Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp VN sản xuất hàng xuất khẩu trên thị trường quốc tế

Năng lực cạnh tranh là sức mạnh của doanh nghiệp được thể hiện trên thương trường. Sự tồn tại và sức sống của một doanh nghiệp thể hiện trước hết ở năng lực cạnh tranh. Để từng bước vươn lên trong quá trình hội nhập, đồng thời vượt qua được giai đoạn suy thoái kinh tế thế giới các doanh nghiệp Việt Nam phải phấn đấu nâng cao khả năng cạnh tranh để tồn tại.

0:00 / 0:00

Quỳnh Như có cuộc trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy cả nước có trên 70 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ thực tế đang còn hoạt động. Quy mô vốn của các doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ tương đương với một tập đoàn đa quốc gia cỡ trung bình trên thế giới.

Các ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam là dệt may, da giày, đồ gỗ đều bộc lộ mặt yếu kém và dễ bị tổn thương khi thị trường thế giới biến động. Cuộc suy thoái kinh tế thế giới giáng một đòn mạnh vào những ngành này. Nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may, da giày, đồ gỗ Việt Nam từ các thị trường lớn đều giảm mạnh từ 30 cho đến 40%.

Ngay từ giữa năm ngoái số hợp đồng và giá gia công từ 3 thị trường chính là Hoa kỳ, Nhật bản, và Châu Âu liên tục giảm sút.

Còn nhiều yếu kém

Giả sử nền kinh tế thế giới không bị suy thoái, thì có lẽ Việt Nam sẽ chưa nhìn thấy những yếu kém trong lĩnh vực xuất khẩu này.

Khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam đối với nước ngoài là thương hiệu; và thương hiệu Việt Nam cũng chưa phải là một thương hiệu mạnh.

Ông Nguyễn Toàn Phúc, GĐ KD QT Cty Công ty cổ phần Kềm Nghĩa

Hiện nay, trên cả thị trường trong nước và quốc tế, sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế ngày càng gay gắt, khốc liệt. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn thấp. Nguyên nhân là do chưa có đủ thông tin về thị trường; quy mô nhỏ và vừa là chủ yếu; tiềm lực về tài chính, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, hầu như rất hạn chế; chi phí kinh doanh còn cao; năng lực và bộ máy quản lý điều hành chưa tốt.

Ngoài ra, khả năng liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, điều đó phần nào làm giảm bớt sức mạnh của cả cộng đồng doanh nghiệp. Điều này thể hiện rất rõ qua việc các doanh nghiệp nuôi cá da trơn Việt Nam gặp khó khăn khi muốn thâm nhập vào thị trường Hoa kỳ.

Do vậy, yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay không chỉ là vấn đề cần thiết mà còn là sự sống còn đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Dệt may đang là mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai sau dầu thô. Tuy nhiên, quy mô bé nhỏ và những hạn chế về điều kiện nhà xưởng của nhiều doanh nghiệp may có thể làm ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của ngành này.

Các chủ doanh nghiệp may cho biết, khách hàng Mỹ thường chỉ ký hợp đồng với những doanh nghiệp lớn, có xưởng sản xuất được thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khó khăn tạo cơ hội

Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn hàng dệt may Việt Nam đang là một trong những nguồn quan trọng đối với người tiêu dùng ở Hoa kỳ.

Bà Fawn Evenson, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May và Da Giày Mỹ từng nhận xét: "Hàng Việt Nam tốt, giá cả lại mềm. Đó là lý do các nhà nhập khẩu và bán lẻ Mỹ mong muốn được hợp tác với Việt Nam".

Nói về vấn đề cạnh tranh hiện nay thì Việt Nam không ngại cạnh tranh với các nước láng giềng; nhưng đối với sản phẩm của Trung quốc thì có tính cạnh tranh rất cao.

Cô Lê Ngọc Trang, GĐ Cty TNHH SX Thương Mại Quán Thành

Công ty cổ phần Kềm Nghĩa, một doanh nghiệp tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2,000 công nhân và hệ thống đại lý phân phối sản phẩm trên cả nước đã biết phát huy lợi thế về giá cả cạnh tranh để thâm nhập thị trường. Ông Nguyễn Toàn Phúc, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế của Công ty cho biết như sau:

“Khó khăn hiện nay tạo cơ hội cho khách hàng sử dụng thử sản phẩm của Công ty, nên doanh thu vẫn đạt cao.”

Nói về khó khăn trong vấn đề cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, ông Phúc giải thích thêm:

“Khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam đối với nước ngoài là thương hiệu; và thương hiệu Việt Nam cũng chưa phải là một thương hiệu mạnh.”

Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Quán Thành đã mở rộng chiến lược kinh doanh không chỉ nhắm vào các thị trường quốc tế mà cả quốc nội nữa. Giám đốc Lê Ngọc Trang nói:

“Nói về vấn đề cạnh tranh hiện nay thì Việt Nam không ngại cạnh tranh với các nước láng giềng; nhưng đối với sản phẩm của Trung quốc thì có tính cạnh tranh rất cao.”

Vấn đề xây dựng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam là một thách thức lớn trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Nếu không làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam không những chỉ thất bại trên “sân khách” mà còn gánh chịu những hậu quả tương tự ngay chính ở “sân nhà”.