Hôm nay cuộc đối thoại thường niên Việt - Mỹ về nhân quyền khai diễn tại Hà Nội. Từ Hoa Kỳ, Ủy ban Cứu Người Vượt Biển (Boat People SOS) trụ sở tại Virginia, vừa phổ biến một bản phúc trình về dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Phúc trình này góp phần như thế nào cho nỗ lực xúc mưu cầu dân chủ trong thới điểm đối thọai nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội ?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành Boat People SOS, cùng phóng viên Thanh Quang của Đài Á Châu Tự Do phân tích vấn đề này:
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Mục tiêu của bản phúc trình lần này để giúp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong vấn đề đối thoại nhân quyền với Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Chúng tôi cảm thấy rằng phái đoàn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải được trang bị những thông tin chính xác, cụ thể và cập nhật. Đây là bản phúc trình hàng năm chúng tôi có cập nhật mỗi 3 tháng, xem như là một sự đóng góp vào tiến trình thực hiện chính sách của Hoa Kỳ, kể cả bên Hành Pháp cũng như của bên Lập Pháp.
Thanh Quang: Xin Tiến sĩ cho biết nội dung của bản phúc trình này gồm những đề mục nào?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Bản phúc trình có nhiều đề mục lắm, từ vấn đề đàn áp nhân quyền, vấn đề tự do tôn giáo, cho đến vấn đề buôn người, quyền lao động, vấn đề mậu dịch, cũng như tình trạng tham nhũng hối lộ ở Việt Nam.
Tình trạng buôn bán người lao động rất phổ biến và càng ngày càng trầm trọng hơn đang diễn ra tại Việt Nam.<br/> <i> TS Nguyễn Đình Thắng</i> <br/>
Trong bản phúc trình lần này chúng tôi tập trung vào 3 điểm chính, thứ nhất là cuộc đàn áp đã bắt đầu từ tháng 8-2006 lên đến cao điểm vào tháng 3-2007, và tiếp tục cho đến hiện nay. Vấn đề thứ hai là sự chưa thực hiện đúng đắn ở những điểm căn bản nhất của pháp lệnh về tín ngưỡng và tôn giáo mà chính quyền Việt Nam đã ban hành trước đây để được rút tên ra khỏi CPC (Danh sách những quốc gia đáng quan tâm đặc biệt). Và điểm thứ ba là tình trạng buôn bán người lao động rất phổ biến và càng ngày càng trầm trọng hơn đang diễn ra tại Việt Nam.
Thanh Quang: Boat People SOS có trình bày cụ thể nội dung bản phúc trình với các viên chức liên hệ của Hoa Kỳ hay chưa? Họ đã đáp ứng như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Đã nhiều lần rồi khi có phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hoặc Quốc Hội Hoa Kỳ lên đường đi Việt Nam, chúng tôi thường có những buổi họp riêng để phúc trình trực tiếp cho họ những điểm chính và trang bị cho họ bản phúc trình cũng với lại nhiều tài liệu nữa mà chúng tôi nghĩ là nó nhạy cảm nên không được để vào trong bản phúc trình.
Riêng lần này, chúng tôi gặp gỡ và tiếp xúc riêng với một số nhân viên Bộ Ngoại Giao mà kỳ này tham gia cuộc đối thoại về nhân quyền với Việt Nam. Chúng tôi đưa ra những điểm rất là căn bản, những sự kiện khá cụ thể, chính xác, kèm với danh sách. Chúng tôi cũng đưa ra đề nghị về chính sách, đồng thời những mẫu mực để đo lường sự thực tâm hợp tác để cải thiện các tình trạng về tự do tôn giáo, về nhân quyền, về phòng chống buôn người, v.v. cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, với hy vọng thiết tha là họ sử dụng những thông tin đấy trong khi đối thoại với Việt Nam.
Thanh Quang: Thế thì các viên chức Hoa Kỳ đó có đáp ứng như thế nào về bản phúc trình này, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Chúng tôi chưa nhận được những hồi âm của họ trong lần này, nhưng những lần trước thì họ đã tìm cách phối kiểm, chẳng hạn như một phần khá lớn trong nội dung của Đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam là dựa vào những dữ kiện trong bản phúc trình này. Và trước khi đưa vào Hạ Viện thì Dân biểu Chistopher Smith yêu cầu Bộ Ngoại Giao phối kiểm và khi trả lời thì họ nói là không thấy bất kỳ một sự phản bác nào về các dữ kiện chúng tôi đưa ra và đã được sử dụng trong bản ngôn ngữ của Đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam.
Và chúng tôi cũng nói chuyện riêng với một số nhân viên Bộ Ngoại Giao thì họ nói rằng họ đã sử dụng các danh sách về tù nhân chính trị chẳng hạn mà chúng tôi đã cung cấp cho họ và họ thấy rằng rất là chính xác.
Thanh Quang: Ông hy vọng bản phúc trình này có thể góp phần như thế nào trong cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Hà Nội về vấn đề nhân quyền ?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Bản phúc trình này trang bị những dữ kiện rất là chính xác cho giới chức Bộ Ngoại Giao trong cuộc đối thoại trước, trong khi và sau khi đối thoại Và chúng tôi tin rằng và hy vọng rằng không những chỉ cho cuộc đối thoại này mà thôi, mà nó còn ảnh hưởng một cách tích cực đối với lại bản phúc trình thưòng niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền trên thế giới, và đặc biệt là nhắm về Việt Nam.
Việt Nam không thực thi chính pháp lệnh của họ về tín ngưỡng tôn giáo, mà họ có sự lắc léo về định nghĩa. Họ áp dụng một chỉ thị của Thủ Tướng chứ không phải là thực thi pháp lệnh.
Mỗi năm như vậy Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải nộp bản phúc trình lên Quốc Hội, và thường thì trước đây phần về Việt Nam rất là sơ sài. Đặc biệt năm nay bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao tương đối cụ thể hơn và cũng rất là phù hợp với những điểm mà chúng tôi đã đưa ra trước đó và đã gửi sang cho Bộ Ngoại Giao. Chúng tôi hy vọng rằng bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao trong năm tới đây về tình hình nhân quyền ở Việt Nam 2008 sẽ lại càng cụ thể hơn nữa và chi tiết hơn nữa.
Một điểm nữa mà chúng tôi nghĩ rằng bản phúc trình này sẽ đóng góp được cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là vào ngày 04-6 tới đây Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ phát hành bản phúc trình hàng năm về tình trạng buôn người trên thế giới. Và chúng tôi tin rằng trong bản phúc trình ấy, lần này Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ có sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề Việt Nam qua một số trường hợp mà chúng tôi đã can thiệp trong thời gian gần đây. Điển hình là trường hợp 176 nữ công nhân Việt Nam ở Jordan.
Thanh Quang: Liên quan tới những tổ chức nhân quyền trên thế giới thì bản phúc trình của Uỷ Ban Cứu Người Vựơt Biển SOS sẽ giúp ích ra sao ?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Chúng tôi có chia sẻ bản phúc trình này với lại một số tổ chức nhân quyền quốc tế, chẳng hạn như Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế ở bên Đức, chẳng hạn như Human Rights Watch ở Hoa Kỳ, thì họ sử dụng một số dữ kiện trong đó. Ví dụ như việc Việt Nam không thực thi chính pháp lệnh của họ về tín ngưỡng tôn giáo, mà họ có sự lắc léo về định nghĩa. Họ áp dụng một chỉ thị của Thủ Tướng chứ không phải là thực thi pháp lệnh. Có sự phân biệt giữa đăng ký hoạt động và đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Hai điểm đó hoàn toàn khác nhau mà quốc tế không phân biệt được.
Hiện nay nhiều tổ chức khác về vấn đề tôn giáo, cũng như tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cũng bắt đầu phân biệt được hai cái thể thức hoàn toàn khác nhau như vậy mà tứ trước tới giờ Việt Nam đã dùng để qua mắt Hoa Kỳ cũng như quốc tế.
Thứ hai là danh sách tù nhân chính trị bị bắt bớ từ tháng 8-2007 cho đến giờ thì chính Human Rights Watch đã sử dụng sẽ nộp lên Quốc hội Hoa Kỳ qua cuộc điều trần trong thời gian gần đây ở tại Thượng Viện Hoa Kỳ.