Sai phạm lan tràn trong quản lý đất trưng thu

Vấn đề thu hồi đất đai ở Việt Nam từ hàng chục năm nay là nguyên nhân của hàng ngàn vụ tranh chấp, khiếu kiện sau khi ruộng, đất tư nhân được trưng thu cho các dự án, quy hoạch công nghiệp hóa hay đô thị hóa.
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
2009.08.23
Dân Tiền Giang đòi hỏi nhà nước VN phải giải quyết  đất đai cho họ Dân Tiền Giang đòi hỏi nhà nước VN phải giải quyết dứt điểm những bồi hoàn liên quan đến đất đai cho họ
Photo RFA file

Theo một báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường hôm 1 tháng Tám 2009 về kết quả công tác kiểm kê đất công trên địa bàn cả nước, trước đến nay đã có hàng ngàn vụ vi phạm xảy ra trong việc quản lý đất thu hồi.

Sử dụng sai mục đích

Số liệu của Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết hiện toàn quốc có đến hơn 250 ngàn ha đất bị bỏ hoang hay dùng sai mục đích. Sai phạm trong quản lý đất đai xảy ra ở hầu hết những đối tượng được giao đất để quản lý hay sử dụng. Hơn 3 ngàn cơ quan, tổ chức, hay doanh nghiệp thay vì sử dụng đất theo đúng mục đích được giao thì lại cho thuê, cho mượn, xây nhà cho cán bộ, hay chuyển nhượng trái phép.

Tôi bị cưỡng chiếm đất. Nhà nước ra quyết định tịch thu nguyên khu đất của tôi cũng như của 44 hộ khác. Tôi biểu tình đòi nhà đất. Bây giờ chính quyền Việt Nam đang truy bắt tôi, nói là tôi hoạt động chính trị, phản động, chống lại chế độ.

Bà Trần Kim Tiên, ĐBSCL

Nhận định của Bộ Tài nguyên – Môi trường như vừa nói, phù hợp với ghi nhận gần đây của một số địa phương. Cuối tháng Sáu vừa qua báo cáo của UBND quận Hà Đông cho biết chỉ riêng địa phương này trước đến nay đã có tới 4 ngàn vụ vi phạm về quản lý đất, trong đó có việc lấn chiếm, xây dựng trái phép hàng chục ngàn mét vuông đất, mà diện tích đất nông nghiệp chiếm rất nhiều. Trụ sở tiếp dân tại TP HCM thì chỉ trong 4 tháng đầu năm nay đã nhận được tới hơn 700 vụ khiếu nại tố cáo về vi phạm đất đai, hầu hết liên quan đến vấn đề thu hồi, bồi thường đất.

Tìm hiểu của cơ quan quản lý về đất đai của cả nước cũng phản ánh tình trạng đất bị trưng thu ào ạt trong cả một, hai thập niên trở lại đây ở Việt Nam. Với lý do đô thị hóa, công nghiệp hóa hàng trăm ngàn ha đất trên toàn lãnh thổ đã được “thu hồi”. Sự trưng dụng này dẫn đến hàng ngàn vụ khiếu nại, tố cáo từ Bắc chí Nam.

Cưỡng chiếm trái phép

Nhiều người cho hay nhà đất, ruộng vườn của họ bị viên chức địa phương cưỡng đoạt hay mua với giá rẻ mạt gần như lấy không, hoặc đất thu hồi xong lại bị bỏ hoang thay vì được khởi công xây dựng. Hàng ngàn người “dân oan” bị buộc phải nhượng đất, ruộng đang canh tác, bị đẩy ra khỏi môi trường sống đã nhiều đời cha truyền con nối. Phần bất động sản đó thì được bán lại với giá có khi cao hơn vài mươi lần, đem những món lợi kếch sù cho một thiểu số cán bộ hay con buôn, khi nhà đầu tư cấu kết với viên chức địa phương, mua quy hoạch. Các vụ khiếu kiện đòi công lý nhiều khi đã không được giải quyết, ngược lại còn đem đến những nguy hiểm cho người dân, như trường hợp bà Trần Kim Tiên ở miền ĐBSCL:

“Tôi bị cưỡng chiếm đất. Nhà nước ra quyết định tịch thu nguyên khu đất của tôi cũng như của 44 hộ khác. Tôi biểu tình đòi nhà đất. Bây giờ chính quyền Việt Nam đang truy bắt tôi, nói là tôi hoạt động chính trị, phản động, chống lại chế độ.”

Thiếu minh bạch

Kể từ khi nhà cầm quyền VN có chủ trương trưng thu đất đai để phục vụ cho nhu cầu đô thị hóa hay công nghiệp hóa, tin tức về quy hoạch đất đai trong nước từ trước đến nay không được công bố rộng rãi và minh bạch, còn việc xét duyệt các dự án thì nói chung còn tùy tiện, lỏng lẻo. Giới đầu tư và doanh nghiệp đã nhiều lần nhận xét là dữ liệu về quy hoạch đất ở VN còn rất thiếu thốn và có những trường hợp không được rõ ràng. Tại nhiều địa phương thì viên chức, cán bộ nắm quyền quyết định giá đền bù dù người chủ đất có đồng ý hay không. Để rồi sau đó, cả trăm, ngàn ha đất bị bỏ hoang với những quy hoạch “treo”, trong khi người dân bơ vơ không nơi cư trú và cuộc sống ngày càng thêm khốn khổ sau khi món tiền đền bù đất đã tiêu hết sau một thời gian không lâu.

Em đi kiện từ đó tới giờ, sống màn trời chiếu đất. Con em bị thất học. Gia đình em khổ sở. Em kiện đã 12 năm nay. Thủ tướng ra văn thư chỉ đạo kêu giải quyết dứt điểm, nhưng tỉnh không giải quyết.

Chị Bé Tư, Kiên Giang

Dư luận đã lên tiếng về các tiêu cực trong việc thu mua đất đai, và phê phán rằng đất trưng thu có lúc đã bị sử dụng sai mục đích vì sự tham lam của giới chức quyền.

Thiệt hại cho dân, nhà nước

Như trước đến nay, nguyện vọng của người dân oan hiện giờ, điển hình như chị Bé Tư ở Kiên Giang, là trường hợp oan ức của họ sẽ được giải quyết, để cuộc sống của họ được bình ổn như xưa:

Chủ tịch ủy ban tỉnh xin đất, cưỡng chế nhà em rồi sau đó xây cất sai mục đích. Đất này nhà em làm chủ từ năm 1948. Họ tham ô hối lộ, họ lấy mà không bồi hoàn gì hết. Em đi kiện từ đó tới giờ, sống màn trời chiếu đất. Con em bị thất học. Gia đình em khổ sở.

Em kiện đã 12 năm nay. Thủ tướng ra văn thư chỉ đạo kêu giải quyết dứt điểm, nhưng tỉnh không giải quyết. Nguyện vọng của em bây giờ? Bây giờ em mong làm sao để gia đình em được trả lại phần đất đã mất.”

Báo cáo của Bộ Môi trường – Tài nguyên đưa ra hôm 1 tháng Tám thừa nhận có hàng ngàn vụ sai phạm trong quản lý đất thu hồi. Hiện chưa nghe từ phía nhà cầm quyền là các sai phạm này sẽ được xử trí, giải quyết ra sao.

Một cán bộ quy hoạch, không muốn nêu tên, lên tiếng từ Hà Nội khi được biết riêng quận Hà Đông đã có tới 4 ngàn vụ vi phạm được hỏi ý kiến về việc giải quyết các vi phạm về quản lý đất thu mua:

“Đấy chỉ mới là một địa phương thôi. Còn nhiều địa phương khác nữa. Các biện pháp chế tài không thay đổi gì được đâu. Vấn đề nó nằm ở cơ chế. Phải thay đổi từ căn bản, từ cơ chế, chứ không thì tình trạng không có gì thay đổi đâu.”

Vi phạm trong quản lý đất trưng thu làm mất rất nhiều đất nông nghiệp của quốc gia, gây thiệt hại nặng nề cho người dân cũng như cho ngân sách nước nhà, chưa kể có nguy cơ gây bất ổn xã hội và xói mòn niềm tin của người dân đối với chính quyền.

Nguyện vọng của em bây giờ? Bây giờ em mong làm sao để gia đình em được trả lại phần đất đã mất.

Chị Bé Tư, Kiên Giang

Tiến sĩ Lê Duy Hiểu của Viện Kinh tế VN, trong cuộc hội thảo ở Hà Nội hôm đầu tháng này về thị trường bất động sản VN, cũng lên tiếng là nguồn thu từ đất ở VN rất thấp, gây lãng phí, thất thoát lớn cho thu nhập quốc dân.

Từ trung tuần tháng Năm 2009 ông Trương Vĩnh Trọng, Phó thủ tướng củaVN đã lên tiếng yêu cầu giới lãnh đạo một số tỉnh miền Nam chủ động nhiều hơn trong công tác giải quyết các khiếu nại của dân, bao gồm các khiếu nại liên quan đến vấn đề đất đai.

Theo giới chuyên gia, hiện giờ chính quyền VN không nắm được chính xác số liệu đất đang được quản lý trên địa bàn cả nước.

Dù vậy, xem xét các vụ vi phạm, giải quyết các trường hợp oan sai của người dân bị mất đất thiết tưởng là điều cần được thực hiện, và thực hiện càng sớm càng hay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.