Cạnh tranh với gà nhập
Việt Nam có tổng đàn gia cầm khoảng 260 triệu con, thế nhưng ở những thành phố lớn như Saigon, có những thời điểm thịt gà đông lạnh nhập khẩu tràn ngập thị trường. Giới kinh doanh nói với chúng tôi rằng, giá thành sản phẩm của VN quá cao nên gà ngoại đông lạnh mới áp đảo gà nội. Một người dân TPHCM kể chuyện người tiêu dùng bắt đầu quen với thịt gà nhập khẩu rã đông bán ở các siêu thị và cửa hàng:
“Trước kia họ còn lo ngại vì chưa hiểu chất lượng của loại gà đó ra sao. Nhưng lúc sau này vì giá quá rẻ nên người dân ở Saigon hay mua cánh gà, đùi gà hay đùi gà góc tư tiêu thụ rất nhiều vì giá rẻ mà ăn thì cũng được. Tôi thấy họ tiêu thụ nhiều hơn gà công nghiệp nuôi trong nước.”
Nhưng lúc sau này vì giá quá rẻ nên người dân ở Saigon hay mua cánh gà, đùi gà hay đùi gà góc tư tiêu thụ rất nhiều vì giá rẻ mà ăn thì cũng được. Tôi thấy họ tiêu thụ nhiều hơn gà công nghiệp nuôi trong nước.
Một người dân TPHCM
Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc công ty Phú An Sinh đơn vị có nhà máy sát sinh công nghiệp ở TPHCM và trại chăn nuôi tiên tiến ở miền Đông Nam Bộ, xác nhận với chúng tôi là do giá thành chăn nuôi cao, nên gà công nghiệp trong nước khó cạnh tranh với sản phẩm gia cầm nhập khẩu và bị mất thị phần khá lớn:
"Trong những năm vừa qua giá gà của VN cũng còn cao hơn khu vực nhiều và gần như cao nhất thế giới. Hiện nay tổng tiêu thụ gia cầm mỗi ngày của TP.HCM khoảng 200 tấn tương đương 100.000 con gà, trong đó phân chia ra giữa gà nhập khẩu đông lạnh với gà nội địa trong nước, tỷ lệ này trước đây là 50/50, tức là 100 tấn thịt đông lạnh và 100 tấn thịt nội địa mỗi ngày."
Lợi và hại
Chăn nuôi gia cầm ở VN chịu nhiều rủi ro về dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi không ổn định, cũng như phương thức chăn nuôi lạc hậu. Trong những năm vừa qua gà công nghiệp tuy được nuôi trong chuồng trại cẩn thận, nhưng vẫn chưa phải là nuôi khép kín như phương pháp mới, mà dân gian gọi là nuôi gà lạnh. Phân tích lợi hại của phương pháp chăn nuôi gà trong trại khép kín.Ông Phạm Văn Minh nói:
“Trước đây có hai kiểu chuồng, thứ nhất là nuôi hở nghĩa là nuôi không che kín có tiếp xúc không khí bên ngoài. Điều kiện này nuôi gà thả vườn gà ta thì nó thích nghi, thời gian nuôi kéo dài. Riêng với con gà công nghiệp tức gà siêu thịt năng suất cao vẫn có mô hình nuôi chuồng hở, nuôi trên chuồng sàn nhưng vẫn là tiếp xúc với không khí bên ngoài. Hiện nay đang dẫn tới xu hướng là sẽ không còn chuồng hở nữa. Lý do là con gà công nghiệp rất mẫn cảm với điều kiện môi trường, không dễ thích nghi với nắng nóng môi trường nhiệt độ thay đổi ở VN. Do đó người ta làm chuồng kín hoàn toàn, trong đó có hệ thống giải nhiệt, hệ thống hơi nước, quạt hút quạt thổi, kiểu chuồng này giải quyết được vấn đề là nhiệt độ ổn định thích nghi với con gà siêu thịt. Đó là điều thứ nhất, thứ hai là nó không bị ảnh hưởng môi trường bên ngoài, bên cạnh vấn đề nhiệt độ nắng nóng nó còn cách ly được với chim chóc là nguồn gây bệnh, nhất là cúm gia cầm, trong thời gian vừa qua người ta rất lo ngại chim chóc có thể mang mầm bệnh.
Tùy theo mức độ nuôi, hiện nay nếu nuôi khoảng 15 ngàn con thì mức độ đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Trước đây đầu tư chuồng hở thì nuôi 15 ngàn con chỉ tốn chừng 300 triệu tới 500 triệu thôi. Như vậy đầu tư chuồng kín đắt gấp hai gấp ba lần, tuy nhiên cái lợi mang lại là tiêu tốn cho cám giảm, kiểm soát được dịch bệnh và tăng được năng suất thì người ta sẽ thu hồi vốn rất đầu tư rất mau vượt trội hơn so với chuồng hở.”
Như vậy đầu tư chuồng kín đắt gấp hai gấp ba lần, tuy nhiên cái lợi mang lại là tiêu tốn cho cám giảm, kiểm soát được dịch bệnh và tăng được năng suất thì người ta sẽ thu hồi vốn rất đầu tư rất mau vượt trội hơn so với chuồng hở.
Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc công ty Phú An Sinh
Theo các trang mạng nông nghiệp, Bình Dương và Đồng Nai hiện đang phát triển hình thức trại nuôi gia cầm khép kín, hay còn gọi là nuôi gà lạnh vịt sàn. Sở dĩ dân gian gọi là nuôi gà lạnh, vì chuồng trại được bao bọc kín, không khí được làm mát trước khi dẫn vào chuồng nuôi và là hệ thống quạt gió luân lưu có bộ lọc. Đối với con vịt, xưa nay nông dân Việt Nam nuôi chăn thả nơi ruộng đồng sông nước, còn với công nghệ mới người ta nuôi vịt trên sàn trong chuồng trại. Những trại nuôi theo công nghệ vừa nói rất vệ sinh, nếu công tác chích ngừa cho gà vịt được thực hiện đúng thì dịch bệnh khó lai vãng.
Nhân vật được báo chí gần đây đề cập nhiều là ông Tống Văn Hướng, chủ tịch Hội Nông Dân Xã Minh Hòa, Dầu Tiếng Bình Dương. Ông Hướng chuyển từ nuôi gà chuồng hở sang nuôi gà lạnh cách đây 5 năm, từ hai trại với 20 ngàn con nay ông đang phát triển thêm để sẽ có tổng cộng 8 trại nuôi khép kín với tổng đàn 80 ngàn con. Ông Hướng cho biết vốn đầu tư khá lớn, nhưng khi công việc chạy đều thì trung bình 45 tới 60 ngày, mỗi trại 10 ngàn con đem lại lợi nhuận từ 40 tới 50 triệu.
Theo các trang mạng nông nghiệp địa phương, tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 100 trại nuôi gà khép kín với khoảng 1 triệu 200 ngàn con, đạt tỷ lệ gần một phần năm tổng đàn gia cầm 5 triệu 500 ngàn con của cả tỉnh Đồng Nai.
Nếu phương pháp chăn nuôi gia cầm với chuồng trại khép kín được phổ biến và thực hiện rộng rãi, thì như lời ông Phạm Văn Minh nói với chúng tôi, ngành chăn nuôi gia cầm của VN sẽ có thể phát triển bền vững. Nhưng điều quan trọng hơn cả là giá thành sẽ hạ giảm từ đó sản phẩm gia cầm sẽ trở lại thống lĩnh thị trường.