Bản kiến nghị của giới trí thức về dự án khai thác bauxite

Sau khi dư luận lên tiếng về dự án bauxite Tây Nguyên có nhiều vấn đề cần phải xem xét, chính phủ Việt Nam vẫn cho phép Tập Đoàn Than và Khóang Sản Việt Nam (TKV) tiếp tục đứng ra liên kết với nước ngoài để khai thác.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009.04.19
central-highland-305.jpg Nhiều ý kiến lo ngại việc tiến hành dự án khai thác bô-xít có thể hủy hoại môi trường sống của vùng Tây Nguyên.
AFP PHOTO

Trước tình hình này, giới trí thức trong nước đã tập trung đưa ra một bản kiến nghị gồm hơn 160 chữ ký để gửi lên Quốc Hội nhằm lên tiếng chính thức yêu cầu cơ quan cao nhất nước này xem xét và có hành động cụ thể.

Mặc Lâm tường trình sau đây.

Không thay đổi quyết định

Sau cuộc hội thảo tại Hà Nội vừa qua, những chờ đợi của dư luận về quyết định của chính phủ trong việc cho hay không cho khai thác quặng bauxite Tây Nguyên đã được sáng tỏ. Tuy chưa có quyết định chung kết nhưng người ta đã thấy rõ lập trường của chính phủ là không thay đổi một quyết định đã đưa ra trước đó của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là một chính sách lớn của nhà nước cần được triển khai.

Trong buổi hội thảo, hàng chục bản tham luận công phu của các nhà khoa học, môi trường, nhân văn cũng như kinh tế đưa ra tất cả những khía cạnh bất lợi mà dự án này sẽ mang tới. Hội thảo bế mạc với quyết định của Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn trước khi đi vào khai thác.

… trước mắt các tập đoàn lợi ích ấy là lợi nhuận, còn trước mắt chúng tôi là đất nước và dân tộc. Chúng tôi không thể cân nhắc 50/50 trong một tình trạng mà nếu như 50/50 xảy ra thì có thể là cái chết của cả dân tộc này.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Kết thúc một hội nghị khoa học bằng một yêu cầu lửng lơ như thế đã khiến dư luận hết sức bất ngờ. Các tham dự viên buổi hội thảo trở về cơ quan với tâm trạng bất an và thất vọng trước những ý kiến tâm huyết của mình không được lắng nghe triệt để. Thế nhưng họ không ngừng lại cuộc tranh đấu cho sự thật được khoa học chứng minh bằng những chứng cứ thuyết phục. Một trong những trí thức Việt Nam là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã cùng các nhà trí thức khác soạn thảo một bản kiến nghị để trình lên Quốc Hội với tâm nguyện yêu cầu cơ quan lập pháp này xem xét và cho ngưng lại một dự án rất mất lòng dân này.

Phản bác của giới trí thức

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho biết nguyên nhân dẫn đến quyết định này, ông nói:

“Chúng tôi quyết định thảo một kiến nghị nói lên tất cả nguyện vọng của những người đủ mọi từng lớp, nhưng mà tất nhiên trong đó thì người trí thức phải là người tiêu biểu, bởi vì quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách. Thất phu ở đây phải hiểu là những người tinh hoa, cho nên chúng tôi nhắm đến đối tượng trí thức. Lá thư kiến nghị ấy chúng tôi thảo ra và gửi đi cho những địa chỉ tin cậy, thì chỉ gửi cho 15 địa chỉ thôi, nhưng sau 3 ngày thì tôi không ngờ là giới trí thức trong nước và ngoài nước hưởng ứng rất là đông. Và đến chiều ngày 16-4-2009 các e-mail gửi về để vào danh sách chúng tôi tập họp được 135 người, mà trong số đó có những tên tuổi tiêu biểu cho giới khoa học, giới nghệ thuật, văn hóa của cả nước cũng như của nước ngoài. Ví dụ như ở trong nước có Giáo sư Trần Văn Khê, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Phan Đình Diệu, hay là ngay cả những đại biểu Quốc Hội như là anh Nguyễn Lân Dũng. Ở nước ngoài thì có những người như anh Vũ Quang Việt là một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, anh Nguyễn Văn Tuấn là một chuyên gia về xương ở Australia, anh Phạm Xuân Yêm, các anh ở Paris VII rất đông.

Sau khi khóa sổ rồi thì sáng nay chúng tôi đưa bản kiến nghị cùng với danh sách lên và được cơ quan Quốc Hội chấp nhận rất là nhiệt tình.”

GS Chi cũng nhắc lại những phát biểu mà ông cho là ấn tượng trong hội thảo của nhà văn Nguyên Ngọc:

“Nhà văn Nguyên Ngọc phân tích rất sâu về những hậu quả khôn lường của dự án bauxite này. Anh nói mạnh hơn là việc ký cho Trung Hoa khai thác bauxite khi mà chưa thông qua Quốc Hội thì đó là việc bất hợp pháp. Chúng tôi hết sức đồng tình với anh ấy và có thể nói là những người trí thức tâm huyết cảm thấy bức bối như anh ấy, đến nỗi trong mấy đêm ấy tim tôi đập lên 97 và không ngủ được.”

Nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người đứng tên đầu tiên trong kiến nghị cũng là người theo dõi và có ý kiến phản bác dự án này ngay từ những ngày đầu tiên, cho biết:

“Cái hôm hội thảo này tôi có đặt câu hỏi đó. Sau đó có một đại diện của Bộ Công Thương có trả lời tôi. Họ nói là cái dự án Tân Rai hay là cái nhà máy Tân Rai, nhà máy Nhân Cơ đó mà, thì nó không đủ quy mô để phải đưa ra Quốc Hội. Nhưng mà tôi thì tôi thấy thế này, trả lời như thế là tránh trớ. Một hai nhà máy đó thì đúng là nhỏ, nhưng mà phải nói rằng toàn bộ cái quy hoạch đó thì nó to lớn chứ với bao nhiêu nhà máy và bao nhiêu khu mỏ mà người ta dự định khai thác. Nếu mà không đưa ra Quốc Hội như vậy thì theo tôi là sai rồi, tại vì những công trình quy mô lớn như vậy thì phải có ý kiến của Quốc Hội. Và ngay thủ tướng chính phủ cũng tuyên bố đây là chủ trương lớn của đảng và nhà nước, thế thì tại sao lại không đưa Quốc Hội? Theo tôi như thế là không đúng luật.”

Và ngay thủ tướng chính phủ cũng tuyên bố đây là chủ trương lớn của đảng và nhà nước, thế thì tại sao lại không đưa Quốc Hội?

Nhà văn Nguyên Ngọc

GS Nguyễn Huệ Chi tỏ ra bức xúc khi nhớ lại lời tuyên bố của ông tổng giám đốc tập đoàn TKV cho rằng khai thác bauxite thì lợi nhuận sẽ là 50/50 có nghĩa là không lấy gì làm chắc cho một dự án tầm cỡ như vậy:

“Không thể nói như một vị của tập đoàn than rằng là 50/50 bởi vì trước mắt các anh ấy là lợi nhuận, trước mắt các tập đoàn lợi ích ấy là lợi nhuận, còn trước mắt chúng tôi là đất nước và dân tộc. Chúng tôi không thể cân nhắc 50/50 trong một tình trạng mà nếu như 50/50 xảy ra thì có thể là cái chết của cả dân tộc này.”

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, người ký tên sớm nhất vào bản kiến nghị cho biết ý kiến của ông:

“Tôi có đọc bản kiến nghị đấy và tôi có đồng ý ký tên vào đấy. Tôi nghĩ là các nhà lãnh đạo ở Việt Nam họ cũng tôn trọng trí thức, họ sẽ có những nghiên cứu. Nếu mà có được những giải pháp tốt nhất cho công việc này, cho sự kiện này thì tôi nghĩ vẫn có một khả dĩ nào đấy.”

Một số lớn trí thức hải ngoại cũng đóng góp chữ ký của họ vào bản kiến nghị này. Một trong số đó là Tiến sĩ Vũ Quang Việt. Khi chúng tôi hỏi liệu Tiến Sĩ có tin rằng chữ ký của mình sẽ được nhà cầm quyền Hà Nội xem trọng hay không thì ông trả lời dứt khoát:

“Tôi không tin như thế. Mình thấy mình có trách nhiệm phải bày tỏ ý kiến thì tôi ký chứ tôi không tin như thế, tại vì rất nhiều người đã nói rồi.”

Người ta còn nhớ cách đây ít lâu, khi nhà xuất bản Đà Nẵng in cuốn “Trần Dần Thơ” liền bị Cục Xuất Bản thuộc Bộ Văn Hóa Thông Tin và Truyền Thông ngăn không cho phát hành. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi lúc đó cũng là người vận động chữ ký của 150 văn nghệ sĩ gửi lên Quốc Hội, kết quả là sau đó cuốn sách được lưu hành. Thành quả này đã khiến nhiều nhà trí thức tin rằng sức mạnh tổng hợp của những cá nhân khác nhau nhưng cùng đồng quan điểm trên một vấn đề lớn của quốc gia có thể tác động, thậm chí có thể lay chuyển được những quyết định được xem là cứng ngắt nhất.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.