Các công ty nước ngoài ở Việt Nam khó tuyển dụng được lao động chuyên nghiệp

Kể từ khi mở cửa thị trường, Việt Nam đã đón nhận nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư. Tuy nhiên lâu nay, những nhà đầu tư chủ yếu tận dụng lực lượng lao động lương thấp của Việt Nam; trong khi đó việc tìm kiếm lao động chuyên nghiệp địa phương đối với họ không dễ dàng gì.
Quỳnh Như, phóng viên đài RFA
2009.05.16
Tương lai của dân tộc tùy thuộc rất nhiều vào nền giáo dục Tương lai của dân tộc tùy thuộc rất nhiều vào nền giáo dục nói chung và đặc biệt là nền giáo dục đại học
AFP photo

Mời quý vị nghe Quỳnh Như tường trình.

Với một lực lượng lao động trẻ, đông đảo trong nước như hiện nay, việc tuyển dụng nhân viên có trình độ tại các công ty nước ngoài tưởng như sẽ không gặp những trở ngại lớn. Nhưng thực tế không phải như vậy.

Intel Corp., tập đoàn công nghệ thông tin điện tử hàng đầu đã triển khai dự án đầu tư trị giá một tỉ đôla để xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất các chip điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.

Nhà máy cần một đội ngũ kỹ sư giỏi, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao làm việc tại nhà máy. Năm ngoái công ty đã tổ chức một cuộc thi tuyển dụng nhân viên. Có khoảng 2.000 ứng viên là những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của 5 trường đại học hàng đầu tại Việt Nam tham gia. Các ứng viên làm một bài thi trắc nghiệm dài bằng tiếng Anh về kiến thức các môn: Vật lý, Toán, kỹ thuật điện tử. Và kết quả là họ chỉ tuyển được 40 ứng viên.

Ông Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc Intel tại Việt Nam và Đông Dương cho rằng, điều này không có gì là đáng ngạc nhiên vì các ứng viên được đào tạo có kiến thức cơ bản nhưng chưa có hiểu biết nhiều về lãnh vực chế tạo chip điện tử; và Intel phải bắt đầu từ đầu việc đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên sau khi tuyển dụng.

Phát ngôn viên của Công ty ông Nick Jacobs thì cho biết cuộc thi sát hạch không chỉ nhằm mục đích tuyển dụng mà còn là một dịp để đánh giá khả năng của những sinh viên đã tốt nghiệp.

Nhược điểm của giáo dục VN

Báo chí Việt Nam và các Websites đã đưa tin về kết quả cuộc thi tuyển dụng của Intel, thế là câu chuyện đã nhanh chóng được lan truyền. Cộng đồng các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam bàn luận về nhược điểm của hệ thống giáo dục Việt Nam là không đào tạo ra những lao động có chuyên môn. Đó chính là khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại các quốc gia Đông Nam Á.

Trong một báo cáo của tổ chức Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho thấy chưa tới 15% đội ngủ giảng viên của các trường Đại học có bằng cấp tiến sĩ trong vòng 10 năm trở lại đây.

Học sinh, sinh viên được đào tạo theo kiểu học thuộc lòng, mà không có tư duy. Thay vì được dạy để hiểu thế nào là kinh tế thị trường thì người sinh viên được bảo phải học thuộc lòng Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành từ năm 1987.

Tệ nạn gian lận, tham nhũng

Ngoài ra hệ thống các trường học cũng nhiễm tệ nạn tham nhũng trong xã hội Việt Nam, với việc quay cóp, gian lận trong thi cử, và đầy dẫy tệ nạn mua bán bằng cấp. Cho nên không ngạc nhiên chút nào khi thấy những kết quả đào tạo yếu kém. Báo chí trong nước đã trích dẫn nguồn tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chỉ có 30% sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Khá nhiều người xin việc không định vị được bản thân, thiếu ý thức nghề nghiệp. Hầu hết nhân viên được tuyển dụng vào phải qua đào tạo lại.

Ông Bùi Văn Hoà, GĐ Motorola Việt Nam

Kỹ năng làm việc của lao động Việt Nam, đặc biệt các lao động mới ra trường là nỗi lo thường trực của doanh nghiệp. Theo ý kiến của nhiều chủ doanh nghiệp, và các cán bộ phụ trách nhân sự thì nguyên nhân chính của thực trạng này nảy sinh ngay từ trong giảng đường, sinh viên chỉ được học kiến thức mà chưa được rèn luyện kỹ năng. Nhiều doanh nghiệp đã phải đào tạo lại sinh viên khi ra trường và vừa đào tạo vừa phải lo lắng vì nhân viên luôn có ý định nhảy việc, tìm công việc mới để có thêm "kinh nghiệm".

Thị trường chất xám khan hiếm

Hầu hết các công ty tư vấn tuyển dụng đều đưa ra nhận xét rằng thị trường chất xám của Việt Nam đang rất khan hiếm và mang tính cạnh tranh cao.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty N.A. Topjobs, Văn phòng đặt tại TPHCM cho biết:

“Nguồn nhân lực ở Việt Nam nói chung hiện tại còn khan hiếm lắm. Các ngành nghề như dược phẩm, truyền thông, marketing thực sự còn khan hiếm lắm; những chuyên ngành về technical, social đều còn khan hiếm. Nói chung tìm ứng viên rất khó chứ không hề đơn giản đâu; nghĩa là nguồn chất xám ở Việt Nam rất hiếm và mức cạnh tranh khá là cao. Cho nên mình phải bỏ rất nhiều thời gian để đi tìm nguồn chất xám này. Và rất nhiều head-hunter cạnh tranh. Mình săn lùng tìm kiếm cũng rất là hiếm vì các ứng cử viên đang hài lòng với công việc hiện tại thì khả năng đổi việc của họ rất thấp.”

Đồng quan điểm với bà Lan Phương, cô Lê Phương Trâm, Phụ trách Bộ phận tuyển dụng của Công ty Ungvien Service Commercial Co., Ltd nói thêm:

“Tìm các ứng viên cho phù hợp với vị trí của nhà tuyển dụng là điều không phải dễ bởi vì họ đòi hỏi rất là cao. Và các công ty tư vấn tuyển dụng luôn phải cố gắng hết sức để tìm ứng viên. Dĩ nhiên bên cạnh đó thì còn phải tìm hiểu về văn hóa của công ty tuyển dụng để thông báo cho ứng viên biết, nếu ứng viên đồng ý thì mới có thể giới thiệu được.”

Cần phải đào tạo lại

Còn các khách hàng thì có ý kiến gì?

Tìm các ứng viên cho phù hợp với vị trí của nhà tuyển dụng là điều không phải dễ bởi vì họ đòi hỏi rất là cao.

Cô Lê Phương Trâm, Cty Ungvien Service Commercial Co., Ltd

Ông Bùi Văn Hoà, Giám đốc Motorola Việt Nam, bày tỏ ý kiến: “Khá nhiều người xin việc không định vị được bản thân, thiếu ý thức nghề nghiệp. Hầu hết nhân viên được tuyển dụng vào phải qua đào tạo lại”.

Còn ông Hoàng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Hoàng thì cho biết Công ty có nhu cầu tuyển dụng khá nhiều vị trí cao cấp và sẵn sàng trả chi phí cho người giới thiệu nhưng thị trường này thực sự khan hiếm.

Ông Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc Intel tại Việt Nam và Đông Dương nhận định rằng, nguồn lao động trẻ có trình độ tại Việt Nam rất có tiềm năng. Tuy nhiên khi tuyển dụng vào doanh nghiệp cần phải bỏ thời gian đào tạo lại mới có thể tin tưởng giao việc được. Ông Phúc cũng cho biết thêm là Intel đã liên kết với các trường Đại học lớn như Đại học Bách khoa TPHCM để đặt hàng và liên kết đào tạo. Có như vậy, nguồn lao động trẻ của Việt Nam mới được trui rèn và thích ứng được với môi trường làm việc quốc tế một cách nhanh chóng.

Việt Nam đã bắt đầu gia nhập vào nền kinh tế thế giới và đã có những bước phát triển nhất định. Nhưng để đáp ứng phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế hội nhập thì chúng ta phải có sự đầu tư đúng mức vào nguồn nhân lực, đây là một trong những yếu tố quyết định đến nền kinh tế xã hội của đất nước trong tương lai.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.