Vụ án Sacombank: Một ví dụ của sự hỏng hóc liên đới

Cát Linh, RFA
2017.08.03
Sacombank Ông Trầm Bê tiếp tay cho ông Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng
RFA

Sau một thời gian điều tra, Cục cảnh sát điều tra tội phạm ngày 1 tháng 8 đưa tin cho biết Viện Kiểm sát tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh của cơ quan Cảnh sát điều tra chính thức khởi tố bắt tạm giam ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng ngân hàng thương mại cổ phẩn Sài Gòn Thương tín- Sacombank và ông Phan Huy Khang, nguyên thành viên Tổng giám đốc Sacombank cùng 25 nghi can có liên quan trong vụ án Sacombank làm thất thoát 1,800 tỷ đồng.

Gây ra nợ xấu

Về vụ việc này, ông Bùi Kiến Thành, Chuyên gia cao cấp các tập đoàn kinh tế Việt Nam nhận định là tình hình chung của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam.

“Vụ án này liên quan đến ngân hàng Phương Nam và ngân hàng Sacombank, tức là những dịch vụ đầu tư trong ngân hàng và cách hoạt động trong ngân hàng không đúng theo quy luật của nhà nước, để xảy ra những vụ rất bê bối trầm trọng, làm cho ngân hàng phải mất rất nhiều tiền qua các nợ xấu.”

Chính vì vậy, ông cho rằng vấn đề Sacombank và ông Trầm Bê chỉ là một ví dụ trong nhiều ví dụ khác cần phải xử lý.

“Nó là một cái tảng băng mà chỉ nổi lên 1 phần nào đấy, còn những phần chìm còn rất nhiều. Cho nên nhà nước phải tiếp tục xử lý tất cả những vấn đề nợ xấu, nợ khó đòi và những hành động của các vị quản lý, giám đốc ngân hàng đó phạm pháp như thế nào sẽ còn tiếp tục.”

Nó là một cái tảng băng mà chỉ nổi lên 1 phần nào đấy, còn những phần chìm còn rất nhiều. - Ông Bùi Kiến Thành

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, vụ án Sacombank được báo giới gọi là vụ án ông Trầm Bê, và nhiều những ngân hàng khác hiện nay đang bị truy tố đã dẫn đến một khối nợ xấu khổng lồ mà nhà nước Việt Nam chưa có phương pháp nào đề giải quyết.

Liên quan đến những khối nợ xấu mà nhà nước Việt Nam đang phải gánh chịu, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là một vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

“Vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng Việt Nam rất là lớn. Tổng số nợ xấu lên đến 600 nghìn tỉ, đâu đó tương đương với vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ngân hàng là 677 nghìn tỉ.

Đây là con số nợ xấu rất khổng lồ.”

Không phải vụ án tham nhũng

Từ một số thông tin ban đầu được đưa ra trong hồ sơ vụ án Sacombank, ông Trầm Bê đã tiếp tay cho ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và các đồng phạm gửi tiền sang Sacombank, trả nợ cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên cơ sở vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Ngày 2 tháng 8, chuyên gia về luật kinh tế Nguyễn Việt Khoa bình luận với BBC Việt ngữ cho rằng “khả năng một vài uỷ viên bộ chính trị bị khởi tố và điều tra chưa bao giờ gần đến thế.”

Đặt vấn đề này với Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) từ Singapore, ông có nhận định ngược lại.

“Chưa thấy có ai khẳng định chắc chắn nhân vật Trầm Bê liên quan gì đến bất kỳ lãnh đạo cấp cao nào. Trước đây chỉ có tin đồn là quan hệ cá nhân chứ không nói đến quan hệ làm ăn gì cả.”

Thêm vào đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp khẳng định đây không phải là vụ án tham nhũng.

“Việc bắt Trầm Bê với lý do làm thất thoát 1,800 tỷ ấy không phải là án tham nhũng, nó liên quan đến chuyện cho tiền và nhận tiền, hối lộ và nhận hối lộ, rồi biển thủ…Không phải là tội dẫn đến tham nhũng. Đây là tội về kinh tế, tội cố ý làm trái.”

Việc bắt Trầm Bê với lý do làm thất thoát 1,800 tỷ ấy không phải là án tham nhũng, nó liên quan đến chuyện cho tiền và nhận tiền, hối lộ và nhận hối lộ, rồi biển thủ - TS Hà Hoàng Hợp

Chuyên gia Bùi Kiến Thành đưa ra quan điểm khá tương đồng khi ông cho rằng vụ án Trầm Bê, Sacombank là những hoạt động của cá nhân chứ không phải của viên chức nhà nước.

“Vì vậy không thể nói tham nhũng theo kiểu tham nhũng nhà nước được. Nhưng những cá nhân này có những hoạt động gì làm hại đến quyền lợi của các ngân hàng ấy bằng cách cho vay những nơi không đáng được cho vay thì cơ quan điều tra sẽ điều tra rõ từng vụ việc một.”

Không chỉ mỗi Sacombank

Những sai phạm này, theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, là một tình trạng xảy ra rất nhiều ở các ngân hàng ở Việt Nam. Các ban quản lý của ngân hàng đó đã làm việc không đúng qui tắc của luật tín dụng.

“Toàn thể hệ thống ngân hàng Việt Nam đều trong tình trạng như thế cả.”

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đấy là hậu quả của hệ thống quản trị ngân hàng còn lỏng lẻo, không chuyên nghiệp.

“Tại nhiều ngân hàng, nó vẫn mang tính gia đình trị, tức là một số thành viên của hội đồng quản trị có quyền nắm giữ và quyết định hầu như là tối hậu trong 1 ngân hàng. Bên cạnh đó thì vấn đề tuân thủ luật lệ ngân hàng, Việt Nam có lẽ còn rất nhiều cái cần phải cải tiến.”

Trách nhiệm chính

Blogger Nguyễn Lân Thắng quan sát vụ việc này và bày tỏ trên trang cá nhân của ông rằng “Những cá nhân bị bắt giam kia không phải là những người duy nhất chịu trách nhiệm dẫn đến hiện trạng này”.

Hoàn toàn đồng ý với nhận định trên, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích dựa trên quan điểm cá nhân của ông.

“Bởi vì hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam được quản lý và thanh tra rất chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước. Cho nên nếu có 1 sự hỏng hóc ở ngân hàng thương mại cổ phần đâu đó trong nước Việt Nam thì chắc chắn nó dính đến sự hỏng hóc về mặt chính sách của Ngân hàng nhà nước, cụ thể là anh quản lý không tốt.

Trách nhiệm trực tiếp là của những người làm sai ở ngân hàng đấy.

Còn có trách nhiệm từ mặt chính sách đến chỉ đạo và thanh tra là từ ngân hàng nhà nước.”

Tuy không khẳng định chủ thể nào chịu trách nhiệm chính, nhưng chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng hệ thống làm việc của các ngân hàng chắc chắn có những liên đới với các cơ quan công quyền và nên để cho các cơ quan điều tra thực thi nhiệm vụ.

Vụ án ngân hàng Sacombank là một trong 12 vụ án trọng điểm lớn từng được Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra chỉ tiêu sẽ kết thúc điều tra, truy tố, xét xử trong năm nay. Đặc biệt, việc điều tra, xử lý giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng xây dựng VNCB được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.