Cuộc tranh luận vẫn còn nhiều gay cấn khi các bạn trao đổi quan điểm về thế nào là "xã hội hoá báo chí" – diễn tiến tiếp theo ra sao? Mời quý vị theo dõi trong chương trình hôm nay, với Vân Anh từ Đà Nẵng; Quỳnh ở Hà Nội, và Lê, du sinh đang học tập tại Đài Loan.
Báo chí và Nhà nước
Trà Mi: Các bạn, xin giải quyết giùm câu hỏi mà mọi người đang đặt ra là vì sao báo chí Việt Nam chỉ được nói những gì mà nhà nước yêu cầu và vì sao báo chí Việt Nam không được phép có tư nhân?
Lê : Tại vì bây giờ mà cho tự do báo chí thì sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trà Mi: Thế còn ý kiến của Quỳnh và Vân Anh có gì khác không?
Quỳnh : Quỳnh nghĩ là bây giờ chúng ta phải thống nhất với nhau một điều là dân trí càng thấp thì lại càng phải có tự do thông tin, chứ đừng nói là dân trí thấp thì không được tự do, bởi vì càng nhiều thông tin thì trí tuệ người dân càng phát triển.
Còn Quỳnh thì Quỳnh đã hiểu từ lâu rồi là chỉ cần có tự do báo chí và có một nền dân trí cao lên một chút thì đảng cộng sản chỉ với những cái đầu óc u mê, một chính sách cai trị dựa trên sự khủng bố và doạ nạt, chỉ biết bóc lột và tham nhũng, thì sẽ không có ai đi theo đảng cộng sản nữa.
Dân trí càng thấp thì lại càng phải có tự do thông tin, chứ đừng nói là dân trí thấp thì không được tự do, bởi vì càng nhiều thông tin thì trí tuệ người dân càng phát triển.
Quỳnh, Hà Nội
Cách duy nhất là họ hạn chế dân trí lại, mọi người sẽ ngu đi thì sẽ dễ bảo hơn, sẽ dễ lãnh đạo hơn nhiều so với cái lực lượng dân chúng mà khi thấy cái sai họ sẽ dũng cảm dám lên tiếng nói . Một dân tộc như vậy thì khó có một chính quyền độc tài nào có thể tồn tại được.
Tôi phục những dân tộc rất dũng cảm, họ có thể chỉ một cái sai lầm nhỏ của lãnh đạo mà họ có thể xuống đường biểu tình. Cố nhiên mình ngưỡng mộ họ bởi vì tôi hiểu rằng chính họ đang tạo nên sự tiến bộ của nhân loại. Chứ còn những đất nước như chúng ta tôi nghĩ rằng đóng góp được rất ít vào tiến bộ của nhân loại.
Chúng ta chỉ biết nhận viện trợ không hoàn lại và thỉnh thoảng thì chúng ta vẫn được nhận những nguồn để cứu đói, xoá đói giảm nghèo đó. Chúng ta đang là một nước ở trong cái tầm vươn lên để đủ ăn thôi.
Trà Mi: Ý kiến của Vân Anh, theo sự cảm hiểu của bạn thì vì sao Việt Nam khẳng định là sẽ không có báo chí tư nhân, một điều khác biệt so với đại đa số các quốc gia khác trên thế giới bây giờ?
Vân Anh : Dạ. Em nghĩ thì nói đúng là mình thì về cái dân chủ nói chung nó không được mạnh mẽ như các nước, nhưng mà em nghĩ nếu muốn làm điều này thì các kênh thông tin nó càng phải nhiều để người ta có định hướng tốt chứ không phải như cứ để mà tự do, tự do báo chí tư nhân, ai muốn nói gì thì nói, thì nó loạn mất rồi. Em nghĩ như vậy đó.

Trà Mi: Thế Vân Anh có bao giờ nhìn sang những nước láng giềng gần Việt Nam thôi, những nước phát triển đó, thì họ có báo chí tư nhân, họ có những cái mà Việt Nam sợ loạn mà họ vẫn cho thực hành, thế cái tình hình của họ có thực sự loạn hơn hay là có chậm phát triển hơn Việt Nam hay chăng?
Vân Anh : Cái này nó cũng thuộc vào cái tài lãnh đạo đó chị.
Trà Mi : Ý của Vân Anh nói sao ạ?
Vân Anh : Chuyện này là do cái tầng lớp lãnh đạo của mình người ta không dám mạnh mẽ hơn. Nước người ta có thể tự do nhưng mà người ta có thể kiểm soát được, nhưng mà nước mình em nghĩ là chắc người ta không thể kiểm soát được cho nên chắc chắn là không thể có báo tư nhân. Mà em nghĩ tự do báo chí nó cũng bị hạn chế chứ nó không được cởi mở như các nước khác đâu. Em nghĩ như vậy đó.
Tầng lớp lãnh đạo của mình người ta không dám mạnh mẽ hơn. Nước mình em nghĩ là chắc người ta không thể kiểm soát được cho nên chắc chắn là không thể có báo tư nhân.
Vân Anh, Đà Nẵng
Lê : Như thế này Vân Anh ạ. Thực ra ở trên thế giới hiện nay chỉ còn một vài nước độc tài là không có báo chí tư nhân thôi, còn lại những tập đoàn báo chí lớn trên thế giới hiện nay thì đều là tư nhân cả. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai nữa là ở các nước như bạn nói tất cả các nước khác thì chính phủ nào người ta cũng muốn kiểm soát báo chí thôi tại vì báo chí thì toàn là những moi móc chuyện làm sai trái của người ta ra, thành ra tổng thống nào người ta cũng muốn kiểm soát báo chí cả nhưng mà người ta không kiểm soát được tại vì bản thân tổng thống cũng chịu sự điều chỉnh của luật pháp và không khác gì báo chí cả.
Báo chí được luật pháp bảo vệ cho nên báo chí người ta có thể nói cái gì người ta muốn nói, người ta phản ánh những gì đang xảy ra. Và mình thấy là nếu mà bạn sợ loạn thì cả thế giới này loạn à? Tại vì thế giới này hiện nay đa phần người ta đều có nền báo chí dân chủ cả và mình không thấy loạn. Mình không thấy Mỹ loạn, mình không thấy Nhật loạn...
Vân Anh : Mình nhìn nó ở một góc độ khác. Thực ra không phải như bạn nói là sợ loạn, nhưng mà đúng, nếu mình ngay bây giờ mình làm vấn đề đó thì chắc chắn nó sẽ loạn bởi vì người dân mình không am hiểu hết, người ta không cần phải thẩm định, không cần phải kiểm tra như thế nào.
Người ta muốn nói, người ta bức xúc người ta cứ đưa lên cho cả thế giới này biết Việt Nam tôi như thế đó thì mình phải có cái gì đó để hạn chế lại cái vấn đề này. Từ từ, nghĩa là mình đang dần dần tự do hoá báo chí chứ không phải là mình...
Lê : Không phải đâu Vân Anh. Nhưng bạn thấy ngay như chị Trà Mi, chị đang ở trong cái nền báo chí dân chủ tự do, có đúng không? Mình và Vân Anh trái quan điểm nhau, nhưng chị Trà Mi vẫn cứ đăng tất cả những cái lời chúng ta trao đổi ở đây lên trên đó, còn cái chuyện nghe hay không nghe là cái chuyện của thính giả.
Ví dụ người ta thấy cái lý của Vân Anh hợp lý hơn người ta nghe Vân Anh, thì lần sau mình nói không ai nghe nữa cả, và tất nhiên người đó sẽ tự bị đào thải. Cái chuyện đó là chuyện hãy để xã hội làm cái việc kiểm soát thay vì là chính phủ.
Trà Mi: Thế còn ý kiến của Quỳnh?
Quỳnh : Quỳnh thì Quỳnh nghĩ là nhà nước hãy nên để cho người dân làm tất cả những việc mà người ta có khả năng làm được chứ nhà nước không nên nhúng tay vào việc làm báo chí là một, kinh tế là hai. Nhà nước cầm quyền rồi nhà nước lại làm báo chí, không cho tư nhân làm và cũng không cho tư nhân cái quyền chính trị, như vậy thì họ cầm quyền là để họ thâu tóm mọi lợi ích, người ta gọi là "liên minh quyền - tiền".
Tất cả những nước mà được lãnh đạo bởi đảng cộng sản xem có nước nào có tự do báo chí hay không? Cho nên là đừng hy vọng gì có tự do báo chí nếu mà đảng cộng sản vẫn còn lãnh đạo.
Lê, du học Đài Loan
Không ai tự hào khi mà chính phủ đang điều hành đất nước mình mà là một chính phủ mafia cả. Chúng tôi ai hiểu biết một chút thì đều rất lấy làm xấu hỗ, tôi không thấy gì vui vẻ về điều đó đâu. Nếu tôi là một người lãnh đạo, tôi không làm được thì tôi sẽ xin lỗi mọi người và tôi nói rằng tôi từ chức vì tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Chứ tôi làm sai mà tôi lại chuồn lên trên thì như thế người ta thấy buồn cười và người ta thấy xấu hỗ lắm.
Xã hội hóa báo chí?
Trà Mi : Vâng. Cảm ơn ý kiến của Quỳnh. Và trở lại với cái điểm mà các bạn đang tranh luận dở dang là giới lãnh đạo Việt Nam khẳng định xã hội hoá báo chí đang được định hình ở Việt Nam, thì Lê không đồng ý vì Lê không nhận thấy sự định hình đó, Vân Anh thì lại nhìn thấy khi mà công dân được quyền phát biểu trên báo chí thì đó là xã hội hoá, thế còn ý kiến của Quỳnh thì sao? Quỳnh nhận xét như thế nào về sự "xã hội hoá báo chí" ở Việt Nam?
Quỳnh : Từ trước tới giờ lãnh đạo Việt Nam vẫn nói với thế giới là Việt Nam không chấp nhận tư nhân báo chí, như vậy là đã quá rõ rồi.
Trà Mi: Tức là Quỳnh không nhận thấy sự xã hội hoá như là giới lãnh đạo Việt Nam đã từng khẳng dịnh?
Quỳnh : Dạ vâng.
Lê : Khi mà những người lãnh đạo người ta đối mặt với rất nhiều chỉ trích thì người ta phải xem lại, có đúng không ạ? Người ta phải xem lại à có điểm gì đó trong cái chính sách của mình là không hợp lý hay không? Khi người ta làm sai thì báo chí lại một lần nữa người ta đưa ra và ngừơi ta nói nhiều thì chắc là anh phải tự chức thôi. Thì đó là cái lợi ích mà mình thấy rất là hiển nhiên và rõ ràng khi mà chúng ta có nền báo chí tự do.
Trà Mi : Vâng. Thì chúng ta cũng đã thấy là khi xã hội hoá giáo dục thì trường tư xuất hiện, xã hội hoá y tế thì bệnh viện tư xuất hiện, những cái này có đem lại những cái gì đáng kể, những hiệu quả gì đáng ghi nhận mà các bạn đã nhìn thấy được để mình nói rõ cái ý xã hội hoá báo chí thì nó sẽ lợi hay là hại.
Vân Anh : Có xã hội hoá giáo dục, xã hội hoá y tế thì người dân họ có nhiều cái quyền lựa chọn hơn, khả năng đáp ứng của mình nó được tốt hơn. Em nghĩ xã hội hoá báo chí nó cũng tốt hơn cho người dân có nhiều kênh thông tin, nhiều kênh để nói.
Em nghĩ là nó tốt nhưng mà nó có một cái chi đó gọi là "định hướng" chứ không phải là cứ tự do. Như chị Trà Mi hỏi là nó có tốt hay không thì em nghĩ là nó tốt nhưng em nghĩ là về cái vấn đề này thì em không thể nói được. Lê nói tiếp đi.
Trà Mi: Vân Anh vừa đưa ra ý kiến là mặc dù Vân Anh nhìn nhận là nếu xã hội hoá báo chí thì người dân có nhiều kênh thông tin nó sẽ tốt hơn cho xã hội chứ không có gì bất lợi cả, nhưng mà trong cái tình hình Việt Nam thì cũng rất khó nói. Vân Anh e ngại, không có dám nói rõ cái ý của mình. Vậy có ý kiến nào khác?
Lê : Mình thấy là để đạt được tự do báo chí thì trước đó chúng ta cần phải đạt được những điều khác trước đã, tại vì như mình nói chừng nào mà các đảng cộng sản ở trên thế giới người ta còn tồn tại thì người ta sẽ không bao giờ để cho có tự do báo chí.
Điều này, bạn nhìn tất cả những nước mà được lãnh đạo bởi đảng cộng sản xem có nước nào có tự do báo chí hay không? Cho nên là đừng hy vọng gì có tự do báo chí nếu mà đảng cộng sản vẫn còn lãnh đạo.
Trà Mi: Để có tự do báo chí đúng nghĩa thì điều kiện tiên quyết là gì và giới trẻ có thể đóng góp như thế nào trong quá trình tạo nên tự do báo chí hoàn thiện ở Việt Nam, thì chúng ta sẽ gặp lại nhau và sẽ tiếp tục tranh luận vào tối Thứ Hai tuần tới.
Ý kiến tham luận với "Diễn Đàn Bạn Trẻ", xin quý vị thư về địa chỉ email vietweb@rfa.org, hoặc để lại lời nhắn trong hộp thư thoại 001- (202) 530 7775. Quý vị muốn trực tiếp tham chương trình, xin vui lòng để lại số phone để chúng tôi tiện liên lạc mời quý vị góp tiếng.
Trà Mi xin chào tạm biệt quý thính giả tại đây và mong được đón tiếp tất cả quý vị vào giờ này, tối Thứ Hai tuần sau.