Vai trò của nghiệp đoàn độc lập trong công cuộc đòi quyền lợi công nhân

RFA
2017.10.17
dinh cong Công nhân Công ty cổ phần đầu tư Hồng Uy đình công đòi quyền lợi ngày 31.8.2017
Courtesy of thanhnien.vn

Nhiều cuộc đình công với qui mô từ hàng trăm đến hàng ngàn công nhân ở Việt Nam trong hai tháng vừa qua với mục đích đòi quyền lợi thoả đáng cho người làm việc được báo chí trong nước loan tin khá chi tiết về nguyên nhân, diễn biến và kết quả.

Hướng dẫn “ngầm” của nghiệp đoàn độc lập

Chỉ trong hai tháng 9 và 10 đã xảy ra bốn cuộc đình công của công nhân, trong đó có ba vụ diễn ra ở miền Trung và một vụ ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Đó là công nhân của Công ty cổ phần đầu tư Hồng Uy đóng tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá; công nhân Công ty TNHH dệt may U World Sports Việt Nam đóng tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam; công nhân của Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành đóng tại xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và công nhân Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam tại huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tường thuật của báo chí trong nước cho thấy những vụ đình công này có những điểm khá tương đồng, về mục đích, hình thức diễn ra sự việc và kết quả. Hàng trăm ngàn công nhân của các nhà máy, xí nghiệp thực hiện việc đình công với mục đích đòi hỏi quyền lợi mà theo họ là chính đáng và đã có thoả thuận giữa ban giám đốc và người làm việc. Cũng có những nơi công nhân bức xúc vì những “quy định vô lý như “trường hợp nhà có người chết, tai nạn, ốm đau phải báo trước 3 ngày mới được nghỉ” (trường hợp công nhân của Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành).

Cách thức diễn ra các vụ đình công qua ghi nhận của báo trong nước cho thấy đó là các công nhân đồng loạt ngưng tiến độ công việc và cùng tập trung ra trước hoặc sân, hoặc bãi đậu xe của nhà máy cho đến khi có những buổi đối thoại với lãnh đạo công ty.

Trả lời RFA tối thứ Ba, ngày 17 tháng 10, ông Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập của Phong trào Lao Động Việt cho biết đó là những đòi hỏi quyền lợi chính đáng theo đúng pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, ông Đoàn Huy Chương cho biết những cuộc đình công này được “sự hướng dẫn của những người hiện nay còn giấu mặt”.

“Chính quyền không thể đàn áp được vì thứ nhất là đình công trong 1 cách ôn hoà, không lấy đồ đạc, không gây thương tích, không làm ảnh hưởng hoặc không làm mất tài sản của công ty thì họ không có cớ gì để đánh đập hay bắt bớ những người đình công đó được.”

Chính quyền không thể đàn áp được vì thứ nhất là đình công trong 1 cách ôn hoà, không lấy đồ đạc, không gây thương tích, không làm ảnh hưởng hoặc không làm mất tài sản của công ty thì họ không có cớ gì để đánh đập hay bắt bớ những người đình công đó được. - Đoàn Huy Chương

Nói rõ thêm về vai trò những “người dấu mặt” đã “hiện diện” trong các cuộc đình công, ông Đoàn Huy Chương cho biết :

“Những anh em trong nghiệp đoàn độc lập hướng dẫn cho những người đình công về các quyền lợi và luật để họ hiểu rằng đình công như thế nào để tránh sự đàn áp của chính quyền địa phương.”

Liên quan đến luật và quyền lợi, RFA đặt vấn đề với Thạc sĩ Luật Hoàng Việt, từ Sài Gòn, ông cho biết Bộ Luật Lao động của Việt Nam đã qua rất nhiều thời kỳ thay đổi và hiện tại là Bộ Luật 2012 với những điều lệ ông cho là khá tiến bộ. Tuy nhiên chỉ có một vấn đề duy nhất liên quan đến quyền đình công và các thủ tục đình công của công nhân.

“Cho đến nay ở Việt Nam chỉ có 1 tổ chức duy nhất là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và dưới nó là các công đoàn được thành lập ở các công ty nhà máy xí nghiệp.

Trong Luật Lao động Việt Nam qui định là một cuộc đình công của công nhân phải do các công đoàn lãnh đạo thì mới được xem là hợp pháp.

Mà bắt đầu từ khi thành lập công đoàn cho đến bây giờ dường như là chưa có vụ người công nhân bị bóc lột nào mà công đoàn đứng ra để tổ chức đình công cả.”

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, có hai lý do cho điều này mà Việt Nam còn hạn chế, thứ nhất là do luật, thứ hai là do thực thi pháp luật.

Điều quan trọng hơn, theo nhận định của ông Hoàng Việt, “công đoàn không phải là đại diện cho giới lao động nhiều mà đại diện cho giới chủ nhiều hơn”.

Mà bắt đầu từ khi thành lập công đoàn cho đến bây giờ dường như là chưa có vụ người công nhân bị bóc lột nào mà công đoàn đứng ra để tổ chức đình công cả. - TS Hoàng Việt

Đồng ý với nhận định của Thạc sĩ Hoàng Việt, ông Đoàn Huy Chương đưa ra ý kiến về vai trò khác nhau của công đoàn nhà nước và nghiệp đoàn độc lập.

“Công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi cho người lao động một cách chính đáng và dùng hết tâm huyết của mình để làm việc có lợi nhất cho người lao động.

Còn công đoàn nhà nước thì tuy rằng họ hưởng lương của công nhân, thêm vào đó họ hưởng lương của nhà nước vì công đoàn này do Đảng Cộng Sản lập ra, nên mọi việc họ đều theo sự hướng dẫn của Đảng Cộng sản, không bảo vệ người lao động.”

Thành công một nửa

Trở lại với những cuộc đình công lớn gần đây ở các tỉnh miền Trung cho thấy, bằng hình thức ngưng việc, chính những người công nhân đã đứng lên đòi quyền lợi chính đáng như đề nghị công ty tăng lương cơ bản cho phù hợp mức sống hiện tại; khi công nhân nghỉ ốm đau, có việc quan trọng đột xuất thì không bị trừ tiền chuyên cần; không quá ép sản lượng đối với công nhân; đảm bảo chế độ thai sản đầy đủ cho nữ công nhân...

Hoặc bắt buộc nhà máy, công ty phải chấm dứt những quy định như công nhân không được mang nhiều nước, thức ăn vào chỗ làm; những phụ nữ có thai cũng không được mang sữa vào để uống dặm, các nữ công nhân không được mặc áo khoác chống nắng để vào chỗ làm…

Tôi hy vọng trong tương lai với sự phát triển của xã hội dân sự thì những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn đúng nghĩa là xã hội dân sự bảo vệ quyền lợi của người công dân sẽ được chấp thuận và được hoạt động ở Việt Nam. Điều đó sẽ dẫn đến việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động tốt hơn. Cái này thì nhà nước Việt Nam cũng sẽ có lợi thôi. - TS Hoàng Việt

Những đòi hỏi này, theo ông Chương, tuy không được đáp ứng hoàn toàn, nhưng các nhà máy đã chấp nhận khoảng 50%.

“ Những nghiệp đoàn độc lập luôn luôn theo sát họ và luôn luôn hướng dẫn cho những người công nhân biết những gì nên đòi và những gì không nên đòi.

Đó tạm gọi là sự thành công của người công nhân.”

Bước kế tiếp?

Khi nói về những hoạt động nhằm để truyền tải cho người công nhân nhiều hơn nữa nhận thức về quyền lợi cho chính họ, ông Đoàn Huy Chương chia sẻ với RFA những kế hoạch trong tương lai.

“Sắp tới đây những công đoàn độc lập sẽ hướng dẫn cho người công nhân hiểu về cách đình công và đòi hỏi những quyền lợi của mình 1 cách hiệu quả, hướng dẫn cho họ những luật, chỉ dẫn cho họ luật quốc tế và những gì Việt Nam đã ký kết với quốc tế.”

Thạc sĩ Hoàng Việt đưa ra nhận định dựa trên khái niệm khá tổng quát về tổ chức xã hội dân sự, mà theo ông là một cách hiểu khác của nghiệp đoàn độc lập.

“Ở Việt Nam hiện giờ chưa có đủ điều kiện để phát triển. Tôi hy vọng trong tương lai với sự phát triển của xã hội dân sự thì những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn đúng nghĩa là xã hội dân sự bảo vệ quyền lợi của người công dân sẽ được chấp thuận và được hoạt động ở Việt Nam. Điều đó sẽ dẫn đến việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động tốt hơn. Cái này thì nhà nước Việt Nam cũng sẽ có lợi thôi.”

Chia sẻ này khá tương đồng với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, trong một lần đề cập đến nghiệp đoàn độc lập với RFA, ông có ý kiến khá tích cực về tương lai của các nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam: “Bởi vì một nghiệp đoàn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đấy cũng là một điều mà Việt Nam mong muốn.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.