Bão Ketsana vừa qua và để lại nhiều thiệt hại

Sau khi quét qua Philippines, gây thiệt mạng hơn 200 người và làm khoảng 450.000 người trở thành vô gia cư, bão Ketsana tiếp tục đổ vào Việt Nam và gây ra một số thiệt hại cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

0:00 / 0:00

Trân Văn cập nhập diễn tiến mới nhất liên quan đến ba Ketsana – trận bão thứ chín trong năm nay ở Việt Nam...

Nhiều người chết, bị thương

Theo một vài thống kê sơ bộ, được loan tải trên báo chí Việt Nam, bão Ketsana – trận bão thứ 9 trong năm nay ở Việt Nam đã để lại một số hậu quả ở Bình Định: 5 người chết, một người mất tích, 12 người bị thương.

Gió bão còn làm sập khoảng 100 căn nhà, gây hư hỏng khoảng 2.200 căn nhà khác, cùng nhiều trường học. Làm hư hại hàng chục ngàn héc ta lúa, hoa màu.

Tại Quảng Ngãi, mưa bão làm hai người chết, 12 người bị thương, làm chìm 11 tàu, trong đó có một tàu vận tải, trọng tải 1.500 tấn.

Gió lớn tới mức hất văng và lật ngửa một xe hơi. Ở đảo Lý Sơn, gió bão đã làm hàng ngàn căn nhà, phòng làm việc của trụ sở xã, chợ bị tốc mái.

Ở Quảng Nam, đã có ba người dân thiệt mạng. Điều đáng lo là nước sông ở các huyện phía Bắc Quảng Nam đang dâng cao, khiến nhiều hồ chứa nước, đập thủy điện, uy hiếp khu vực hạ lưu.

Tại Đà Nẵng, mưa bão đã làm hai người chết, 9 tàu và thuyền ở các quận Liên Chiểu, Sơn Trà bị vỡ, chìm. Lũ lớn đang cô lập 600 gia đình ở khu vực này với bên ngoài. Đồng thời. gió mạnh, sóng lớn đe dọa gây xói lở tại khu vực huyện Hoà Vang.

Còn ở Thừa Thiên – Huế, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch tỉnh cho biết, mưa bão đã làm 2 người chết, 3 người bị thương. Lụt nặng khiến huyện Phú Vang bị chia cắt hoàn toàn với thành phố Huế. Nhiều xã tại huyện Phú Lộc bị cô lập. Toàn bộ các làng, xóm ven cửa biển Tư Hiền bị chìm trong mực nước khoảng hơn 1 mét.

Ngược lên Tây Nguyên, tại Lâm Đồng, bão số 9 đã làm một người chết, 8 người bị thương. Ở Đắk Lắk, toàn bộ huyện Ma D’rak bị mất điện vì một số trụ điện trung thế bị gãy, khoảng 500 căn nhà mất mái, khá nhiều trường học, công sở bị hư hại.

Khoảng 500 héc ta lúa, 500 héc ta ngô và 1.000 héc ta mía mất trắng. Tỉnh Kon Tum dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về thiệt hại nhân mạng: 12 người chết, một người mất tích...

Đó là những số liệu thống kê và thông tin được báo chí Việt Nam ghi nhận cho đến trưa và chiều ngày 29 tháng 9.

Đến bây giờ thì bão giảm dần về cấp gió. Bây giờ còn cấp 6, cấp 7, trời bằt đầu tạnh mưa nhưng nước sông Thu Bồn, do triều cường từ bão nên mực nước trên báo động 3 và dự kiến từ đêm nay đến sáng mai thì sẽ lên trên nửa mét nước nữa so với mức báo động 3.

Ô. Lê Văn Giảng

Bão tan, lo lụt…

Cách nay hai tiếng, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, thuộc tỉnh Quảng Nam, thông báo với Đài Á Châu Tự Do diễn tiến mới nhất của bão Ketsana:

"Đến bây giờ thì bão giảm dần về cấp gió. Bây giờ còn cấp 6, cấp 7, trời bằt đầu tạnh mưa nhưng nước sông Thu Bồn, do triều cường từ bão nên mực nước trên báo động 3 và dự kiến từ đêm nay đến sáng mai thì sẽ lên trên nửa mét nước nữa so với mức báo động 3. Như vậy là thành phố Hội An vừa phải giải quyết hậu quả của bão, vừa phải ứng phó với lụt.

Đến giờ phút này thì chưa có người nào thiệt mạng, nhà cửa thì tốc mái một ít nhưng cây cối gãy đổ và các đường dây diện hạ thế, trung thế, cao thế bị hỏng nhiều. Lụt thì phải tiếp tục theo dõi và giảm thiểu thiệt hại thôi.”

Khi được đề nghị so sánh bão Ketsana – còn gọi là bão số 9 với bão Xangsane, ông Giảng cho biết:

"Cách nay hai năm, bão Xangsane gây thiệt hại lớn hơn so với bão số 9 này nhưng mà trong dự báo của các cơ quan chức năng thì người ta bảo là cường độ của nó mạnh hơn Xangsane nhưng thực tế, đến giờ phút này thì nó không bằng Xangsane về tốc độ, về cấp gió.

Song nó có vài điểm đặc biệt là diện rộng, thứ hai là kéo dài cả đêm hôm qua, ngày hôm nay và đến giờ vẫn còn gió, thứ ba là nó mang theo mưa lớn cho nên nó kết hợp giữa bão và lũ.

Hết bão rồi, chỉ còn bị gió thôi. Gió và mưa. Gió nhiều cho nên mưa cũng ít. Cây cối thì trước đó người ta đốn chặt hết. Những cậy chưa đốn thì ngã hết rồi! Nhà ai yếu yếu thì bay còn nhà kiên cố thì vẫn còn.

Chị Thái Thị Hồng Mai

Đó là một số đặc điểm của bão số 9 so với Xangsane chứ sự tàn phá thì không bằng. Khi vào đất liền nó khoảng cấp 10, 11 thôi. Người ta báo là 12, 13, giật 14, 15 nhưng thực tế không có. Nó vào rồi nó dịu lần.”

Đó là tình hình tại Quảng Nam, còn tình hình Đà Nẵng – khu vực cũng được xem là nơi tâm bão số 9 đi qua thì sao? Chị Thái Thị Hồng Mai, ngụ ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho biết:

“Hết bão rồi, chỉ còn bị gió thôi. Gió và mưa. Gió nhiều cho nên mưa cũng ít. Cây cối thì trước đó người ta đốn chặt hết. Những cậy chưa đốn thì ngã hết rồi! Nhà ai yếu yếu thì bay còn nhà kiên cố thì vẫn còn.”

Tương tự, bà Võ Thị Thịnh, ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết diễn biến mới nhất liên quan đến bão số 9:

"Hai ngày rồi mưa, gió. Mưa, gió hai ngày, hai đêm nên hư hại nhiều. Nhà bị tốc mái nhiều lắm. Giờ thì trời lại nồm nên có mưa và vẫn còn gió!"