Đòi quyền lợi
Trong chuỗi sự kiện vừa ghi nhận, ngày 13/1 vừa qua 8.000 công nhân công ty Taekwang Vina ở Khu Công Nghiệp Biên Hòa 2, Tỉnh Đồng Nai đã đình công đòi tiền thưởng Tết. Taekwang Vina do người Hàn Quốc làm chủ, công ty này sản xuất hơn 7 triệu đôi giày mỗi năm, và từng gia công giày thể thao thương hiệu Nike của Mỹ.
Tương tự nhiều cuộc đình công khác xảy ra trong thời gian gần đây, nhất là trong tháng Chạp Âm Lịch trước Tết Canh Dần, công nhân hãng giày Taekwang Vina yêu cầu ban giám đốc công bố tiền thưởng Tết, tăng lương, công khai thang lương, trợ cấp thôi việc, chế độ độc hại, chế độ đối với công nhân nữ thai sản. Chính quyền và liên đoàn lao động địa phương đã gặp gỡ ban lãnh đạo Taekwang Vina để xem xét yêu sách của công nhân. Tết năm ngoái người lao động ở Taekwang Vina được thưởng Tết 1 tháng lương cơ bản.
Phải duy trì tháng lương 13, dù rằng làm ăn không hiệu quả thậm chí bị lỗ.
Mặc dù ngành da giày xuất khẩu tăng trưởng âm trong năm 2009, nhiều công ty đóng cửa hoặc giảm họat động, nhưng ông Diệp Thành Kiệt phó chủ tịch Hiệp Hội Da Giày Việt Nam tin tưởng các công ty duy trì được sản xuất sẽ vẫn trích thưởng cho công nhân.
“Tôi nghĩ rằng trên 90% doanh nghiệp có lương tháng thứ 13. Chúng tôi có tiếp xúc một vài nơi, tuy rằng một số doanh nghiệp có khó khăn nhất định trong năm 2009, nhưng anh em suy nghĩ phải duy trì tháng lương 13, dù rằng làm ăn không hiệu quả thậm chí bị lỗ, nhưng họ nhìn cho tương lai dài.
Nếu chúng tôi không có lương tháng thứ 13 thì năm 2010 khi nền kinh tế có dấu hiệu khả quan, một số ngành khác sẽ phát triển cộng chung với dệt may và da giày, như vậy sẽ có sự thu hút lao động, bởi các ngành nghề khác và bởi chính trong ngành.

Nhưng chúng tôi khẳng định lương tháng 13 hầu như được tất cả doanh nghiệp dệt may da giày thực hiện, điều này không phải vì sự bắt buộc mà là vì chính tương lai của doanh nghiệp.”
Chênh lệch lương thưởng
Theo Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội, cho đến ngày 10/1 trước Tết gần 5 tuần, hai địa phương Hà Nội, TP.HCM nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, khoảng một nửa số công ty nhà máy đã báo cáo kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.
Các số liệu cho thấy nền kinh tế thị trường đã thay đổi triệt để cách trả lương thưởng ở Việt Nam, ngày nay chênh lệch lương thưởng là một khoảng cách ngày càng lớn. Nếu có những nhân viên nhận mức lương trên 100 triệu đồng một tháng nhận tiền thưởng Tết gần 400 triệu đồng, thì không ít công nhân lao động đang làm việc với lương tháng 650 ngàn đồng và Tết Canh Dần này họ được thưởng 30 ngàn đồng đủ tiền ăn một tô phở trong ngày Xuân.
Người làm công ăn lương ở Việt Nam đặc biệt ở miền Nam, sự kiện lương tháng thứ 13, 14 đối với họ là khá quen thuộc. Doanh nghiệp làm ăn phát đạt lời nhiều, tất nhiên phải trả thưởng xứng đáng cho những người đóng góp vào sự thành công của công ty.
Người lao động họ mong muốn được nhiều hơn nữa nhưng họ cũng cảm thông chia sẻ với công ty những khó khăn của giai đoạn khủng hoảng vừa qua.
Suy thoái kinh tế suốt năm 2009 làm cho nhiều doanh nghiệp lao đao, những công ty duy trì được công ăn việc làm cho công nhân chứng tỏ ban lãnh đạo vững tay chèo chống. Nói về kế hoạch thưởng Tết Canh Dần, ông Phạm Văn Minh, Giám Đốc Công Ty Phú An Sinh một trong ba nhà cung cấp thịt gà lớn nhất TP.HCM cho biết:
“Năm nay chúng tôi cũng chưa thuận lợi lắm tuy nhiên có tốt hơn năm 2008. Lương thưởng của nhân viên sẽ được 1 tháng lương thứ 13 cho dịp Tết Nguyên Đán, sau này nếu có điều kiện phát triển hơn chúng tôi sẽ có mức lương thưởng tốt hơn. Tất nhiên về phía người lao động họ mong muốn được nhiều hơn nữa nhưng họ cũng cảm thông chia sẻ với công ty những khó khăn của giai đoạn khủng hoảng vừa qua.”

Vấn đề tiền thưởng Tết, lương tháng thứ 13 đang gây ra nhiều bức xúc và là nguyên nhân của nhiều vụ đình công ngừng việc. Với hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên toàn quốc, câu chuyện lương tháng thứ 13 vẫn là đề tài nóng từ nay tới Tết.
Riêng một Huyện Hốc Môn ở TP.HCM, Liên đoàn lao động địa phương từ đầu tháng Giêng đã đưa ra danh sách 36 doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra đình công tranh chấp tiền lương và thưởng Tết. Trong số này có 20 doanh nghiệp có vốn nước ngoài, chủ nhân là người Hàn Quốc và Đài Loan.
Theo các chuyên gia, kể từ 2003 bộ luật lao động sửa đổi bổ sung của Việt Nam không bắt buộc doanh nghiệp xây dựng qui chế thưởng.
Tiền thưởng của người lao động tại doanh nghiệp dựa trên cơ sở hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể mà hai bên thỏa thuận. Những người lao động trong các nhà máy dệt may, da giày, thủy sản sẽ có thể được chủ nhân thưởng tháng lương thứ 13, nhưng đây không phải là điều pháp luật bắt buộc.