Trung Quốc sẽ xây nhà máy điện hạt nhân gần Việt Nam

Mới đây Trung Quốc thông báo một dự án nhà máy điện hạt nhân của họ sẽ được xây dựng tại Phòng Thành thuộc tỉnh Quảng Tây chỉ cách thị xã Móng Cáy tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam khoảng 60 Km.
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010.07.24

Ảnh hưởng môi trường

Giới trí thức trong nước quan ngại rằng khi nhà máy này đi vào hoạt động sẽ gây những mối nguy hại cho Việt Nam nhất là về môi trường. Mặc Lâm phỏng vấn GSTS Phạm Duy Hiển, nguyên giám đốc Viện Nguyên Tử Việt Nam để biết thêm chi tiết về vấn đề này.

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, được biết Giáo Sư rất quan tâm đến dự án nhà máy điện hạt nhân sắp được xây dựng tại tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc và mối quan ngại của ông chú tâm vào con đường mà phóng xạ có thể theo vào Việt Nam qua các cơn gió mùa Đông-Bắc. Xin giáo sư nói rõ hơn về nhận định này của ông.

GSTS Phạm Duy Hiển: Đường đi của các khối khí từ phía Bắc về phía Nam vào mùa đông thì đi ngang qua chỗ Phòng Thành tức là chỗ người ta chuẩn bị khởi công nhà máy điện hạt nhân ở đấy, thì thấy rằng về mùa đông phần lớn khí phóng xạ đấy đi về phía Việt Nam hơn là đi về phía nội địa của Trung Quốc.

Vì vậy cho nên có thể nói rằng với nhà máy điện hạt nhân ở chỗ đấy, nếu mà xét tác động đến môi trường về lâu về dài thì Miền Bắc Việt Nam, nhất là vùng ven Vịnh Bắc Bộ, có khi bị ảnh hưởng nhiều hơn là lục địa của Trung Quốc. Trên thực tế nếu như nhà máy chạy một cách bình thường hoặc là chạy tốt thì có thể không đáng lo ngại lắm, mặc dầu Móng Cái của ta hoặc Quảng Ninh cũng rất là gần đó.

Bây giờ chưa ảnh hưởng gì nhưng vài chục năm sau một khi mà Trung Quốc đã triển khai toàn bộ hệ thống nhà máy điện hạt nhân đó ở gần đất chúng ta thì ảnh hưởng đến đối tượng môi trường dứt khoát là sẽ có.

GSTS Phạm Duy Hiển

Mặc Lâm: Xin Giáo Sư cho biết liệu khi nhà máy hoạt động tốt đi chăng nữa thì những ảnh hưởng phóng xạ của nó có thể di hại cho những thế hệ sau này hay không?

GSTS Phạm Duy Hiển: Mức độ, lượng của nó như thế nào thì còn phải tùy theo từng trường hợp và tùy theo mức độ tác hại của nhà máy đó.

Trên thực tế thì máy móc, thiết bị hiện nay khó phát hiện ra được các chất phóng xạ đấy ở trong một số đối tượng môi trường, nhất là nếu như nhà máy chạy trong một thời gian dài, còn người dân thì có thể không bị ảnh hưởng gì ngay nhiều đâu.

Bây giờ chưa ảnh hưởng gì nhưng vài chục năm sau một khi mà Trung Quốc đã triển khai toàn bộ hệ thống nhà máy điện hạt nhân đó ở gần đất chúng ta thì ảnh hưởng đến đối tượng môi trường dứt khoát là sẽ có.

Mặc Lâm: Nhà máy này cách xa 60 cây số và qua nhiều rặng núi như vậy mà vẫn còn bị cho là nguy hại vậy thì khi nhà máy Phan Rang xây dựng xong thì cả Miền Trung của Việt Nam sẽ ra sao thưa Giáo Sư?

GSTS Phạm Duy Hiển: Nhà máy ở Phan Rang, những vùng ở phía Nam Phan Rang cho tới TP.HCM thì nó cũng đại loại như vậy, cũng ở trong bối cảnh như thế, cho nên rằng nếu nhà máy chạy tốt thì không có vấn đề gì.

Chỉ có vấn đề lâu dài, có thể vài chục năm, Trung Quốc không phải chỉ xây có nhà máy đó đâu mà sẽ xây hàng loạt hàng chục nhà máy, thậm chí năm sáu chục nhà máy trong vài thập kỷ sắp đến, tập trung chủ yếu ở vùng phía Nam, đặc biệt là tỉnh Quảng Đông. Ở đấy là đầu nguồn gió mùa Đông-Bắc thường mang khí lạnh đến Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 3 - tháng 4, vì vậy cho nên về lâu về dài với hàng chục nhà máy như thế thì nó sẽ để lại các chất phóng xạ trên rất nhiều đối tượng môi trường ở Việt Nam.

Khách tham quan đang xem mô hình trạm Rosenergoatom của Tập đoàn điện hạt nhân của Nga tại cuộc triển lãm về điện hạt nhân đang được tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng năm 2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Khách tham quan đang xem mô hình trạm Rosenergoatom của Tập đoàn điện hạt nhân của Nga tại cuộc triển lãm về điện hạt nhân đang được tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng năm 2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Mặc Lâm: Xin Giáo Sư cho biết những tác hại cụ thể mà một nhà máy điện hạt nhân gây ra như thế nào cho môi trường?

GSTS Phạm Duy Hiển: Nó ảnh hưởng đến chất lượng của nhiều đối tượng môi trường. Trước hết là đến các chuỗi thức ăn của con người và động vật bởi vì nó sẽ lắng xuống biển, lắng xuống các trầm tích, lắng xuống các cái gọi là phù du ở dưới biển Vịnh Bắc Bộ, và nó sẽ vào cây cỏ, lúa gạo, vân vân. Tất cả những cái đó cuối cùng rồi cũng theo các chuỗi thức ăn mà vào con người.

Và việc đấy tôi lường trước chắc là trong vòng vài chục năm thì thế nào cũng thấy rõ ảnh hưởng đó. Mức độ là bao nhiêu, di hại đến mức nào, cái đấy còn phải xem xét, còn phải tính toán, nhưng mà dứt khoát là có, và bởi vì như thế cho nên trên thế giới người ta cũng quan tâm đến vấn đề này.

Những nước người ta xây dựng các nhà máy điện hạt nhân chưa dày đặc như mức độ của Trung Quốc đâu thì người ta cũng phải lo quan trắc môi trường, lo tất cả các chuyện đó nó ảnh hưởng như thế nào, diễn biến như thế nào, và nó có tăng lên hay là không, vân vân, những cái đó là việc phải làm.

Việt Nam cần phải làm gì

Mặc Lâm: Giáo Sư từng nói là Việt Nam cần phải xây dựng một hệ thống ứng phó khẩn cấp quốc gia cũng như hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường, tuy nhiên trong hoàn cảnh khoa học kỹ thuật còn yếu kém như hiện nay của ta thì làm sao Việt Nam thực hiện được những yêu cầu này?

GSTS Phạm Duy Hiển: Như tôi vẫn nói nhiều lần thì vấn đề là ý thức của những người có trách nhiệm. Ý thức, nếu mà cứ chủ quan, cứ nghe theo một số các công ty nước ngoài, nghe theo một số quan chức mà họ không hiểu lắm về điện hạt nhân, họ cứ nói an toàn tuyệt đối, nếu mà như thế thì cái đó mới là cái nguy, còn thực ra khả năng của ta hiện nay thì cũng không đến mức là nếu như mà động viên ra thì cũng có thể làm được những việc đó.

Vấn đề là ý thức của những người có trách nhiệm, họ có thấy rằng việc này là việc rất cần thiết và không nên đi nghe một số người là điện hạt nhân tuyệt đối an toàn rồi ngồi yên đấy, không chịu làm gì cả.

GSTS Phạm Duy Hiển

Cả hai việc, việc thứ nhất là có chuẩn bị cho những tình trạng khẩn cấp, bởi vì cái này theo luật hạt nhân là quy định như vậy rồi, không thể khác được; cái thứ hai là xây dựng hệ thống quan trắc để mà quan sát một cách rất chính xác và khoa học, thì cái đó ta cũng có khả năng làm được, chớ không phải là không.

Vấn đề là ý thức của những người có trách nhiệm, họ có thấy rằng việc này là việc rất cần thiết và không nên đi nghe một số người là điện hạt nhân tuyệt đối an toàn rồi ngồi yên đấy, không chịu làm gì cả. Thì cái đó là cái nguy hiểm, chớ không phải nguy hiểm ở cái chỗ là ta không đủ lực lượng làm việc này.

Mặc Lâm: Giáo Sư cũng đưa ý kiến là cần sự hợp tác với Trung Quốc để tránh tình trạng xấu khi mà nhà máy điện gây ra; Nhưng thưa Giáo Sư, Việt Nam đã có quá nhiều kinh nghiệm với họ từ việc phân cắm cọc biên giới cho tới tranh chấp biển và hải đảo, vân vân. Trong hoàn cảnh như vậy làm sao họ có thể hợp tác với Việt Nam một cách thiện chí trong khi Trung Quốc đang là nước đói năng lượng nhất trên thế giới hiện nay, thưa ông?

GSTS Phạm Duy Hiển: Tôi nghĩ đây là một việc khoa học mà những nhà khoa học và những nhà công nghệ Trung Quốc họ thừa hiểu việc đấy. Đã có các hiệp định quốc tế rồi! Cái thứ hai là họ thừa hiểu rằng khi mà nhà máy hạt nhân hoạt động thì có thể xảy ra chuyện này chuyện khác, trong bình thường cũng như khi có sự cố, vì vậy tôi tin rằng tiếng nói của tôi là tiếng nói của nhà khoa học và tôi cũng tin là phía Trung Quốc cũng có các nhà khoa học họ thấy việc đấy mà việc đấy là bình thường.

Khách tham quan đang xem mô hình lò phản ứng hạt nhân của công ty điện Đông Phương, Trung Quốc tại cuộc triển lãm về điện hạt nhân đang được tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng 5 năm 2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Khách tham quan đang xem mô hình lò phản ứng hạt nhân của công ty điện Đông Phương, Trung Quốc tại cuộc triển lãm về điện hạt nhân đang được tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng 5 năm 2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Còn bây giờ nói các chuyện cũ như những chuyện mà lâu nay ta vẫn nói: chuyện biên giới đất đai, Hoàng Sa - Trường Sa, vân vân, những chuyện đấy đôi khi người ta có thể nghĩ rằng là họ có thể cãi nhau, nhưng đây là việc nó sờ sờ ra như vậy, chả có vấn đề gì mà khúc mắc trong chuyện này cả, do đó cho nên rằng là phải ngồi bàn.

Khi mà đề ra luật về vấn đề là trong luật có nói tới chuyện đất nước xây dựng những hệ thống để đối phó với những trường hợp khẩn cấp thì cái đó trong luật có đề ra. Khi mà xây dựng luật đấy thì nhiều người xây dựng luật hoặc là khi thông qua quốc hội có khi người ta không nghĩ rằng đấy là việc làm của mình để mà đối phó với mình. Nhưng thực ra bây giờ là mình đối phó với những tác động từ bên ngoài cũng cần phải có những việc đấy. Và những nhà khoa học Trung Quốc người ta hiểu rất rõ việc đấy. Tôi tin là như vậy.

Do đó cho nên tôi nghĩ rằng vấn đề trên một cơ sở rất thành thật, tôn trọng lẫn nhau, hoàn toàn có thể ngồi lại với nhau. Tôi nói ngay việc quan trắc chất phóng xạ môi trường ở vùng Vịnh Bắc Bộ và vùng chung quanh đó, việc đấy chính thiết thân với Trung Quốc, bởi vì một nước tổ chức ra các nhà máy điện hạt nhân, xây dựng nó lên, thì ai cũng phải quan tâm đến việc chiều kích của nó, tác động của nó đến môi trường. Cái tác động đến môi trường trong trường hợp này cốt yếu nhất là vùng ven bờ Vịnh Bắc Bộ, phải khảo sát cái vùng đấy. Cho nên có thể đặt vấn đề ra với Trung Quốc là hai bên hợp tác với nhau làm việc này, thậm chí là Trung Quốc có thể giúp Việt Nam trong một số các phương tiện thiết bị nào đó, vân vân, thí dụ những chuyện như vậy là có thể đặt ra được. Nếu mà tôi là nhà khoa học Trung Quốc, tôi sẵn sàng làm việc đấy.

Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo Sư đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt ngày hôm nay.

GSTS Phạm Duy Hiển: Vâng. Cảm ơn anh.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.