Dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp

Dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp do Bộ Xây Dựng đưa ra vừa được chính phủ cho phép triển khai và có thể bắt đầu đi vào xây dựng trong thời gian tới. Dự án này cũng nằm trong khuôn khổ kích cầu của nhà nước trong gói giải pháp thứ hai vừa đưa ra.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009.04.19
chung-cu-phu-my-hung-305.jpg Các doanh nghiệp bất động sản chạy theo thị trường cao cấp cho những người có tiền, trong khi đó lại chưa quan tâm tới nhà giá thấp ở xã hội cho những người có thu nhập thấp.
AFP Photo/Hoang Dinh Nam

Giới kinh doanh bất động sản nghĩ gì về dự án này? Mặc Lâm phỏng vấn ông Lê Hoàng Châu, Chủ Tịch Hiệp Hội Bất Động Sản TP.HCM, để biết thêm chi tiết.

Mặc Lâm: Thưa ông, sau quyết định của thủ tướng chính phủ về việc nhà cho người thu nhập thấp thì với cương vị là Chủ Tịch Hiệp Hội Bất Động Sản TP.HCM, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Đối tượng

Ông Lê Hoàng Châu: Tôi cho rằng vừa rồi các doanh nghiệp bất động sản chạy theo thị trường cao cấp cho những người có tiền, trong khi đó lại chưa quan tâm tới nhà giá thấp ở xã hội cho những người nghèo, những người có thu nhập thấp. Tôi cho rằng thứ nhứt phải mở rộng đối tượng được thụ hưởng nhà giá thấp - nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội không chỉ có những người công chức, tư chức hay là công nhân ở các khu công nghiệp thì mới được hưởng tiêu chuẩn nhà ở xã hội, mà chúng tôi cho rằng với sự đóng góp của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thì những người nằm trong các doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, họ cũng xứng đáng được hưởng bình đẳng chuyện nhà ở xã hội này giống như các thành phần kinh tế trong khu vực của nhà nước. Chúng tôi cũng có đề nghị điều chỉnh về mặt đối tượng được thụ hưởng là mở rộng ra trong toàn xã hội. Thật sự với cái sức của nền kinh tế mình thì phải từ từ mới có thể giải quyết, nên chắc chắn là phải có cái thứ tự để xem xét người nào cấp bách thì giải quyết trước.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia 

Mặc Lâm: Trong cuộc họp lấy ý kiến doanh nghiệp vừa qua thì Hiệp Hội đã đưa ra những kiến nghị cụ thể gì, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Châu: Muốn làm được nhà ở xã hội thì đặc biệt chúng tôi có đề nghị loại nhà căn hộ nhỏ và căn hộ nhà giá rẻ, mà bây giờ thống nhứt dùng tên gọi là "nhà giá thấp", tôi cho rằng cần phải có một chính sách, một cơ chế mà nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia. Phải có một sự trợ giúp ở mức độ nào đó của nhà nước thông qua chính sách tạo quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng nhà giá thấp, rồi phải miễn tiền sử dụng đất. Chúng tôi đề nghị miễn thuế VAT, rồi miễn giảm tối đa mức thuế thu nhập doanh nghiệp khi doanh nghiệp tham gia vấn đề này.

Tôi cho rằng vừa rồi các doanh nghiệp bất động sản chạy theo thị trường cao cấp cho những người có tiền, trong khi đó lại chưa quan tâm tới nhà giá thấp ở xã hội cho những người nghèo, những người có thu nhập thấp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ Tịch Hiệp Hội Bất Động Sản TP.HCM

Mặc Lâm:Riêng về vấn đề vốn vay ngân hàng để thực hiện dự án thì Hiệp Hội có những đề nghị gì cụ thể?

Ông Lê Hoàng Châu: Tôi cho rằng nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý và trong đó kể cả nhà nước cũng phải có bù lãi suất giống như hiện nay đang thực hiện chương trình kích cầu đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Những doanh nghiệp nào tham gia chương trình nhà ở xã hội này, tức nhà giá thấp, thì nhà nước cũng nên có chính sách bù lãi suất. Đi đôi với chính sách đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình nhà ở xã hội - nhà ở giá thấp này thì chúng tôi cũng đề nghị có những hỗ trợ đối với ngân hàng và các tổ chức tín dụng khi mà người ta tham gia trực tiếp, tài trợ vốn cho các doanh nghiệp để thực hiện chương trình này, bởi vì các ngân hàng nếu dùng lãi suất huy động cao rồi bây giờ cho vay với lãi suất thấp thì ngân hàng nhà nước phải có chính sách hỗ trợ.

Mặc Lâm:Trong trường hợp người có nhu cầu mua nhà mà đồng lương của họ quá ít ỏi không cho phép họ bỏ ra được một số tiền thế chân tương đối lớn thì nhà nước sẽ có kế sách gì, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Châu: Chính sách tạo điều kiện cho người có nhu cầu mua nhà giá thấp được vay một khoản tín dụng dài hạn mà phải cỡ 20-25 năm để mua với lãi suất ưu đãi. Có như vậy mới tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp thì người ta mới có điều kiện để sở hữu một căn hộ.

Kế hoạch tham gia của Hiệp Hội Bất Động Sản TP.HCM

Mặc Lâm:Hiệp Hội Bất Động Sản TP.HCM đã có những kế hoạch nào tham gia dự án này?

Ông Lê Hoàng Châu: Chúng tôi đăng ký tham gia thực hiện chương trình này với quy mô ban đầu là 30 ngàn chỗ ở cho sinh viên trong các ký túc xá, mà trọng tâm là Đại Học Quốc Gia TP.HCM, như vậy nó tương đương với khoảng 20 bloc chung cư. Một bloc ký túc xá chứa được khoảng 1.500 chỗ ở cho sinh viên. Vậy 30 ngàn chỗ ở tương đương với 20 bloc ký túc xá. Chúng tôi đăng ký 30 ngàn chỗ ở cho công nhân trong khu lưu trú công nhân, thì quy mô cũng tương tự như ký túc xá.

Mặc Lâm: Riêng về căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp thì sao, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Châu: Chúng tôi có đăng ký 20 ngàn căn nhà ở xã hội. Căn nhà ở xã hội thì phải có những cơ chế - chính sách đặc biệt cho nó. Chúng tôi đăng ký là 30 ngàn căn hộ phục vụ tái định cư cho các công trình trọng điểm trên địa bàn TP.HCM bởi vì thành phố này có rất nhiều công trình công ích nhưng bây giờ phải giải tỏa nhà ở trên kinh rạch, rồi các khu lụp xụp, thì bây giờ mình phải có quỹ nhà ở tái định cư, thì chúng tôi đăng ký 30 ngàn căn hộ phục vụ các chương trình, các dự án trọng điểm này.

Tôi cho rằng nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý và trong đó kể cả nhà nước cũng phải có bù lãi suất giống như hiện nay đang thực hiện chương trình kích cầu đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ Tịch Hiệp Hội Bất Động Sản TP.HCM

Mặc Lâm:Ông vẫn nhắc đi nhắc lại là căn hộ dành cho người thu nhập thấp phải có diện tích phù hợp cho người mua. Tuy nhiên quy định của Bộ Xây Dựng cho tới nay vẫn chỉ cho phép tối thiểu là 70 mét vuông. Với quy định này ông thấy có phù hợp hay không?

Ông Lê Hoàng Châu: Bộ Xây Dựng mà cứ đặt ra chỉ tiêu đó thì chúng tôi cũng cho rằng quy mô căn hộ giá thấp này là tùy theo từng địa phương nên để cho từng địa phương người ta quyết định, bởi vì có những căn hộ 70 mét vuông nhưng nhà người ta có 10 người thì không thể ở trong căn hộ 70 mét vuông được. Mà nếu bán cho 2 căn thì lại là nhiều quá, mà nếu một căn 70 mét vuông thì không đủ. Cho nên nếu nhà mà đông người thì có lẽ căn hộ đó phải 80 hoặc 90 mét vuông.

Mặc Lâm:Bất cứ một dự án nào cũng có mặt trái của nó. Đối với chương trình nhà ở xã hội thì với kinh nghiệm của ông, điều gì khiến ông lo ngại nhất?

Ông Lê Hoàng Châu: Cái quan ngại của chúng tôi là tình trạng ổ chuột hóa trong các nhà cao tầng, bởi vì với căn hộ nhỏ thiết kế và quy hoạch để cho một hai ba người ở thôi, nhưng nếu người ta kéo vô đó ở sáu bảy hoặc mười người thì là ổ chuột liền. Cho nên cái đó cũng là một cái mà phải có sự quản lý sau dự án để bảo đảm cho căn hộ nhỏ này - nhà cho người thu nhập thấp, nhà giá thấp mà thực tế là một khu dân cư văn minh, đàng hoàng.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông Lê Hoàng Châu đã dành thời gian cho chúng tôi trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.