30 năm ngày Trung Quốc rút khỏi Việt Nam

Ngày 17 tháng 3 năm nay đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày Trung Quốc rút lui khỏi chiến trường biên giới phía Bắc của Việt Nam.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009.03.19
Ngày 7 tháng 1, 1979 quân đội của Việt Nam tiến vào Phnom Penh Ngày 7 tháng 1, 1979 quân đội của Việt Nam tiến vào Phnom Penh giải phóng hoàn toàn Campuchia khỏi chế độ Khmer đỏ do Trung Quốc đỡ đầu
Photo courtesy Vietnamnet

Sự kiện này để lại những điều gì đáng suy ngẫm và Việt Nam rút ra được bài học gì? Mặc Lâm phỏng vấn cựu đại tá Bùi Tín, nguyên phó tổng biên tập của tờ Nhân Dân, tổng biên tập của tờ Nhân Dân Chủ Nhật, để biết thêm ý kiến của ông trước sự kiện này.
Mục đích của cuộc chiến tranh biên giới của Trung Quốc đánh vào biên giới phía Bắc của Việt Nam thì lúc bấy giờ người ta nghĩ rằng đây là một chiến tranh để đỡ đòn cho bọn Khmer đỏ
Ô. Bùi Tín

Trung Quốc muốn cứu Khmer đỏ?

Mặc Lâm :  Thưa ông, xim cám ơn ông đã nhận lời cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Hôm nay cũng là ngày kỷ kiệm đúng 30 năm Trung Quốc rút quân khỏi chiến trường Việt Nam. Ông có thể cho biết nguyên nhân nào mà cuộc chiến đã xảy ra?

Ông Bùi Tín : Mục đích của cuộc chiến tranh biên giới của Trung Quốc đánh vào biên giới phía Bắc của Việt Nam thì lúc bấy giờ người ta nghĩ rằng đây là một chiến tranh để đỡ đòn cho bọn Khmer đỏ, bởi vì chúng ta biết rằng cuối năm 1978 do những sách nhiễu (của Khmer Đỏ) dọc biên giới (Tây-Nam VN) suốt từ 1977-1978 thì đến tháng 12-1978 (vào dịp Noel) bộ đội Việt Nam bắt đầu xuất kích tấn công sang Cam Bốt đánh úp bọn Khmer Đỏ trong hơn 10 ngày. Do đó đến tháng 2-1979 thì Trung Quốc tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta để cứu Khmer Đỏ.

Mặc Lâm : Nhiều nhà quan sát cho rằng là sau khi rút quân khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã thiết lập những mục tiêu quân sự lâu dài trên phần đất Cambodia và cả các tỉnh dọc biên giới của Thái Lan nữa, sự thật việc này ra sao, thưa ông?

Sau khi thu quân thì Đặng Tiểu Bình đã biến Thái Lan thành một hậu phương rất vững mạnh cho Khmer Đỏ. Suốt cả 4 tỉnh biên giới Thái Lan trở thành hậu phương cho Khmer Đỏ với các doanh trại, trường học, bệnh viện, những đường vận chuyển lớn để  chuyển gần 1 triệu tấn vũ khí từ TQ vào Cam Bốt.

Ô. Bùi Tín

Ông Bùi Tín : Có thể nói là sau khi Đặng Tiều Bình thu quân thì cuộc chiến ở Cambodia vẫn tiếp tục và thậm chí càng ngày bộ đội Việt Nam bị sa lầy nặng hơn, và càng ngày Khmer Đỏ càng mạnh hơn về số lượng cũng như về trang bị.

 Đó là bởi vì sau khi thu quân thì Đặng Tiểu Bình đã biến Thái Lan thành một hậu phương rất vững mạnh cho Khmer Đỏ. Suốt cả 4 tỉnh biên giới Thái Lan trở thành hậu phương cho Khmer Đỏ với các doanh trại, trường học, bệnh viện, những đường vận chuyển lớn để vận chuyển gần 1 triệu tấn vũ khí từ Trung Quốc vào Cam Bốt.

Tấn công Việt Nam với 5 mục đích 

Mặc Lâm : Ngoài mục tiêu giúp Khmer Đỏ, còn những mục tiêu nào khác khiến Đặng Tiểu Bình không ngần ngại gây hấn với Việt Nam hay không?

Ông Bùi Tín : Đặng Tiểu Bình là một nhà chiến lược có tầm nhìn  rất sâu rộng và có một tinh thần rất quyết đoán. Mục đích của cuộc chíên tranh biên giới không phải chỉ là cứu Khmer Đỏ; cái mục tiêu đó có thể nói là Đặng Tiểu Bình cũng đã cứu Khmer Đỏ, giúp Khmer Đỏ sống sót đươc 10 năm sau, nhưng đồng thời Đặng Tiểu Bình cũng nuôi những mục tiêu khác nữa.

Trung Quốc tấn công 6 tỉnh biên giới để cứu Khmer Đỏ thì mục tiêu đó có thể nói là Đặng Tiểu Bình cũng đã thực hiện được một phần. Mục tiêu thứ hai của việc đánh Việt Nam là Đặng Tiểu Bình định dương vây với lại Mỹ, vì sau khi được vào Liên Hiệp Quốc, sau khi có quan hệ hữu hảo với Mỹ thì Đặng Tiểu Bình muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc có gan làm những việc lớn và làm những việc chưa từng dám làm trước nay là đánh người anh em cũ của mình bằng một cuộc chiến tranh rất mạnh mẽ.

Đặng Tiểu Bình là chứng minh cho Liên Xô biết rằng ta sẵn sàng đánh đồng minh của nhà ngươi đây. Chúng ta biết là Việt Nam với Liên Xô đã ký một hiệp ước đồng minh tương trợ vào tháng 11-1978, thì điều đó làm cho Trung Quốc tức giận,

Ô. Bùi Tín

Mục tiêu thứ ba của Đặng Tiểu Bình là chứng minh cho Liên Xô biết rằng ta sẵn sàng đánh đồng minh của nhà ngươi đây. Chúng ta biết là Việt Nam với Liên Xô đã ký một hiệp ước đồng minh tương trợ vào tháng 11-1978, thì điều đó làm cho Trung Quốc tức giận, cho nên Đặng Tiểu Bình đánh Miền Bắc VN chính là để doạ Liên Xô.

Mục tiêu rất quan trọng mà sau này càng ngày càng rõ, các nhà bình luận về Trung Quốc nêu lên thành ra mục tiêu số một, đấy là Đặng Tiểu Bình dùng cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam để thực hiện công cuộc hiện đại hoá quân sự. Sau này mình mới biết là Đặng Tiểu Bình đã phê bình Hứa Thế Hữu - viên tướng chỉ huy cuộc chiến biên giới - đã để cho quân đội Trung Quốc bị thương vong quá nặng.

Trong báo cáo của Hứa Thế Hữu có nêu rõ là quân đội Trung Quốc quá lạc hậu. Báo cáo của Hứa Thế Hữu cũng nêu rõ tình trạng của lục quân, của không quân, cũng như của hải quân Trung Quốc là quá ư lạc hậu. Cho nên Đặng Tiểu Bình dùng cái tổn thất ở Việt Nam làm bàn đạp để đòi hỏi tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng. Có thể dùng chữ là Đặng Tiểu Bình đã dùng một mũi tên để bắn liền 5 cái đích.

Trung Quốc không muốn có một nước Việt Nam mạnh ở phía Nam. Trung Quốc luôn luôn nuôi dưỡng một mưu đồ bành trướng xuống phía Nam.

Ô. Bùi Tín

Mặc Lâm : Trong cuộc chiến này Đặng Tiểu Bình luôn tuyên bố rằng là muốn dạy cho Việt Nam một bài học. Nguyên nhân nào khiến hai nước từ đồng minh thân thiết trở thành kẻ thù như vậy, thưa ông?

Ông Bùi Tín : Đặng Tiểu Bình vu cáo cho Việt Nam là vong ân bội nghĩa, là không biết ơn Trung Quốc, là ăn cháo đái bát, vân vân. Trước tình hình đó Việt Nam buộc phải gắn bó với Liên Xô chứ không phải vì gắn bó với Liên Xô mà Trung Quốc chống Việt Nam. Trung Quốc không muốn có một nước Việt Nam mạnh ở phía Nam. Trung Quốc luôn luôn nuôi dưỡng một mưu đồ bành trướng xuống phía Nam. Do đó cho nên Trung Quốc không muốn ở phía Nam có một nước Việt Nam thống nhất.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.