Nhật ký Bắc Kinh, kỳ 15: Cấm Thành

Tôi đang đứng ở Cấm Thành và bỗng dưng nhớ về cả Sài Gòn lẫn Hà Nội. Tôi nhớ đến Sài Gòn vì ở đó tôi có một ông Thầy cũ. Tôi nhớ về Hà Nội vì ở đó có một ông nhà văn... Bây giờ đứng đây giữa Cấm Thành của Trung Quốc tôi mới hiểu hết là ở quê hương tôi cũng có… Cấm Thành.

1.-

Bắc Kinh có quá nhiều địa điểm để đi thăm và nên đi thăm. Có người bảo đã đến đây không trèo lên Vạn Lý Trường Thành khi về chết… khó nhắm mắt.

Cũng có người nói phải chụp bằng được tấm hình đứng ở Thiên An Môn để còn khoe với bạn bè đã đặt chân đến một địa điểm ghi đậm chứng tích lịch sử cận đại.

Cũng có người nhận xét Trung Quốc bây giờ đã đổi mới, phải đến khu Phố Tây - nơi được ví như Time Square của Hoa Kỳ - để chứng kiến hình ảnh một Hoa Lục đang chuyển mình.

Ai nói cũng đúng, đúng nhất vẫn là lời cô bạn vàng Filomena của Ðài Truyền Hình Italia: "Có ở Bắc Kinh cả tháng vẫn chưa thể đi hết những chỗ cần đi". (nguyên văn câu này được mở đầu bằng ba chữ "hai đứa mình…"; nhưng thấy không quan trọng, nên không viết ra đây).

“Ði đâu thì đi, ghé nơi nào thì ghé, không thể quên ghé Cấm Thành”, anh bạn nhà báo đóng đô ngay tại Trung Quốc dặn tôi như vậy.

Anh bạn nói tiếng Hoa thạo chẳng kém gì tiếng mẹ đẻ kể cho tôi nghe cứ năm bảy phim được quay và chiếu tại Hoa Lục “ít nhất ba bốn phim có cảnh Cấm Thành”.

Biết tôi là người thuộc diện không mê chuyện chưởng chẳng thích phim Tàu, anh thao thao bất tuyệt về lịch sử Cấm Thành, đồng thời tỏ ý tiếc tôi “đã bỏ lỡ một cơ hội học hỏi quá lớn” vì nói đến văn minh thế giới mà chẳng biết tí gì về xứ sở của ông Khổng Tử là… vứt đi, là… chưa trưởng thành!!!

Thấy dẫn giải lẫn chê bai vẫn chưa đủ làm tôi nao núng, hai ngày sau anh dí vào tay tôi cái CD thu lại cuốn phim “Vị Hoàng Ðế Cuối Cùng” (The Last Emperor) kèm theo lời khuyên “bố ạ, tối nay bố bỏ ra chừng 3 tiếng đồng hồ xem cuốn phim này cho con nhờ”. Lý do: phải xem để biết chút ít về lịch sử Trung Quốc, biết ông Phổ Nghi là ông nào và “phải biết Cấm Thành để về Mỹ còn có chuyện tán phét với mọi người”.

Những đề nghị đó đã khiến tôi phải nghĩ đến Cấm Thành, thấy có bổn phận phải tìm hiểu về Cấm Thành.

2.-

Tôi đang có mặt ở Cấm Thành. Trước mặt tôi con đường dẫn vào Vận Ðộng Trường Tổ Chim với tấm bảng lớn viết bằng tiếng Hoa và tiếng Anh ghi rõ tất cả những gì người dân lẫn khách du lịch phương xa đến Bắc Kinh dự khán Thế Vận Hội 2008 phải tuân thủ.

CamThanhb-wikimapia-305.jpg
Tử Cấm Thành của Trung Quốc. Photo courtesy of wikimapia (Photo courtesy of wikimapia)

Tấm bảng viết "Những hành động sau đây được xem là không phù hợp và sẽ bị cấm đoán ở tất cả các sân vận động" kèm theo hướng dẫn từ "không được mang biểu hiệu quảng cáo cho bất cứ điều gì, những người đi chung một nhóm không được mặc đồng phục, không được mặc quần áo có mầu sắc mang ý nghĩa quảng cáo cho bất cứ điều gì", không được có "những hành động cổ vũ cho tôn giáo, chính trị" và ngay cả "những hành động mang ý nghĩa cổ vũ cho các chương trình bảo vệ môi sinh và bảo vệ súc vật" cũng không được phép thực hiện.

Sợ chưa đủ để mọi người hiểu các điều không được làm, tấm bảng ghi thêm "không được chụp hình, không được tham gia các hoạt động trái phép, phải tuân theo chỉ dẫn của nhân viên trách nhiệm""không được có những hành động gây phiền hà cho người khác".

Ðây không phải là tấm bảng duy nhất. Tổng cộng có 27 địa điểm tranh tài ở Bắc Kinh, chưa kể 4 sân vận động địa phương dành cho môn bóng đá và cuộc thi cưỡi ngựa biểu diễn được tổ chức ở Hồng Kông. Nơi nào cũng có những tấm bảng tương tự.

Ngay trên các đường phố có đông người qua lại cũng có những tấm bảng dặn dò như thế, hàm chứa ý đây là xứ tự do "tất cả mọi người đều được quyền làm những gì muốn làm" miễn hành động đó nằm trong khuôn khổ "những điều nhà nước cho phép làm".

3.-

Tôi đang có mặt tại Cấm Thành. Trước mặt tôi là một trong 3 chỗ được nhà nước Trung Quốc chọn làm nơi dành riêng cho "người dân biểu tình bày tỏ quan điểm" với điều kiện "phải xin phép và được chấp thuận".

Ðịa điểm thể hiện tinh thần dân chủ này vắng bóng người, ngoại trừ nhân viên bảo vệ canh gác 24/24 "để giữ an ninh, trật tự cho những người biểu tình" theo như lời ông phát ngôn viên Khổng Quan của nhà nước Trung Quốc nói với báo chí.

Cũng phải nói thêm về ông này: nhìn thông minh, trông sáng sủa, lịch thiệp lắm, có vẻ là một ông thày giáo nhiều hơn một ông đang làm công tác chính phủ.

Ông thông minh đến độ chính cánh nhà báo phải "nhiệt liệt ngợi khen" khi nghe đưa ra phát biểu với nội dung như sau: "Ở tất cả nước luật pháp được tôn trọng, người dân đều phải xin phép mới được tổ chức hay tham gia biểu tình. Trung Quốc là nơi người dân phải nộp đơn xin phép biểu tình, do đó Trung Quốc là quốc gia luật pháp được tôn trọng".

Ông Khổng Quan – cháu ông Khổng Tử??? - cũng bảo có nhiều người làm đơn xin biểu tình, nhưng "tất cả đều được giải quyết thỏa đáng" nên "chính người dân thấy không cần phải đến những khu được dành riêng để biểu tình làm gì nữa".

4.-

Tôi vẫn đang đứng ở Cấm Thành. Trước mặt tôi là Văn Phòng Khiếu Kiện nằm ở phía Nam của Bắc Kinh, được dịch ra tiếng Anh là "State Bureau of Letters and Visits", nơi ngày nào cũng có khoảng 200 ông tuổi trung niên đang uống trà, hút thuốc.

Có ông mặc đồng phục công an, có ông mặc quần áo như người dân bình thường, tất cả đều ngồi trên những chiếc ghế xếp bằng sắt, mỗi ông một ghế đang nói chuyện huyên thuyên. Một số ông khác đứng ngay trạm xe buýt gần đó và mắt ngó láo liên vào những chiếc xe vừa ngừng.

Những ông có vóc dáng vạm vỡ này giữ nhiệm vụ “dẫn người về quê”. Người các ông dẫn về có thể là một bà cụ già lên thủ đô để khiếu kiện có đứa con trai bị tù oan, cũng có thể là một cô thiếu nữ nhất định phải đến Bắc Kinh khiếu nại vì gia đình bị các ông bà lớn địa phương chiếm đất đuổi nhà.

Các ông làm việc rất “khéo”, thấy người vừa xuống xe là chạy tới, câu hỏi đầu tiên “thế bác ở tỉnh nào đến, lên đây có việc gì, cần chúng tôi giúp đỡ gì không”. Người được hỏi có ngay cảm nghĩ được nhà nước chăm sóc, bèn xưng tên họ, nơi cư trú và trình bày nỗi oan khiên.

Vừa nói xong là chuyện “chăm sóc” tận tình diễn ra: ông Quảng Ðông “lo” cho người Quảng Ðông, ông Thượng Hải có “trách nhiệm” với người Thượng Hải, đưa ngay ra bến xe bắt phải về quê, kèm theo lời răn đe “cấm không được trở lại thủ đô làm phiền trung ương”. Nếu không nghe lời, “biện pháp kế tiếp là tù lao cải”.

Ở xứ luật pháp được tôn trọng của ông Khổng Quan, công an có quyền lấy cớ bị làm phiền để cho dân đi lao cải một năm sau đó “hạ hồi phân xử”.

Và để cổ võ cho tinh thần thượng tôn luật pháp, chính quyền địa phương quyết định ngoài đồng lương lãnh hàng tháng, các ông đang làm công tác “dẫn người về quê” được hưởng thêm trợ cấp ăn ở, và tiền thưởng đặc biệt “tính theo số đầu người dẫn về”.

5.-

Tôi vẫn còn đứng ở Cấm Thành và bỗng dưng nhớ về cả Sài Gòn lẫn Hà Nội. Tôi nhớ đến Sài Gòn vì ở đó tôi có một ông Thày cũ. Thày tôi tên tục là Đặng Phúc Tuệ thì ít người biết, nhưng khi xuất gia Thày mang tên Thích Quảng Ðộ thì cả thế giới đều hay.

080402-ThichQuangDo_200.jpg
Hoà Thượng Thích Quảng Độ. Photo courtesy IBIB

Thày là người cũng từng nhiều năm lao cải, cũng bao nhiêu lần bị mấy ông công an bắt dẫn về Chùa. Nhiều đến độ đã có lần Thày bảo với tôi “thời gian tôi ở tù nhiều bằng thời gian tôi ngồi tụng kinh niệm Phật”.

Nhớ mãi có lần nghe tin Thày vừa được “tha”, tôi vội vã gọi điện về mừng Thày thoát nạn. Thày thật vui khi nghe tiếng tôi, nhưng bảo ngay “có gì mà mừng hả con. Thày mới thoát một nhà tù nhỏ, bây giờ sống ở một nhà tù lớn hơn”.

Bây giờ đứng đây mới hiểu hết ý Thày, mới biết ở quê hương tôi cũng có… Cấm Thành.

Tôi nhớ về Hà Nội vì ở đó có một ông nhà văn tên Nguyễn Huy Thiệp. Trong một truyện ngắn được nhiều người đọc, ông này có viết câu đời nhà Nguyễn để lại “nhiều lăng”.

Các vua đời Nguyễn ở Việt Nam và mấy ông vua nhà Tống, nhà Ðường gì đó ở bên Trung Quốc giống y hệt nhau: một bên có “lăng” làm gương cho hậu thế, một bên có “Cấm Thành” để nhắc nhở con cháu đừng quên phận làm dân.

Có thể bạn là người khó tính không hài lòng với nỗi nhớ “cục bộ” thường mang tính địa phương của tôi, bảo “cả nước đâu phải chỉ có Sài Gòn hay Hà Nội, cả Trung Quốc đâu phải chỉ có mỗi mình Bắc Kinh”.

Nếu vậy thì bạn cùng tôi đi xa hơn nhé: "anh ở đầu sông em cuối sông, uống chung giòng nước…". Ông nhà nước Trung Quốc là ông anh, ông nhà nước Việt Nam là ông em. Hai anh em nhà ông này đều uống chung một giòng nước!!! Dẫn bạn đi như vậy đủ xa chưa???

6.-

Tôi đã đến Cấm Thành, vẫn tiếp tục đứng ở Cấm Thành và đang sống ở giữa Cấm Thành. To lắm, rộng lắm bạn ạ, không phải cái Cấm Thành nhỏ bé của ông Phổ Nghi mà bạn xem trong phim đâu!!! Kỳ này về có dịp ngồi ăn bát phở, uống y cà phê với nhau, tôi hứa sẽ kể thêm cho bạn nghe. Có đủ dữ kiện để “tán phét” rồi.

Nhưng trước khi chia tay, phải chia sẻ với bạn một thắc mắc nhỏ. Nghe bảo bên nhà bây giờ đi tour Bắc Kinh rẻ lắm, ai ai cũng muốn đi, cũng có thể đi, và bao giờ cũng được dẫn đến Cấm Thành để chụp hình, không biết có đúng không.

Nếu đúng thì lạ quá!!! Phải mất tiền, mất thì giờ xếp hàng qua thủ tục an ninh để lên máy bay, phải đi bao nhiêu chặng đường mới được xem Cấm Thành.

Ở nhà xem chưa đủ hay sao???