Công khai hoá lực lượng tác chiến không gian mạng: Mục đích và nhiệm vụ chính?

RFA.
2018.01.17
Facebook Một cư dân mạng đang xem trang Facebook có nội dung 'Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam'. Ảnh chụp ngày 10/6/2011 tại Hà Nội.
AFP

Từ những ngày cuối của năm 2017 cho đến hai tuần lễ đầu tiên của tháng Giêng năm 2018, chính phủ Việt Nam công khai thừa nhận những đơn vị chuyên đối phó với không gian mạng. Đó là Cục An ninh Mạng thuộc Bộ Công an, Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng hay Lực Lượng 47 thuộc Bộ Quốc phòng thành lập.

Hiện thực hoá, công khai hoá

Trả lời RFA từ Sài Gòn, bác sĩ, Trung tá Quân đội đã từ bỏ Đảng, Đinh Đức Long cho rằng điều này thể hiện sự quan tâm và cần phải kiểm soát những cái gì họ cho rằng có nguy cơ đối với an ninh và chế độ.

“Thể hiện sự quan tâm của chính quyền thấy rằng không gian mạng hiện nay là 1 mặt trận mới xưa nay chưa từng có, và nhà nước phải đối phó, không những với lực lượng dân chủ, phản biện, xã hội dân sự trong nước mà còn đối quốc tế nữa.”

Nêu nhận xét về những diễn biến này, ông Đinh Đức Long cho rằng đó chỉ là 1 cách “hiện thực hoá và công khai hoá” hoạt động của các lực lượng tác chiến an ninh mạng vốn có từ lâu.

Thể hiện sự quan tâm của chính quyền thấy rằng không gian mạng hiện nay là 1 mặt trận mới xưa nay chưa từng có, và nhà nước phải đối phó, không những với lực lượng dân chủ, phản biện, xã hội dân sự trong nước mà còn đối quốc tế nữa. - Trương Duy Nhất

Từ Đà Nẵng, blogger Trương Duy Nhất cũng cho biết các lực lượng an ninh mạng vốn đã được hình thành từ lâu, nhưng không công khai rộng rãi.

“Trước đây trong khối Tuyên giáo thì người ta đã hình thành một lực lượng dư luận viên đông đảo rồi, thậm chí có hàng vạn dư luận viên, hàng vạn tuyên tuyền viên như thế trong toàn quốc. Đa phần những lực lượng đó không công khai.”

Thêm vào đó, blogger Trương Duy Nhất cho rằng đây là những động thái rất tổng lực, huy động cả lực lượng trong hệ thống chính trị Việt Nam vào cuộc.

“Trước Bộ Công an thành lập cục chiến mạng thì Bộ Quốc phòng thành lập Bộ tư lệnh, 1 binh chủng đàng hoàng. Cái đó cho thấy 1 cuộc huy động bắt đầu tổng lực. chính quyền đang lo lắng có sự bất an nào đó trong không gian mạng và huy động tổng lực không chỉ trên mặt trận tư tưởng trước đây mà kể cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng vào cuộc để tấn công.”

Vai trò của các lực lượng này

Cho đến ngày 25/12/2017, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thượng tướng phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân đội Việt Nam cho biết về đơn vị có tên Lực Lượng 47 gồm 10 ngàn người, “vừa hồng, vừa chuyên”, là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng.

Tên gọi Lực Lượng 47 được đặt theo chỉ thị 47 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, trong đó có quy định về việc giám sát, quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet trong quân đội, quản lý báo chí, xuất bản.

Đối với nhà hoạt động dân sự Nguyễn Chí Tuyến, quân đội, theo thông lệ là lực lượng bảo vệ đất nước, chủ quyền, người dân và quốc gia. Do đó, nếu nhiệm vụ của họ là bảo vệ Tổ quốc, sử dụng khí tài 1 cách thành thạo thì dưới góc độ là người dân Việt Nam, ông nghĩ đó là một nhiệm vụ rất tốt. Thế nhưng, điều làm cho nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến ngạc nhiên chính từ lời phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa.

“Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên, theo lời ông Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, lực lượng 47 là lực lượng đấu tranh chống lại những quan điểm người ta gọi là sai trái trên mạng xã hội, với người dân Việt Nam là mạng Facebook, những bàn luận đi ngược lại với quan điểm của Đảng Cộng sản. Với tư cách là 1 người dân tôi tự hỏi tại sao lực lượng quân đội lại làm 1 việc như vậy? Vì đó không phải là nhiệm vụ của 1 người lính.”

Vào chiều ngày 15/1 vừa qua, tại buổi họp báo tình hình, kết quả công tác năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của Bộ Công an, ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Cục An ninh mạng A68, được thành lập với mục tiêu bảo vệ an ninh mạng và đấu tranh chống lại các thế lực chống Đảng và Nhà nước.

Với tư cách là 1 người dân tôi tự hỏi tại sao lực lượng quân đội lại làm 1 việc như vậy? Vì đó không phải là nhiệm vụ của 1 người lính. - Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến

Blogger Trương Duy Nhất cũng không phủ nhận sự quan trọng của việc thành lập Cục An ninh mạng đối với 1 chính phủ trong thế giới mạng hiện nay. Nhưng quan trọng hơn nữa, ông cho rằng đó là mục tiêu chính đáng của lực lượng này.

“Cục An ninh mạng được hình thành với mục tiêu nhắm đến là gì? Bảo vệ bí mật quốc gia, kinh tế, quân sự chứ khong phải để chủ yếu tấn công những cá nhân có ý kiến trái chiều, như chúng tôi góp ý với chính phủ.”

Nhấn mạnh vai trò của Bộ Công an?

Thật ra, Cục An ninh mạng A68 đã được quyết định thành lập từ ngày 29/8/2014, do Chủ tịch nước Trần Đại Quang, khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì lễ công bố, nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh và an toàn mạng trong thời kỳ mới.

Bốn năm sau tại buổi Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 diễn ra vào hôm 15/1, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng đã tái khẳng định nhiệm vụ của Bộ Công an là làm sao để đảm bảo Đảng lãnh đạo lực lượng công an một cách trực tiếp và tuyệt đối.

Vai trò chính của cái được gọi là tác chiến không gian mạng không phải là chống khủng bố hay chống những gì từ ngoài xâm nhập vào, mà là chống ngay từ bên trong, chống ngay cái mà thế giới gọi là Nhân quyền. Điều này phản với đạo lý của dân tộc. - Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Thêm vào đó, là khẳng đinh của Thứ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ của Cục A 68 như chúng tôi đã đề cập, là thành lập với mục tiêu bảo vệ an ninh mạng và đấu tranh chống lại các thế lực chống Đảng và Nhà nước.

Bác sĩ quân đội Đinh Đức Long bày tỏ sự đồng tình về ý kiến cho rằng Bộ Công an đang ngày càng chiếm nhiều vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam. Ông nêu cụ thể phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng còn Đảng là còn mình.

“Hiện nay thì về mặt chính thức thì Việt Nam không có giặc ngoại xâm, chiến tranh lớn thì không có. Cái mà người ta lo nhất là đối đầu với người dân, người dân mất đất, người dân oan…của chế độ ngày càng nhiều. Họ phải chống với rất nhiều lực lượng, ngoài nhân dân ra, còn ngay trong nội bộ chính quyền cho nên họ tăng cường kiểm soát công an là chuyện bình thường.”

Một ý kiến khác từ nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến ông cho rằng lực lượng công an là công cụ của nhà cai trị

“Trong cuộc sống vô vàn những thông tin liên quan đến công an, vì lực lượng đó đại diện cho cơ quan công quyền, cầm nắm quyền lực, đối mặt với người dân hàng ngày hàng phút hàng giờ.”

Ông Nguyễn Chí Tuyến khẳng định những cơ quan nào thành lập vì lợi ích quốc gia thì ông ủng hộ. Còn nếu những lực lượng được thành lập để đàn áp, bịt miệng dân thì không chỉ ông, mà tất cả nhân dân đều phản đối.

Lời khẳng định này tương đồng với ý kiến của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng từng chia sẻ với RFA. Ông đặt câu hỏi rằng liệu vai trò chính của cái được gọi là tác chiến không gian mạng không phải là chống khủng bố hay chống những gì từ ngoài xâm nhập vào, mà là chống ngay từ bên trong, chống ngay cái mà thế giới gọi là Nhân quyền. Và ông khẳng định “điều này phản với đạo lý của dân tộc.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.