Diễn đàn nhân sự Việt Nam 2010

Với chủ đề “Chiến Lược Nhân Sự Trong Bối Cảnh Mới”, diễn đàn nhân sự lần thứ nhì sẽ khai mạc hôm nay tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2010.10.31
vn-hrday-2010-305.jpg Giao diện trang mạng Diễn đàn Nhân sự Việt Nam
Screen captured by RFA


Đây là diễn đàn nhân sự lớn với cả nghìn khách mời, nhằm bàn thảo yếu tố con người và khả năng lãnh đạo trong doanh nghiệp của Việt Nam.

Diễn đàn nhân sự, nhằm chia sẻ và trao đổi bí quyết quản trị nhân sự, đề chiến lược về nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, sẽ được trình bày bởi những người đang nắm giữ những chức vụ quan trọng như chủ tịch, tổng giám đốc, chuyên gia kinh tế, giám đốc nhân sự vân vân…

Theo chương trình, diễn đàn nhân sự tại thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức tại Trung tâm Hội Nghị White Palace với tám trăm khách mời. Diễn đàn nhân sự ở Hà Nội sẽ diễn ra tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia với khoản một nghìn người tham dự.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, giám đốc Stellar Management,Trung Tâm Giáo Dục Đào Tạo Nhân Sự ở thành phố Hồ Chí Minh mấy năm nay, nhận định:

“Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để tổ chức hai diễn đàn này, vào khi tình hình nhân sự trở thành vấn đề rất lớn của Việt Nam cũng như trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Hai diễn đàn này rất cần thiết cho Việt Nam.”

Ông nói diễn đàn nhân sự tổ chức hồi năm ngoái được coi là thành công không chỉ vì qui tụ được sự tham gia đông đảo của giới lãnh đạo công ty hay tổ hợp, các chuyên gia kinh tế và chuyên gia về nhân sự, mà vì những vấn đề bất cập và yếu kém tromg lãnh vực nhân sự ở Việt Nam được đưa ra mổ xẻ.

Chiến lược nhân sự

Chủ đề quan trọng của buổi hội thảo hôm nay tại thành phố Hồ Chí Minh là “Chiến Lược Nhân Sự”. Những tiêu đề được đưa vào lịch trình thảo luận là đánh giá trao đổi các vấn đề nhân lực của Việt Nam, vấn đề hội nhập hay cạnh tranh quốc tế, đánh giá các quan hệ lao động hiện tại và chia sẻ kinh nghiệm.

Là người theo dõi hội nghị có tầm liên quan đến lãnh vực chuyên môn của mình, giáo sư Hà Tôn Vinh phân tích rằng trong những năm qua, các doanh nghiệp mà nhất là chính phủ, cũng đã đưa ra nhiều lý do để giải thích tại sao nền kinh tế của Việt Nam chậm phát triển hoặc phát triển chưa đúng mức, trong đó nhân sự là vấn đề lớn:

Thứ nhất là vấn đề tuyển dụng nhân tài, tuyển dụng những nhân sự cao cấp cho phát triển kinh tế. Thứ hai là đãi ngộ nhân sự cấp quản lý hay lãnh đạo, thứ ba là giữ được nhân tài ở lại cho doanh nghiệp hay là trong chính phủ.

GS Hà Tôn Vinh

“Đánh giá thì nhiều tổ chức đã làm, đã đánh giá rồi và cũng đưa ra một số giải pháp rồi. Tôi thấy nên nhấn mạnh vào ba điểm trong vấn đề nhân sự của Việt Nam.

Thứ nhất là vấn đề tuyển dụng nhân tài, tuyển dụng những nhân sự cao cấp cho phát triển kinh tế. Thứ hai là đãi ngộ nhân sự cấp quản lý hay lãnh đạo, thứ ba là giữ được nhân tài ở lại cho doanh nghiệp hay là trong chính phủ.

Về vấn đề tuyển dụng, từ trước đến nay người ta thấy rất rõ khâu tuyển dụng nhân tài là một khâu rất yếu kém vì không qua thi tuyển hay dựa vào khả năng mà dựa vào sự quan hệ, dựa vào sự thân thiết, hay dựa vào những nhóm lợi ích để chọn người làm việc cho doanh nghiệp. Đây là một trong những vấn đề mà phải có chiến lược để cải tổ lại.”

Chính sách đãi ngộ

Về vấn đề đãi ngộ nhân sự, Giáo sư Vinh cho rằng có nhiều chỉ dấu cho thấy ít có doanh nghiệp đặt vấn đề này như một chiến lược phát triển và từ đó ông đưa ra nhận định:

“Vấn đề đãi ngộ nhân sự rất thấp, đến cái độ những người làm trong ngành quản lý không đủ để có cuộc sống ổn định. Chính vì thế mà nhiều người phải làm thêm làm ngoài giờ hay là đi qua những kênh làm việc không chính thống, vì nhu cầu của thị trường hay gọi là chi phí của thị trường là điều rất cần thiết.

Vấn đề giữ người tài ở lại trong doanh nghiệp. Tôi có nói chuyện nhiều với các giám đốc các doanh nghiệp thì thường họ khái niệm rằng nếu mà để cho những người quản lý đi học thì sợ rằng học xong họ sẽ bỏ doanh nghiệp đi. Đó là cái nhìn rất phiến diện và rất tai hại.

Khi cho nhân viên cũng như người quản lý đi học tức là tăng khả năng, kinh nghiệm và trình độ để họ có thể làm tốt hơn cho doanh nghiệp, lúc đó doanh nghiệp bắt buộc một cách nào đó là phải đãi ngộ họ tốt hơn. Điều đó là đúng! Người chủ doanh nghiệp hoặc giám đốc cần phải hỗ trợ sự phát triển trí tuệ và kinh nghiệm của các nhân sự trong doanh nghiệp.”

Được biết buổi họp sáng nay của diễn đàn nhân sự ở thành phố Hồ Chí Minh được dành cho phần tọa đàm, nhằm chia sẻ bí quyết quản trị nhân sự, hoạch định chiến lược nguồn nhân sự của doanh nghiệp. Đây là những đề tài được chủ tịch, tổng giám đốc, chuyên gia kinh tế và giám đốc nhân sự các công ty kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam trình bày.

000_Hkg3891418-200.jpg
Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin trả lời báo chí trong buổi lễ hạ thủy một con tàu mới tại thành phố Hải Phòng hôm 23/6/2006. AFP PHOTO
Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin trả lời báo chí trong buổi lễ hạ thủy một con tàu mới tại thành phố Hải Phòng hôm 23/6/2006. AFP PHOTO
Dưới con mắt phân tích của người chuyên huấn luyện cũng như đào tạo nhân sự trong Stellar Management, từng nhiều lần góp ý cùng chính phủ về vấn đề nhân sự, yếu tố con người và khả năng quản trị doanh nghiệp, những nguyên nhân chính yếu trong bài học Vinashin bị phá sản, giáo sư Hà Tôn Vinh nói điều cần thiết mà diễn đàn nhân sự hôm nay cần phải chú trọng là can đảm nhìn vào sự thật:

“Vấn đề là giải pháp, làm cách nào để có thể thay đổi, không thể nào để những nhân sự kém cỏi thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết và nhất là thiếu đạo đức, vào trong những vai trò quan trọng trong doanh nghiệp hay trong những tập đoàn lớn.

Phải có can đảm để nhìn vào sự thực, can đảm để tìm người thay thế. Nhưng mà để đi đến chuyện đánh giá được những người đó thì vấn đề giám sát thường xuyên, kiểm soát rất quan trọng.

Tôi cũng rất ngạc nhiên tại sao Tổng Kiểm Toán cũng như Tổng Thanh Tra Nhà Nước có nói rằng đã kiểm soát hay là đã đề nghị kiểm toán hay đề nghị thanh tra mười một lần tập đoàn Vinashin mà vẫn không tìm ra những sai phạm hay những khó khăn trong nhân sự của Vinashin. Đó là một điều đáng tiếc, khó có thể chấp nhận được.”

Hiệp Hội Nhân Sự Việt Nam

Một mục đích khác của diễn đàn nhân sự lần thứ nhì này là trao đổi và thu thập ý kiến về việc thành lập Hiệp Hội Nhân Sự Việt Nam.

Được hỏi theo ông vai trò thiết thực của Hiệp Hội Nhân Sự là gì, phải chăng đây là tổ chức có thể cung cấp nhân sự cho doanh nghiệp, cho tổng công ty, hay cho các tập đoàn, giáo sư Hà Tôn Vinh trả lời:

Vai trò của Hiệp Hội Nhân Sự phải cao hơn, có tính cách chiến lược và chính sách hơn. Theo một nghĩa nào đó, Hiệp Hội là một tổ chức xã hội, qui tụ những người chuyên môn trong một ngành nào đó,mà ở đây là nhân sự hay là quan hệ nhân sự.

GS Hà Tôn Vinh

“Tôi nghĩ chuyện cung cấp nhân sự có khả năng cho các doanh nghiệp là vai trò của các công ty gọi là săn đầu người hay là những tổ chức giới thiệu việc làm.

Vai trò của Hiệp Hội Nhân Sự phải cao hơn, có tính cách chiến lược và chính sách hơn. Theo một nghĩa nào đó, Hiệp Hội là một tổ chức xã hội, qui tụ những người chuyên môn trong một ngành nào đó,mà ở đây là nhân sự hay là quan hệ nhân sự.”

Hiệp Hội Nhân Sự có ba vai trò chính yếu, ông Hà Tôn Vinh giải thích tiếp. Thứ nhất là đưa những vấn đề nóng bỏng về nhân sự ra trước công luận. Thứ hai, tạm gọi là cố vấn cho chính phủ, để tìm cách thao gỡ những vấn đề về nhân sự. Thứ ba là giúp cho cách doanh nghiệp đang đối mặt với những vấn đề nhân sự tìm hướng, giải pháp, đường đi thích hợp cho sự phát triển và hội nhập.

Ông kết luận là Hiệp Hội Nhân Sự Việt Nam vừa đóng vai trò hướng dẫn, vai trò cố vấn, vai trò phản biện chính sách của chính phủ, đồng thời giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.