Nội dung Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ

Cuộc đối thoại thường niên về Nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã diễn ra hôm cuối tháng Năm vừa qua tại Hà Nội. Kết quả ra sao? Nhận xét của Washington về cuộc gặp năm nay như thế nào?

0:00 / 0:00

Thứ trưởng đặc trách về dân chủ, nhân quyền, và lao động của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ông David Kramer, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến Việt Nam tham gia đối thoại, đã dành cho đài Á Châu Tự Do buổi trao đổi đặc biệt sau khi ông hoàn tất chuyến đi.

Tiếp chuyện với phóng viên RFA hôm 4-6, ông David Kramer cho biết: “Trong ba năm liên tiếp gần đây, Hoa kỳ có các cuộc đối thoại nhân quyền thường niên với Việt Nam, vốn bị đình hoãn từ năm 2002 và tới năm 2006 thì đôi bên quyết định tái tục hoạt động này. Điều này cho thấy tín hiệu của sự cải thiện và phát triển bang giao song phương giữa Hà Nội và Washington.

Cuộc gặp năm nay với Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Văn Hưởng diễn ra nguyên cả ngày 29/5/2008, bàn về nhiều vấn đề kể cả những vấn đề nhạy cảm. Tôi hoan nghênh phía Việt Nam đã tiến hành cuộc đối thoại này trong tinh thần xây dựng và thẳng thắn, không có vấn đề nào gọi là “quá giới hạn cho phép thảo luận.”

Có những lĩnh vực đôi bên hứa hẹn sẽ thực hiện và chúng tôi đang chờ đợi những điều cam kết sẽ đựơc tiến hành trong vài tháng tới.”

Các vấn đề Hoa Kỳ quan tâm

RFA: Ông có thể cho biết những mối quan tâm chính mà phía Hoa Kỳ nêu lên trong kỳ gặp gỡ năm nay và phản hồi của phía Việt Nam ra sao?

Thứ trưởng David Kramer: Những vấn đề nêu lên trong nghị trình làm việc bao gồm tự do tôn giáo, tự do báo chí, tù nhân lương tâm, luật pháp, và các lĩnh vực hợp tác quốc tế. Phía Việt Nam thì đề cập đến vấn đề chất độc màu da cam.

David-Kramer-250.jpg
Ông David Kramer, Đặc sứ nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. AFP PHOTO. (AFP PHOTO.)

Liên quan đến tự do báo chí thì chúng tôi cũng đề nghị Việt Nam cho phép phóng viên hoạt động tại TPHCM và nhận đựơc tín hiệu rằng điều này có thể xảy ra. Chúng tôi cho rằng đây là một bước tiến tích cực của phía Việt Nam.

Chúng tôi cũng có đề cập đến trường hợp của hai nhà báo mới bị bắt giam vì các bài viết phanh khui vụ scandal tham nhũng vì chúng tôi cho rằng trường hợp của hai phóng viên này có thể sẽ gây nên ảnh hưởng không tốt cho giới báo chí tại Việt Nam vốn chỉ được tường trình trong khuôn khổ nhà nước cho phép.

RFA: Trước khi phái đoàn Bộ ngoại giao Hoa Kỳ khởi hành chuyến đi đối thoại nhân quyền với Việt Nam, một số tổ chức tranh đấu dân chủ của người Việt hải ngoại đã tiếp xúc với đại diện Bộ Ngoại giao để trình bày thông tin cũng như đưa ra những đề nghị. Những mối quan tâm ấy có được đặt lên bàn thương thuyết với Hà Nội không, thưa ông?

Chúng tôi cũng có đề cập đến trường hợp của hai nhà báo mới bị bắt giam vì các bài viết phanh khui vụ scandal tham nhũng vì chúng tôi cho rằng trường hợp của hai phóng viên này có thể sẽ gây nên ảnh hưởng không tốt cho giới báo chí tại Việt Nam <br/>

Thứ trưởng David Kramer<br/>

Thứ trưởng David Kramer: Đây là một điều thông thường. Chúng tôi cũng gặp gỡ với các phái đoàn đấu tranh dân chủ cho Trung Quốc trước khi chúng tôi đến Bắc Kinh đối thoại nhân quyền. Và chúng tôi cũng làm điều tương tự trước khi đi Việt Nam và tôi nghĩ rằng thật hữu ích khi các điều quan ngại ấy được nêu lên.

Phản hồi của Việt Nam

RFA: Phản hồi của phía Việt Nam năm nay có gì khác hơn so với những năm trước hay không, có đáp ứng sự kỳ vọng của phía Mỹ, hay có gì bất ngờ ngạc nhiên hay chăng, thưa ông?

Thứ trưởng David Kramer: Tôi không tham dự các buổi đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ các năm trước đây nên tôi khó mà so sánh được. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng chính phủ Việt Nam tỏ ra rất cộng tác trong các vấn đề đưa ra thảo luận. Và họ cũng cam kết sẽ nghiêm túc xem xét danh sách các tù nhân lương tâm mà chúng tôi đưa ra. Theo tôi, đó là những bước rất đáng khích lệ.

Thủ tướng Việt Nam dự định thăm Hoa Kỳ trong thời gian tới, và chúng tôi khuyến khích Hà Nội nên có những tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền trước chuyến đi này. Đây không phải là điều kiện của chuyến đi, mà dĩ nhiên nó sẽ tạo điều kiện cho một chuyến công du tốt đẹp hơn.

RFA: Về mặt cải thiện luật pháp, Hà Nội có ý mời chuyên gia hay cố vấn từ Hoa Kỳ hỗ trợ trong công tác này hay không?

Thứ trưởng David Kramer: Tôi cho rằng điều cả đôi bên đang hướng tới có lẽ là trao đổi quan điểm ở cấp chuyên gia, qua đó, Hoa Kỳ có thể tư vấn, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho phía Việt Nam. Thế nhưng chúng ta cũng cần phải lưu ý đến các điều kiện đặc biệt của Việt Nam.

Cho nên đây không phải là điều mà chúng tôi kỳ vọng áp đặt lên Hà Nội mà chỉ có thể trao đổi kinh nghiệm và tư vấn hữu ích cho họ mà thôi.

RFA: Ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế đang kêu gọi mạnh mẽ việc đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo. Ý kiến của ông như thế nào?

Thứ trưởng David Kramer: Đại sứ Hoa Kỳ đặc trách về tôn giáo, John Hansford, không cùng tham dự cuộc đối thoại nhân quyền tại Việt Nam với tôi, nhưng chúng tôi đã thảo luận với nhau về chuyến đi này và ông có gửi đại diện của văn phòng ông đi Việt Nam với tôi trong cuộc đối thoại này.

Dai-nhan-05112007-250.jpg
Hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân bị tuyên án tù về tội "tuyên truyền chống nhà nước", tại phiên toà ở Hà Nội hôm 11-5-2007. AFP PHOTO (AFP PHOTO.)

Theo tôi, về mặt tự do tôn giáo, trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện vài tiến bộ. Nói như vậy không có nghĩa là tình trạng tự do tôn giáo của Việt Nam đã hoàn thiện, nhưng với những tiến bộ đó, tôi nghĩ rằng Việt Nam xứng đáng được bỏ tên ra khỏi danh sách này.

Tôi cho rằng văn phòng của đại sứ Hansford đã quyết định đúng. Chúng ta cần phải công nhận những tiến bộ đã đạt được.

Đại diện Hoa Kỳ xin lỗi Việt Nam?

RFA: Báo Công an Nhân dân ở Việt Nam đăng tải rằng trong buổi đối thoại này, phái đoàn Hoa Kỳ đã xin lỗi Việt Nam vì một số thông tin không chính xác. Thực hư việc này ra sao, thưa ông?

Trong buổi gặp gỡ chúng tôi có nói rằng nếu chúng tôi có nhầm lẫn trong vấn đề cụ thể này thì chúng tôi xin lỗi, nhưng hoá ra chúng tôi đã đúng. Chúng tôi đang chờ hồi âm của phía Hà Nội về việc này ra sao.

Thứ trưởng David Kramer<br/>

Thứ trưởng David Kramer: Việc này liên quan đến nội dung thảo luận về thời điểm nào trong thời hạn thụ án thì tù nhân tại Việt Nam có thể được hưởng ân xá. Theo thông tin chúng tôi ghi nhận được thì một người tù có thể được hưởng đặc xá sau khi đã thi hành 1/3 bản án.

Tại buổi họp chúng tôi được họ cho biết là phải sau 2/3 thời gian thụ án mới được ân xá. Sau đó, chúng tôi có nghiên cứu lại thông tin dựa trên quyết định đặc xá của chủ tịch nước và dựa trên luật pháp của Việt Nam, thì quả đúng là sau 1/3 thời gian chấp hành án thì tù nhân có thể được ân xá.

Như vậy, thông tin chúng tôi đưa ra ngay từ đầu là đúng, nhưng chúng tôi đã tôn trọng phản biện của Hà Nội khi họ khẳng định là phải 2/3 thời gian thụ án.

Sau cuộc đối thoại, chúng tôi đã gửi văn bản khẳng định rằng những thông tin chúng tôi ghi nhận qua các tài liệu của nhà nước Việt Nam cho thấy thời điểm có thể được đặc xá là sau 1/3 thời hạn thụ án.

Tóm lại, cho dù trong buổi gặp gỡ chúng tôi có nói rằng nếu chúng tôi có nhầm lẫn trong vấn đề cụ thể này thì chúng tôi xin lỗi, nhưng hoá ra chúng tôi đã đúng. Chúng tôi đang chờ hồi âm của phía Hà Nội về việc này ra sao.

RFA: Xin chân thành cảm ơn ông David Kramer, Thứ trưởng Trưởng đặc trách về dân chủ, nhân quyền, và lao động Hoa Kỳ đã dành cho đài Á Châu Tự Do buổi nói chuyện đặc biệt này.