internet với chủ đích bảo vệ thể chế chính trị độc đoán ấy.”

Chánh phủ Việt Nam nên chấm dứt việc kiểm duyệt, theo dõi những người truy cập, sử dụng Internet, vì vừa rồi nhà nước đã ban hành những quy định gắt gao, nhằm giới hạn, cấm đoán các blog, tức là trang nhật ký cá nhân phổ biến trên mạng Internet, được xem là phương tiện đấu tranh cho dân chủ, tự do, bất lợi cho Hà Nội.

Ông Vincent Brossel, GĐ RSF đặc trách khu vực Á Châu TBD

Bà Clothilde Le Coz, Trưởng Văn Phòng Internet của RSF, từ Paris, Pháp, là người thường xuyên theo dõi hoạt động báo chí tại Việt Nam thì lại có nhận định như sau, khi được tin 2 ông tổng biên tập của tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ mới bị thay thế:

“Việc Hà Nội thay thế hai ông tổng biên tập mà không có lời giải rõ ràng nào, chứng tỏ nhà nước Việt Nam vẫn chưa thật sự muốn cởi nới với ngành truyền thông, thực tế cho thấy là chánh quyền gia tăng kiểm soát các website, các blog, những người truy cập Internet và sẵn sàng xử lý những nhà báo từng phanh phui sự thật, công lý và lẽ phải, xét thấy bất lợi cho chế độ cầm quyền.”

Siết chặt blog, internet

Gia Minh: Anh Đỗ Hiếu có nhắc đến biện pháp quản lý Internet của chính quyền Việt Nam đưa ra trong năm qua, nhất là vừa rồi thông tư 07 kiểm soát các blogger, qua theo dõi thì Trà My thấy phản ứng của các bạn trẻ đối với thông tư đó ra sao?

Trà My: Hầu hết đều phản đối mạnh mẽ. Như quý vị theo dõi phần 1 cuộc thảo luận của những blogger từ nhiều miền đất nước trên “Diễn đàn bạn trẻ” tuần rồi cũng biết, tất cả đều khẳng định rằng việc nhà nước can thiệp vào các trang blog cá nhân thật sự là vi phạm nhân quyền.

Vì theo các bạn, trong thế giới thông tin trung thực và khách quan không thể thiếu những ý kiến đa chiều, nhà nước không thể áp đặt và ngăn chặn các luồng thông tin. Họ cho rằng nhà nước siết chặt blog không cho người dân tự do phát biểu và thông tin là hạn chế quyền cá nhân, bóp nghẹt tiếng nói và tư tưởng của người dân, trong khi quyền tối thiểu của con người quy định trên Toàn cầu là quyền được trao đổi thông tin và được tự do ngôn luận mà chính Việt Nam đã tự nguyện tham gia ký kết với quốc tế.

Tuy nhiên, cộng đồng blogger trong nước quả quyết rằng nhà nước sẽ không thành công trong việc cản trở này. Bởi lẽ cấm cách này, họ sẽ tìm cách khác để được tìm hiểu, trao đổi thông tin đa chiều, mở mang tầm nhìn và sự hiểu biết.

Một ví dụ được các bạn đưa ra để chứng minh cho luận điểm của mình là dù nhà nước đã dựng lên rất nhiều tường lửa ngăn cản người dân tiếp cận thông tin bên ngoài, nhưng số người khao khát thông tin tìm mọi cách để vượtt qua các rào cản đó cũng không phải là ít, mà thậm chí càng ngày càng tăng lên, nhất là trong giới trẻ.

Đỗ Hiếu: Tôi muốn góp thêm ý Trà My ở chỗ này. Qua những ý kiến vừa kể thì trong thời đại Internet này, dù Hà Nội có muốn bưng bít, cấm đoán, giới hạn, ngăn cản hay kiểm soát, bằng cách này hay cách khác, thì quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của người dân cũng ngày càng phát triển, càng nhanh chóng, hữu hiệu hơn chứ không thể bị đóng kín như thời gian “Bức Màn Sắt” còn tồn tại, mấy chục năm trước.

Gia Minh: Cám ơn các anh chị và quí thính giả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.