Làng nghề VN bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng toàn cầu

Cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu đã đặt chân đến Việt Nam và những làng nghề đang là thành phần đầu tiên bị tấn công.
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2009.03.26

Hàng ngàn cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đang đứng trước nguy cơ phá sản, trong đó có làng gốm Bát Tràng. Doanh nghiệp đang tìm mọi cách để thoát ra khỏi hiện trạng mất đơn đặt hàng và mở rộng thị trường trong nước.

Nguy cơ phá sản

Theo Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam, hiện nay đã có chính thức 9 làng nghề phá sản vì nhiều lý do mà chủ yếu là do không còn đơn đặt hàng nước ngoài mà trong nước thì không thể tiêu thụ.

Những làng nghề như dệt lụa, thêu ren, gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, tranh dân gian... đều lâm vào tình cảnh khó khăn nếu không muốn nói là không lối thoát.

Các đơn đặt hàng từ Mỹ, EU, Nhật đã ngày càng ít đi cho đến khi mất hẳn vào những tháng đầu năm 2009 khi cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới bước vào giai đoạn khó khăn nhất.

Làng nghề Việt Nam đa số sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ không trực tiếp dính vào nhu cầu thiết thân của cuộc sống vì vậy khuynh hướng của người tiêu dùng là tiết kiệm tối đa những sản phẩm này.

Gốm Bát Tràng là một mảng thủ công mỹ nghệ lớn, có quy mô và tổ chức chân rết từ khâu sáng tác, sản xuất cho đến quảng cáo, tiếp cận thị trường ngoại quốc ngày càng mạnh mẽ và thành công hơn.

Gốm Bát Tràng có nhiều công ty sản xuất và phân phối nên số nhân công làm việc rất lớn trong các làng nghề chung quanh tỉnh Quảng Ninh và các vùng phụ cận.

Trong những ngày gần đây, số lượng mất hợp đồng tại nhiều công ty đã lên đến mức đáng lo ngại, nhiều cuộc hội thảo nhằm tìm hướng đi mới đã khuấy động không khí làm việc của nhiều làng nghề.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ Tịch Hội Làng Nghề Việt Nam, cho biết tình trạng hợp đồng bị bỏ ngỏ hiện nay:

Về khả năng các hợp đồng bây giờ, hợp đông cũ nhiều nơi người ta bỏ, không lấy. Không những Bát Tràng mà Gỗ Đồng Trị, Mây tre đan Phú Vinh, van vân, họ đều không lấy, còn hợp đồng mới thì chưa ký được.

Ô. Vũ Quốc Tuấn

“Về khả năng các hợp đồng bây giờ, hợp đông cũ nhiều nơi người ta bỏ, không lấy. Không những Bát Tràng mà Gỗ Đồng Trị, Mây tre đan Phú Vinh, van vân, họ đều không lấy, còn hợp đồng mới thì chưa ký được.

Cho nên chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công Thương mà trực tiếp là Cục Xúc Tiến Thương Mại giúp chúng tôi khai thông các thị trường mới ở nước ngoài.”

Cứu gốm Bát Tràng

Tình hình này dẫn đến việc các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu hơn lúc nào hết cần đến sự trợ giúp của Cục Xúc Tiến Thương Mại nhằm tìm kiếm thị trường mới và phổ biến sản phẩm của họ đối với thế giới.

Bà Vũ Thị Toan, Giám Đốc Công Ty Gốm Thủy Toàn, cho biết những nhu cầu của công ty bà:

“Đối với doanh nghiệp sản xuất hàng sứ đồ gia dụng hiện giờ Bát Tràng nói chung là vấn đề xuất khẩu đương nhiên các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, và nếu như được sự hỗ trợ của Cục Xúc Tiến Thương Mại thì điều đó sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể phát triển thêm cái quảng bá và giới thiệu đến khách hàng.

Xúc Tiến Thương Mại thì giúp cho bên các doanh nghiệp sản xuất quảng cáo - quảng bá được những mẫu sản phẩm và tìm ra những khách hàng. Nhu cầu về mặt hàng thì bên Xúc Tiến Thương Mại giới thiệu cho những mẫu mả để doanh nghiệp có thể đáp ứng được mẫu cho khách hàng.”

Nhìn chung, toàn bộ vùng gốm sứ của khu vực phía Bắc về xuất khẩu thì giảm đi khá là rõ rệt. 

Bà Hà Thị Vinh

Bà Hà Thị Vinh, Giám Đốc Công Ty Gốm Bát Tràng, cho rằng tình trạng hiện nay giúp cho các doanh nghiệp hiểu thêm việc tìm kiếm thị trường mới là cần thiết cho sự phát triển. Bà nói:

“Nhìn chung, toàn bộ vùng gốm sứ của khu vực phía Bắc về xuất khẩu thì giảm đi khá là rõ rệt. Tất nhiên sẽ phải mở thị trường thêm. Và cái này không những là trong cái điều kiện suy thoái mà đây cũng là một chương trình liên tục đối với các doanh nghiệp là anh phải mở thêm thị trường, mở thêm khách hàng. Những thị trường nào anh chưa tới thì anh cũng coi đấy như là mục tiêu để anh vươn tới.”

Để đối phó với vấn đề khó khăn trong xuất khẩu, bà Vinh cho rằng thị trường nội địa là một vùng đất cần phải được chú ý hơn. Bà chia sẻ :

“Thị trường nội địa là một những thị trường mà trước đây những nhà sản xuất xuất khẩu trong nhiều năm qua thì đều hướng tới mãi mê với xuất khẩu, nhưng khi nhìn lại thị trường nội địa thì chúng tôi cũng thấy đây là một thị trường rất là hấp dẫn, bởi vì đối với ngành gốm sứ thì từ người nghoè nhất cho tới người giàu nhất của Việt Nam thì họ cũng đều sử dụng các sản phẩm gốm sứ. Và Việt Nam thì có 80 triệu dân vì vậy chúng tôi cho rằng đầu tư cho thị trường trong nước là điều hết sức cần thiết.”

Ông Vũ Quốc Tuấn cho biết những mục tiêu mà Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam, mà ông là chủ tịch, đang nổ lực thực hiện cũng nhắm đến thị trường nội địa. Ông nói:

“Về thị trường nội địa thì chúng tôi đang cùng với 3 hiệp hội khác làm một số việc về xúc tiến thương mại . Chúng tôi hợp tác với Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam, Hiệp Hội Các Nhà Bán Lẻ việt Nam, Hiệp Hội Xuất Khẩu Thủ Công Mỹ Nghệ Việt Nam. Một mặt chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc hội chợ triển lãm để giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ hợp với nhu cầu của người Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tổ chức một số điểm để bán hàng, tập trung thủ công mỹ nghệ ở khắp nước. Ví dụ chúng tôi đã làm ở Mạo Khê (Quảng Ninh), chúng tôi sẽ làm ở Mê Linh Plaza, chúng tôi sẽ làm ở Quảng Nam-Đà Nẵng và Nha Trang, van vân. Chúng tôi sẽ làm mấy điểm du lịch kết hợp với các sản phẩm làng nghề.

Chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc bán hàng lưu động về các địa phương, như là kinh nghiệm vừa rồi ở TP.HCM là đi về những vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn. Ở An Giang mà bán hàng thì phấn khởi lắm; anh em ở đấy họ đưa những xe ô-tô chở hàng về rồi thì chỉ trong một ngày thôi là bán hàng khá lắm.

 Điều đó chứng tỏ nông thôn Việt Nam hiện nay rất cần hàng, hàng công nghiệp, nhưng mà mình không tổ chức bán thì họ không biết mua ở đâu cả. Nhiều nơi họ bảo là phải mua toàn hàng Trung Quốc thôi.

Chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc đưa hàng về các khu công nghiệp, đưa hàng về các đô thị, đưa hàng về các vùng sâu vũng xa, các vùng dân tộc thiểu số, v.v. là mở rộng thêm cái diện bán hàng như thế, giới thiệu các mặt hàng với giá cả hợp lý, vừa phải. Hàng hoá phải hợp thị hiếu của người ta.

Chúng tôi đã và đang có những biện pháp như thế, và đẩy mạnh việc đưa hàng về cho người tiêu dùng, mà tập trung chủ yếu là nông thôn.”

Sự mong đợi của nhiều doanh nghiệp hướng tới mục đích tìm kiếm các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng suy thoái vẫn là trọng tâm hàng đầu hiện nay. Họ rất mong các sự trợ giúp phù hợp và nhanh chóng từ nhà nước trước khi tình trạng thất nghiệp diễn ra hàng loạt trên khắp nước như các dự báo bi quan hiện nay.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.