Theo ý kiến của hầu hết các chuyên gia kinh tế, quyết định đưa ra gói kích cầu của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc triển khai và sử dụng gói kích cầu vẫn cho thấy nhiều điểm hạn chế, khiến cho gói kích cầu chưa phát huy tối đa hiệu quả của nó.
Cần kích cầu hơn là cung
Một số chuyên gia nhận xét gói kích cầu hiện nay chưa cân đối. Các chính sách đưa ra tập trung quá nhiều vào việc kích cung hơn là kích cầu. Việc Nhà Nước hỗ trợ bù lãi suất cho doanh nghiệp được cho là một cách kích “cung” gián tiếp. Tuy vậy, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Huy Thành, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, việc kích thích đầu tư vẫn chưa được sự hưởng ứng của đa số doanh nghiệp. Tiến sĩ Hà Huy Thành nhận xét:
“Không phải tất cả các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho điều này, nhưng chỉ có những doanh nghiệp nào có điều kiện. Thứ nhất là mặt hàng phù hợp với thị trường nói chung kể cả xuất khẩu và nội địa, đấy là nói về ngành hàng. Thứ hai là các doanh nghiệp có sức từ trước, tức là khi Chính phủ chưa có kích cầu, thì người ta đã có định hướng về thị trường nội địa…. thì đó là những doanh nghiệp đã sử dụng thành công cái gói kích cầu này. Còn nhiều doanh nghiệp thì hiện nay vẫn chưa thật mặn mà lắm.”
Sở dĩ xảy ra vấn đề trên, theo Tiến sĩ Thành, là do một số doanh nghiệp cân nhắc về hướng phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp đã quen với thị trường xuất khẩu, nếu bắt đầu lại, họ phải tổ chức thăm dò thị trường, nghiên cứu lại mặt hàng sản xuất, cơ sở hạ tầng…
Những khó khăn này không phải một sớm một chiều có thể khắc phục. Bởi vậy, theo Tiến sĩ Thành: "Về mặt lý thuyết, người ta hưởng ứng nhưng không phải tất cả doanh nghiệp say sưa với cái này."
Phục vụ thị trường nội địa
Để giúp đỡ và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào chương trình kích cầu hàng nội địa, các chuyên gia cho rằng cần phải thay đổi nhận thức và cái nhìn của doanh nghiệp về thị trường nội địa. Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, để không xảy ra tình trạng “thua ngay trên sân nhà” trước áp lực cạnh tranh của các sản phẩm ngoại nhập hay hàng biên mậu Trung Quốc giá rẻ đổ vào. Tiến sĩ Đặng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Tế và Kinh Doanh Hà Nội có ý kiến về vấn đề này như sau:
Khi anh làm thì phải làm cho thị trường trong nước tốt đã thì anh mới cạnh tranh được với quốc tế. Chứ quan niệm là cái gì tốt anh đem ra ngoài, cái gì xấu anh bỏ lại là không đúng.
Tiến sĩ Đặng Anh Tuấn
“Cái thứ nhất là các doanh nghiệp Việt Nam làm hàng chưa chú trọng đến thương hiệu. Cái thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam sinh sau đẻ muộn nên năng lực cạnh tranh của mình cũng phải đối đầu với những doanh nghiệp có kinh nghiệp rất là lâu năm trên thị trường quốc tế. Bây giờ, doanh nghiệp Việt Nam phải từng bước làm cho thương hiệu của mình tỏa sáng trong khu vực. Khi anh làm thì phải làm cho thị trường trong nước tốt đã thì anh mới cạnh tranh được với quốc tế. Chứ quan niệm là cái gì tốt anh đem ra ngoài, cái gì xấu anh bỏ lại là không đúng. Mà anh phải làm là cái gì tốt là phải sử dụng trong nước đã. Rồi nhiều cái tốt lên, anh mới đem ra nước ngoài. Như thế thì mới bền vững. Trước đây, đánh bắt được con tôm thì con nào to đem đi xuất khẩu, con nào bé thì để lại ăn. Bây giờ phải nghĩ khác đi. Bây giờ phải nghĩ là ai mua con tôm này giá cao thì tôi bán chứ không cần phải nước ngoài hay nước trong và tôi cứ thế tôi cố gắng tiêu chuẩn hóa để mà bán hàng, chứ không có phân loại như trước, mà cũng không nghĩ là người trong nước thì cần kiệm, dùng hàng kém chất lượng.”
Hỗ trợ doanh nghiệp
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải được hỗ trợ trên nhiều phương diện để giảm bớt chi phí sản xuất. Theo tiến sĩ Hà Huy Thành, đây là một chuỗi các công việc phải làm và phải thực hiện một cách đồng bộ. Ông nói:
“Để cho kích cầu tốt, cần phải tác động vào ý thức phục vụ người dân của doanh nghiệp để họ có thể tìm mọi con đường đến được với người dân. Vì vậy, việc tác động tư tưởng rất quan trọng. Thứ hai là làm thế nào để giảm chi phí cho doanh nghiệp, có thể là thiết kế cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải… Những việc đó cần những tác động tương đối tổng hợp, trong một tổng thể.”
Tuy nhiên, một vấn đề đáng lưu tâm nữa là quá trình kích cung thường dễ tiềm ẩn một nguy cơ khác, đó là thổi phồng trái bóng đầu cơ, như chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trong chương trình Tạp chí Kinh Tế gần đây của RFA đã cảnh báo:
Thứ hai, cần mở rộng thị trường nội địa hơn là chỉ nhắm vào xuất khẩu bằng cách duy trì đồng bạc quá rẻ so với tiền Mỹ.
KTG Nguyễn Xuân Nghĩa
“Nói chung, mọi quyết định kích thích kinh tế đều có thể thổi lên bong bóng đầu cơ nếu không kích thích đúng đối tượng là hệ thống sản xuất nhằm nâng cao số cung. Trung Quốc kích cầu không đúng đối tượng nên chuyện bơm tiền chỉ là chuyện ảo và khi cạn nguồn tín dụng này thì sản xuất lại co cụm trong khi bong bóng sẽ bể. Thứ hai, cần mở rộng thị trường nội địa hơn là chỉ nhắm vào xuất khẩu bằng cách duy trì đồng bạc quá rẻ so với tiền Mỹ. Muốn như vậy thì nên nâng tỷ giá đồng bạc một cách tiệm tiến để nâng lợi tức nội địa và xì bớt sức ép của trái bóng đầu cơ.”
Riêng về khía cạnh kích thích tiêu dùng, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một vấn đề tương đối khó bởi tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, cộng thêm tâm lý thích dành dụm của người Việt. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể thực hiện được nếu người dân được tạo cơ hội để có thêm việc làm và thu nhập. Có ý kiến cho rằng người dân cần phải được tham gia trực tiếp vào việc thực hiện các dự án. Đồng thời, mọi thông tin liên quan cần phải được công khai minh bạch. Đây là một cách để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, lại giúp giảm thiểu những tiêu cực thường phát sinh trong quá trình thực hiện kích cầu.