Sôi động thị trường Tết

Theo Bộ Công thương, năm nay thị trường hàng hóa phục vụ Tết Canh Dần sôi động hơn so với năm rồi. Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cùng với lương thực, thực phẩm đều tăng từ 20% đến 30%.

0:00 / 0:00

Hàng hóa dồi dào

Các bộ ngành chuyên môn cũng cho thành lập những đoàn kiểm tra để bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, bình ổn giá, xử lý hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, kinh doanh trái phép.
Báo chí cho hay là trong tháng giêng sức mua hàng hóa của cả nước đã tăng hơn 23%, riêng thành phố Hồ Chí Minh tăng trên 34%.

Mặt khác, để chủ động nguồn hàng Tết, nhiều tỉnh thành đã thực hiện việc hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp tham gia vào việc sản xuất, chế biến, dự trữ hàng thiết yếu phục vụ Tết Canh Dần.

Năm nay tình hình kinh tế Việt Nam không u ám như năm trước và tâm lý của người Việt là khá lạc quan. Họ có chuẩn bị một cái Tết khá hơn năm rồi, đó là cái không khí chung.

TS. Võ Hùng Dũng<br/>


Lượng gạo dự trữ cho mùa Tết lên tới gần một triệu rưỡi tấn. Các mặt hàng hóa khác như thịt gia súc, gia cầm, rau quả, trứng cũng tăng trung bình từ 5% đến 12 %, so với Tết năm rồi.
Qua câu chuyện với RFA, tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Cần Thơ phân tích về thị trường hàng hóa phục vụ cho nhu cầu Tết năm nay:

“Năm nay khá hơn năm vừa rồi vì Việt Nam vượt qua được một cuộc suy thoái đầy khó khăn. Năm 2008 khi bước vào năm 2009 đã dự báo khó khăn nên mọi người đã có cái Tết không mấy vui vẻ. Năm nay nhìn được tình hình kinh tế Việt Nam, bối cảnh kinh tế thế giới cũng thay đổi, không u ám như năm trước và tâm lý của người Việt là khá lạc quan. Họ có chuẩn bị một cái Tết khá hơn năm rồi, đó là cái không khí chung.”

tet-22
Hoa đào Hà Nội. AFP Photo/ Hoang Dinh Nam (AFP Photo/ Hoang Dinh Nam)

Báo Tiền Phong có đăng bức hình ghi lại cảnh nhộn nhịp, chen chúc với ghi chú cho thấy cảnh mua sắm tấp nập tại một siêu thị ở Hà Nội. Tại Saigon, sinh hoạt chuẩn bị Tết cũng nhộn nhịp không kém qua lời kể của chị Duyên, một tiểu thương trong chợ Bến Thành, nói về các sinh hoạt của thị trường mấy hôm nay:

“Bình ổn giá là đối với mặt hàng cố định như gạo, thóc, mắm, muối. Còn rau, củ, quả thì bắt buộc tới ngày Tết là phải tăng. Đó là quy luật tự nhiên vì ai cũng phải sắm sửa cho Tết. Mình mua ở mấy cơ sở của nhà nước thì đạt mức chuẩn, còn hàng trôi nổi thì không đạt, người ta không thấy nhãn hiệu thì không dám dùng.

Hàng giả nhiều và mất vệ sinh quá. Trong cơ sở nhà nước có vệ sinh an toàn thực phẩm người ta vẫn mua, vẫn chấp nhận dù giá có đắt hơn. Trời ơi, tối hay thứ 7 vào siêu thị thì đông ơi là đông, chờ tính tiền mệt luôn. Bây giờ ngoài chợ bán đắt, người ta mua nhiều lắm.”

Thị trường bán lẻ

Trong khi đó, từ vùng Trà Bồng, Quảng Ngãi, mục sư Đinh Thanh Trường nói mọi sinh hoạt đón Xuân vẫn còn trầm lắng nơi vùng xa xôi, hẻo lánh:
"Nói về hàng ngày thì tôi cũng là một dân trên vùng núi, dân tộc thiểu số, nói về rau quả thì kém chất lượng, ở tại huyện Trà Bồng này, không có kiểm tra gì hết, đối với súc vật thì cũng vậy. Năm nay thì có cơn bão số 9, ở vùng Quảng Ngãi bị thiệt hại rất nhiều, về hoa mầu như lúa, thì bà con chưa được đem về, đói từ 2, 3 tháng nay rồi.

Có người thì được đem về một ít, có người không được đem về luôn. Về xã hội thì ở đây cũng chưa thấy gì hết, vùng Quảng Ngãi chưa thấy gì hết. Có về thành phố hôm thứ bảy thì thấy cũng giống như ngày thường. Ở ngay đầu cầu Trà Khúc, họ bán mấy cây cảnh, mới đào lên mấy cây thôi, chỗ khác vẫn bình thường.”

Cũng tin liên quan đến thị trường, Saigon Giải Phóng nói, sau một năm mở cửa và trước tác động của cuộc khủng hoảng, suy thoái toàn cầu, thị trường bán lẻ háng hóa trong nước vẫn đạt được một số thành quả khả quan. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Cần Thơ giải thích thêm về sự tăng trưởng này:

“Đáng lẽ không có suy giảm lắm trong năm vừa rồi, đặc biệt là khu vực nông nghiệp không bị suy thoái, năm vừa rồi nông nghiệp, trước đây có thủy sản nữa, với lúa gạo đều tốt, cho nên người nông dân có thu nhập tốt hơn, họ mua sắm nhiều, nhờ vậy những người bán lẻ, cung cấp hàng tiêu dùng cho người dân cũng phát triển thuận lợi. Trong những năm tới thị trường bán lẻ sẽ đi nhanh hơn nhờ sự phát triển của kinh tế.

tet-33
Hoa giả bán chạy trong dịp Tết. AFP Photo/ Hoang Dinh Nam (AFP Photo/ Hoang Dinh Nam)

Theo số liệu thống kê thì thị trường bán lẻ đều đi trước cả, ngay cả trong lúc suy thoái thì bán lẻ cũng không đến độ sụp đổ, nó có dấu hiệu tăng trưởng khá tốt, còn năm nay thì có thuận lợi hơn, giúp cho hoạt động kinh tế nhộn nhịp. Năm nay và năm tới hàng bán lẻ sẽ phát triển nhiều.”

Theo các chuyên gia thì thị trường bán lẻ tại Việt Nam còn nhiều cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước khai thác. Hiện nay các tập đoàn bán lẻ đang tìm mọi cách để vào Việt Nam kinh doanh, tốc độ tăng trưởng đạt hơn 40% mỗi năm, mà các hệ thống siêu thị Big C, Metro, Parkson thu được, cho thấy thị trường bán lẻ đa dạng có nhiều hứa hẹn và triển vọng.