Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói về vấn đề Biển Đông

Hội thảo về tranh chấp chủ quyền Biển Đông do đại học Temple ở Philadelphia (Hoa Kỳ) tổ chức vào ngày 25/3 với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ VN và Hoa kỳ cũng như từ châu Âu.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2010.03.29
NV-Long-305.jpg Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại buổi hội thảo về tranh chấp chủ quyền Biển Đông tại Philadelphia hôm 25/3/2010
Photo by Đỗ Hiếu/RFA

Trước khi hội nghị khai mạc, Đỗ Hiếu có cuộc trao đổi với GS Ngô Vĩnh Long, giảng dạy tại đại học Maine, đồng thời là một trong những diễn giả tại hội thảo.

Phân tích vấn đề

Đỗ Hiếu: Trước hết xin GS Ngô Vĩnh Long cho Đài RFA chúng tôi được biết về trọng tâm chính của cuộc hội thảo về tranh chấp chủ quyền Biển Đông do Viện Đại Học Temple ở Philadelphia tổ chức nhằm mục đích gì, thưa ông ?

GS Ngô Vĩnh Long: Thưa anh, trước hết vấn đề là nhằm mục đích trao đổi thông tin và những phân tích về vấn đề Biển Đông, đây là cuộc hội thảo thứ nhì. Cuộc hội thảo thứ nhất được chúng tôi tổ chức tại Yale University với sự cộng tác của Trung Tâm Nghiên Cứu về Đông Nam Á vào ngày 20 tháng 11 năm ngoái.

Chính phủ Việt Nam và các chính phủ khác trong khu vực chỉ đưa ra những khẩu hiệu nhưng mà không chỉ rõ vào những vấn đề và giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông như thế nào.
GS Ngô Vĩnh Long

Lý do chúng tôi làm như thế này là chúng tôi thấy rằng hiện nay có rất ít trao đổi về vấn đề Biển Đông. Chính phủ Việt Nam và các chính phủ khác trong khu vực chỉ đưa ra những khẩu hiệu nhưng mà không chỉ rõ vào những vấn đề và giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông như thế nào. 

Đỗ Hiếu: Đối với những tranh chấp tại vùng biển mênh mông và chiến lược này giữa nhiều quốc gia trong khu vực, mà đối thủ lớn nhất là Trung Quốc, thì theo ông, vấn đề này có thể được giải quyết một cách thỏa đáng hay không, nhìn về phương diện công pháp quốc tế cũng như là bằng đường lối ngoại giao? 

GS Ngô Vĩnh Long: Thưa anh, năm 1998 chúng tôi có một cuộc hội thảo khá lớn ở tại Nữu Ước về vấn đề Biển Đông và giải quyết vấn đề như thế nào. Sau đó tập hợp lại thì chúng tôi bỏ ra 2 năm để xuất bản cuốn sách này ở Việt Nam, nhưng khi cuốn sách này xuất bản rồi thì chính phủ Việt Nam không cho lưu hành, chỉ lưu hành nội bộ thôi.

Chúng tôi đã chờ bao nhiêu năm rồi, nhưng tôi thấy ở trong nước Việt Nam cũng không có những đề nghị gì để giải quyết, mà vấn đề thì càng ngày càng khó khăn. Bây giờ chúng tôi nghĩ rằng nếu mà để cho các nước, kể cả chính phủ Việt Nam, cứ đi theo đường lối cũ thì tôi nghĩ là không đẩy được vấn đề.

NgoVinh-Long-250.jpg
Giáo sư Ngô Vĩnh Long. Photo by Đỗ Hiếu/RFA
Giáo sư Ngô Vĩnh Long. Photo by Đỗ Hiếu/RFA
Chính phủ Việt Nam muốn giải quyết vấn đề Biển Đông với các chính phủ khác thì chính phủ Việt Nam phải làm sao có một sự đồng thuận với các nước Đông Nam Á khác, bởi vì nếu mà không thì đương đầu với Trung Quốc chỉ riêng với Việt Nam thì Việt Nam bao giờ cũng thua, mà càng chờ thì càng thua.

Mà để giải quyết vấn đề thì Việt Nam không những phải có những liên hệ với các nước Đông Nam Á, mà còn với cả Mỹ, cả Nhật, kể cả với Hàn Quốc và các nước khác trong khu vực như là Úc. Thành thử vấn đề là nếu mà Việt Nam không tạo được những liên kết như thế này thì khó mà giải quyết vấn đề Biển Đông.

Giải quyết ra sao?

Đỗ Hiếu: Thưa giáo sư, dưới cái nhìn của một nhà nghiên cứu, một giáo sư chuyên trách về Trung Quốc, cũng như là các quan hệ giữa Hoa Kỳ với các quốc gia Châu Á, thì theo ông, chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông ra sao với các nước Châu Á và với chính phủ Washington?

Vấn đề Biển Đông có quan hệ đến an ninh của toàn khu vực, mà cũng có thể là toàn thế giới nữa, cho nên, nếu Việt Nam kéo được các nước Đông Nam Á ủng hộ Việt Nam thì Mỹ mới có thể ủng hộ Việt Nam

GS Ngô Vĩnh Long

GS Ngô Vĩnh Long: Trước hết thì Washington cần được tự do lưu thông hàng hải trong vùng biển này, Việt Nam thì chủ yếu là tranh chấp với Trung Quốc, còn các nước khác thì tranh chấp rất là ít, thì Việt Nam có thể nhượng bộ, thương thuyết với các nước khác trong khu vực để cho họ có thể ủng hộ Việt Nam.

Và vấn đề Biển Đông này cũng không chỉ riêng về Biển Đông, mà nó có quan hệ đến an ninh của toàn khu vực, mà cũng có thể là toàn thế giới nữa, cho nên, nếu Việt Nam có thể kéo được các nước Đông Nam Á ủng hộ Việt Nam thì lúc đó Mỹ mới có thể ủng hộ Việt Nam, là bởi vì vấn đề lịch sử, Mỹ không thể nào ủng hộ Việt Nam như là một nước riêng rẽ mà ủng hộ cả cái khối ASEAN thì lúc đó Việt Nam mới được lợi, còn nếu không thì không tạo được sự giúp đỡ của Mỹ. 

Đỗ Hiếu: Đài Á Châu Tự Do chúng tôi xin cảm ơn GS Ngô Vĩnh Long đã dành cho Ban Việt Ngữ chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay. 

GS Ngô Vĩnh Long: Xin cảm ơn anh.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.