Thế hệ đàn con đàn cháu ngày càng làm tăng tiến thêm nghề ca hát của ông cha và mỗi một thế hệ nối tiếp đều góp phần hoàn chỉnh kỹ thuật ca diễn và loại hình nghệ thuật mà các ông cha của mình đã sở đắc.
Ví dụ nữ nghệ sĩ Thanh Hương thì thừa hưởng được giọng ca oanh vàng của mẹ là nữ danh ca Tư Sạng, cô Thanh Hương đã để lại cho đời nhiều bài ca vọng cổ truyền cảm một cách tuyệt vời.
Nghệ sĩ Thanh Tòng thừa hưởng kỷ thuật và nghệ thuật hát tuồng cổ của ông cha là Bầu Thắng và Minh Tơ, Thanh Tòng cũng trở thành một nghệ sĩ bậc thầy trong lãnh vực nghệ thuật hát tuồng cổ.
Nữ nghệ sĩ Bích Phượng thừa hưởng kỷ thuật, nghệ thuật ca vọng cổ và làn hơi truyền cảm của cha là vua vọng cổ Út Trà Ôn, ca sĩ Bích Phượng cũng là một danh ca chuyên ca vọng cổ và các lối ngâm thơ hò, lý; các nghệ sĩ Bạch Mai, Thanh Bạch, Bạch Lê thừa hưởng sự truyền nghề của các danh tài Thành Tôn, Huỳnh Mai, Bảy Huỳnh, Ngọc Hương nên đã trở thành những nghệ sĩ danh tiếng trên sân khấu tuồng cổ và hồ quảng.
Nghệ sĩ Tấn Beo, con trai lớn của danh ca Tấn Tài, hoàng đế dĩa nhựa và nữ nghệ sĩ Như Ngọc, đệ nhất đào lẵng độc trong thập niên 60, nghệ sĩ Tấn Beo không trở thành danh ca vọng cổ như cha và cũng không thành kép chuyên diễn lẵng độc như mẹ, anh trở thành một danh hài ăn khách trong các show tấu hài, một lối ca diễn khác với sở trường của cha mẹ. Các bạn của danh hài Tấn Beo thường nói đùa : Tấn Beo là con nhà tông, không giống lông mà cũng không giống cánh.
Sống và lớn lên trong gánh hát
Nghệ sĩ Tấn Beo tên thật là Lê Tấn Danh, sanh năm 1970 tại Saigon, cha mẹ em là bầu gánh hát Tân Thủ Đô - Tấn Tài, em sống và lớn lên trong gánh hát, theo cha mẹ trên khắp các nẽo đường lưu diễn nên từ thơ ấu em thâm nhiểm lời ca điệu nhạc cùng lối múa hát trên sân khấu.
Trong những ngày 30 tháng 4 năm 1975, đoàn hát Tân Thủ Đô - Tấn Tài đang hát ở Bình Tuy, nghệ sĩ kiêm bầu gánh Tấn Tài đưa đoàn về miền Hậu Giang nghĩ vài tháng, xong đăng ký xin hát dưới bảng hiệu đoàn Tấn Tài, trực thuộc tỉnh Cần Thơ.
Năm 1977, nhà nước tập thể hóa các gánh hát, nghệ sĩ kiêm bầu gánh Tấn Tài giao lại đoàn hát cho Sở Văn Hóa quản lý, hai vợ chồng Tấn Tài – Như Ngọc đi hát chầu cho đoàn Hậu Giang 1 trong một thời gian, sau đó họ về hát chầu cho đoàn cải lương Bến Tre, rồi đoàn Sông Hậu.
Tấn Danh được cha dạy học chữ và học ca hát nên năm em 11 tuổi ( 1981) Tấn Danh được thủ vai Tấn Lực trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa. Trong lớp tuồng Nghi Xuân - Tấn Lực bị bà mẹ ghẻ đánh đập, hành hạ và lớp hồn ma của Cúc Hoa hiện về bắt chí cho hai con bên mộ, vai Tấn Lực và Nghi Xuân có ca những câu vọng cổ “lấy nước mắt khán giả”. Nữ nghệ sĩ Thanh Nga ngày xưa cũng nổi tiếng trong vai này khi cô mới xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu.
Tấn Danh trong vai Tấn Lực, ca vọng cổ chắc nhịp, rõ lòi nhưng không đạt được chất thảm mà nhân vật trong tuồng cần thể hiện. Em luôn mĩm cười, nét mặt vui tươi hồn nhiên dầu cho cha em, danh ca Tấn Tài hết sức uốn nắn, tập luyện, Tấn Danh vẫn không thích hợp để diễn các vai bi, vai kép mùi hơn là vai diễu, vai hài trên sân khấu. Tấn Tài tức quá la rầy con: Cái miệng mầy cười hoài như cọp mếu, làm sao mà khán giả cảm động được? Nghệ sĩ hài Thanh Việt nghe vậy, bèn nói : “Vậy thì dùng cái tên Tấn Danh không có hợp, kêu nó là thằng Tấn Cọp đi…Ý mà Tấn Cọp nghe không hay, kêu nó là Tấn Beo đi.”
Nghệ danh Tấn Beo
Vậy đó, Tấn Beo nghe cái tên đã “mắc cười” rồi nên em bèn nhận lấy nghệ danh Tấn Beo thay cho cái tên Tấn Danh trong giấy khai sanh. Và người thầy tự nguyện dạy cho cậu học trò Tấn Beo đó chính là danh hài Thanh Việt.
Hai vợ chồng Tấn Tài và Như Ngọc không sống nổi với đồng lương của đoàn hát nên rời đoàn, về quê lập quán nghệ sĩ. Tấn Beo xin được ở lại theo thần tượng của mình là danh hài Thanh Việt để học nghề vì em muốn được hát hài trên sân khấu.
Thế là từ đó, trong đoàn Sông Hậu 1 có một thầy một trò luôn khắn khít bên nhau. Mỗi khi đoàn đến một điểm diễn mới, nhiệm vụ của Tấn Beo là xách chiếc ghế bố đi giành chổ trước cho ông thầy. Sau đó thì đi mua về một chai rượu, ngồi đối ẩm với ông. Sau nầy Tấn Beo kể lại anh biết nhậu và nhậu dữ như vậy là tại ông thầy. Khi Thanh Việt đã say và ngủ rồi thì Tấn Beo ngồi kế bên nhổ tóc ngứa, nhổ râu. Tấn Beo học hỏi nhiều nhất qua việc nhìn ông thầy diễn trên sân khấu, trong những cuộc nói chuyện vui của Thanh Việt với khán giả ái mộ và trong những lời tâm tình của Thanh Việt nói với Tấn Beo về các gag cười trên sân khấu.
Sau một thời gian học nghệ, Tấn Beo muốn có một sân khấu để hát vì nếu ở mãi với đoàn Sông Hậu 1 thì có hề Thanh Việt, Tấn Beo khó có vai tuổng nào để mà thực thi những điều đã học hỏi được. Tấn Beo bèn trốn đoàn hát Sông Hậu, để gia nhập đoàn hát An Giang.
Mới vô đoàn hát An Giang, nghe nói đoàn có tới 5 anh hề, Tấn Beo rụng rời, nhưng đã bỏ đoàn Sông Hậu, về đoàn An Giang nếu mà anh không ráng chịu đựng thì biết phải chạy đến đoàn nào. Nhất là khi xa cha mẹ, xa ông thầy Thanh Việt, xa đoàn hát, Tấn Beo không tiền không bạc, không bạn bè giúp đở nên phải chịu trận rồi sẽ xoay sở sau.
Cũng may, với tánh tình hiền lành, chịu khó chịu khổ nên Tấn Beo được các bạn diễn thường, chia vai cho hát nên khi 5 anh hề kia lần lượt rời đoàn An Giang, Tấn Beo trở thành vai hề chánh của đoàn. Tấn Beo nổi danh với vai Siêng trong vở tuồng Bàn Thờ Tổ của một cô đào.
Tấn Beo qua thêm các đoàn hát khác. Anh đã hát trên sân khấu Kim Thanh, lưu diễn miền Trung đến năm 1992, sau đó về hát cho các đoàn đại ban của Thanh phố.
Tấn Beo đã hát tuồng Truyền Thuyết Tình Yêu chung với các nghệ sĩ tài danh Thanh Tòng, Mỹ Châu, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Trọng Nghĩa, Thanh Ngân, Ngọc Đáng và tỏ rõ khả năng đa dạngh. Tấn Beo thành công dễ dàng qua các tuồng xã hội cũng như các tuồng cổ, tuồng Tàu vì Tấn Beo có học qua lối hát tuồng cổ.
Đến những năm sau 1996, cải lương xuống dốc, Tấn Beo được các bạn rũ đi tấu hài. Anh cũng gặt hái được những tràng cười nồng nhiệt của khán giả, điều đfó chứng tỏ là khi còn thơ ấu, anh chọn con đường hát hài là đúng theo khả năng và sở thích của mình.
Tam KIếm Hợp Bích
Tấn Beo, Tấn Bo và nữ diễn viên hài Mỹ Chi lập thành một nhóm hài, thường được gọi là Tam KIếm Hợp Bích, được khán giả trong nước và hải ngoại tán thưởng. Lần xuất ngoại hát tại Melbourne và Sydney, khán giả hải ngoại rất hoan nghênh Tấn Beo, Tấn Bo và Mỹ Chi trong tiết mục hài “Cái Bang Thời Đại”. Tấn Beo và Mỹ Chi cũng được ái mộ qua tiểu phẩm hài Mơ Làm Ca Sĩ.
Xem Tấn Beo diễn hài kịch, khán giả thấy anh chịu ảnh hưởng nhiều của ông thầy Thanh Việt. Tấn Beo diễn diễu rất tỉnh, linh hoạt, thông minh, láu lỉnh nhưng cái cười mà anh mang đến cho khán giả là cái cười thâm trầm mà sâu sắc, thể hiện được tính chất hóm hỉnh của người nông dân chất phác nhưng vui tánh.
Về gia đình thì Tấn Beo có một người chị cùng cha khác mẹ là Lê Thị Thanh Hà, sống ngoài ngành sân khấu và có một em trai ruột thịt tên là Lê Tấn Phúc, sanh năm 1974, nghệ danh là Tấn Bo. Tấn Bo lúc đầu cũng theo Tấn Beo hát trong các show tấu hài, nhưng sau đó em thi đậu vào trường Dại Học Sân Khấu và Điện Ảnh. Em lại có khiếu nhạc nên học thêm việc xử dụng nhiều nhạc khí.
Tấn Beo sống với mẹ và em trai ở quận 8 nên việc lo bảo bọc cho gia đình là gánh nặng của Tấn Beo. Mỗi lần đi hát về, được bao nhiêu tiền cachet, anh trao hết cho mẹ để mẹ lo liệu cho cuộc sống của cả gia đình.
Tấn Beo hát có duyên, cuộc sống nghiêm túc nên có một nữ khán giả xem anh hát, thích anh, tìm cách làm quen nhau. Gặp nhau saun khi vãn hát, hai người yêu nhau nhưng chỉ rũ nhau uống nước xong rồi về. Theo Tấn Beo kể lại thì lúc đầu gia đình bên gái biết Tấn Beo là nghệ sĩ nên cấm cản, nhưng sau hiểu lại, cha mẹ cô gái chịu gả con và thương rể hết biết!
Tấn Beo có được hai con. Anh sống có nề nếp. Hát được bao nhiêu tiền, về nhà anh trao hết cho mẹ và vợ để hai bà lo liệu cho cuộc sống chung. Tấn Beo thỉnh thoảng chở vợ con đi du ngoạn Sở thú để thấy con Beo ở nhà hiền hơn con Beo trong Sở thú . Anh cũng chơi điện tử ở nhà để giải trí và đùa giởn với hai con, anh cũng nuôi chim, nuôi cá kiểng và nhậu lai rai để tưởng nhớ đến ông thầy Thanh Việt.
Hỏi Tấn Beo có gì vui nhất, điều gì buồn nhất. Tấn Beo trả lời : “Trên đời có trăm niềm vui và vạn nỗi buồn, mất cái nầy sẽ có cái kia. Tấn Beo sợ nhất là cái buồn trong nghề nghiệp, đó là khi ra đường không còn được con nít bu theo chỉ mặt kêu “anh Beo”, nhưng may quá, điều đó chưa xảy ra. Vậy thì Tấn Beo đâu có đòi hỏi gì thêm nữa!
Hỏi về sân khấu thì Tấn Beo nói : Tốt nhất là được hát nguyên tuồng, không được thì mình hát trích đoạn. Không được nữa thì mình đi tấu hài ở các tự điểm văn hóa, hát quán nghệ sĩ, hát đám cưới đám ma cũng được. Miễn chỗ nào có khán giả thì mình phục vụ hết mình.
Nghệ sĩ hài Tấn Beo, con nhà tông, không giống lông cũng không giống cánh.
Chương trình cổ nhạc do Nguyễn Phương thực hiện, xin chào quý thính giả.
Thưa quí thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.