Tăng giá điện bao nhiêu là hợp lý?

Dư luận trong nước gần đây tỏ ra quan ngại trước thông tin sang năm 2011, giá điện có thể tăng tới 50%. Trong 3 năm qua, giá điện tại Việt Nam mỗi năm đều nhích lên gần 10%.

0:00 / 0:00

Theo đề nghị của Hiệp hội Năng lượng thì rồi đây, một một kw điện có thể lên tới 1.500 đồng, hiện giá đó chỉ vào khoảng trên một ngàn đồng. Mời quý vị theo dõi Đỗ Hiếu tổng hợp các tin tức có liên quan đến vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân Việt.

Tại sao tăng giá?

Mấy ổng lấy giá điện nước ngoài để so sánh với Việt Nam, nhưng lại quên là giá lương ở những nước đó cao hơn ở Việt Nam rất nhiều.

Ô. Nam, người dân lao động<br/>

Suốt tuần qua các báo đều tập trung nói nhiều về chuyện “đề xuất tăng giá điện”, “giá điện tăng vài trăm đồng thì đáng gì”, “tăng 5% giá điện cũng mất 6 tháng để tính toán, chưa nói gì đến tăng 50%”, “rất nhiều chuyên gia và người dân mạnh mẽ phản đối”, “Bộ Tài chánh và Công thương đều khẳng định, đề xuất này không khả thi, ảnh hưởng nhiều lên kinh tế và xã hội”, hay “kiến nghị về giá điện một cách tùy tiện, gây bức xúc không đáng trong dư luận, làm tổn hại hình ảnh của tập đoàn kinh tế nhà nước”, “phía đại diện cho giới tiêu dùng thì lại yêu cầu chánh phủ giảm giá điện.”

Khi được hỏi ý kiến về việc nhà nước có thể tăng giá điện 50% vào năm tới 2011, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế, tài chánh, từng cố vấn cho chánh phủ trong các dự án phát triển nguồn điện lực trong các dự án liên doanh với nước ngoài, nhấn mạnh:

“Tại sao giá điện tại Việt Nam phải tăng và tăng tới mức nào? Giá điện hiện bán ra hiện không đáp ứng được với giá sản xuất, tức là giá sản xuất cao hơn giá bán ra, lâu nay nhà nước vẫn bao cấp giá điện đối với rất đông người sử dụng. Giá điện rất thấp trong những bậc thang đầu tiên và nói chung giá điện không phù hợp với giá thành khi sản xuất, để các công ty điện cung cấp nguồn điện có thể sống được và phục vụ cho nền kinh tế. Nếu không giải quyết giá điện cho hợp lý, theo kinh tế thị trường, để có vốn tái đầu tư, thì Việt Nam không thể nào phát triển được. Nguồn điện rất cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế, đồng thời cũng cần mang lại lợi nhuận hợp lý cho ngành điện.”

Nếu không tăng giá điện thì hậu quả trước mắt sẽ ra sao? Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích như sau:

Công nhân Tổng công ty điện lực Việt Nam đang sửa chữa điện, ảnh chụp năm 2010. Photo courtesy of EVN.
Công nhân Tổng công ty điện lực Việt Nam đang sửa chữa điện, ảnh chụp năm 2010. Photo courtesy of EVN.

“Mỗi ngày sẽ bị cắt điện nơi này, nơi kia, vì hàng chục nhà máy điện hiện nay bị chậm tiến độ sản xuất, bên tổng công ty điện lực không huy động được vốn để tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm nhà máy điện, hàng chục nhà máy điện lớn mà các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký để kinh doanh, với số vốn hàng chục tỷ đô la, cũng sẽ không thể thực hiện được, nếu giá bán điện không đủ để giải quyết vấn đề giá sản xuất. Đây là vấn đề hệ trọng không chỉ cho cả nền kinh tế Việt Nam ngày nay, mà còn ảnh hưởng trong 5 hay 10 năm nữa, bởi vì khi xây dựng nhà máy điện thì cần phải có thời gian, từ bước nghiên cứu khả thi đến khi phát điện, phải mất ít nhất là 5 năm. Nếu không giải quyết được vấn đề giá điện bây giờ, thì trong những năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ bị đình trệ, không có cơ hội phát triển, đó là một vấn đề then chốt.”

Tăng bao nhiêu?

Ông nói lên ý kiến của mình về việc tăng giá điện như thế nào, cho hợp lý?

“Thật sự là nhà nước Việt Nam chưa nghiên cứu hết tất cả mọi khía cạnh của vấn đề tăng giá điện, việc này cần phải xem lại cho thật kỹ, có nhiều việc phải phân tích, tại sao tăng 50%? Con số này không chính xác, phải tính trong vòng 20 năm giá điện sẽ tăng bình quân bao nhiêu, mà nhà đầu tư có thể chấp nhận được, giá bao nhiêu thì nhân dân có thể chấp nhận được, cần nâng giá điện lên từ từ, cái đó đã có mô hình sẵn rồi. Nói tóm lại, cần phải nâng giá điện lên, nhưng mà theo đúng thời điểm nào, đạt được theo giá thị trường, từ đó chúng ta sẽ đi tiếp.”

Luôn nói là thiếu vốn, trong khi đó tổng công ty điện lực lại mang vốn sang làm ăn ở các ngành khác.

Ô. Nam, người dân lao động

Thông tin sắp tăng giá điện được giới tiêu thụ đón nhận ra sao, ông Nam, một người lao động, có thu nhập cố định phân trần:

“Dầu, điện, nước đều rắp ranh tăng giá hết, nhưng cở sở để tăng giá không thuyết phục được người dân. Vật giá hiện rất cao, giá trị đồng tiền liên tục bị lạm phát, mức lương vẫn nằm ở vị trí cố định của những người ăn lương nhà nước, hưởng lương cơ bản, thì không thể tăng được, vật giá luôn leo thang. Các ngành đều tăng giá với lý do là khi so sánh với các khu vực kinh doanh, thì mấy ông nhà nước lại lấy các nước như Singapore hay Thái Lan, có nền kinh tế phát triển, nên giá cả mới như vậy. Mấy ổng lấy giá điện bên đó để so sánh với Việt Nam, nhưng lại quên là giá lương ở những nước đó cao hơn ở Việt Nam rất nhiều. Khi so sánh giá điện như vậy là rõ ràng không thích hợp.”

Ông cũng nêu thắc mắc rằng, qua báo chí thì tổng công ty điện lực Việt Nam thay vì lo cung cấp nguồn điện cho người dân, thì lại bỏ tiền kinh doanh qua nhiều lãnh vực khác:

“Công ty này dùng tiền lập ngân hàng cho vay vốn, số vốn liếng đó được bung ra, từ đâu mà có, nếu rằng không đủ tiền để sản xuất điện, tại sao lại kinh doanh các mặt hàng khác như địa ốc, viễn thông, tài ngân. Luôn nói là thiếu vốn, trong khi đó tổng công ty điện lực lại mang vốn sang làm ăn ở các ngành khác.”

Dư luận tại Việt Nam rất khó hiểu khi nghe tin sang năm điện tăng giá gấp rưỡi, đồng thời cho rằng một khi ra quyết định tăng giá, nhà nước cần có giải trình khoa học, có trách nhiệm, chứng minh tính hợp lý, thực tế vì đó là những yếu tố sơ đẳng mà người dân cần và muốn biết.

Xin Đinh chính:

-Những lời trích trong bài nay là của ông Nam, một người dân lao động chứ không phải của ông Bùi Kiến Thành chuyên gia kinh tế, như đã đăng trước đây. Chúng tôi thành thật xin lỗi ông Bùi Kiến Thành.

RFA, ban Web.

Theo dòng thời sự: