Báo chí VN thực sự phục vụ quốc gia, dân tộc, chống tham nhũng?

Nhân thời điểm đánh dấu 84 năm Ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam- tức vào Chủ Nhật 21 Tháng Sáu này, giới lãnh đạo VN lên tiếng ca ngợi vai trò báo chí VN, nhất là trong việc phục vụ quốc gia, dân tộc, chống tham nhũng.

0:00 / 0:00
080406-NEWSTAND_150.jpg
Gian hàng báo ở Hà Nội. Mặc dầu sản phẩm báo đa dạng, báo chí nằm trong vòng kiểm tỏa của chính quyền. AFP PHOTO (AFP PHOTO)

Cổng Thông Tin của Chính Phủ VN trích dẫn lời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý rằng “Thông tin trên báo chí phải phát xuất từ cái tâm trong sáng của nhà báo vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân…”.

Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, nhà báo Bùi Tín, nguyên Phó Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân, nhận xét:

Ông Bùi Tín: Ông Nguyễn Tấn Dũng nói điều đó thì tôi nghĩ là chính bản thân ông cũng không tin vào điều mà ông nói, vì ai cũng biết là dưới chế độ của Hà Nội thì tự do báo chí có thể gọi là "con số 0". Và trong tất cả các mặt lạc hậu của Việt Nam thì tự do báo chí là cái lạc hậu rõ nhất và nó sinh ra tất cả các mặt lạc hậu khác. Có thể nói rằng trong thế giới văn minh hiện nay ở đâu người ta cũng có báo chí tự do, báo chí tư nhân, nhưng riêng ở Việt Nam và một vài nước khác dưới chế độ độc đảng cai trị có tính chất toàn trị thì người viết báo không có tự do. Cho nên ai cũng biết rằng ở Việt Nam tuy có hơn 700 tờ báo hàng ngày, báo hàng tuần, báo hàng tháng và tạp chí, nhưng mà có thể hình dung là chỉ có một tổng biên tập mà thôi; tổng biên tập đó là đảng cộng sản. Thế thì tất cả những bài báo không theo đúng đường lối của đảng này là đều không được xuất hiện, và nếu mà xuất hiện thì bị phê phán, hoặc có khi bị phạt, bị đuổi khỏi tòa soạn. Thế nhưng mà cũng rất đáng buồn cho các nhà báo, tức là ở Việt Nam có tất cả 16.000 nhà báo, nhà báo viết, nhà báo nói, nhà báo chụp ảnh, vân vân, thế nhưng tất cả 16.000 người đó là không có ai có tự do cá nhân cả.

Cho nên ai cũng biết rằng ở Việt Nam tuy có hơn 700 tờ báo hàng ngày, báo hàng tuần, báo hàng tháng và tạp chí, nhưng mà có thể hình dung là chỉ có một tổng biên tập mà thôi; tổng biên tập đó là đảng cộng sản.

Ông Bùi Tín

Chống tham nhũng khi nào Đảng cho phép

Thanh Quang : Thưa nhà báo Bùi Tín, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định rằng báo chí VN "…còn tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng…", trong khi ông Trương Tấn Sang, Thường Trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng CSVN, cũng vừa lên tiếng với Hội Nhà Báo VN rằng trong những năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã "…tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng…". Giới lãnh đạo hô hào báo giới chống tham nhũng như vậy, nhưng trên thực tế có thể ra sao, thưa ông?

bui-tin-200.jpg
Cựu đại tá Bùi Tín. RFA photo.

Ông Bùi Tín: Tôi lấy ví dụ vụ tham nhũng vào loại lớn nhất trong 3 năm nay là vụ PMU-18, trong đó liên quan đến Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến, thì chính những nhà báo tham gia phanh phui những tội tham nhũng đó thì lại bị đuổi khỏi nhà báo, và thậm chí bị vào tù. Cái đó là cái trò gì? Đấy là hoàn toàn không được chống tham nhũng. Các nhà báo ở Việt Nam chỉ được chống tham nhũng khi nào đảng cho phép, chứ họ không phải như các báo năng động ở thế giới tự do tức là lao vào để tìm tòi (sự thật). Mỗi nhà báo có quyền, có nghĩa vụ điều tra đến nơi đến chốn và phát hiện, không một ai có quyền ngăn chận cuộc điều tra tham nhũng của các nhà báo cả. Do đó, bất cứ một vụ lớn nhỏ nào thì các báo đều tham gia rất mạnh mẽ. Đàng này, ở Việt Nam thì chỉ khi nào đảng cho phép vụ nào đó thì nhà báo mới được nói đến. Thậm chí có những vụ tham nhũng mà người ta không được nói đến, những vụ tham nhũng, ăn hối lộ của phía Nhật Bản đó, là người ta cấm không được nói. Nếu mà ai nói đến thì coi như bị thổi còi, bị phạt rất nặng. Cái đó là cái gì? Là ngăn cản chống tham nhũng . Ví dụ cái vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt 4 tháng nay, và trong cuộc họp Quốc Hội khóa trước chính TT Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn rằng vụ đó đang điều tra và cứ điều tra đến đâu thì sẽ công khai nêu lên vụ việc để xử lý đến đó. Thế mà đến phiên họp quốc hội hiện nay, vừa mới bế mạc ngày hôm kia, chính một đại biểu là ông Nguyễn Minh Thuyết đã chất vấn Thủ Tướng về vụ này, nói rõ rằng là kỳ họp trước Thủ Tướng đã hẹn sẽ cho biết vụ Huỳnh Ngọc Sỹ ăn hối lộ của Nhật Bản như thế nào, yêu cầu Thủ Tướng trả lời. Nhưng mà chúng ta đều biết là gần một tháng cái vụ này cũng chìm luôn và không ai dám nói đến nữa, không ai dám trả lời nữa. Đó là một điển hình rất rõ việc chống tham nhũng ở Việt Nam là việc không có thật. Còn trên thực chất là người ta bênh vực những vụ tham nhũng lớn nhất mà có cán bộ cao cấp tham gia.

Đó là một điển hình rất rõ việc chống tham nhũng ở Việt Nam là việc không có thật. Còn trên thực chất là người ta bênh vực những vụ tham nhũng lớn nhất mà có cán bộ cao cấp tham gia.

Ông Bùi Tín

Đồng thuận chỗ nào?

Thanh Quang : Thưa nhà báo Bùi Tín, cũng theo ông Trương Tấn Sang thì "nhiều cơ quan báo chí đã thực sự đi trước, định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…". Liệu báo chí mà "định hướng tư tưởng" như vậy cho phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì có đi lệch chức năng của báo chí hay không ?

Vietnam_Newspapers_pmu18_200.jpg
Dư luận Việt Nam xôn xao trước tin 2 phóng viên nhiều uy tín của hai tờ báo lớn nhất nước bị bắt giam và khởi tố vì những bài viết về vụ tham nhũng đánh bạc PMU18. AFP PHOTO. (AFP PHOTO.)

Ông Bùi Tín: Ông Trương Tấn Sang mà nói đến cái đồng thuận cao trong xã hội mà báo chí tham gia thì đó là cái điều rất là mỉa mai. Chúng ta đều biết Quốc Hội vừa mới bế mạc cách đây 2 ngày và tại đó thì chính ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng như là ông Chủ Tịch Quốc Hội cũng nói đến vấn đề "đồng thuận cao" và trong cái đồng thuận cao đó thì họ nhấn mạnh đến cái chủ trương khai thác mỏ bauxite. Thế nhưng chúng ta đều biết "đồng thuận cao" ở chỗ nào khi mà có đến 2.700 nhà khoa học, nhà trí thức lên tiếng đòi chấm dứt ngay lập tức việc khai thác bauxite, cho đến cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3 lần viết thư yêu cầu. Thế thì "đồng thuận" ở chỗ nào? Bao nhiêu ông tướng, bao nhiêu sĩ quan, bao nhiêu cựu chiến binh đều lên tiếng rằng đấy là một thảm họa môi trường, thảm họa về kinh tế là lỗ rất nặng, thế mà cái thảm họa nữa thì đây là du nhập ô nhiễm của Trung Quốc sang để buộc phải khai thác bauxite để bán lại cho Trung Quốc với giá rẻ. Tất cả những cái đó là thảm họa mà sao lại gọi là "đồng thuận? Cho nên họ dùng chữ "đồng thuận" là họ lạm dụng chữ đó. Mà chính thật là có cả một khối những con người thông minh, tâm huyết, kiên quyết chống lại việc làm sai trái đó. Nhưng mà họ làm lấy được và họ vẫn cứ cưỡng ép người ta dùng cái danh từ "đồng thuận" trong quốc hội cũng như trong nhân dân.

Thanh Quang : Cảm ơn nhà báo Bùi Tín rất nhiều.

Ông Bùi Tín: Cảm ơn các bạn.